Vụ không kích Syria: Những toan tính hậu trường

Sau một tuần lễ Mỹ và Nga liên tục đưa ra các cảnh báo “nắn gân” nhau, chủ yếu là thông qua... mạng xã hội Twitter và Facebook, ba nước Anh, Pháp, Mỹ đã tiến hành chiến dịch không kích vào lãnh thổ Syria. Mục tiêu là ba cơ sở ở Damascus và Homs, bị cáo buộc là có liên quan đến nghi án tấn công hóa học ở Đông Ghouta. Hơn 100 quả tên lửa được phóng vào lãnh thổ Syria, nơi đang có sự hiện diện quân sự của Nga với lực lượng quân đội mạnh tốp đầu thế giới.

Màn trình diễn sức mạnh

“Chiến tranh thế giới thứ ba” cuối cùng đã không xảy ra, bất chấp các tuyên bố hù dọa qua lại trước thềm vụ không kích. Viết trên trang tin của đài Al-Jazeera, ông Leonid Issaev, giảng viên về các vấn đề quốc tế tại Trường Kinh tế học cao cấp Moscow, nhận định rằng toàn bộ chiến dịch không kích tại Syria ngày 14-4 vừa qua mang tính “trình diễn” nhiều hơn là đối đầu quân sự trực diện giữa các bên.

Không có căn cứ, đơn vị hay khí tài quân sự nào của Nga hay Iran bị ảnh hưởng. Lợi thế của chính phủ Syria trong cuộc nội chiến cũng không bị suy giảm. Thậm chí quân chính phủ Syria và lực lượng ủng hộ chính phủ Damascus còn không có thiệt hại về nhân mạng. Không có cơ quan nào đứng ra xác nhận các địa điểm bị không kích thật sự chứa vũ khí hóa học hay không, dù lãnh đạo ba nước phương Tây khăng khăng nói rằng chiến dịch hoàn thành “không thể tốt đẹp hơn”. So sánh với cuộc không kích đơn phương của Israel nhắm vào căn cứ không quân T4 của Syria hồi đầu tháng 4, chiến dịch của ba cường quốc Mỹ, Anh và Pháp dù sử dụng hàng loạt khí tài lợi hại thì kết quả vẫn có vẻ khá… vô hại.

Trả lời tờ Thời Báo Hoàn Cầu, nhiều chuyên gia quan hệ quốc tế Trung Quốc (TQ) nhận định rằng cuộc không kích của Anh, Pháp, Mỹ ngày 14-4 vừa qua giống một bước đi chính trị nhiều hơn là một hành động gây chiến. Nghi án tấn công hóa học tại thị trấn Douma, vùng Đông Ghouta ngày 7-4 cũng xảy ra trong tình thế chỉ còn duy nhất một nhóm vũ trang chống chính phủ đóng tại Douma và nhóm này cũng đã chấp nhận thỏa thuận với Damascus rút quân về tỉnh Idlib. Ngay sau cuộc không kích, Syria cũng tuyên bố tái chiếm thành công toàn bộ Đông Ghouta, chứng tỏ thắng lợi tại vùng xảy ra nghi án tấn công hóa học hoàn toàn nằm trong tầm tay của Damascus.

Ông Hoa Lê Minh (Hua Liming), cựu đại sứ TQ tại Iran và là một chuyên gia về Trung Đông, cho biết: “Giống như vào năm 2013, “tấn công hóa học” xảy ra vào thời điểm chính phủ Syria đạt được ưu thế trên chiến trường, nghĩa là họ thật ra không cần dùng đến vũ khí hóa học”. Ông Hoa cho rằng vụ không kích thực chất là một màn phô diễn sức mạnh. Một chuyên gia khác của Trung tâm Tân Hoa về nghiên cứu các vấn đề quốc tế nhận định: “Các mục tiêu được chọn lựa rất kỹ lưỡng và chiến dịch không kích được hạn chế. Điều này cho thấy Mỹ và các đồng minh không muốn gây chiến với Nga và họ cũng không muốn tiêu diệt chính phủ Syria”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố về chiến dịch không kích Syria đêm 13-4 (theo giờ Mỹ). Ảnh: AP

Tổng thống Vladimir Putin (giữa) vẫn giữ vững lập trường ủng hộ chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh: AFP

Cuộc khủng hoảng “tiện lợi”

Ông Vitaly Naumkin, Giám đốc khoa học Viện Phương Đông thuộc Học viện Khoa học Nga, cũng đánh giá đợt không kích ngày 14-4 chủ yếu phục vụ mục tiêu chính trị. Một trong các mục đích đặt ra của bộ ba Anh, Pháp, Mỹ là tạo ra khoảng cách giữa các bên bảo hộ lộ trình Astana - được tổ chức bởi ba nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để tìm giải pháp chính trị cho Syria. Trả lời hãng thông tấn TASS, ông Naumkin đánh giá: “Lập trường ba nước bảo hộ lộ trình Astana có nhiều khác biệt về quan điểm và điều này rất dễ nhận thấy trước cả vụ không kích. Giải quyết các vấn đề nguy hiểm bằng biện pháp ngoại giao và hứa hẹn tiềm năng từ quan hệ song phương, Moscow đã duy trì thành công sự hợp tác của ba nước mặc cho các bất đồng”.

Tình hình bắt đầu xấu đi sau sự kiện ngày 14-4. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hiển nhiên chọn lập trường ngược lại Nga và Iran đối với cuộc không kích. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã lên tiếng ủng hộ Anh, Pháp, Mỹ và lên án các nghi án tấn công hóa học tại Syria. Những dấu hiệu rạn nứt giữa bộ ba bảo hộ lộ trình Astana bắt đầu xuất hiện.

Rất nhanh chóng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng kêu gọi các cường quốc liên quan đến vấn đề Syria cần nhanh chóng hợp tác tìm kiếm giải pháp chính trị cho Syria, tái khởi động lộ trình hòa đàm tại Geneva tổ chức bởi Liên Hiệp Quốc. Không những vậy, nhà lãnh đạo 40 tuổi của Pháp còn kịp thời nhận lời tham gia một cuộc phỏng vấn kéo dài gần ba tiếng đồng hồ trên kênh truyền hình BFMTV ngày 15-4, chấp nhận cho hai phóng viên kỳ cựu Jean-Jacques Bourdin và Edwy Plenel “xoay” liên tục bằng những câu hỏi phần nhiều liên quan đến cuộc không kích Syria. Hãng tin AFP cho biết cuộc phỏng vấn là một bước đi táo bạo của ông Macron trước ngày 7-5, cột mốc đánh dấu một năm đắc cử tổng thống. Mức ủng hộ của ông trong một năm qua thường xuyên biến động do những tham vọng cải cách mạnh mẽ chính sách vấp phải sự phản đối của dư luận.

Tương tự ông Macron, hai người đồng nghiệp của ông là Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Theresa May bước vào cuộc khủng hoảng quốc tế mang tên “tấn công hóa học” trong tình cảnh chính trường nội bộ rối ren. Câu chuyện Nga can thiệp bầu cử Mỹ đang phả hơi nóng vào gáy ông chủ Nhà Trắng khi cố vấn đặc biệt Robert Mueller tăng tốc độ điều tra. Cựu giám đốc Cục điều tra liên bang (FBI) James Comey thì công khai chỉ trích ông Trump không phù hợp với chiếc ghế tổng thống, cố ngăn cản cuộc điều tra của FBI thời ông còn tại nhiệm. Trong khi đó, bà Theresa May vẫn chưa tìm ra phương án đỡ tốn kém nhất cho việc tách Anh khỏi Liên minh châu Âu (EU). Theo hãng tin BBC, vụ “ly hôn” thế kỷ sẽ buộc Anh trả lại cho EU số tiền đến gần 40 tỉ bảng Anh. Còn nếu không đạt được thỏa thuận tài chính với EU, nền kinh tế Anh có thể thiệt hại đến hơn 250 tỉ bảng, theo tờ The Independent.

Khó có thể khẳng định chắc chắn Anh, Pháp và Mỹ vì chính trị nội bộ mà lao vào cuộc khủng hoảng “tấn công hóa học Syria”. Nhưng vẫn có thể thấy vụ việc xảy ra vào thời điểm không thể “tiện lợi” hơn cho lãnh đạo ba nước. Trong khi đó, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier ngày 15-4 cũng khẳng định vấn đề Syria quá quan trọng để các bên tận dụng vì mục đích “ghi điểm chính trị” một cách ích kỷ và nhỏ nhen, thay vì tìm kiếm một giải pháp khả thi cho cuộc chiến kéo dài suốt bảy năm qua. Ông Steinmeier nhấn mạnh rằng căng thẳng giữa Nga và phương Tây hiện nay là một thách thức to lớn đối với “cách làm chính trị có trách nhiệm”.

Tổng thống Macron: Pháp không gây chiến với Syria

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 15-4 đã nhấn mạnh rằng cuộc không kích không phải là hành động tuyên bố chiến tranh giữa Pháp và Syria. “Chúng tôi vẫn chưa tuyên bố chiến tranh với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad” - ông cho biết.

Theo hãng tin AFP, đây là lần can thiệp quân sự quy mô lớn đầu tiên của quân đội Pháp trong nhiệm kỳ của Tổng thống Emmanuel Macron. Ông tái khẳng định không kích là chính đáng vì Syria đã vi phạm nghị quyết năm 2013 của Liên Hiệp Quốc, theo đó cam kết tiêu hủy toàn bộ kho vũ khí hóa học.

Đức không thể xem Nga là kẻ thù

Một ngày sau vụ không kích, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã kêu gọi các nước phương Tây chấm dứt thái độ buộc tội nước Nga và người dân nước này. Ông cho rằng chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu nhắm vào Syria đã đẩy rủi ro xung đột quân sự trực tiếp với Nga lên mức cao nhất từ trước đến nay. “Chúng ta đứng trước một cấp độ leo thang căng thẳng hoàn toàn mới trong quan hệ Mỹ-Nga. Dù cho bất đồng với ông Putin đến đâu, chúng ta không thể tuyên bố toàn bộ nước Nga, đất nước và nhân dân Nga là kẻ thù được. Lịch sử của nước Đức không ủng hộ điều này, có quá nhiều thứ để mất” - ông Steinmeier trả lời tờ Bild ngày 15-4.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm