Xâm nhập đường dây “chạy” bảo lãnh hồi gia - Bài 2: Phá án

Toàn bộ tài liệu, chứng cứ về các đối tượng liên quan được chuyển đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45 - Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công an). Sau khi tiếp nhận, đại tá Nguyễn Tri Phương, Phó Cục trưởng C45, trực tiếp chỉ đạo các trinh sát, điều tra viên của phòng 4 và 9 vào cuộc sát cánh cùng PV Báo SGGP phá án.

Xâm nhập đường dây “chạy” bảo lãnh hồi gia - Bài 2: Phá án ảnh 1
Dương Hữu Thành đang ký vào biên bản lời khai tại C45. 

“Tiền đâu phải mình anh ăn”

Theo điều tra của PV, khuya 16-11, một nhóm thanh niên liên quan đến vụ đánh nhau ở khu vực công viên Phú Lâm (phường 13, quận 6, TPHCM) được công an phường mời về trụ sở làm việc. Trong đó, chị Nguyễn Thị Thúy H. (SN 1993, thường trú tỉnh Đắc Lắc, đang làm công nhân tại quận Bình Tân), không xuất trình được giấy tờ tùy thân và không chứng minh được nơi tạm trú hiện tại nên cơ quan chức năng chuyển chị H. đến Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM (gọi tắt là Trung tâm).

Gia đình không hỏi han, chỉ có một người bạn đang làm thuê ở quận 6 là Trần Văn P. (SN 1990, thường trú quận Thủ Đức; chỗ ở huyện Bình Chánh, TPHCM) qua lại thăm nuôi. Thường xuyên lên thăm H., P. nghe những người đi thăm nuôi xì xào bàn tán và biết được có một đường dây chuyên “chạy” bảo lãnh hồi gia cho các trại viên, đầu mối là quán cà phê K.K.

Trưa 25-11, P. ghé quán cà phê K.K. Vẻ mặt đăm chiêu cũng như lời than thở của P. về chuyện chưa biết tìm cách gì lo lót cho H. không qua khỏi mắt Cường. Thấy Cường để ý đến mình, P. đánh bạo đặt thẳng vấn đề: Có nhỏ H. bị gom vào Trung tâm từ mấy bữa nay, không biết có cách nào cho nhỏ ra, anh giúp em với! Gia đình nhỏ không chịu xuống TPHCM làm thủ tục bảo lãnh, giờ chỉ có một mình em, mà em cũng… không có giấy tờ gì! Sau cuộc điện thoại của Cường, một thanh niên ngoài 20 tuổi, gầy gò xuất hiện, tự xưng là Tâm, cán bộ Trung tâm.

Xâm nhập đường dây “chạy” bảo lãnh hồi gia - Bài 2: Phá án ảnh 2

Nguyễn Thanh Tâm, bảo vệ Trung tâm hỗ trợ xã hội TPHCM, bị bắt quả tang cùng tang vật, đang được lập biên bản tại Công an phường 12 quận Bình Thạnh.

Nắm bắt xong “đơn đặt hàng”, Tâm “kêu” giá 15 triệu đồng; còn nếu giấy tờ có gì trục trặc (không đủ giấy tờ bảo lãnh - PV) thì phải chi thêm 6 triệu đồng nữa. Tâm cho P. số điện thoại 01203671… để liên lạc.

Theo điều tra của chúng tôi, Tâm là bảo vệ Trung tâm và là người thường xuyên móc nối, tiếp cận trại viên, gợi ý và đưa điện thoại cho trại viên gọi điện cho người nhà để chi tiền.

Sáng 26-11, Tâm điện thoại cho P. yêu cầu đặt cọc 3 triệu đồng để có chi phí tác động “binh” hồ sơ của H. ở lại Trung tâm, không cho chuyển đi các trung tâm khác ở các tỉnh. Số tiền còn lại sẽ đưa nốt khi Tâm yêu cầu. Buổi trưa, P. trở lại quán cà phê K.K., mang theo 3 triệu đồng đặt cọc. Sau khi nhận tiền tại quán, Tâm chia lại cho Cường (quán cà phê K.K.) 3 tờ không rõ mệnh giá.

Chiều cùng ngày, Tâm báo cho P. biết hồ sơ đã được để lại. Sau đó, Tâm khuyên P. nên đưa hết số tiền còn lại là 14 triệu đồng cho Tâm (tăng thêm 2 triệu đồng so với ban đầu, theo giải thích của Tâm là để làm CMND và KT3 giả cho P. - PV). Thấy P. kỳ kèo, Tâm quát: “Tiền đâu phải mình anh ăn, còn rất nhiều khâu, em hiểu không?”. Thấy P. vẫn chưa yên tâm, Tâm trấn an: “Anh gửi gắm trong đây thì nó (tức H. - PV) không sao hết. Nhưng trong thời gian anh lo hồ sơ, em không được thăm nuôi vì nếu lộ ra thì những đồng nghiệp của anh biết sẽ “chiếm hàng”, em hiểu không? Hôm nào ca trực của anh đó, anh đưa điện thoại cho nó, em nói chuyện với nó; chứ đừng vô thăm nó, cản trở công việc của anh…”.

Bắt quả tang

Trích ghi âm trao đổi giữa Tâm và P.

- P.: Anh mở cổng cho ra luôn à?

- Tâm: Làm gì có vụ đó! Tụi anh lo cho nó đi ra là đi theo đường chính quy, không phải là mở cổng mở kiết gì hết… Ra là có giấy tờ đầy đủ, đi ra cổng chính luôn, em hiểu không?

- Vậy anh lo đi, bên đây có tiền rồi.

- Bây giờ, con nhỏ H. đó, thì em chồng tiền, thứ hai anh làm hồ sơ ra cho nó, nghe không?

- Vậy thứ ba đưa tiền thì thứ mấy nó ra?

- Thứ ba đưa tiền đúng không? Trễ lắm là thứ sáu tuần sau, còn sớm thứ ba ra luôn...

- Như vậy tổng cộng là bao nhiêu anh?

- 17 triệu, đúng 17 triệu. Giờ em đưa anh 14 triệu nữa.

Theo thỏa thuận trước đó, ngày 28-11, P. chồng tiền cho Tâm, nhưng bất ngờ sáng 27-11, Tâm yêu cầu P. phải đưa hết tiền luôn và cho biết đang chờ ở quán cà phê K.K. Quá đột ngột, P. không xoay xở kịp nên xin hoãn thêm thời gian để chuẩn bị tiền.

Trưa cùng ngày, Tâm kêu P. qua đón mình tại khu vực đường Thích Quảng Đức (quận Phú Nhuận). Sau một hồi Tâm chở P. đi lòng vòng, lấy cớ mệt mỏi, P. kêu Tâm tấp vào một quán nhậu nào đó và cả hai ghé quán 219 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh. Tại đây, P. gặp thêm một người đàn ông tóc bạc, đầu đinh được Tâm giới thiệu tên Thành - người sẽ lo giấy tờ tùy thân giả cho P. để đủ điều kiện bảo lãnh H. ra khỏi trung tâm.

Chỉ tay về phía P., Tâm giới thiệu với Thành: “Thằng này là anh của con nhỏ đang làm hồ sơ. Bây giờ làm để thằng này bảo lãnh, nhưng nó không có giấy tờ, nhờ anh lo giùm”. Vừa bàn tính chuyện “bốc” H. ra, Tâm và Thành say sưa tính toán giải quyết các “đơn hàng” chờ sẵn. Tâm cho biết, hiện còn một vụ thuộc diện lang thang xin ăn, đang “kẹt” ở Chánh Phú Hòa (Bình Dương), lo càng sớm càng tốt và giao cho Thành vụ này luôn.

Tâm căn dặn Thành: “Xong vụ này, đừng cho ông Thành (tức Nguyễn Tấn Thành, bảo vệ Trung tâm, cũng là một mắt xích của đường dây này - PV) với bên K.K. (tức Cường, chủ cà phê K.K. - PV) biết”. “Ừ, nếu em muốn vậy tùy em nhưng từ vụ này không làm (giấy tờ giả - PV) bên Đồng Nai nữa. Đồng Nai bể (bị lộ - PV) quá rồi” - Thành tán đồng. “Để xong vụ này đi. Sau đó, muốn CMND giả bao nhiêu cũng có” - Tâm ngắt lời và không quên “phô” với P.: “Từ nay có trường hợp nào bị gom ở quận 1, quận 10, bất cứ phường nào, cứ gọi cho anh, nếu muốn bảo lãnh anh “bốc nóng” tại phường luôn, khỏi cần về Trung tâm… (?)”.

Đang rôm rả, Tâm quay sang hỏi P. đem đủ tiền chưa, giao luôn. P. hỏi phải đưa bao nhiêu nữa? “Hôm trước đã đưa 3 triệu, giờ đưa thêm 14 triệu nữa là đủ” - Tâm chốt. Khi P. vừa giao 14 triệu đồng, Tâm nhận và đút vào túi thì các trinh sát C45 ập đến bắt quả tang đưa về Công an phường 12, quận Bình Thạnh làm việc. Tại đây, Tâm khai tên đầy đủ là Nguyễn Thanh Tâm (SN 1989, ngụ 446/20 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh), là bảo vệ Trung tâm. Song, Tâm một mực cho rằng đây là tiền người quen đi lấy giùm!

Thái độ ngoan cố, không hợp tác của Tâm chỉ bị khuất phục khi được xem và nghe lại băng ghi âm, ghi hình quá trình Tâm “làm tiền” P. Tương tự, trước những bằng chứng không thể chối cãi, cuối cùng Thành phải khai tên đầy đủ là Dương Hữu Thành (SN 1972; thường trú tại 100/704 Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Gò Vấp) và ký vào biên bản bắt quả tang. Qua khai thác nhanh, Tâm thừa nhận đã liên lạc với P. để trao đổi việc “chạy” bảo lãnh cho chị H. Trong “ê-kíp” còn có Cường, chủ quán cà phê K.K., Nguyễn Tấn Thành và một phó phòng tổ chức. Cường có nhiệm vụ tiếp xúc với gia đình của trại viên, ra giá với người nhà nạn nhân và Nguyễn Tấn Thành - cùng với Dương Hữu Thành - có nhiệm vụ làm KT3 hoặc hộ khẩu giả cho người nhà trại viên. Về số tiền 17 triệu đồng trong “kèo” vụ H., Tâm sẽ chia cho Cường 2 triệu đồng, Hữu Thành 4,5 triệu đồng, còn lại 10,5 triệu đồng Tâm giữ để lo chung chi cho các sếp lớn hơn trong đường dây.

(Còn tiếp)

Tạm giữ hình sự 4 đối tượng

Trong ngày 28 và 29-11, C45 đã bắt khẩn cấp Cường, tức Nguyễn Thọ Minh Cường (sinh năm 1975; tạm trú 66 Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh) và Nguyễn Tấn Thành (SN 1967; HKTT: phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức). Hiện C45 đã tạm giữ hình sự 4 đối tượng: Tâm, Hữu Thành, Cường, Tấn Thành để điều tra làm rõ hành vi nhận hối lộ và làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức nhà nước và khám xét, niêm phong tại Trung tâm. Đồng thời, C45 triệu tập hàng loạt cán bộ có liên quan, gồm: Phan Ngọc Anh, Trưởng phòng Phối hợp kiểm tra; Võ Minh Quang, Phó phòng Tổ chức, phụ trách tổ xét duyệt bảo lãnh; Nguyễn Mạnh Thông, Trưởng phòng quản lý - giáo dục - hồ sơ… để làm rõ chân tướng đường dây “chạy” bảo lãnh người lang thang, xin ăn.

Ngoài ra, sau khi Báo SGGP lật tẩy đường dây trên, hàng loạt cán bộ - công nhân viên Trung tâm đã mạnh dạn đứng ra tố giác thêm về những hành vi vi phạm pháp luật của một bộ phận cán bộ lãnh đạo Trung tâm...

Ban Biên tập Báo SGGP chúc mừng C45

Ngay sau khi phá án thành công, đồng chí Nguyễn Tấn Phong (ảnh, phải), Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP, cùng phụ trách Ban Chính trị - Xã hội Báo SGGP đã đến tặng hoa chúc mừng và cảm ơn cán bộ, chiến sĩ C45 đã phối hợp với Báo SGGP phá án thành công, bắt giữ các đối tượng và bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các PV tác nghiệp.

Xâm nhập đường dây “chạy” bảo lãnh hồi gia - Bài 2: Phá án ảnh 3

Đồng chí Nguyễn Tấn Phong hy vọng trong thời gian tới, C45 và Báo SGGP sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc tuyên truyền và bảo vệ an toàn trật tự xã hội trên địa bàn TPHCM nói riêng và trên cả nước nói chung.

Thượng tá Trần Văn Quảng, Phó phòng 4 (C45) - đơn vị trực tiếp điều tra án, ghi nhận và cảm ơn những thông tin, chứng cứ mà PV Báo SGGP cung cấp đã giúp lực lượng cảnh sát phá án nhanh, an toàn, đúng theo kế hoạch đề ra.

Theo H.Thu - Đ.Loan - K.Nhung (SGGP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm