Trump-Putin: Bộ đôi quyền lực của năm 2016

Ngày 15-12, tạp chí Forbes đã công bố danh sách 74 nhân vật quyền lực nhất thế giới trong năm 2016. Bảng “danh sách quyền lực” năm nay không gây ra quá nhiều bất ngờ với hai cái tên được xướng lên ở vị trí cao nhất của bảng xếp hạng lần lượt là Tổng thống Nga Putin và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Uy quyền của “gấu Nga”

Dưới sự lãnh đạo của ông Vladimir Putin, “sức ảnh hưởng của nước Nga đã lan tỏa đến gần như tất cả ngóc ngách trên thế giới”. Đó là những gì tạp chí danh tiếng Forbes viết về nhà lãnh đạo 64 tuổi, ông chủ uy quyền của điện Kremlin, khi quyết định bình chọn ông là người quyền lực nhất thế giới trong năm 2016. Đây là lần thứ tư và cũng là năm thứ ba liên tiếp, nhà lãnh đạo nước Nga được Forbes bình chọn cho vị trí này.

Trong nước Nga hiện nay, Tổng thống Putin gần như không có đối thủ, Joe Scarborough của kênh truyền hình MSNBC nhận định. Khảo sát mới nhất vào cuối tháng 11-2016 của Levada, tổ chức thăm dò dư luận độc lập tại Nga, cho thấy mức ủng hộ dành cho ông Putin lên đến 86%. Chỉ có chưa đến 14% người tham gia khảo sát không bằng lòng với các hành động và quyết định của ông trên cương vị tổng thống Nga. Trong đợt bầu cử Quốc hội vừa qua tại Nga, đảng Nước Nga thống nhất (URP) của ông Putin đã thắng lớn, tăng thêm hơn 100 ghế tại Hạ viện và có đủ số ghế trong tay để chỉnh sửa hiến pháp, theo trang Breaking News. Tờ The Moscow Times cho biết cả bốn đảng “thân thiện” với ông Putin sẽ chiếm gần 445/450 ghế tại Hạ viện Nga. Những tiếng nói chống đối khó lòng có chỗ tại Hạ viện trong năm năm tới.

Không chỉ nắm giữ quyền lực to lớn không ai thách thức nổi tại nước Nga, ông Putin còn có sức ảnh hưởng to lớn trong nhiều điểm nóng trên thế giới trong năm 2016. Từ chiến sự tại Syria đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, từ việc Thổ Nhĩ Kỳ phải chủ động làm lành với Moscow, đến việc lực lượng miền Đông Ukraine kìm hãm thành công Kiev, với sự lãnh đạo của ông Putin phần thắng dường như luôn ngả về phía “gấu Nga”.

Trận chiến tại Aleppo, thành trì lớn nhất của lực lượng chống chính phủ tại Syria, cũng đã chính thức ngã ngũ với phần thắng thuộc về Tổng thống Putin và Tổng thống Assad. Đánh mất TP lớn cuối cùng mà mình kiểm soát, phe đối lập tại Syria bị đẩy vào thế phải chiến tranh du kích, theo tờ The Atlantic. Cục diện chiến sự tại Syria đã xoay chuyển theo hướng có lợi cho Assad và Putin trên bàn đàm phán hòa bình, đồng thời tạo điều kiện để hai bên toàn tâm hơn cho cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Chiến thắng tại Aleppo như viên ngọc cuối cùng đính lên “vương miện” quyền lực với hàng loạt chiến thắng trên chính trường quốc tế của ông Putin, đặc biệt là tại Syria - chiến trường đối đầu gián tiếp giữa Nga với phương Tây.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump lần lượt giữ hai vị trí dẫn đầu danh sách những người quyền lực nhất thế giới do Forbes bình chọn. Ảnh: GETTY IMAGES

Dưới sự lãnh đạo của ông Putin, nước Nga giành được phần thắng trong gần như mọi điểm nóng trên chính trường thế giới. Ảnh: AFP

“Hiện tượng” Donald Trump

Năm 2016 đầy biến động còn chứng kiến sự thăng tiến đầy kinh ngạc của ông Donald Trump. Từ một ứng cử viên tổng thống không được đánh giá cao vào cuối năm 2015, tỉ phú người New York đã trở thành vị cứu tinh của cả đảng Cộng hòa, giúp đảng này giành được chiến thắng không chỉ trong cuộc đua vào Nhà Trắng mà còn tạo ra sức hút để nắm được quyền kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện. Nhiều chuyên gia dự đoán ông Trump cũng sẽ sớm đề xuất một thẩm phán khác thân đảng Cộng hòa cho chiếc ghế còn trống tại Tối cao Pháp viện của cố thẩm phán Antonin Scalia. Với cục diện này, các quyết sách của ông Trump và của đảng Cộng hòa nhiều khả năng sẽ được thực thi một cách trơn tru và cho thấy kết quả nhanh chóng hơn so với thời của ông Obama, khi mà vị tổng thống của đảng Dân chủ phải đối đầu hết lần này đến lần khác với một Hạ viện bất hợp tác của đảng Cộng hòa.

Không những thế, vị tổng thống đắc cử Mỹ còn được đánh giá cao ở khả năng “miễn nhiễm” trước các scandal, giành liên tiếp các chiến thắng từ vòng bầu cử sơ bộ nội đảng đến kỳ bầu cử toàn quốc giành chiếc ghế chủ nhân Nhà Trắng, tờ Washington Times bình luận. Trong suốt năm 2016, ông Trump đã có nhiều phát ngôn gây tranh cãi nhắm đến phụ nữ và các cộng đồng yếu thế trong xã hội như cộng đồng người Hồi giáo, người nhập cư và cộng đồng người đồng giới - chuyển giới. Ông đã phải đối mặt với các bê bối về gian lận kinh doanh, không công khai thuế thu nhập, tấn công tình dục. Bên cạnh những tranh luận chính sách thiếu thuyết phục, ông Trump cũng chịu sự bất tín nhiệm vô cùng lớn đến từ truyền thông chính thống Mỹ và giới chuyên gia, chính khách. Thế nhưng bất chấp tất cả, vị tỉ phú 70 tuổi vẫn giành được thắng lợi trong ngày 9-11 với số phiếu đại cử tri kỷ lục trong vòng gần một thập niên qua.

Sức ảnh hưởng của ông Trump tại chính trường thế giới đã bắt đầu được cảm nhận cả khi ông chưa chính thức nhậm chức. Trước các tuyên bố của ông Trump đòi đồng minh chia sẻ gánh vác chi phí quốc phòng, Tổng thống đương nhiệm Obama trong chuyến công du cuối cùng của mình đến châu Âu đã kêu gọi các thành viên NATO thực hiện đúng cam kết góp 3% GDP cho quỹ hoạt động của liên minh quân sự này. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu cũng đã đệ trình để các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua xây dựng một quỹ quốc phòng chung lên đến gần 5 tỉ euro, theo hãng tin Reuters. Dự thảo được xem là cách thức để các nước châu Âu tự tăng cường năng lực quốc phòng chung, như một phương án dự phòng trước viễn cảnh châu Âu mất sự hỗ trợ an ninh của Mỹ.

Cuộc điện đàm “chưa từng có tiền lệ” giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Văn Anh cũng đã lập tức tạo nên những tranh luận mới trong mối quan hệ Mỹ-Trung. Nhiều chuyên gia đánh giá cuộc điện đàm của ông Trump đã phá vỡ ràng buộc về chính sách “Một Trung Quốc”, báo hiệu một tương lai khó lường trong cách ứng xử của Washington với Bắc Kinh dưới thời ông Donald Trump.

Từ những chính sách tranh cử vừa qua, có thể thấy ông Trump đang ấp ủ những dự định có khả năng tác động lớn đối với chính sách đối ngoại Mỹ và chính trường thế giới như: Tiêu diệt tổ chức khủng bố IS bằng sức mạnh quân sự, sẵn sàng có một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, hay khai tử Hiệp định Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Có thể thấy sức ảnh hưởng và sự thể hiện quyền lực của ông Trump sẽ tiếp tục hiển thị rõ nét trong năm 2017 sắp đến.

Bộ đôi quyền lực của 2017?

Cả hai nhân vật dẫn đầu danh sách quyền lực của Forbes đều đã từng dành cho nhau rất nhiều lời khen có cánh trong năm 2016 vừa qua. Với thái độ khá thân mật và hợp tác với nhau, liệu Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump và Tổng thống Nga Putin sẽ trở thành bộ đôi quyền lực của thế giới trong năm 2017?

Tạp chí New York Review of Books bình luận những đề xuất nhân sự của ông Donald Trump mở ra viễn cảnh một nội các mới thân thiện hơn và có nhiều liên hệ với Kremlin. Tướng Mike Flynn, người được ông Trump đề xuất cho vị trí cố vấn an ninh quốc gia, đã từng gặp gỡ ông Putin một số lần và tham gia một số sự kiện có trả thù lao tổ chức bởi đài truyền hình của Nga. Ông trùm dầu khí Rex Tillerson, người được đề xuất vào vị trí ngoại trưởng, lại là CEO của tập đoàn dầu khí Exxon Mobil và có nhiều mối liên hệ làm ăn với nước Nga. Đó là chưa kể các cáo buộc của cộng đồng tình báo Mỹ trong thời gian qua về sự can thiệp của tin tặc Nga vào cuộc bầu cử Mỹ, tạo ra các sự cố rò rỉ thông tin theo hướng có lợi cho ông Donald Trump.

Forbes lập “danh sách quyền lực” như thế nào?

Theo tạp chí Forbes, danh sách này được xây dựng dựa trên sự phân tích và tranh luận của ban giám khảo Forbes dựa trên bốn khía cạnh: Ứng cử viên có quyền lực tác động lên nhiều người không; nguồn lực kinh tế mỗi ứng viên kiểm soát; họ có quyền lực trên nhiều lĩnh vực hay không; và họ có thường xuyên sử dụng quyền lực của mình hay không.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm