Vĩnh biệt người anh hùng ‘chân đất’ Hồ Giáo

Lúc 15 giờ chiều 14-10, người anh hùng “chân đất” Hồ Giáo đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở 199/18 Bùi Thị Xuân, phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi trong niềm thương tiếc của nhiều người...

Sáng 15-10, Quảng Ngãi mưa dầm. Nhưng nghe tin anh hùng Hồ Giáo qua đời, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, bà con quê ông - xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, anh em ở Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi Quảng Ngãi - đơn vị sau cùng mà người anh hùng công tác, bà con chòm xóm... kéo đến khá đông để tiễn biệt ông...

Ngậm ngùi tiễn đưa

Vĩnh biệt người anh hùng ‘chân đất’ Hồ Giáo ảnh 1Cán bộ Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi Quảng Ngãi và người thân của anh hùng Hồ Giáo đang chuẩn bị tang lễ.

Anh Hồ Văn Tâm, cháu gọi ông Giáo bằng bác ruột - người được mệnh danh là truyền nhân của anh hùng Hồ Giáo, rưng rưng: “Cả đời bác làm lụng vất vả. Tuổi già căn bệnh suy tim, suy thận, viêm phổi xuất hiện. Năm ngoái bác phải vào viện một lần. Còn lần này nhập viện ngày 7-10 sau một tuần thì không còn chống chọi nổi nữa”...  

Cô con gái duy nhất của anh hùng Hồ Giáo là Hồ Thị Tuyết Minh, giáo viên Trường THCS Nguyễn Nghiêm, TP Quảng Ngãi, cũng nước mắt lưng tròng kể: "Bố thường ngày ít nói. Mấy năm nay mẹ bị tai biến, bố yếu dần nhưng bao giờ bố cũng là niềm vui của mẹ, của con cháu. Giờ thì bố đã đi xa”. 

Bà Hồ Thị Rợ - em ruột ông Hồ Giáo lưng đã còng nhà ở Tịnh Sơn kể: “Nghe tin ảnh qua đời, tui lật đật bảo con chở xuống. Hồi mẹ mất, ảnh chăn trâu, cắt cỏ thuê để cùng cha nuôi bốn đứa em. Tính ảnh ít nói, lành như đất.  Hồi mới giải phóng từ miền Bắc về thăm quê, nghe nhiều người bảo ảnh được Nhà nước tuyên dương anh hùng là ghê gớm lắm. Nhưng khi về đến nhà, ảnh cũng vẫn vậy, chỉ mỗi chiếc ba lô. Mấy năm rồi, sức khỏe yếu nhưng năm nào tết đến ảnh cũng bảo các cháu đưa về thăm quê, đốt hương trên bàn thờ gia tiên. Ảnh cứ dặn cháu con cố gắng lao động rồi cuộc sống sẽ khá hơn...”.

Một đời “chân đất”   

Vĩnh biệt người anh hùng ‘chân đất’ Hồ Giáo ảnh 2

Anh hùng lao động Hồ Giáo ở Trại chăn nuôi trâu Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi). Ảnh: Tư liệu 

Ông Cao Hối, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi tỉnh Quảng Ngãi, nhiều năm gắn bó với ông Hồ Giáo kể: “Tui nhớ rành rành cái ngày ông Giáo từ tỉnh Sông Bé trở về Quảng Ngãi để nhận nhiệm vụ nuôi bầy trâu Mura là ngày 29-1-1991. Hồi đó, ngoài bầy trâu 15 con mà Thủ tướng Chính phủ gửi tặng, Quảng Ngãi còn được trung tâm tặng thêm một con trâu nên cả bầy có 16 con”.

Bầy trâu sữa Mura mới đem từ Sông Bé về con nào con nấy to lớn và khá dữ so với trâu nước mình. Tới gần là mắt chúng long lên. Nhưng kỳ lạ là chỉ nghe tiếng của ông chúng đã tuân theo răm rắp. 

Ông Giáo về, cỏ voi cũng theo về. Trại trâu sữa Hành Thuận cách nhà ông chừng 6 km trước đó còi cọc, chỉ sau một thời gian ngắn là bạt ngàn xanh của cỏ voi. Tết năm đó, trời lạnh giá, đàn trâu sữa như cũng sụt sùi. Ông Giáo quyết định đón tết trên trại chăn nuôi bên chiếc võng đơn sơ. Giờ giao thừa tới, ông vẫn còn cầm đèn bão đi kiểm tra từng con trâu, che chắn thêm cho đàn trâu giữ ấm.

Cũng từ đó, ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ sáng sáng, dân TP Quảng Ngãi và xã Nghĩa Điền (huyện Tư Nghĩa) lại thấy ông Hồ Giáo trong bộ đồ công nhân, đội nón, từ khu nhà ngập trũng - dân thành phố gọi là “vùng Đồng Tháp Mười” - cuốc bộ lên trại  nuôi trâu. Rồi chiều tối, dân nơi đây lại thấy ông Giáo cuốc bộ về nhà. Hôm nào vắng ông, người dân nơi đây biết ngay là đàn trâu có con sinh nở hay chúng bị đau ốm gì đó.

Và những hôm như vậy, ông Giáo cột võng ngay gần chuồng để tiện chăm sóc bầy trâu. Ông Giáo thường nói: Con vật nuôi cũng có cái tình. Mình thương yêu nó thì nó thương yêu mình. Còn khi làm việc thì phải cố gắng tìm hiểu công việc của mình làm, phải chấp hành đúng kỷ luật lao động thì mới đạt năng suất, hiệu quả.

Cũng với suy nghĩ này nên nhiều lần trong giờ làm việc cánh nhà báo lên thăm trại chăn nuôi, xin phép được gặp ông, ông thường bảo: “Phiền anh nhé, sau 11 giờ 30 tui mới tiếp chuyện với anh được”. Thế rồi đúng giờ, ông Giáo về trại nghỉ tạm, vừa hâm nóng thức ăn, ăn cơm, cánh PV mới có dịp hầu chuyện với ông.

Tính ông Giáo vốn kiệm lời. Có lẽ cuộc đời ông xa quê nhiều năm nên lúc cuối đời trở về quê hương chăn nuôi bầy trâu sữa để lai tạo đàn trâu ông càng cố gắng. Ông đã lấy địa danh, di tích lịch sử đặt cho từng con trâu của mình. Ông từng khoe: Này nhé, con này có tên là Vạn Tường, con kia là Ba Tơ. Quê mình phát triển có Khu kinh tế Dung Quất thì con trâu này mới sinh mình đặt tên cho nó là Dung Quất.

 
Hai lần được phong Anh hùng Lao động
Hồ Giáo là người duy nhất trong ngành chăn nuôi được Nhà nước Việt Nam phong danh hiệu Anh hùng Lao động hai lần vào năm 1966 và 1986. Anh hùng Lao động Hồ Giáo cũng là Đại biểu Quốc hội các khóa 4, 5 và 6. 
Anh hùng Lao động Hồ Giáo sinh năm 1930, tại thôn Bình Thọ, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, Tỉnh Quảng Ngãi. Ông tham gia Việt Minh năm 1948 tại địa phương, đến năm 1954 tập kết ra bắc công tác tại sư đoàn 350 bảo vệ Hà Nội.
Đến năm 1960, Hồ Giáo chuyển sang làm công tác chăn nuôi tại Ba Vì, Hà Tây. Với nhiều thành tích trong nuôi heo và bò, như thụ tinh nhân tạo cho heo, trị bệnh cho heo, bò, Hồ Giáo được phong danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1966.
Sau khi thống nhất đất nước, Hồ Giáo tiếp tục công tác tại Trung tâm Nghiên cứu trâu và đồng cỏ miền Đông Nam bộ, xã Lai Khê, huyện Bến Cát, tỉnh Sông Bé (cũ, nay là tỉnh Bình Dương).
Năm 1980, với thành tích đặc biệt trong việc nuôi trâu Mura, Hồ Giáo tiếp tục được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động lần 2.
Hồ Giáo đã sống, cống hiến hết mình và luôn là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà nhơ, nhạc sĩ. 
Các thế hệ học sinh Việt Nam vẫn hằn sâu vào ký ức với Đàn bê của anh Hồ Giáo khi được học và đọc qua bài tập đọc trong sách giáo khoa lớp 2. Và hình tượng Hồ Giáo lúc chăn bò ở Ba Vì cũng được nhạc sĩ Nhật Lai thể hiện qua Bài ca anh Hồ Giáo. TT (tổng hợp) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm