KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Vị tướng đánh từ đồi Độc Lập đến dinh Độc Lập

Ở độ tuổi xưa nay hiếm, khi gợi nhắc đến cột mốc 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tướng Lê Nam Phong tâm tư: “Cuộc đời tôi gắn với ba cuộc chiến, 90 năm tuổi đời thì có gần 60 năm gắn bó với quân ngũ đi hết chiến dịch nhỏ đến chiến dịch lớn, toàn được giao đánh những nơi hiểm hóc, khó khăn nhất. Và tôi có mặt trong cuộc tổng tiến công ngày 30-4 vẹn toàn đất nước. Ngần ấy thời gian, tôi chứng kiến biết bao thăng trầm, mất mát, hy sinh của đồng bào, đồng đội để có hòa bình, độc lập hôm nay”.

Đại đội trọc đầu tiên phong ở Điện Biên Phủ

Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp (từ năm 1945 đến 1954), ông Lê Nam Phong đã có mặt trong tất cả trận đánh lớn như chiến dịch Biên giới, Hà Nam Ninh, Hòa Bình cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông nói trận đánh không bao giờ phai nhòa trong đời mình là “36 ngày đêm mưa dầm cơm vắt” khi chiến đấu ở lòng chảo Điện Biên.

Khi đó, ông cùng đồng đội được cấp trên giao mở cửa đột phá để các đơn vị thọc sâu vào công đồn. Đơn vị gồm 120 bộc phá viên, được tuyển chọn từ những người ưu tú, nhanh nhẹn để đảm nhiệm công việc dọn đường cho bộ binh mở các đợt tấn công thọc sâu. Công việc dọn đường phải đảm bảo các yếu tố nhanh, sạch, thẳng và đúng hướng. Nhiệm vụ của bộc phá viên rất ngặt nghèo và cận kề cái chết trong gang tấc, bởi họ luôn nằm trong tầm bắn thẳng từ đồn dội ra (hỏa lực bắn thẳng, cối dội trực tiếp vào đội hình). Vì thế phải thuần thục kỹ năng bám nhịp bắn khi nghe tiếng “tằng tằngˮ từ trong đồn dội ra thì phải kịp thời xung phong lên ngay mới không dính đạn. “Mấy yêu cầu này cực khó đối với bộc phá viên, bởi nếu khi giật bộc phá rồi mà bộ binh lên không kịp thì ngay lập tức địch sẽ chi viện lực lượng khép chặt vòng vây, bộc phá viên sẽ bị mắc kẹt. Gặp những lúc trời mưa, bộc phá thối, cực kỳ cam go…” - ông phân tích.

Trung tướng Lê Nam Phong (đứng giữa) với các đồng đội. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Trung tướng Lê Nam Phong đón tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần thăm Trường Sĩ quan Lục quân 2. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông bảo dấu ấn khó quên nhất là trực tiếp đánh chiếm đồi Độc Lập và ông “chết” với cái tên Phong “trọc”, trong “đại đội đầu trọc”. Năm 1954, “đại đội đầu trọc” của ông được giao nhiệm vụ đánh bộc phá đồi Độc Lập cho quân chủ lực đánh thẳng vào sào huyệt tướng De Castries. “Lúc ấy, chiến hào bùn lầy nhão nhoét, đất sình dính bê bết khắp người nên tôi có “sáng kiến” kêu gọi anh em cạo trọc đầu cho đỡ dơ bẩn” - ông kể.

Thông tin này đến tai Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng mãi đến một lần đi thị sát gặp ông, tướng Giáp mới hỏi tại sao lại cạo trọc đầu. “Lúc đó còn trẻ nên tôi hồn nhiên trả lời đại tướng là cạo trọc đầu để thề đánh thắng thực dân Pháp. Nghe vậy đại tướng rất thú vị” - ông kể. Đến năm 1979, khi được điều ra làm Tư lệnh Quân đoàn 1, có dịp gặp lại đại tướng chỉ thẳng mặt ông nhắc lại “đại đội trưởng đầu trọc” phải không khiến mọi người phá lên cười.

Sư đoàn được giao cắm cờ ở dinh Độc Lập

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975, Trung tướng Lê Nam Phong khi ấy đang là Tư lệnh Sư đoàn 7. Ông kể Sư đoàn 7 được giao cắm cờ trên dinh Độc Lập. Tuy nhiên, trên đường tiến vào Sài Gòn đã gặp phải sự phản công điên cuồng khiến mũi tấn công phải chậm lại, nhất là tại cửa ngõ Long Khánh nên không thực hiện được nhiệm vụ lịch sử lớn lao ấy.

Tướng Phong kể: “Khi đó, địch nhận định “mất Long Khánh là mất Sài Gòn” nên đối phương đã tập trung các lực lượng tinh nhuệ để ngăn chặn mũi tấn công vào Sài Gòn. Tại cửa ngõ Long Khánh, đánh ba ngày liên tiếp, thương vong rất cao. Sau đó nhờ chuyển sang đánh cơ động, chia cắt bao vây theo kiểu đánh chặn, chặn tiếp viện, ngăn chặn không cho đổ bộ đường không, cắt đường bộ khiến địch không thể cố thủ lâu ở khu vực Dầu Giây. Khi đánh xong Trảng Bom, tiến vào Biên Hòa, ta lại gặp phải sự kháng cự rất mạnh nên phải triển khai lực lượng để tiêu diệt các ổ kháng cự”.

Để thực hiện nhiệm vụ lịch sử cắm cờ trên dinh Độc Lập, “lúc đó anh em đã tính đường cơ động đi bằng Honda để thực hiện nhiệm vụ lịch sử nhưng không vào kịp. Cũng có chút tiếc nuối… nhưng tôi cũng như tất cả mọi chiến sĩ khi đó, thấy lá cờ của quân giải phóng phần phật bay trên dinh Độc Lập lòng trào dâng lên niềm xúc động mãnh liệt tột cùng. Vì từ nay đất nước đã thực sự thống nhất…”.

Trung tướng Lê Nam Phong tên thật là Lê Hoàng Thống, sinh ngày 19-5-1927 tại Quỳnh Hoa, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Tháng 3-1944, ông tham gia cách mạng, làm liên lạc Việt Minh. Ông nguyên là tư lệnh Sư đoàn 7, tham mưu trưởng Quân đoàn 4, tham mưu phó mặt trận 719, tư lệnh Quân đoàn 1, hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2.

Kết thúc Chiến dịch Điện Biên, ông được chọn đi học quân sự ở Trung Quốc năm năm. Đến năm 1960 về nước và được điều động vào miền Nam nhận nhiệm vụ mới. Năm 1967 (ông làm sư trưởng Sư đoàn 7), ông tham gia đánh nhiều trận như giải phóng Phước Long, Lâm Đồng, Long Khánh…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm