Vị chủ tịch làng nghề 56 năm chưa một lần chơi 'phây'

Độc thân và không dám chơi “phây”

Thật khó tin khi một doanh nhân thành đạt lại chưa từng "ngó ngàng" đến trang facebook cá nhân. Anh Hưng tâm sự: “Nghe người ta nói chơi facebook sẽ bị nghiện. Thay vì thời gian chơi facebook, xem phim thì anh đầu tư vào nghiên cứu sách vở, lấy thông tin từ internet". 

Anh kể một lần đi sang Châu Âu thấy nhiều sản phẩm làm bằng da cá sấu nhưng lại bán với giá rất đắt. Khi về trang trại, anh bắt đầu mày mò học cách chế biến da cá sấu. Chính niềm say mê mang lại giá trị cho xã hội đã giúp anh thành công. Các mặt hàng ví, bóp, đầm của công ty anh với mẫu mã đẹp, bền, đã được xuất đi các thị trường Nhật, Pháp, Mỹ...

 Anh Tôn Thất Hưng xuất hiện trong buổi giao lưu với trang phục cực kỳ giản dị. Ảnh: Hoàng Giang

Ở cái tuổi 56, khi trên đầu đã pha hai màu tóc, người doanh nhân này vẫn độc thân. Nói theo kiểu của anh thì là “độc thân vui tính”. Người ta nói sau thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng người phụ nữ. Anh nhận mình chưa phải là người thành công và cần cố gắng hơn nữa, hiện tại sau lưng anh chỉ có những người bạn - những người cộng sự đồng cam công khổ với anh, có người năm nay nữa đã tròn 80 tuổi. Anh Nguyễn Ngọc Thành - Trưởng ban quản lý làng cá Sấu Sài Gòn kể những lần anh Hưng làm việc tất bật đến giờ trưa thì chạy ra mua đại hộp cơm về ăn cho xong, đêm thì làm việc rất khuya cũng không có người rót cho ly nước.

Anh Hưng luôn bắt mình không ngừng sáng tạo. Anh nói nếu thỏa mãn với thành công từ khi nhân giống bằng 2 con cá sấu đầu tiên thì anh đã không có ngày hôm nay. Anh phát hiện mình không biết cách ấp trứng cá sấu nên khăn gói sang Campuchia học cách ấp trứng. Nhận lại sau khóa học đó, anh về thử nghiệm tại chuồng nuôi thì cho tỷ lệ ấp nở 70-80%. Sự nghiệp anh từ đây phát triển không ngừng, anh luôn đặt ra những mục tiêu cao hơn và cố cố gắng hoàn thành nó từng ngày.

Tuyệt đối không tự nói về mình

Ăn mặc không màu mè mà hết sức bình dị, chân quê là những gì tôi cảm nhận được khi đứng trước một doanh nhân có “máu mặt” ở đất Sài Gòn. Anh Hưng cho người tiếp đón đoàn chúng tôi chu đáo từ việc gửi xe cho đến chỗ ngồi, chai nước suối, một doanh nhân sẵn lòng ngồi nửa cái ghế với tôi, cùng hát karaoke, cùng ăn cơm và hồ hởi bảo với chúng tôi rằng “mình như đang trẻ lại”.

Vị chủ tịch ấy không bao giờ trả lời những câu hỏi như đánh giá về chính bản thân mình. Anh xem đó là nguyên tắc sống và làm việc của cả công ty, mọi người không ai được tự nói về mình, không được kể công mà phải nghe từ những người khác. Với anh, “người tự nói về mình sẽ dễ thỏa mãn mà mất phương hướng, ngủ quên trong thành công hiện tại”.

Anh chỉ kể đã đến với nghề nuôi cá sấu của anh là một cái duyên, là sự tình cờ. Anh nhớ lại, năm 1981, khi cầm tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi ngành chăn nuôi - thú y (Trường TC Nông nghiệp TP.HCM), nhưng loay hoay mãi mà không tìm được việc làm. Xin vào làm ở các trang trại nuôi bò, heo đều bị từ chối vì đã... đủ người. Cái duyên khi một người chị trên anh một khóa bảo đến xin việc ở Thảo Cầm Viên (TP.HCM). Anh nộp hồ sơ ngay, may mắn thay người tổ trưởng tổ bò sát ở đây đến tuổi về hưu, thế là anh được nhận vào làm tổ trưởng. “Nếu lúc trước làm người quản lý hổ trong Thảo Cầm Viên thì giờ chắc tôi thành giám đốc làng hổ rồi”, anh nói vui.

 Công ty của anh Tôn Thất Hưng hiện đang sản xuất các mặt hàng bóp, dây nịt, túi xách xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Giang

“Mọi người trong công ty ai cũng yêu mến anh, anh sống hết lòng vì mọi người, không phân biệt cấp bậc. Anh biết dùng cái tâm để đối đãi nhân viên, dạy họ sống có mục tiêu, hoài bão, phải làm những việc có ích cho nhiều người, cho cộng đồng. Luôn biết ơn những gì đã mang lại cho chúng ta cuộc sống như hôm nay. Vì thế mà năm 2001, anh Hưng đã mang 25 con cá sấu (nặng từ 20-30kg) - tương đương một cây vàng lúc đó, thả về thiên nhiên”. Anh bảo dù mình nghèo nhưng phải có lòng biết ơn, thả về rừng để cảm ơn nó mang lại cuộc sống sung túc cho nhiều người, chúng ta phải đưa nó về nhà” - anh kể.

Từ nuôi cá sấu đến trị bệnh xương thủy tinh

Anh Hưng khoe mình đang tập trung vào dự án nghiên cứu việc chữa trị bệnh xương thủy tinh - một loại bệnh hiện nay chưa có thuốc điều trị. Từ phát hiện cao xương cá sấu hàm lượng collagen rất cao - một chất không thể thiếu trong cấu tạo xương, anh tự sưu tầm những tài liệu tiếng Anh trên mạng, đến 60 trang về loại bệnh này và thuê người dịch lại tiếng Việt. Công trình nghiên cứu của anh thành công khi 40 trẻ mắc bệnh xương thủy tinh dùng cao xương cá sấu của công ty có thể đi lại được và vui chơi bình thường.

Anh tâm sự: “Nhìn các bậc cha mẹ sinh con ra mà không được bế con mình, nhìn những đứa trẻ đau đớn, tôi rất xót”. Anh mang công trình của mình chia sẻ với đồng nghiệp trong công ty, với các bác sĩ tại bệnh viên Đại học Y Dược TP.HCM và kể cả nước ngoài. Mọi người rất ngạc nhiên, mặc dù chưa có một công nhận chính thức về việc chất collagen trong cao xương cá Sấu có thể chữa được căn bệnh quái ác này. 

Hiện tại, anh tự bỏ tiền mỗi năm cả tỷ đồng để chăm lo cho những đứa trẻ mắc bệnh xương thủy tinh, giờ đây 40 đứa đã có thể đi học, vui chơi như bao đứa trẻ bình thường khác.

 Những đứa trẻ mắc bệnh xương thủy tinh được điều trị bằng cao xương cá sấu đã có thể đi học, vui chơi và bơi lội bình thường. Ảnh: Hoàng Giang

Khi được hỏi về những khó khăn gặp phải trong những năm qua, anh Hưng trả lời nhanh: “Làm gì có khó khăn, tôi làm bằng cảm hứng nên không thấy khó khăn, bên cạnh tôi luôn có những cộng sự, tôi chia sẻ với họ công việc của mình, nếu chỉ mình tôi làm giám đốc thì sẽ không có ngày hôm nay”. 

Chia tay với "ông trùm" cá sấu giản dị, điều đọng lại trong chúng tôi là bí quyết thành công từ một cách suy nghĩ đúng, ý chí đủ mạnh để đạt được mục đích của mình. “Bất kể chúng ta đến từ đâu, quan trọng là chúng ta đặt mục tiêu cho mình, tự vấn cái mình làm sẽ phục vụ được cho ai, cho bao nhiêu người để từ đó phấn đấu không mệt mỏi”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm