Trung Quốc: Tri thức ‘tăng trưởng nóng’

Dường như không chỉ có nền kinh tế mà cả khoa học, giáo dục của Trung Quốc (TQ) cũng đang “tăng trưởng nóng” với rất nhiều chỉ số và thành tựu ấn tượng. Thế nhưng mọi hình thức tăng trưởng thiếu tính bền vững đều khó tránh khỏi những hậu quả nguy hiểm.

Sự trỗi dậy về tri thức

Trong bài viết của mình đăng trên tờ New York Times, học giả người Mỹ Jeremy Rifkin đã đánh giá TQ nhiều khả năng sẽ dẫn đầu thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần ba trong lịch sử ở lĩnh vực năng lượng tái tạo và công nghệ Internet. Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh nền khoa học và giáo dục của TQ đang có những bước trỗi dậy vô cùng mạnh mẽ.

Chi phí dành cho việc nghiên cứu và phát triển (R&D) của TQ cũng chứng kiến sự gia tăng vượt bậc. Theo UNESCO, trong giai đoạn 2001-2011, chi phí R&D của TQ tăng gần 700%, đứng thứ ba toàn thế giới chỉ sau Mỹ và Nhật. Số lượng các nhà nghiên cứu trong giai đoạn này tăng gần 90%. Số lượng đăng ký bản quyền và xuất bản các công trình khoa học tại TQ cũng nhảy vọt vượt cả Nhật và Đức.

Theo Văn phòng Thống kê quốc gia TQ, năm 2013 nhà nước đã đầu tư hơn 1,18 ngàn tỉ nhân dân tệ (khoảng 190 tỉ USD - chiếm hơn 2% tổng sản phẩm quốc nội) vào “sự phát triển nghiên cứu khoa học và thực nghiệm”. Con số này vào năm 2011 là 140 tỉ USD.

Trả lời tờ The New York Times, Zhai Xiaomei, một thành viên của Ủy ban Đạo đức Y tế Quốc gia và là giáo sư tại Trường CĐ Y khoa Bắc Kinh, đánh giá: “Khoảng cách giữa các công nghệ sinh học mới của TQ và phương Tây ngày càng gần”. Năm 2013 TQ đã vào tốp 10 quốc gia có số lượng bằng sáng chế nhiều nhất thế giới. Nếu quay ngược dòng thời gian lại khoảng 10 năm trước đó, vị thế này đối với TQ là gần như không tưởng.

TQ đã đi quá xa khi tiến hành nghiên cứu điều chỉnh phôi thai người. Ảnh minh họa: GETTY IMAGES/CHINATOPIX

Giới hạn của sáng tạo “ngược”

Thành quả từ mô hình quản lý nghiên cứu phát triển “từ trên xuống” của TQ trong những năm gần đây đã đạt được một số thành công nhất định, song TQ cũng bắt đầu đối mặt với những giới hạn của mình. Chính sách nghiên cứu và phát triển của Bắc Kinh đặt chính phủ làm hạt nhân trung tâm. Trong khi đó, theo TS Maximilian Mayer, ĐH Bonn (Đức), sự sáng tạo phải có xuất phát điểm từ thị trường.

Việc đi ngược quá trình sẽ không đảm bảo mang lại hiệu quả kinh tế do nghiên cứu thiếu tính thực tiễn cao. Theo nghiên cứu của TS Mayer, hiện vẫn chỉ có Mỹ, Nhật và Đức là những nước thật sự thu được lợi nhuận từ những phát minh. Trong khi đó TQ hiện vẫn đang phải tốn tiền nhiều hơn là sinh lời từ các phát minh của họ. Theo Ngân hàng Thế giới (2011), mức cân bằng chi-thu đối với phí bản quyền của TQ là gần âm 14 tỉ USD.

Nghiên cứu của TS Maximilian Mayer cho rằngsự sáng tạo tri thức của TQ lại ít mang tính chất bản xứ. Chủ yếu các thành quả sáng tạo lại xuất phát từ những nhân tố, công ty nước ngoài hoặc có vốn nước ngoài, chi phối đầu tư nghiên cứu của công ty, tại TQ. Ngoài ra, một trong những quan tâm lớn nhất của giới học giả Đức khi bàn luận về TQ là vấn nạn ăn cắp các bí mật khoa học công nghệ thông qua các chương trình hợp tác sản xuất.

Một học sinh TQ đang gục bên “núi” bài vở ôn thi Gaokao - kỳ thi đại học của TQ. Ảnh: REUTERS

Giáo dục cũng “lạm phát”?

Theo đánh giá của TS Maximilian Mayer, người dân TQ có mức chi tiêu cho giáo dục cấp cao (đại học và sau đại học) vượt trội so với các quốc gia cùng thuộc nhóm các nền kinh tế mới nổi - BRICS ( Brazil, Nga, Ấn Độ, TQ và Nam Phi). Tuy nhiên, nền giáo dục của TQ đang đứng trước nhiều đòi hỏi cải cách, đặc biệt là về triết lý giáo dục. Các nhà tuyển dụng đánh giá những nhân viên người TQ không có sự sáng tạo tương đương những đồng nghiệp khác. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng chính triết lý giáo dục Nho giáo và Khổng giáo đang ngăn cản sự tự do sáng tạo của người học.

Nền giáo dục TQ hiện nay đang phát triển “nóng” đến mức lâm vào tình cảnh “lạm phát” trường đại học với nhiều ngành học và đơn vị giảng dạy không thể nào có đủ sinh viên. Số lượng học sinh tham gia kỳ thi Gaokao - kỳ thi tuyển sinh đại học của TQ đã giảm trong năm năm liền kể từ năm 2009. Năm 2014, tất cả trường ĐH-CĐ ở tỉnh Hà Nam, TQ bị hụt 70.000 sinh viên. Tình trạng “trường thì nhiều - sinh viên chẳng bao nhiêu” đã tồn tại suốt ba năm ở Hà Nam. Tình trạng này xảy ra tương tự với Bắc Kinh, nơi được đánh giá là có các trường đại học danh giá nhất ở TQ. Chỉ tiêu học sinh ở Bắc Kinh tham gia kỳ thi Gaokao bị cắt xuống 52.200 sinh viên trong năm 2014, giảm 30% so với chỉ tiêu 76.700 sinh viên trong năm 2008.

Chạy đua “đánh rơi” cả đạo đức

TQ đang bỏ ra hàng trăm tỉ USD mỗi năm trong một nỗ lực nhằm trở thành nước dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu y sinh học, xây dựng các phòng thí nghiệm và đào tạo hàng ngàn nhà khoa học. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại rằng các nhà nghiên cứu y học của TQ đang vượt quá ranh giới về đạo đức vốn từ lâu các nhà khoa học phương Tây không dám vi phạm.

Theo tờ The New York Times, trong tháng 4-2015, các nhà khoa học trên thế giới đã bị sốc khi một nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Trung Sơn tại Quảng Châu do GS Hoàng Quân Tựu (34 tuổi) đứng đầu đã công bố trên tạp chí Protein & Cell những kết quả của một thí nghiệm về việc chỉnh sửa các gen trong phôi thai người. Công nghệ này một ngày nào đó có thể được sử dụng để tiêu diệt các bệnh di truyền. Nhưng về mặt lý thuyết, nó cũng có thể được sử dụng để thay đổi các đặc điểm như màu mắt hay trí thông minh, đảm bảo rằng những thay đổi này sẽ được truyền cho các thế hệ tương lai.

Ông Hoàng Quân Tựu và các đồng nghiệp của mình đã cố gắng để sửa đổi một gen gây ra chứng rối loạn máu khiến các tế bào hồng cầu của bệnh nhân không thể đưa đủ ôxy để đi nuôi cơ thể. Nghiên cứu này đã chấp nhận hy sinh đến 85 phôi thai người do thí nghiệm không thành công. Với nhiều người trong giới khoa học, đây là một ranh giới mà không một ai được phép vượt qua. Các nhà khoa học phương Tây thường bỏ qua loại nghiên cứu có khả năng “đúc khuôn” các đặc tính của con người như thế này.

Tuy nhiên, ông Huso Yi, Giám đốc nghiên cứu về đạo đức sinh học tại ĐH Trung Văn Hương Cảng, tuyên bố: “Hiện nay sự đồng thuận trong cộng đồng khoa học là không cần thiết. TQ không muốn đưa ra lệnh cấm. Không thể ngăn chặn sự phát triển quá nhanh của ngành di truyền học TQ”. Trường hợp của GS Hoàng Quân Tựu được ủy ban quốc gia quyết định được chấp nhận về đạo đức vì nó “không nhằm mục đích sinh sản”. Tất cả lập luận mà cộng đồng nghiên cứu tại TQ đưa ra dường như mâu thuẫn với chính những giá trị cốt lõi trong văn hóa Á Đông, một nền văn hóa trân trọng giá trị của bất kỳ hình thái sự sống nào.

Quan ngại về nghiên cứu gần đây, Rao Yi, một giáo sư sinh học và là Giám đốc Trung tâm Khoa học đời sống tại ĐH Bắc Kinh, cho rằng: “Chúng ta càng sở hữu nhiều công nghệ thì chúng ta càng trở nên nguy hiểm hơn đối với chính mình và toàn bộ nhân loại”. Cũng theo TS Rao, cần thành lập một cơ quan đạo đức y tế trên toàn cầu, điều hành bởi Tổ chức Y tế Thế giới hoặc Liên Hiệp Quốc để điều tiết các thí nghiệm khoa học.

Theo hãng tin Tân Hoa xã (TQ), một lượng lớn trường đại học TQ đang “chạy đua” để mở rộng quy mô trường học bằng cách mở rộng thêm nhiều ngành học trong cùng một trường. Tuy nhiên, các trường đa ngành khiến sinh viên ra trường vô cùng chật vật trong tìm kiếm công việc. Theo Bộ Giáo dục TQ, các trường đại học ở TQ đã bổ sung 1.681 chuyên ngành năm 2014, hầu hết trong số các chuyên ngành đó đều bị chồng chéo với các chuyên ngành khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm