Trung Quốc đe dọa tàu thuyền, máy bay ở biển Đông

Sau gần hai năm kể từ khi Tòa Trọng tài ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc (TQ) khiến yêu sách “đường chín đoạn” của Bắc Kinh bị vô hiệu, học giả TQ bất ngờ đưa ra “bản đồ mới” về chủ quyền biển Đông. Cùng lúc này, Bắc Kinh đưa tên lửa và máy bay ném bom ra Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam (VN).

Thậm chí gần đây TQ gia tăng xâm phạm các bờ biển của VN một cách trắng trợn. Chuyên gia về biển, PGS-TS Vũ Thanh Ca (ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), nhận định các tàu cá TQ trong nhiều trường hợp đã sử dụng những công cụ đánh bắt hủy diệt, tàn phá các sinh cảnh, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản biển của nước ta.

Trung Quốc cố chấp theo đuổi yêu sách phi pháp

. Phóng viên:Trên cơ sở đối chiếu với luật pháp quốc tế, đặc biệt phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 vụ Philippines kiện TQ, ông có thể phân tích tính pháp lý của bản đồ “đường chín đoạn liền nét” mà nhóm học giả TQ tung ra mới đây?

+ PGS-TS Vũ Thanh Ca: Theo các quy định của luật pháp quốc tế, một vùng biển không phải là đối tượng để tuyên bố chủ quyền. Ngoài ra, theo nguyên tắc “đất thống trị biển”, chế độ pháp lý của một vùng biển phụ thuộc vào chế độ pháp lý của vùng đất liền kề với nó. Nếu vùng đất là lục địa hay đảo, thỏa mãn điều kiện là “phù hợp cho đời sống con người và cho một đời sống kinh tế riêng”, vùng biển liền kề với nó sẽ có thể là vùng đặc quyền kinh tế, có chiều rộng tối đa 200 hải lý tính từ bờ hoặc là vùng thềm lục địa, có chiều rộng tối đa 350 hải lý tính từ bờ. Nếu đó là đảo đá, “không phù hợp cho đời sống con người và cho một đời sống kinh tế riêng” thì vùng biển liền kề chỉ có lãnh hải có chiều rộng tối đa 12 hải lý.

Đối chiếu với “đường lưỡi bò” của TQ trên biển Đông, có thể nói đường này đã vươn xa cách bờ của đảo Hải Nam tới gần 1.000 hải lý. Như vậy, TQ hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để tuyên bố vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò” là vùng biển TQ.

Cần chú ý rằng trước đây TQ dựa trên những học thuyết về “quyền lịch sử” trên biển đã tuyên bố rằng TQ có các quyền lịch sử đối với vùng biển nằm trong phạm vi “đường lưỡi bò”. Sau khi đã xem xét rất kỹ mọi khía cạnh của luật pháp quốc tế, Tòa Trọng tài Quốc tế đã phán quyết rằng các “quyền lịch sử” của TQ tại vùng biển nằm ngoài vùng biển được quy định bởi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã bị vô hiệu hóa sau khi UNCLOS ra đời.

Tòa cũng đã làm rõ khái niệm “phù hợp cho đời sống con người và cho một đời sống kinh tế riêng” để phán quyết rằng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là đảo đá và chỉ có lãnh hải 12 hải lý. Vì các đảo trên quần đảo Hoàng Sa và các đảo khác tại khu vực giữa biển Đông có điều kiện tương tự các đảo trên quần đảo Trường Sa nên các đảo này cũng chỉ là đảo đá và có lãnh hải 12 hải lý.

Như vậy, không thể căn cứ vào luật pháp quốc tế để xác định chế độ pháp lý cho vùng biển nằm trong phạm vi “đường lưỡi bò”, dù nó có được vẽ bằng đường liền nét hay đứt nét. Cái bản đồ mà TQ sử dụng để nhằm thay đổi bản chất của “đường lưỡi bò” là một bản đồ phi pháp. Sử dụng nó, TQ không những không được gì mà còn bị mất uy tín hơn.

PGS-TS Vũ Thanh Ca. Ảnh: TIỀN PHONG

Đe dọa tàu thuyền, máy bay hoạt động trên biển

. Sau “bản đồ mới”, TQ tiến hành hàng loạt hành động gây căng thẳng, đặc biệt là đưa tên lửa ra ba cụm đảo đá (Chữ Thập, Vành Khăn và Subi) ở Trường Sa, đưa máy bay ném bom diễn tập ở Hoàng Sa của VN. Đi đến “nước cờ” này, TQ hòng đạt mục tiêu gì?

+ TQ đã từ lâu thực hiện chiến lược từng bước chiếm trọn biển Đông theo sách lược “tằm ăn dâu”. TQ chủ trương “không tham gia vụ kiện của Philippines, không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài và không tuyên truyền cho phán quyết”. Có thể nói với những hành động nêu trên, TQ đang cố tình cho thế giới thấy là họ không tôn trọng và đang vô hiệu hóa phán quyết. Ngoài ra, đây có thể là bước thăm dò dư luận để TQ thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông.

Cần nhấn mạnh TQ nói năng rất bất nhất. Trước đây TQ tuyên bố rằng sẽ không quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Trường Sa, rồi khi quân sự hóa chúng họ lại nói rằng đó là nhằm mục đích phòng vệ. Vì các đảo đá trên quần đảo Trường Sa chỉ có lãnh hải 12 hải lý và các đảo nhân tạo chỉ có vùng an toàn hàng hải 500 m tính từ rìa cấu trúc, để phòng vệ chúng, rõ ràng TQ không cần tới các tên lửa chống hạm và đất đối không tầm xa.

.Hành động của TQ có mức độ nguy hiểm đối với an ninh chủ quyền của các nước trong khu vực trong bối cảnh hiện nay?

+ Rõ ràng TQ trang bị tên lửa và máy bay ném bom không phải để phòng vệ mà là để đe dọa các tàu thuyền, máy bay hoạt động trên biển. Một điểm rất quan trọng của luật pháp trên biển là tự do, an toàn hàng hải, hàng không. Việc trang bị vũ khí của TQ sẽ đe dọa tự do, an toàn hàng hải, hàng không trên biển Đông, do vậy vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và cực kỳ nguy hiểm cho tất cả các nước, không chỉ các nước trong khu vực mà cả các nước ngoài khu vực có sử dụng biển Đông.

Trung Quốc lần đầu tiên cho máy bay ném bom chiến thuật H-6K diễn tập hạ cánh trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: REUTERS

Trung Quốc đưa tên lửa ra đá Chữ Thập thuộc Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AFP

Thuyền Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam là rất nghiêm trọng

. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm mới đây cho biết tàu ngư dân có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang TQ tiến sâu vào các vùng biển VN, có khi chỉ cách bờ biển Đà Nẵng 30 hải lý. Tình hình này cho thấy sự đe dọa an ninh đối với VN hiện nay như thế nào? Nếu không có giải pháp kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả gì?

+ Hiện tượng tàu thuyền TQ xâm phạm vùng biển VN là rất nghiêm trọng. Các tàu cá TQ trong nhiều trường hợp đã sử dụng những công cụ đánh bắt hủy diệt và tàn phá các sinh cảnh, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản biển của nước ta. VN đã tổ chức các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư tuần tra để bảo vệ các vùng biển nhưng chủ yếu mới chỉ xua đuổi mà chưa có chế tài mạnh nên tác dụng răn đe chưa lớn.

Để hạn chế các tàu cá TQ xâm nhập trái phép vùng biển VN, ngoài các giải pháp ngoại giao, chúng ta cần điều chỉnh luật pháp và tăng cường các hoạt động thực thi pháp luật trên biển bao gồm bắt giữ, phạt tiền, tịch thu phương tiện và xử lý hình sự chủ tàu và thuyền trưởng.

. Khi TQ không tuân theo phán quyết Tòa Trọng tài thì hiện nay, theo ông, VN nên có chiến lược tức thời và chiến lược dài hơi nào để ứng phó? 

+ Tôi cho rằng chúng ta cần chính thức công nhận phán quyết và tuyên truyền cho phán quyết. Đồng thời ta cần mở rộng khối đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với tất cả các nước, các tổ chức quốc tế có quyền lợi liên quan để thực thi phán quyết. Ta cũng nhất thiết kiên định đường lối đấu tranh bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia trên biển bằng các giải pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế trên biển.

Cấu trúc an ninh khu vực khó thay đổi

Tại thời điểm hiện nay, do phải phân tán nguồn lực để đối phó với nhiều vấn đề nên sự quan tâm của Mỹ đối với biển Đông có giảm đi. Tuy vậy, chắc chắn là duy trì luật pháp quốc tế, an toàn, an ninh và tự do hàng hải, hàng không trên biển Đông, một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới, là quyền lợi của Mỹ và nhiều nước lớn khác. Do vậy, về lâu dài các nước này sẽ không bao giờ bỏ rơi biển Đông.

Mặt khác, mặc dù hiện tại TQ triển khai thực hiện một số sáng kiến như Ngân hàng cơ sở hạ tầng châu Á, dự án “Một vành đai, một con đường” với khoản đầu tư rất lớn để lôi kéo các nước về phe mình nhưng những hành động xâm lấn trên biển của TQ sẽ làm các quốc gia trên biển Đông cảnh giác và đoàn kết, đấu tranh mạnh mẽ hơn với TQ. Tuy vậy, trong thời gian ngắn tới đây, khó có thể thấy những thay đổi đáng kể trong tương quan giữa Mỹ cùng đồng minh với TQ và các nước thứ ba. PGS-TS

VŨ THANH CA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm