Vua Thái ở Chiềng Mai (Kỳ 1): Kiếm lệnh của vua Hàm Nghi

“Vua Thái” Cầm Oai -Ảnh tư liệu
“Vua Thái” Cầm Oai -Ảnh tư liệu

Mọi người vẫn quen gọi ông là “vua Thái” với nhiều truyền thuyết gắn với ông.

Vua Thái” nguyên là quan đạo binh, nhận chức từ người cha là Cầm Văn Thanh. Ông Cầm Văn Thanh chính là người đã được ông Tôn Thất Thuyết (thay mặt vua Hàm Nghi) trao cho thanh kiếm gọi là kiếm lệnh để cai quản quân đội của 12 châu người Thái xứ Tây Bắc.

“Vua Thái” Cầm Oai có một người con trai là Cầm Văn Dung (Cầm Dung) bị kết án khổ sai vì tội đầu độc công sứ Sơn La Saint Poulot (thường gọi là Xanh Pu Lốp).

Ông Cầm Dung bị giam ở nhà tù Hỏa Lò và là người tham gia tổ chức, thực hiện cuộc vượt ngục “thăng thiên độn thổ” ngày 11-3-1945.

Thanh kiếm do vua Hàm Nghi ban tặng cho dòng họ Cầm, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Sơn La -Ảnh: Hoàng Điệp
Thanh kiếm do vua Hàm Nghi ban tặng cho dòng họ Cầm, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Sơn La -Ảnh: Hoàng Điệp

Thanh kiếm vua ban

Đặc biệt, ngoài những bộ triều phục do vua Nguyễn ban kèm những thanh kiếm cổ được gia đình cất giữ như báu vật, dòng họ này còn có một cây kiếm khác được quan đại thần Tôn Thất Thuyết thay mặt vua Hàm Nghi ban cho ông Cầm Văn Thanh, cha ruột ông Cầm Oai, để cai quản 13 châu Thái vùng Tây Bắc.

Chúng tôi tìm đến Bảo tàng tỉnh Sơn La để đề nghị xem thanh kiếm báu mà gia đình anh Kẻo gọi là “kiếm gia truyền, kiếm của quan đạo binh” ấy.

Tuy nhiên, khu vực trưng bày tại bảo tàng đang diễn ra một trưng bày chuyên đề khác nên thanh kiếm đã được cất giữ trong kho.

Anh Phạm Duy Khương, phó giám đốc Bảo tàng Sơn La, đã tra tìm mã số thanh kiếm trong số hiện vật đang được bảo tàng này lưu giữ. Theo đó, toàn bộ thông tin liên quan đến thanh kiếm có mã số 129 được ghi chú là kiếm của Tôn Thất Thuyết.

Ông Khương cũng cho biết thanh kiếm này được bảo tàng sưu tầm về đã lâu và được gìn giữ cẩn thận. Hồ sơ tại bảo tàng về thanh kiếm này thể hiện: đây là thanh kiếm của ông Tôn Thất Thuyết giao cho Cầm Văn Thanh trong giai đoạn cuối của phong trào Cần Vương.

Lúc bấy giờ thực dân Pháp đàn áp rất nặng nề các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp nên phong trào Cần Vương cũng tạm lắng xuống trên cả nước. Tuy nhiên ở vùng Tây Bắc các phong trào chống Pháp và yêu nước vẫn còn được duy trì nhờ vào những vị quan yêu nước.

Ðể duy trì và khích lệ phong trào Cần Vương trong giai đoạn đó, ông Tôn Thất Thuyết phụng chỉ vua Hàm Nghi lên vùng Tây Bắc (Nghĩa Lộ, Yên Bái) để chiêu mộ binh sĩ và củng cố lực lượng tại miền núi.

Dọc đường đi ông chiêu mộ được rất nhiều binh sĩ tham gia nghĩa quân phong trào Cần Vương và ông cũng nhận được sự đóng góp và ủng hộ tích cực của các tri châu và vị quan trong khu vực này.

Trong số rất nhiều vị quan trong khu vực này ủng hộ phong trào Cần Vương thì Cầm Văn Thanh tri châu Mai Sơn là người nhận được sự tín nhiệm nhất của ông Tôn Thất Thuyết.

Bởi vậy, ông Tôn Thất Thuyết đã trao thanh kiếm này cho Cầm Văn Thanh, phong cho tước quan đạo binh vào năm 1888 và giao cho chức quan cai quản về binh lính 12 châu mường của người Thái khu vực Tây Bắc.

Sau khi ông Cầm Văn Thanh chết thì trao lại kiếm cho con là Cầm Văn Oai, kế tục chức tri châu Mai Sơn của cha. Sau khi Cầm Văn Oai chết thì trao kiếm lại cho Cầm Văn Dung. Trong thời gian Cầm Văn Dung bị Tây bắt thì Cầm Văn Vinh (một người anh em cùng cha khác mẹ với Cầm Văn Dung) giữ được thanh kiếm và gia đình gọi đây là thanh kiếm gia truyền.

Thanh kiếm được đưa về bảo tàng năm 1962 do gia đình hiến tặng.

Theo lời kể của anh Cầm Kẻo, con trai ông Cầm Văn Dung, chắt của ông Cầm Văn Thanh, thì khi có kiếm lệnh trong tay ông Cầm Văn Thanh, Cầm Văn Oai đã dùng nó để chiêu mộ binh sĩ và nhiều lần đánh đuổi giặc giã quấy nhiễu biên cương.

“Cha tôi nói khi đó nhìn thấy kiếm trong tay thì như nhìn thấy lệnh vua. Mà người dân không ai thích người Pháp hiện diện trên đất đai của họ, vậy nên họ âm thầm chống lại Pháp”.

Anh Kẻo cũng nói có thể nhờ có thanh kiếm đó, hoặc bằng uy tín được để lại từ đời cha đời ông nên khi ông Cầm Văn Dung ra tù và theo lời dặn của các chiến sĩ cách mạng ông đã đi vận động các châu, mường người Thái từ Phù Yên đến Mai Sơn và nhiều địa phương khác cướp chính quyền, đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập.

Ông Cầm Oai (bìa phải) và cha là ông Cầm Văn Thanh -Ảnh tư liệu gia đình
Ông Cầm Oai (bìa phải) và cha là ông Cầm Văn Thanh -Ảnh tư liệu gia đình

Chuyến thăm của công chúa nước Xiêm (Thái Lan)

Tuy không được tiếp xúc, được nhìn lại thanh kiếm báu khi xưa của dòng họ, của cha ông nhưng anh Cầm Văn Sơ (con trai trưởng của ông Cầm Văn Dung) vẫn giữ được hai thanh kiếm gia truyền khác được lưu giữ từ rất lâu đời.

Ông Cầm Văn Sơ là người đang được dòng họ giao cho việc nắm giữ toàn bộ những tư liệu còn sót lại của gia đình từ hình ảnh đến hiện vật.

Nhưng khi chúng tôi đến, phải chờ đến trưa ông Sơ mới đi làm về và cẩn thận mở chiếc tủ gỗ trân trọng lấy ra từng món đồ mà cha và ông nội ông đã để lại. Ðưa lên một thanh đoản kiếm có chuôi bằng sừng màu hổ phách, ông Cầm Văn Sơ giới thiệu: đây là chiếc chuôi được làm bằng sừng tê giác do công chúa của nước Xiêm tặng.

Thanh kiếm được làm bằng thép tốt và vẫn sáng bóng trên phần chuôi có khắc chữ Hán cổ được ghi chữ “quan đạo chế”.

Theo lời kể của ông Cầm Kẻo, vào khoảng năm1908, khi ông Cầm Oai đang làm tri châu Mường La, tuy chỉ là tri châu (một chức quan do nhà Nguyễn phong) cai quản một vùng nhưng ảnh hưởng của ông Cầm Oai đối với những quốc gia lân bang lại rất quan trọng: “Cha tôi kể rằng năm đó công chúa nước Xiêm sang thăm cha tôi ở Mường La và kết giao tình hữu hảo. Khi đến Chiềng Mai, bà công chúa này đã tặng cha tôi ba tượng Phật bằng đồng và một chiếc sừng tê giác”.

Ông Cầm Kẻo cũng cho biết ba tượng Phật bằng đồng này được nhiều người cho rằng làm bằng đồng đen. Tuy nhiên sau này trộm đã đột nhập nhà ông Cầm Văn Sơ lấy mất bộ tượng Phật.

Sau khi nhận tặng phẩm của bà công chúa Thái Lan là chiếc sừng tê giác, để lưu giữ kỷ niệm này ông Cầm Oai đã cho rèn một thanh kiếm ngắn bằng thép tốt và gắn chiếc sừng tê giác đó vào để làm chuôi kiếm: “Ông nội tôi đã tự tay chế tác chuôi kiếm từ chiếc sừng tê giác được tặng, những hoa văn bằng bạc được bọc trên chuôi kiếm cũng là do ông nội tôi vẽ và hướng dẫn thợ bạc, thợ rèn khảm vào. Ðối với gia đình tôi, thanh kiếm này không chỉ là kỷ niệm mà còn là câu chuyện bang giao giữa dòng họ Cầm ở Sơn La với đất nước Xiêm La”.

Ngoài kiếm lệnh vua Hàm Nghi ban cho dòng họ Cầm, Bảo tàng Sơn La hiện còn giữ nhiều sách bằng tiếng Thái do ông Cầm Oai tự viết:Quan xỏm côn(Lời người răn người),Cầm Bun Oan đi đánh giặc Chiềng Vai, công văn của chủ chi châu Cầm Văn Oai, công văn ban chức cho ông Kà Văn Sang lên chức trưởng lộc quyền quan bản Ban và nhắc nhở trách nhiệm ranh giới cai quản đất đai và bảo vệ bản mường được yên lành.

(Khải Ðịnh năm thứ 3 tháng 1 ngày 12 năm 1919. Hiện vật còn nguyên, viết bằng chữ Thái cổ có đóng dấu đỏ), công văn của tri châu Cầm Văn Oai cho Cà Văn Chăn cùng những người trong đội đi do thám tin tức tình hình ăn ở của dân tộc Mèo trong toàn tỉnh Sơn La (Khải Ðịnh năm thứ 4, ngày 6-9-1920).

_________

Kỳ tới: Chân dung “vua Thái”

Theo HOÀNG ÐIỆP - MAI HOA 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm