Vượt qua điều kiêng kị, vợ theo chồng ra khơi bám biển bảo vệ chủ quyền

  •  Trên chuyến tàu vươn khơi ngày đầu tiên của mùa xuân năm 2015, ấn tượng để lại sâu đậm nhất với tôi là những con tàu đồ sộ có sự sánh đôi cả vợ lẫn chồng. Xưa nay, nghề đi biển là nghề của đàn ông, đàn bà ở nhà vá lưới, lo việc cơm nước lợn gà và chỉ biết dõi mắt ra biển chờ chồng, nhưng bây giờ chị em cũng sát cánh cùng chồng ra khơi. Họ đồng lòng vượt mọi bão tố, gian nguy để bám biển làm kinh tế và khẳng định chủ quyền.
  • Vượt qua điều kiêng kị, vợ theo chồng ra khơi bám biển bảo vệ chủ quyền ảnh 1Vợ chồng anh Ngọc luôn sát cánh vươn khơi
 Vượt qua định kiến
Trực tiếp có mặt trên chiếc tàu KH 4310 của ngư dân trẻ Nguyễn Văn Ngọc xuất phát từ Hòn Rớ (Nha Trang, Khánh Hòa) ra ngư trường Trường Sa, vợ anh Ngọc là chị Nguyễn Thị Lai thoăn thoắt buông lưới đánh bắt cùng với chồng. Chị Lai bộc bạch: Hiếm hoi lắm mới có những phụ nữ ở các làng chài vươn khơi cùng chồng mình lắm. 

Chị Lai là một trong những người đi đầu trong việc vượt qua những định kiến, kiêng kị về chuyện phụ nữ không được ra khơi. Từ sự khởi đầu của chị Lai, giờ đây những người đàn bà miền biển chẳng chịu kém cạnh cánh đàn ông, kể cả việc vượt qua những cơn sóng dữ để mưu sinh trên biển khơi mênh mông mà không hề sợ sệt. 

Đã qua tuổi 80, trải qua gần 60 năm đi biển, ông Trần Nam ở làng chài Hòn Rớ (Nha Trang, Khánh Hòa) tâm sự: “Hầu hết các làng chài ở Miền Trung đều kiêng kị không cho phụ nữ ra khơi trong những chuyến đánh bắt, họ quan niệm phụ nữ mang lại xui xẻo, cản chân vướng tay. Nhưng, làng chài này chị Lai đã chứng minh được điều ngược lại khi người phụ nữ vươn khơi và phá bỏ quan niệm đó rồi”. 

Kể lại cuộc đụng độ với tàu lạ vào giữa năm 2014, chị Lai đã dũng cảm cầm các dụng cụ đánh bắt để cùng chồng quyết liệt chống trả lại mọi sự uy hiếp của những kẻ ngang ngược. Anh Ngọc bảo: Họ tưởng vợ chồng tôi còn trẻ, thiếu kinh nghiệm nên đã áp sát tàu, vung các cây đòn chọc sang phía tàu chúng tôi nhưng vợ tôi đã nhanh trí phủ lưới và các phương tiện bảo vệ xuống hai hông tàu, chúng không thể làm gì được. Đúng là có vợ có chồng làm gì cũng thành công. Con trai của anh Ngọc và chị Lai năm nay vừa tròn 9 tuổi nhưng họ cũng đã nhen nhóm tư tưởng và tinh thần rắn rỏi ấy vào tiềm thức con trai của mình. Ngồi trên chuyến tàu vươn khơi xa của anh Ngọc hôm ấy, có lúc gió thổi thốc thác, tàu nghiêng ngả, mỗi khi thấy anh Ngọc đuối sức, chị Lai lại leo lên nắm giữ cabin điều khiển tàu không khác gì những người đàn ông thực thụ. 

Anh Ngọc kể: Trước kia mỗi chuyến ra khơi đánh lưới 2 ngày thường đi cùng một người bạn, cá đánh được nhiều chia đôi vẫn đủ sống. Giờ, cá ít mà chia đôi thì không đủ nuôi mấy đứa con nữa nên không mang bạn mà mang vợ đi, bởi những người vợ ở xóm chài cũng chẳng có việc gì làm ngoài vá lưới thuê được mấy đồng tiền lẻ lại bấp bênh. Hơn nữa, người đồng hành chính là vợ mình thì mọi ý nghĩ, phương pháp đánh bắt dễ dàng hiểu và thuận tình với nhau hơn, người cùng nhà mà. Thêm nữa là mỗi khi chồng mệt thì vợ có thể chăm sóc. “Nguồn lửa” này anh Ngọc và chị Lai còn miệt mài đi truyền cho nhiều cặp ngư dân trẻ khác ở Khánh Hòa. Từ đây, có hàng chục cặp ngư dân trẻ khác cũng chọn cách đi biển như vợ chồng anh Ngọc vậy.  

Yêu biển như yêu nhà

Trong tiềm thức của những ngư dân ở Khánh Hòa cũng như các tỉnh miền Trung, mấy chục năm trước biển có bão tố nhưng chỉ là sự gầm gào của tự nhiên, còn giờ đây, họ phải thường trực trong mình những nỗi lo bị bắt, cướp, đoạt giật ngư trường… của ngư dân ngang ngược đến từ nước khác. Sẵn sàng đối mặt với bão tố, nhưng những ngư dân Việt lại luôn phóng khoáng, hồn hậu. Họ luôn tự hào mình là ngư dân Việt, ngư dân trẻ. Anh Huỳnh Hải (32 tuổi, ở Hòn Rớ) giãi bày: Học theo anh Ngọc nên vợ chồng tôi cũng sánh đôi ra biển, có nhiều thuận lợi lắm. 

Những ngày giữa năm 2014 liên tục đụng độ với các tàu lạ và những kẻ ngang ngược cứ nhăm nhe cướp bóc nhưng chúng tôi đều đồng lòng chống trả. Với tất cả chúng tôi, biển cũng là nhà mình vậy. Cả vợ chồng anh Ngọc cũng như vợ chồng Huỳnh Hải đã có ít nhất trên 10 lần truy đuổi kẻ xấu trên ngư trường. Có lúc tay chân tứa máu nhưng họ vẫn can trường. 

Anh Ngọc kể lại: Một buổi sáng tháng 9-2014, chúng tôi nhận được tin báo của đồng nghiệp có 4 chiếc thuyền lạ đang muốn dùng chất nổ hủy diệt ngư trường Trường Sa. Vợ tôi tức tốc báo với kiểm ngư qua bộ đàm. Còn anh em đàn ông chúng tôi bí mật theo dõi. Đến khi xác định đúng ý đồ xấu của chúng, chúng tôi tìm cách bao vây, kéo dài thời gian để chờ kiểm ngư đến giải quyết. Trong nhiều trường hợp khác, anh em chúng tôi lao đến quyết liệt truy đuổi đến cùng khiến chúng không dám quay lại để hủy hoại ngư trường Trường Sa nữa. 

Một trong những ngư dân trẻ khác luôn can trường, vững dạ bám biển và coi biển như nhà mình đó là anh Trương Văn Kinh. Anh Kinh quê gốc ở Xuân Hà, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng. Nhưng ngư trường hoạt động của Kinh thì rộng khắp cả Trường Sa và Hoàng Sa. Với anh biển cũng như là máu thịt của mình vậy. Nhà anh Kinh có 3 đời đều bám các ngư trường, vợ anh Kinh cũng tham gia đắc lực cùng chồng trong những chuyến ra khơi. Anh Kinh tâm sự từ năm 2013 trở lại đây, ngư dân các nước khác hay thích lăm le chiếm ngư trường của mình. Tôi cùng vợ và các anh em lúc rảnh còn rèn luyện các biện pháp chống trả. 

Có những lúc tàu lạ xuất hiện ồ ạt, nhưng không vì thế mà anh em chúng tôi bỏ biển đâu, ngư trường Hoàng Sa- Trường Sa là của Việt Nam. Tàu lạ hay ngư dân xấu thế mạnh, người đông muốn cướp biển nhưng biển của ông cha ta để lại, mình không chịu thua, làm là vẫn cứ làm. Nam hay nữ khi vươn khơi đều quyết tâm giữ đến cùng. Có lần tàu của vợ chồng anh Kinh còn bị kẻ xấu đến cướp ngư cụ. Anh đã yêu cầu những người tàu lạ không được khai thác cá bằng phương pháp hủy diệt làm ảnh hưởng nguồn lợi thủy sản biển của Việt Nam. Bọn chúng giả vờ ngừng đánh bắt nhưng lại nhắn cho đồng bọn kéo đến để kháng cự và uy hiếp ngược lại nhóm ngư dân Việt Nam, nhưng tất cả chúng tôi đều dũng cảm đối đầu, cuối cùng chúng phải rút đi và bỏ lại một số dụng cụ, trong đó có nhiều thứ do ăn trộm của ngư dân Việt Nam mà có. 

Trở lại với chuyến tàu của vợ chồng anh Nguyễn Văn Ngọc, gió chướng thổi thao thiết, mùa xuân này lại đầy ắp những dự định với những cặp vợ chồng ngư dân trẻ như anh. Anh ước vọng biển luôn bình yên. Những ngư dân trẻ vững vàng bảo vệ ngư trường, mang theo người bạn đời của mình, “đồng nghiệp” của mình để có những chuyến ra khơi thắng lợi. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm