Ván cờ Đông Bắc Á của tổng thống Hàn Quốc

Hồi tháng 7-2017, không lâu sau khi đắc cử tổng thống, ông Moon Jae-in đã tuyên bố chính phủ Hàn Quốc quyết ngồi vào ghế “người cầm lái” trong các vấn đề Triều Tiên, hướng đến một nền hòa bình cho bán đảo.

Vượt qua một năm 2017 sóng gió với liên tiếp những lần thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, những nỗ lực “cầm lái” trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên của chính phủ ông Moon đang tiến gần đến ngày hái quả ngọt. Ngày mai (27-4), nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ lần đầu tiên bước qua đường biên giới liên Triều và đi vào lãnh thổ Hàn Quốc để gặp ông Moon Jae-in, thảo luận về quan hệ hai nước trong thời gian tới.

Hãng thông tấn Yonhap đã ví von các cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa Hàn Quốc, Mỹ với Triều Tiên sẽ là một “mùa xuân của định mệnh”. Đây sẽ là những phép thử hạng nặng đối với vai trò lãnh đạo của Hàn Quốc trong ván cờ ngoại giao con thoi giữa các bên liên quan đến vấn đề Triều Tiên, hứa hẹn tái định hình một bối cảnh an ninh mới tại Đông Bắc Á.

Làm hài lòng các bên

Trả lời chuyên trang phân tích quốc tế The Diplomat, ông Kim Yong-jae, chuyên trách bộ phận quan hệ công chúng tại Ban thư ký hợp tác ba bên Trung-Nhật-Hàn, nhận định: “Trước một mạng lưới lợi ích đan xen phức tạp giữa các chủ thể khu vực, chính phủ của ông Moon Jae-in đã thực hiện khá thành công vai trò một người trung gian, hiểu rõ cuộc chơi và cách thức hợp tác với bên liên quan để thống nhất hướng đến mục tiêu hòa bình và ổn định cho khu vực Đông Bắc Á”.

Có thể thấy chính phủ của Tổng thống Moon đã rất nỗ lực để đảm bảo các bên trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên đều không cảm thấy bị cho ra rìa. Một ví dụ điển hình là thứ tự liên tiếp các cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới tại Đông Bắc Á, gồm thượng đỉnh liên Triều vào ngày mai, thượng đỉnh ba bên Trung - Nhật - Hàn vào đầu tháng 5 và cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.

Chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã thành công trong việc đưa Triều Tiên và Mỹ cùng ngồi vào bàn đàm phán. Ảnh: EPA

Theo ông Kim Yong-jae, việc sắp xếp sự kiện thượng đỉnh ba bên vào giữa hai cuộc gặp thượng đỉnh của Triều Tiên là vô cùng quan trọng. Nó cho phép chính quyền Seoul thông báo kết quả cuộc gặp giữa ông Kim Jong-un và ông Moon Jae-in, đồng thời vận động sự hỗ trợ khu vực dành cho các nỗ lực ngoại giao liên Triều cũng như thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Không chỉ vậy, đến dự hội nghị thượng đỉnh ba bên tại Tokyo, ông Moon sẽ trở thành tổng thống Hàn Quốc đầu tiên kể từ năm 2013 công du đến Nhật Bản. Động thái này có thể tạo tiền đề thúc đẩy một cuộc gặp thượng đỉnh Nhật Bản-Triều Tiên trong tương lai mà chính quyền Tokyo đang mong muốn.

Chính phủ ông Moon cũng luôn ráo riết thông tin và tham vấn với hai “người chơi” lớn trong ván cờ Đông Bắc Á về các diễn biến trên bán đảo Triều Tiên. Chẳng hạn như liên tiếp các chuyến công du của Giám đốc Văn phòng an ninh quốc gia Chung Eui-yong và lãnh đạo Cơ quan tình báo quốc gia Suh Hoon đến Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản sau chuyến làm việc tại Bình Nhưỡng. Ông Moon Jae-in cũng thường xuyên điện đàm và cho tham vấn với phía Mỹ trước thềm các cuộc gặp với đại diện cấp cao của Triều Tiên. Bước đi này cũng được lập lại ngay trước thềm thượng đỉnh liên Triều. Nhà Xanh hôm 25-4 thông báo ông Chung Eui-yong đã gặp Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tại Washington. Hai bên thống nhất hợp tác, đảm bảo các cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên diễn ra thành công.

“Nhìn chung, tất cả các bước đi này sẽ giúp tối thiểu hóa các rủi ro tiềm tàng, trấn an các bên và hoàn thiện chương trình nghị sự cho thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên” - ông Kim Yong-jae nhận định.

Ông Kim Jong-un trong tuyên bố gần đây trước Quốc hội Triều Tiên đã đề cập đến mong muốn giảm vũ khí hạt nhân toàn cầu. Ảnh: KCNA

Những lá bài trong tay ông Moon

Với chuyên môn nghiên cứu chính trị Trung Quốc tại ĐH Quốc gia Seoul và kinh nghiệm nghiên cứu quân sự, chiến lược tại Học viện Không quân Hàn Quốc, ông Kim Yong-jae chỉ ra lợi thế lớn nhất của chính phủ Seoul hiện nay là họ có nhiều nước cờ mới để đàm phán với các bên về một trật tự an ninh và kinh tế mới tại Đông Bắc Á.

Thay vì chỉ chăm chăm yêu cầu Triều Tiên phi hạt nhân hóa như các chính phủ tiền nhiệm, ông Moon Jae-in và các cố vấn đưa ra viễn cảnh giải trừ quân bị trên bán đảo, phù hợp hơn với mối quan tâm của chính phủ Bình Nhưỡng. Trong bản tuyên bố sáu điểm trước Quốc hội Triều Tiên tuần qua, ông Kim Jong-un đã nhấn mạnh việc Triều Tiên ngưng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa là một bước đi hướng đến “giải trừ hạt nhân toàn cầu”. Tờ Financial Times nhận định tuyên bố này hàm ý bất kỳ bước đi nào hướng đến phi hạt nhân hóa Triều Tiên cũng đồng nghĩa rằng Mỹ và các đối tác phải có những bước đi cắt giảm mối đe dọa hạt nhân.

Cắt giảm mối đe dọa quân sự với Triều Tiên cũng là một nước cờ mới mà chính phủ ông Moon Jae-in đang nắm trong tay. Kể từ sau chiến tranh liên Triều (1950-1953) đến nay, Triều Tiên luôn xem sự hiện diện quân sự của Mỹ và các cuộc tập trận chung tại Hàn Quốc là hành động khiêu khích và đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia. Tuy nhiên, với các sách lược cải thiện năng lực quốc phòng tự thân hiện nay, chính phủ của ông Moon Jae-in có thể thúc đẩy Mỹ giảm được mức độ đe dọa quân sự nhắm vào Triều Tiên và xây dựng lòng tin giữa các bên. Theo ông Kim Yong-jae, Washington có thể tăng vai trò của lực lượng tuần duyên Mỹ tại Hàn Quốc. Điều này vừa đảm bảo giữ một lực lượng đáng gờm trên vùng biển khu vực, vừa giảm mức độ hiện diện của các khí tài mang tính đe dọa lớn đối với Triều Tiên như các tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay vốn thuộc biên chế hải quân Mỹ. Quá trình giảm đe dọa quân sự có thể được “trợ lực” bằng những thảo luận về chia sẻ chi phí bảo trợ an ninh của Mỹ tại Hàn Quốc, cùng tái đàm phán thỏa thuận thương mại Mỹ-Hàn.

Vẫn còn quá sớm để tiên liệu về một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Cuộc mặc cả thế kỷ về hạt nhân Triều Tiên sẽ còn tốn nhiều thời gian và các nỗ lực nhượng bộ lẫn nhau giữa các bên. Dẫu vậy, các nước cờ cẩn trọng và cân bằng của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thời gian qua cũng đủ để các nhà quan sát lạc quan một cách thận trọng về viễn cảnh Đông Bắc Á giảm đáng kể căng thẳng an ninh hạt nhân.

Kinh nghiệm “làm” thượng đỉnh

Ông Kim Yong-jae cũng nhấn mạnh rằng tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm Moon Jae-in hơn hai người tiền nhiệm Lee Myunh-bak và Park Geun-hye về kinh nghiệm tổ chức thượng đỉnh liên Triều. Vào năm 2007, ông Moon với cương vị là chánh văn phòng Nhà Xanh đã đảm nhiệm vị trí chủ nhiệm ủy ban chuẩn bị thượng đỉnh giữa Tổng thống Roh Moo-hyun và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il. Sự hiểu biết cũng như những bài học trong quá khứ về thượng đỉnh liên Triều năm 2007 nhiều khả năng đã giúp ông Moon thuyết phục được Mỹ và Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp như hiện nay.

Ông Trump đổi giọng hòa dịu

Tổng thống Donald Trump và chính quyền Washington cũng đang ráo riết kiến thiết một bầu không khí thân thiện trước thềm cuộc thượng đỉnh liên Triều, xa hơn nữa là thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên. Từ những lời “nắn gân” năm 2017, những tháng ngày gần đây ông Trump dành nhiều lời khen cho chính quyền Bình Nhưỡng và cá nhân nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Mới đây nhất, trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Nhà Trắng, ông Trump nhận định những động thái vừa qua của Bình Nhưỡng cho thấy nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Triều Tiên là một người rất “cởi mở” và “đáng kính”. Lời khen như một bước ngoặt 180 độ sau những lời lẽ tổng thống Mỹ từng dùng để chỉ trích ông Kim Jong-un, từ gọi ông là “người đàn ông tên lửa bé nhỏ” đến liệt Triều Tiên vào danh sách đen các nước ủng hộ khủng bố.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng sự lạc quan của Washington vẫn cần được giữ chừng mực. Nghị sĩ Ben Cardin, Ủy ban Các vấn đề đối ngoại Thượng viện Mỹ, cho rằng ông Trump đã nói hơi quá khi gọi ông Kim là một người “đáng kính”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm