Từ Panama đến Moscow: Mạng lưới rửa tiền chấn động thế giới

Những thông tin đầu tiên được hãng tin The Guardian công bố về bộ hồ sơ “Panama Papers” (tạm dịch: “Tài liệu Panama”) đã trở thành một “quả bom tấn” trong giới báo chí điều tra. Hơn 11,5 triệu tài liệu về thuế có dấu ấn của hãng luật Mossack Fonseca tại Panama đã bị rò rỉ cho tờ nhật báo Sueddeutsche Zeitung (Đức). Được tổ chức Liên minh Nhà báo điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố và kêu gọi hơn 100 nhóm truyền thông trên thế giới tham gia điều tra, “Tài liệu Panama” đã đưa ra ánh sáng một trong những đường dây tiền đen lớn nhất trong lịch sử với sự liên quan của hơn 214.000 công ty và tổ chức hải ngoại, cùng hơn 140 chính trị gia trên thế giới, trong đó có đến 12 người đã hoặc đang là nguyên thủ quốc gia.

Thế giới ngầm của tiền đen

Trong những năm gần đây, các cuộc điều tra của chính phủ các nước chủ yếu tập trung vào cách thức các ngân hàng lớn trên thế giới lưu chuyển, giấu giếm và rửa tiền cho giới nhà giàu muốn làm khối tài sản khổng lồ của mình trở nên vô hình. Tuy nhiên, bộ hồ sơ “Tài liệu Panama” đã rọi ánh sáng lên một góc khuất khác của mạng lưới tiền đen xuyên quốc gia với quy mô hoạt động khổng lồ mà ít ai ngờ đến được: Các hãng luật và các công ty ma. Trong hơn một năm qua, các nhà báo quốc tế đã phối hợp điều tra tổng cộng 214.488 pháp nhân tài chính hải ngoại - từ công ty tư nhân đến các quỹ hay tài sản ủy thác. Sợi chỉ nối tất cả công ty, tổ chức và những nhân vật tình nghi này chính là một công ty luật ít người biết đến tại Panama: Hãng Mossack Fonseca.

Chủ nhân của hãng luật tạo nên thế giới ngầm của dòng tiền đen là luật sư gốc Đức Jurgen Mossack và đối tác của ông là Ramon Fonseca - một chính trị gia và nhà văn quyền lực tại Panama. Cả hai là “thuyền trưởng” của ngành công nghiệp rửa tiền bằng công ty ma tại những nước có chính sách thuế lỏng lẻo - những “thiên đường trốn thuế”. Những hoạt động của ngành công nghiệp rửa tiền này đã tạo ra những ảnh hưởng to lớn cho nền tài chính thế giới kể từ thập niên 1970 đến nay.

Theo tờ Sueddeutsche Zeitung, hoạt động kinh doanh của Mossack và Fonseca có quy mô đến hơn 500 nhân viên và người cộng tác, vươn đến nhiều quốc gia trên thế giới. Tổng hợp dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Liên Hiệp Quốc (LHQ) và ngân hàng trung ương của hơn 139 quốc gia, TS James Henry, cố vấn cấp cao của Mạng lưới Công lý thuế năm 2012, cho biết số tiền đen giấu ở những “thiên đường trốn thuế” có thể từ 21.000 đến 32.000 tỉ USD. Con số này còn lớn hơn cả tổng nợ quốc gia của toàn nước Mỹ.

“Nếu như có tồn tại trên đời một phương tiện cho phép tội phạm nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, phương tiện đó chính là các hệ thống tài chính không minh bạch và khả năng sử dụng các công ty ma vô danh để rửa tiền” - theo ông Porter McConnell, Giám đốc Liên minh Minh bạch tài chính. Ông cho rằng những công ty ma hiện đóng vai trò rất lớn để lưu chuyển dòng tiền đen từ bộ ba “T” hắc ám của các nước: Tập đoàn trốn thuế, tham nhũng chính phủ và tội phạm có tổ chức.

Đợt rò rỉ tài liệu này từ hãng luật Mossack Fonseca được đánh giá là lớn gấp 100 lần “quả bom tấn” Wikileaks năm 2010 về các bê bối tình báo quốc gia. Các tài liệu bị rò rỉ của hãng luật này trải dài suốt hơn 40 năm, có thời gian từ những năm 1970 đến gần đây nhất là tháng 12-2015. Những trang báo lớn có tham gia điều tra như The Guardian hay BBC đều đánh giá đây có thể là cuộc điều tra toàn cầu lớn nhất lịch sử từ trước đến nay.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái), Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) và siêu sao Lionel Messi (phải) đều có mối liên hệ với Mossack Fonseca. Ảnh: AFP/ REUTERS

Hãng luật Mossack Fonseca là trung tâm của đường dây rửa tiền xuyên quốc gia. Ảnh: BBC

Những cái tên lớn nặng ký

Bộ “Tài liệu Panama” đã điểm ra nhiều cái tên nặng ký trong giới chính trị gia và chính khách quốc tế có mối liên hệ với các chủ sở hữu những công ty và quỹ tài chính ma ở hải ngoại mà Mossack Fonseca góp tay tạo ra.

Người đầu tiên là Tổng thống Nga Vladimir Putin. Dù tài liệu không đề cập cụ thể tên Tổng thống Nga Putin nhưng có đề cập đến việc một số người bạn ông Putin đã kiếm hàng triệu USD từ các giao dịch mà họ sẽ không thể có được nếu không được ông Putin hỗ trợ. “Tài liệu Panama” đặc biệt nêu rõ trường hợp ông Sergei Roldugin, một người bạn thân của ông Putin. Theo đó, ông Putin có thể đã kiếm được ít nhất 100 triệu USD từ hỗ trợ ông Sergei Roldugin.

Lãnh đạo Ngân hàng Rossiya (Nga) là ông Yuri Kovalchuk cũng bị cho là có dính líu đến thế giới ngầm tiền đen. “Tài liệu Panama” cho thấy ông Yuri Kovalchuk và ngân hàng Rossiya đã chuyển ít nhất 1 tỉ USD cho một công ty hải ngoại có tên là Sandalwood Continental. Nguồn gốc số tiền này đến từ hàng loạt khoản vay không cần thế chấp khổng lồ từ ngân hàng nhà nước Nga Russian Commercial Bank (RCB) chi nhánh ở đảo Cyprus và một số công ty nhà nước Nga khác. Một số trong khoản tiền vay từ ngân hàng RCB đã được chuyển lại về Nga với tỉ lệ tiền lãi cao ngất ngưởng. Tiền lãi này được chuyển đến một số tài khoản bí mật ở Thụy Sĩ.

Người thân của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cũng không nằm ngoài danh sách. Theo bộ tài liệu được tiết lộ, Đặng Gia Quý, anh rể của ông Tập, trong năm 2009 đã thông qua Mossack Fonseca mở hai công ty ma tại đảo Virgin (Anh). Trong thời điểm này, ông Tập vẫn còn là ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc nhưng vẫn chưa giữ ghế chủ tịch nước. Người thân của ít nhất tám cựu ủy viên và ủy viên đương nhiệm của Bộ Chính trị Trung Quốc cũng có tài sản tại nước ngoài thông qua Mosseck Fonseca.

Những tài liệu mới được công bố này còn có khả năng hủy hoại toàn bộ sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Iceland Sigmundur Davíð Gunnlaugsson. Thủ tướng đương nhiệm của Iceland và vợ Anna Sigurlaug Pálsdóttir là đồng sở hữu một công ty có tên Wintris Inc thành lập năm 2007 ở đảo Tortola thuộc quần đảo Virgin của Anh. Ngay khi “Tài liệu Panama” được công bố, các lãnh đạo đối lập đã bàn khả năng bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng Gunnlaugsson. Cựu Thủ tướng Jóhanna Sigurðardóttir cho rằng thủ tướng đương nhiệm nên báo cáo trung thực những gì tài liệu này đề cập và nên từ chức nếu không kiếm đủ số phiếu tín nhiệm.

Ngoài ra, bộ hồ sơ chấn động “Tài liệu Panama” cũng liệt kê vô số chính khách khác có liên hệ với hãng luật Panama để đưa tài sản đến các “thiên đường trốn thuế” như cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Tổng thống Ukraine Poroshenko, hay cả những ngôi sao nổi tiếng như Lionel Messi, diễn viên Jacky Chan.

“Nghi can” nhận là người bị hại?

Trước khi tờ The Guardian chính thức công bố thông tin về “Tài liệu Panama”, điện Kremlin đã họp báo thông tin trước về một cuộc “tấn công truyền thông” nhắm đến nhà lãnh đạo nước Nga Vladimir Putin, cùng những người bạn và người thân của ông. Phía điện Kremlin cho biết cuộc tấn công này sẽ được tiến hành ở một số nước trong vài ngày tới.

Trong khi đó, người đứng đầu công ty luật đóng tại Panama đã từ chối bất kỳ hành vi sai trái nào và cho biết công ty của ông đã trở thành nạn nhân của “một chiến dịch quốc tế chống lại quyền riêng tư”. Theo hãng Reuters, Giám đốc Công ty Luật Mossack Fonseca Ramon Fonseca cho biết công ty của ông đã bị tin tặc tấn công thành công nhưng ở mức “giới hạn”. “Bảo mật là một quyền thiêng liêng của con người nhưng có những người không hiểu điều đó. Chúng tôi tin vào quyền riêng tư và sẽ tiếp tục đảm bảo rằng tất cả khách hàng của chúng tôi được bảo vệ quyền đó” - ông Fonseca nhấn mạnh.

Quy mô khổng lồ

Theo thông tin tổng hợp về “Tài liệu Panama” được đăng tải trên trang Fusion, những pháp nhân tình nghi tham gia vào đường dây tiền đen xuyên quốc gia này liên quan đến một số lượng kỷ lục các chính trị gia và người nổi tiếng trên thế giới: 12 nguyên thủ quốc gia; 61 người thân và bạn bè của các nguyên thủ quốc gia; 128 chính trị gia, quan chức chính phủ và tổ chức quốc tế; 29 tỉ phú nằm trong danh sách những người giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes. Tổng cộng có đến 202 quốc gia có liên quan đến đường dây rửa tiền xuyên quốc gia này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm