'Vườn kỷ niệm' một người hiền

Tượng cố thủ tướng Võ Văn Kiệt ở Dung Quất - Ảnh: Đăng Trần
Tượng cố thủ tướng Võ Văn Kiệt ở Dung Quất - Ảnh: Đăng Trần

Trong đời mình, trên cương vị một người lãnh đạo, ông Sáu Dân đã làm được rất nhiều việc lớn cho dân, cho nước. Tên ông hoàn toàn xứng đáng với tình yêu thương của dân dành cho ông.

Ngày 23-11 là ngày sinh ông Sáu. Ở một nơi cách xa quê hương Vĩnh Long của ông hơn nghìn cây số, buổi sáng 21-11 vừa rồi đã diễn ra một buổi lễ hết sức đặc biệt. Đặc biệt không phải vì nó hoành tráng hay rực rỡ, đặc biệt vì nó ấm áp và đầy xúc động.

Đó là buổi lễ khánh thành bức tượng bán thân ông Sáu Dân đặt trong một khu vườn nhỏ đầy cây xanh thuộc khuôn viên Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi). Khu vườn mang tên ”Vườn kỷ niệm”.

Bức tượng do nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng thực hiện bằng đá hoa cương trắng. Gương mặt ông Sáu Dân được tạc vào thời điểm ông suy nghĩ căng thẳng nhưng mạnh mẽ, vầng trán nhiều nếp nhăn. Và ông không cười, cái “nụ cười Võ Văn Kiệt” quen thuộc mà chúng ta thấy ở rất nhiều bức ảnh chụp ông lúc sinh thời.

Đó là một thời điểm trọng đại với Nhà máy lọc dầu Dung Quất, khi ông Sáu Dân quyết định đặt viên đá cho một dự án lớn: xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam ngay trên mảnh đất mà ngày xưa có tên là “Vũng Quít”.

Nhiều người Quảng Ngãi cũng chưa biết cái tên “cúng cơm” này của Dung Quất. Nhưng ông Sáu thì biết. Ông đã về “Vũng Quít” rất nhiều lần, cùng với những cộng sự là những nhà khoa học.

Rõ ràng, chuyện quyết định đặt nhà máy lọc dầu tại Dung Quất, Bình Sơn, Quảng Ngãi không hề là chuyện ngẫu hứng.

Đó là kết quả của những khảo sát, nghiên cứu, nghiền ngẫm lâu dài với một tầm nhìn xa về sự phát triển của miền Trung.

“Ngày tôi về Dung Quất/Nơi ấy còn mang tên “Vũng Quít”/Ngồi trên hòn đá bãi Tuyết Diêm/Lắng nghe làng nghèo ngày xưa làm muối/Tôi để ý một cây xương rồng/Mọc chật vật đơn thân bên đá cội”...

“Như cái khổ cộng sinh cái đẹp

Như cái đẹp thoát ra từ vất vả khôn cùng

Cây xương rồng miền Trung”

(trích trường ca Dạ, tôi là Sáu Dân - Thanh Thảo)

Theo nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng thổ lộ, ông không thể hiện “nụ cười Võ Văn Kiệt” trên bức tượng, vì cảm nhận được tất cả những khó khăn trong quyết định lớn này của thủ tướng.

Không phải mọi người, ngay từ đầu, đều ủng hộ thủ tướng trong quyết định ấy, giống nhiều quyết định lớn khác của ông như xây dựng đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam, đường chiến lược Hồ Chí Minh, hay thoát lũ cho miền Tây Nam bộ...

Không cười, thậm chí hơi căng thẳng, nhưng gương mặt ông Sáu trên bức tượng vẫn toát ra vẻ hiền hậu bẩm sinh của một con người biết yêu thương và hòa đồng với mọi người, nhất là với nhân dân. Và biết thuyết phục mọi người nhìn cùng hướng với mình.

Nhạc sĩ Trần Tiến - người được ông Sáu mời vào sống ở Sài Gòn để sáng tác - có mặt trong buổi lễ ấm áp này đã xúc động tới mức, như anh nói: “Mình nghẹn trong cổ, không hát được. Trấn tĩnh mãi, rồi cũng hát, nhưng không khí của buổi lễ này, quả thật, mình chưa thấy ở đâu có”.

Anh Phan Thanh Nam - con trai ông Sáu Dân - khi lên phát biểu đã khóc. Và mọi người dự lễ cũng rưng rưng. Anh Thanh Nam và chị Hiếu Dân - hai người con của ông Sáu - chợt có cảm giác như đang ở nhà mình, ở giữa những người thân, trong phút lắng lòng tưởng nhớ người cha thương yêu của mình.

Anh Nguyễn Hoài Giang - chủ tịch hội đồng thành viên Nhà máy lọc dầu Dung Quất - đã hơn một lần gọi ông Sáu Dân là một con người vĩ đại trong bài phát biểu không giấy tờ nhưng rất sâu sắc của mình.

Riêng tôi, chỉ muốn nói thêm: Ông Sáu Dân không chỉ là người vĩ đại, ông là một người hiền. Thế giới bây giờ không thiếu người vĩ đại, nhưng rất hiếm người hiền. Mà theo tôi, người hiền còn cao hơn người vĩ đại.

Theo THANH THẢO (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm