Việc làm đến đâu, 'lập làng' đến đó

    Làm bạn với… chuột cống nhum

    Cũng phải trên 10 năm, giờ mới gặp lại cảnh đến một vùng đất chẳng xa xôi gì mấy, nhưng người dân từ già cả cho đến trẻ con cứ xúm lại trố mắt xem quay phim, chụp ảnh, vì nhà báo vẫn là một thứ gì đó rất lạ lẫm với họ. Thấy xót thương và đau lòng vô cùng. Đó là một chiều cuối năm, đang đi thì “lạc” vào ấp 2, xã Bình Đức (huyện Bến Lức, tỉnh Long An), lúc này đang vào vụ mía. Con kênh đào dọc ấp 2 có tên “Kháng Chiến” có từ thời chống Mỹ, nay trở thành “cơ sở kháng chiến” của hàng trăm lao động người Khmer từ tận dưới Sóc Trăng, Trà Vinh… di cư lên đây “lập làng” đốn mía thuê.

    Mỗi căn nhà là một tấm bạt vắt qua khung tre hình tam giác tạo thành lán, cứ thế lán này nối lán kia dọc theo bờ kênh dài hun hút, nhìn không thể không liên tưởng đến những khu vực dã chiến sau thảm họa bão lũ, động đất… Hỏi tắm giặt ở đâu? Và chúng tôi rùng mình khi cô gái Lê Thị Phương chỉ xuống dòng kênh nước đen ngòm và hình như… không còn chảy. Chúng tôi đoán “tắm giặt ở đó thì chắc toàn thân ở đâu cũng có ghẻ?”. Phương cười cười: “Quen rồi nên không ghẻ, cũng chẳng ngứa”. May mà còn nghe nói “nước dùng cho uống, nấu ăn... thì đi xách từ nhà chủ”. Thế còn đi vệ sinh? Phương xoay người lại, chỉ tay về ruộng mía bên trái bờ kênh. Đó là một cái ô hình chữ nhật được quấn quanh bằng những mảnh bạt chắp vá nhìn như “cầu tõm” đặc trưng của người miền Tây, chỉ khác là nó nằm trên đất.

    Đang chuyện thì trời sầm sập đổ mưa. Chui vội vào một cái lán, thấy bên trong chỉ có cái vạt tre làm giường ngủ, cùng một ít xoong chảo, quần áo… có thể gọi là tài sản. Chúng tôi, vợ chồng anh Thạch Dạ - chủ nhà, cùng một con chó, một con chuột cống nhum nhốt trong lồng cùng chen chúc trên phản tre làm giường ngủ. Chó chung giường với người chẳng có gì lạ, nhưng ở với chuột cống nhum thì lần đầu trong đời chúng tôi thấy. “Mình bắt nó ngoài ruộng mía từ khi nó còn chưa mở mắt và nuôi được 2 năm rồi”. Thạch Dạ cười giải thích rồi lôi nó ra khỏi lồng, lấy cọng mía khô khều khều lên miệng chuột, bảo “ngày nào đi làm về cũng chơi với nó, vui lắm”.

    Vừa chơi với chuột vừa tiếp chuyện chúng tôi, một lúc thì nước mưa tràn vào lán. Tay lấy thanh tre khơi rãnh thông nước quanh lán, miệng Thạch Dạ giục vợ thắp đèn vì trời bỗng sập tối. Nhìn sang hàng xóm trong màn mưa, thấy đâu cũng toàn ánh đèn dầu le lói. Hỏi, sao không xin kéo điện từ nhà chủ? Thạch Dạ cười: “Sáng hơn nữa cũng chẳng để làm gì”. Mà đúng, sáng hơn cũng chỉ tốn tiền, bởi ở đây chẳng có gì phải cần tới điện. Phương tiện giải trí duy nhất cần đến điện là cái điện thoại cầm tay được giắt vào cạp quần đùi của Thạch Dạ đang phát lời ca vọng cổ. Vừa lúc đến câu “Biên cương lá bay Thu Hà em ơi” trong vở “Võ Đông Sơn - Bạch Thu Hà” thì nó hết pin, tắt ngúm. Thạch Dạ lôi điện thoại ra, bực mình quẳng vào góc lán, bảo vợ tối qua nhà chủ xem phim thì sạc giúp. Thì ra, tối đến là phụ nữ tập trung về nhà chủ để xem phim Hàn Quốc. Còn đàn ông? Thạch Dạ chỉ tay về phía chai rượu trắng nãy giờ “nép” trong góc: “Đàn ông không thích xem phim Hàn Quốc. Đàn ông làm về là nhậu, nhậu xong là lăn ra ngủ, ngủ xong là đi làm, làm xong lại nhậu…, cứ thế riết ngày này sang tháng khác”.

    Đam mê lớn nhất: Nuôi vịt và nhắp cá lóc

    Những lao động mà chúng tôi hỏi chuyện quê ở xã An Thạnh Ba (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng). Họ lên đây đốn mía thuê cho gia đình ông Lê Văn Hồ thông qua một đầu công (người đứng ra gom nhân công như kiểu cai thầu trong xây dựng), được tạm ứng tiền trước (mỗi người được ứng 1 triệu đồng) cùng giao hẹn ngày này tháng kia phải có mặt để làm việc. Một vụ mía thường kéo dài 7 tháng (từ tháng 10 năm này đến tháng 4 năm tới). Và các lao động đóng cửa nhà, khăn gói theo tài công của mình đi đốn mía thuê. Thạch Lực - tài công đang quản lý một nhóm lao động 30 người, đồng thời cũng là người đốn mía thuê - cho biết, đốn mía không tính ngày công mà ăn theo sản phẩm. Trung bình mỗi ngày, một lao động như anh kiếm được 150.000 - 200.000 đồng, tùy sức khỏe và siêng năng hay lười nhác. Tuy nhiên, họ không bao giờ tiêu hết số tiền mình kiếm được mà luôn để dành một khoản lớn (thường là một nửa để… cúng chùa!). 

    Ngoài ra họ còn được “chủ mía” hỗ trợ tiền xe đi - về vào đầu - cuối vụ, cũng như mấy lần lễ tết. Xong vụ mía 7 tháng, họ lại kéo nhau đi nơi khác “lập làng” nếu có ai thuê việc, nếu không thì về quê làm thợ “đụng” (đụng chi làm đó) kiếm cơm qua ngày chờ vụ mía mới. Chúng tôi hỏi, chẳng lẽ ở nhà dưới quê, mình không có việc gì làm hay sao mà phải kéo cả nhà đi lang thang quanh năm như thế này? Thạch Lực nói: “Ở quê tụi em hầu hết không có ruộng vườn, thậm chí còn không có đất làm nhà, phải đi ở đậu nhà người ta thì lấy đâu ra việc mà làm…”.

    Lạ lùng là không chỉ chó, mèo, chuột… những lao động này còn đưa theo cả cha mẹ, con cái. Và những “ngôi làng” như thế này không chỉ được lập cố định trong 7 tháng của vụ mía mà phải di chuyển theo từng vạt mía. Tức mía đốn đến đâu thì “làng” phải theo đến đấy để thuận tiện cho công việc. Nghề nào nghiệp đó. Quanh năm suốt tháng sống cảnh du mục như vậy, nên đã có rất nhiều tình yêu được bén duyên từ ruộng mía rồi nên vợ thành chồng, như trường hợp chị Thạch Thị Thương và anh Thạch Phin vừa cưới nhau được 2 năm. Thương thật thà kể nụ hôn, kể cả lần “đầu tiên” của vợ chồng họ, đều dưới sự chứng giám của những cây mía sau một ngày cật lực chặt, vác… 

    Thương chỉ tay về phía đứa trẻ đen đúa tầm 5 tuổi, nãy giờ cứ trố mắt lạ lẫm nhìn chúng tôi, kể: Mẹ hắn mang bầu sắp đến ngày sinh rồi nhưng tiếc tiền không chịu nghỉ việc, thế là một ngày tay phải vừa đưa cây rựa lên chưa quá đầu thì tai trái phải ôm bụng vì ở dưới, đứa con đã quằn quại muốn ra, rồi chào đời luôn tại ruộng mía, nên đặt tên hắn là Mía. Cũng có người chết ở ruộng mía, bờ kênh… với những lý do lãng nhách, như vỡ ruột thừa không cấp cứu kịp, say rượu bị trượt chân té xuống kênh không ai biết… Nhưng cũng có những cái chết thương tâm kiểu hết hạn hưởng dương của người già, thế là sống làm kiếp du mục, chết làm ma lang thang xứ người…

    Chỉ biết nói, nhưng không viết được chữ Việt lẫn Khmer là tình trạng gần như phổ biến của những lao động “digan” mà chúng tôi tiếp xúc. Đáng nói là ngay cả con cháu họ, những mầm xanh tương lai, cũng không có gì tươi sáng hơn do không được đến trường, bởi cuộc sống nay đây mai đó cộng với sự nghèo khó của cha mẹ. Tuy nhiên, trong khi chúng tôi nhìn sự ít học và cuộc sống khốn khó của họ với ánh mắt ái ngại thì ngược lại, họ sống hồn nhiên, lạc quan và yêu đời vô cùng. Chúng tôi nhớ mãi nụ cười tít mắt của Thạch Dũng khi anh bảo: “Ứớc mơ và đam mê lớn nhất của em bây giờ là được ở nhà để nuôi vịt, nhắp (câu) cá lóc và lái máy cày”. Ngay cả giấc mơ vốn “không ai đánh thuế”, nhưng họ cũng chỉ mơ đơn giản và nhỏ bé...

    “Nếu không có họ, những người trồng mía như chúng tôi không biết phải xoay xở làm sao” - chị Nguyễn Thị Hồng - vợ “chủ mía” Lê Văn Hồ - kể. Chị làm động tác chắp tay khấn Phật khi chúng tôi trêu “thấy chị chiều người làm thuê như chiều vong”. Chị Hồng nói mỗi vụ mía, chỉ riêng huyện Bến Lức - nơi có hơn 78.000ha mía - đã đón hàng ngàn lao động như thế này đến từ các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Tháp… lên làm thuê. “Họ siêng năng, chịu khó, chứ không có “công tử” kiểu làm việc ngày 3 tiếng rồi đi nhậu như lao động địa phương” - chị Hồng nói.

    Theo HOÀNG VĂN MINH - HỮU DANH (Lao Động)

    Đừng bỏ lỡ

    Video đang xem nhiều

    Đọc thêm