Vương Kỳ Sơn: ‘Trưởng đội cứu hỏa’ của ông Tập Cận Bình

Một trong các dấu ấn chính trị lớn nhất của Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình chính là chiến dịch chống tham nhũng được ví với tên gọi “đả hổ diệt ruồi”. Người kiến trúc sư trưởng của chiến dịch này và được xem như cánh tay phải của ông Tập trên chính trường là ông Vương Kỳ Sơn (69 tuổi), cựu Phó Thủ tướng TQ và hiện là bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương TQ (CCDI).

Hơn 1,3 triệu tham quan sa lưới

Ngày 7-10 vừa qua, CCDI đã công bố kết quả chiến dịch chống tham nhũng đầy tham vọng do ông Tập khởi xướng từ năm 2012 tại Đại hội toàn quốc đảng Cộng sản TQ lần thứ 18. Cơ quan chống tham nhũng của đảng Cộng sản TQ dưới sự chỉ huy của ông Vương đã xử lý hàng loạt quan chức từ quân đội đến các tập đoàn nhà nước, từ cấp địa phương đến những lãnh đạo và cựu lãnh đạo cao cấp.

Theo báo cáo này, tổng cộng đã có hơn 1,34 triệu tham quan làm việc ở cấp độ thị trấn bị xử phạt. Hơn 70.000 quan chức từ cấp lãnh đạo xã trở lên đã bị điều tra vì tình nghi tham nhũng. Ngoài ra còn có khoảng 648.000 đảng viên và quan chức tại các vùng quê bị xử phạt vì tội tham nhũng trong cùng thời gian, hầu hết dính líu đến các vụ tham nhũng quy mô nhỏ “cấp ruồi”, tờ Tân Hoa xã cho biết. Riêng năm 2016, chiến dịch đã xử hơn 120 quan chức cấp cao, bao gồm một chục quan chức quân đội, giám đốc điều hành các doanh nghiệp nhà nước...

Tính đến tháng 8 vừa qua, tổng cộng 3.339 nghi phạm tham nhũng bỏ trốn tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được cơ quan chức năng TQ bắt giữ trong khuôn khổ các chiến dịch “Lưới trời” và “Săn cáo”. CCDI tuyên bố đã thu hồi được tổng giá trị tài sản tham nhũng ở nước ngoài gần 1,41 tỉ USD. Trong số 100 nghi phạm bỏ trốn ra nước ngoài bị TQ yêu cầu Interpol truy nã đã có 46 đối tượng bị bắt giữ.

Đáng chú ý, chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình sẵn sàng xử mạnh tay cả các quan chức lãnh đạo đương nhiệm và cựu lãnh đạo cấp cao. Hàng loạt cái tên nặng ký đã bị CCDI điều tra và xử lý vì có hành vi tham nhũng như Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cựu bộ trưởng Công an TQ; Bạc Hy Lai, cựu bí thư Trùng Khánh; Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, hai cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương TQ; Lệnh Kế Hoạch, phó chủ tịch Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân TQ và từng là cố vấn thân cận của cựu Chủ tịch TQ Hồ Cẩm Đào…

Tờ Tân Hoa xã cho biết dưới “nắm đấm sắt” của ông Vương Kỳ Sơn, ngay cả những người đã hoặc đang làm việc trong CCDI cũng có thể bị điều tra tham nhũng.

Ông Vương Kỳ Sơn, Bí thư Ủy ban Kiểm tra  kỷ luật Trung ương Trung Quốc.  Ảnh: BLOOMBERG

Ông Vương Kỳ Sơn được xem là cánh tay phải của ông Tập Cận Bình trong chiến dịch  chống tham nhũng. Ảnh: SINA

“Trưởng đội cứu hỏa”

Bảng chiến tích dày đặc trong cuộc chiến chống tham nhũng của ông Vương không khiến những nhà quan sát chính trị TQ quá bất ngờ. Trong suốt gần ba thập niên làm một chính trị gia, ông đã được xem là một chuyên gia giải quyết các cuộc khủng hoảng hóc búa cả về chính trị và kinh tế, được báo giới TQ ví von là “trưởng đội cứu hỏa” trên chính trường.

Theo Thời Báo Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), ông Vương đã bắt đầu nổi lên từ thập niên 1980 khi trở thành một trong những người tiên phong thúc đẩy cải cách kinh tế các vùng nông thôn TQ, đưa hàng triệu nông dân thoát nghèo. Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, với vị trí lãnh đạo Ngân hàng Xây dựng TQ, ông Vương tiếp tục đóng vai trò then chốt giúp Tập đoàn China Moblie niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong và New York. Hai năm sau, ông lại giám sát vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử TQ sau khi tập đoàn đầu tư quốc doanh Guangdong International Trust and Investment Corp (Gitic) vỡ nợ 5 tỉ USD.

Khi bắt đầu nổi lên là “trưởng đội cứu hỏa” của chính trường TQ, ông Vương năm 2003 lại được “thử lửa” tại Bắc Kinh, đảm nhiệm chức thị trưởng và đối phó với đại dịch Sars khiến 190 người dân TP thiệt mạng. Ông đã giải quyết êm đẹp cuộc khủng hoảng y tế công cộng và sau đó chuẩn bị tốt cho Thế vận hội Olympic hè 2008. Để rồi khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra cùng năm, chỉ năm tháng sau khi nhậm chức phó thủ tướng, ông Vương lại tiếp tục được phân công “cứu hỏa”. Ông trở thành lãnh đạo một nhóm chuyên trách có nhiệm vụ hỗ trợ Quốc vụ viện TQ ra các sách lược đương đầu với làn sóng khủng hoảng.

Trả lời tờ Wall Street Journal về ông Vương Kỳ Sơn, cựu Bộ trưởng Bộ Ngân khố Mỹ Henry Paulson - từng gặp ông Vương vào năm 2008 - nhận định: “Ông ấy là người rất có năng lực. Ông ấy hiểu rõ thị trường, hiểu rõ con người. Ông ấy rất biết cách giao tiếp. Khi đó tôi không nói tiếng TQ, còn ông ấy không nói được tiếng Anh nhưng với tôi và ông ấy thì việc trao đổi hết sức dễ dàng”.

Ẩn số người thay thế

Đại hội toàn quốc đảng Cộng sản TQ khóa 19 sắp khai mạc vào ngày 18-10. Ẩn số lớn nhất được đặt ra cho các nhà quan sát chính trường TQ là ai sẽ thay thế ông Vương tiếp tục chiến dịch “đả hổ đập ruồi”. Ông Vương Kỳ Sơn hiện đã 69 tuổi. Trong khi kể từ năm 2002 đến nay, các thành viên Bộ Chính trị TQ thường không tiếp tục đảm nhiệm chức vụ nếu quá 68 tuổi.

Mặc dù có một số nhà phân tích cho rằng ông Vương có thể sẽ tiếp tục lãnh đạo cuộc chiến chống tham nhũng. Bắc Kinh và cá nhân ông Vương Kỳ Sơn vẫn giữ im lặng tuyệt đối về điều này. Theo nhật báo Asahi Shinbum (Nhật Bản), người được đánh giá nhiều tiềm năng nhất để thay thế ông Vương lãnh đạo CCDI có thể là ông Lật Chiến Thư, Chủ nhiệm văn phòng của Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản TQ, được ông Tập rất tin tưởng.

Ông Trang Đức Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Chính phủ trong sạch thuộc ĐH Bắc Kinh, đánh giá rằng ông Vương nhiều khả năng sẽ không phá lệ. “Việc xem một người quan trọng hơn cả chiến dịch là không công bằng. Chiến dịch chống tham nhũng sẽ tiếp tục được thực hiện dù có ông Vương hay không. Nó chỉ được tiến hành nhanh hơn dưới sự lèo lái của ông ấy mà thôi” - ông Trang nhận định. Theo Thời Báo Hoa Nam Buổi Sáng, trong một phát biểu nội bộ của ông Vương với các quan chức CCDI, “trưởng đội cứu hỏa” của chính trường TQ cũng bóng gió rằng diễn biến tương lai sẽ đầy bất ngờ: “Nhìn lại quá khứ, trước đại hội lần thứ 18, cũng không có ai dù trong hay ngoài nước có thể đoán được tôi sẽ trở thành lãnh đạo CCDI”.

Ông Vương Kỳ Sơn sinh năm 1948, nguyên quán tỉnh Sơn Tây, TQ. Ông từng là một nhà nghiên cứu lịch sử và làm việc tại Bảo tàng Thiên An. Năm 2012, ông trở thành một trong bảy thành viên của Ủy ban Thường trực Bộ Chính trị và giữ chức bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương TQ. Ông là người nổi tiếng thông minh sắc sảo, học rộng biết nhiều. Những người tiếp xúc với ông trong cả những cuộc trò chuyện chung và riêng tư đều nhận xét ông có thể nói về đủ mọi thứ, từ nghiên cứu của Alexis de Tocqueville về cuộc cách mạng Pháp đến những học thuyết mới nhất của ngành thiên văn học.

Theo tờ SCMP, ông Vương chịu ảnh hưởng rất lớn từ người cha vợ của mình là ông Diêu Y Lâm, nguyên phó thủ tướng thứ nhất của TQ, trong cách thức giải quyết các cuộc khủng hoảng và tác phong làm việc tận tâm. Ông Vương Kỳ Sơn cũng từng có mối quan hệ thân thiết với ông Tập Cận Bình, cùng ủng hộ cải cách kinh tế TQ trong giai đoạn 1980. Gia đình ông Vương cũng gần như không có tai tiếng xấu. Vợ ông thậm chí không chịu nhận quà cáp từ bạn thân và không thích thú gì với trang sức, tờ SCMP cho biết. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm