Tốt nghiệp phổ thông: Đâu cứ phải thi!

Trên thế giới có nhiều hình thức đánh giá học sinh (HS) tốt nghiệp trung học phổ thông. Có nước dùng hình thức thi, có nước dùng hình thức đánh giá quá trình, có nước kết hợp nhiều yêu cầu một lúc. Tuy nhiên, về bản chất, không nước nào xem nặng việc “thuộc bài” mà chú trọng đến khả năng vận dụng và phối hợp kiến thức của HS.

Không phải “học môn nào thi môn nấy”

Ở một số nước, sau khi học xong chương trình phổ thông, nếu muốn nhận được bằng tốt nghiệp, HS phải vượt qua được bài kiểm tra hết khóa. Tại Mỹ, kỳ thi tốt nghiệp không theo hướng “học môn nào thi môn nấy” mà là tập trung đánh giá một cách tổng quát năng lực HS sau khi hoàn thành các môn học. Nghĩa là HS khi tốt nghiệp sẽ không được đánh giá theo kiểu “giỏi môn nào, dở môn nào” mà là “HS đạt trình độ về ứng dụng kiến thức như thế nào sau khi học các môn học”.

Điển hình như tại bang California (Mỹ), trong chương trình học suốt 13 năm, quy chung lại HS trải qua nhiều môn học như tiếng Anh, toán học, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, giáo dục thể chất... Để tốt nghiệp, HS phải vượt qua kỳ thi đầu ra (gọi tắt là CAHSEE). Điều đáng lưu ý là cách đánh giá HS, cũng như cách ra đề cho thí sinh là rất thực tế khi xoay quanh ba vấn đề chính như kỹ năng đọc, kỹ năng viết và khả năng về toán học chứ không thi từng môn riêng. Cụ thể, CAHSEE chia làm hai phần: Thi sử dụng tiếng Anh (ELA) và thi toán học.

 
Học sinh trường Linden Highschool (bang New Jersey, Mỹ) tham gia lễ
tốt nghiệp. Ảnh: Christine Hudak

Phần thi ELA yêu cầu HS vận dụng và phối hợp được kiến thức được học ở các môn trên lớp, cũng như khả năng sử dụng và diễn đạt bằng tiếng Anh. Cụ thể, HS phải đảm bảo được các yêu cầu tối thiểu về: từ vựng; đọc hiểu từ đơn giản đến phức tạp; phân tích thông tin; bình luận văn học. Bên cạnh đó, HS phải đáp ứng khả năng viết, bao gồm nắm vững cách viết các văn bản; đảm bảo các chuẩn mực quốc tế khi viết văn bản (ví dụ: ngữ pháp, chính tả, dấu chấm câu), viết bài luận tốt nghiệp. Bên cạnh thi ELA, HS phải hoàn thành phần thi toán học, bao gồm toán thống kê, phân tích dữ liệu, toán xác suất; toán đo lường và hình học... Bài kiểm tra đảm bảo HS có được nền tảng vững chắc trong tính toán.

Hình thức thi này ngoài việc xác định được mức chuẩn về kiến thức và khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế của HS phổ thông còn tạo điều kiện cho HS có thể thoải mái trong thi cử. Kỳ thi CAHSEE được tổ chức tám lần trong ba năm (một lần vào lớp 10, hai lần vào lớp 11 và năm lần vào lớp 12). HS thi đậu học phần nào (đọc, viết hay toán học) thì có thể bảo lưu điểm phần đó.

Dùng hệ thống tín chỉ thay cho thi cử

Bên cạnh việc sử dụng hệ thống thi như California, nhiều bang khác tại Mỹ, thậm chí là nhiều nước khác như Canada lại sử dụng hệ thống tín chỉ để đánh giá, xét duyệt tốt nghiệp cho HS phổ thông. Hiểu một cách đơn giản thì tín chỉ là đơn vị học phần cho các môn học mà HS được dạy. Tùy vào chính sách giáo dục và định hướng chất lượng đầu ra cho HS mà lượng tín chỉ khác nhau trong các môn học và trong chương trình đào tạo.

Ví dụ tại Canada, để tốt nghiệp phổ thông thì mỗi HS phải đạt ít nhất 36 tín chỉ trong vòng ba năm học, trong đó có sáu tín chỉ học tiếng Anh, bốn tín chỉ toán học, bốn tín chỉ khoa học tự nhiên… Mỗi tín chỉ được thiết kế lượng kiến thức nhất định, tương ứng tối thiểu 55 giờ học. Cứ hết mỗi môn thì HS được quyền thi và điểm đậu tối thiểu cho mỗi môn là 50% thang điểm cao nhất.

Việc áp dụng hệ thống tín chỉ thực tế được áp dụng rất rộng rãi trong hệ thống các trường phổ thông và các trường đại học tại châu Âu. Hệ thống này cho phép xác định được khối lượng lao động học tập trung bình của một HS. Đồng thời, hệ thống cũng nhận xét được khả năng tự học, tự thu xếp thời gian, lộ trình và kế hoạch học tập, giúp HS rèn luyện những kỹ năng sống khác như làm việc nhóm, xây dựng kế hoạch phát triển bản thân… trong quá trình học tập.

Giải pháp đánh giá tốt nghiệp tổng hợp

Bên cạnh hai trường phái là thi tốt nghiệp phổ thông, không thi tốt nghiệp mà sử dụng học chế tín chỉ thì có quốc gia còn sử dụng giải pháp kết hợp. Tại Washington (Mỹ), HS phổ thông khi muốn tốt nghiệp phải đảm bảo bốn yêu cầu, bao gồm: hoàn thành 20 tín chỉ các môn học phổ thông; vượt qua bài kiểm tra tốt nghiệp; hoàn thành dự án tốt nghiệp (một dự án thực tế); và hoàn thành được báo cáo tổng kết kết quả học tập sau ba năm học và kế hoạch bản thân trong vòng những năm sau đó.

Tương tự với bang California, tại Washington, giấy chứng nhận thành tích học tập (CAA) và giấy chứng nhận thành tích cá nhân (CIA) của một HS cho phép các doanh nghiệp và các trường đại học biết về năng lực cơ bản trong kỹ năng đọc, viết, toán học của HS sau khi tốt nghiệp phổ thông. Những HS phát triển xuất sắc có thể đạt CIA từ năm lớp 10 để đỡ tốn thời gian. Trong khi đó, HS lớp 11 và lớp 12 nếu chưa thể đạt CIA thì có thể thi lại hoặc thi chương trình đánh giá tốt nghiệp khác phù hợp năng lực bản thân.

Đối với yêu cầu về dự án tốt nghiệp, nhà trường mong muốn và khuyến khích HS suy nghĩ, phân tích, thể hiện tư duy logic và sức sáng tạo, cũng như kinh nghiệm và kiến ​​thức học được để giải quyết một vấn đề thực tế bất kỳ. Đây cũng là điều kiện để HS có thể khám phá một chủ đề mà họ quan tâm và có thể sẽ theo đuổi suốt đời thông qua một bài báo cáo khoa học, bài thuyết trình, dự án dự kiến đầu tư hay bất kỳ ý tưởng nào.

Để hoàn thành dự án tốt nghiệp, HS có thể sẽ phải viết một bài nghiên cứu, làm việc với một người cố vấn trong trường học hoặc trong cộng đồng hay bạn bè. Qua đây, nhà trường sẽ phân loại HS dựa trên các tiêu chí: kỹ năng đọc, viết; kỹ năng trình bày trước đám đông; khả năng quản lý, lãnh đạo.

Chưa dừng ở đó, HS phải hoàn thành việc hoạch định kế hoạch bản thân. Dưới sự hỗ trợ của nhà trường, HS sau khi học xong phổ thông sẽ tổng kết lại: khả năng bản thân, phong cách cá nhân, điểm mạnh và điểm yếu bản thân… Từ đó xác định lại mục tiêu bản thân trong vòng hai đến bốn năm sau phổ thông, kế hoạch đưa dự án tốt nghiệp vào thực tế lâu dài, tham gia các khóa học ngắn hạn hay dài hạn về chuyên môn, chuẩn bị các yếu tố hỗ trợ cho học tập và nghề nghiệp…

Theo mục tiêu của ngành giáo dục Washington, những yêu cầu trên nhằm hướng đến mục tiêu cuối cùng là giúp HS có đủ điều kiện để đảm nhiệm được những công việc nhất định sau khi tốt nghiệp phổ thông hoặc định hướng được ngành nghề theo học trong tương lai.

ĐẠI THẮNG

 

Có thể làm việc ngay

Ở nhiều nước phát triển, trong đó có Pháp, khi cầm được bằng tốt nghiệp phổ thông đồng nghĩa với việc HS có thể đảm nhiệm được những công việc nhất định. Những HS tốt nghiệp phổ thông nếu có định hướng nghề nghiệp tốt có thể đi làm sau hai năm học tập tại một trường đại học, cao đẳng.

Trang Globalpost (Mỹ) đưa ra năm khả năng cho các HS sau phổ thông, trong đó nhấn mạnh: “Sau tốt nghiệp phổ thông, HS có thể chọn và làm ngay một công việc nào đó phù hợp trình độ. Tuy nhiều HS còn thiếu tự tin vì chưa đủ kinh nghiệm và năng lực nhưng họ hoàn toàn có thể tìm được một công việc và phấn đấu để leo lên các vị trí cao hơn”.

Hay như tại Philippines, HS tốt nghiệp phổ thông có thể làm các công việc bán hàng, trực điện thoại tổng đài hoặc chạy các dự án truyền thông cho các doanh nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm