Tổng thống Obama thách thức nhóm ‘lái súng’

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải “vượt mặt” Quốc hội Mỹ để đưa ra các quy định mới về việc mua bán và sử dụng súng. Ông chủ Nhà Trắng bị dồn đến bước đường này khi các nghị sĩ tại Quốc hội của nước Mỹ đang chịu sự chi phối quá lớn từ các nhà vận động hành lang của các tập đoàn mua bán vũ khí. Ông khẳng định: “Giới vận động hành lang của ngành mua bán súng có thể giữ Quốc hội làm con tin nhưng họ sẽ không thể bắt cả nước Mỹ làm con tin”.

Quyền lực của các “lái buôn thần chết”

Bản thân ông Obama đã từng trải qua đủ những kinh nghiệm “đau thương” để hiểu rằng các nhà lập pháp nước này chẳng mặn mà gì đối với yêu cầu phê duyệt các dự luật cứng rắn hơn về mua bán súng dân sự. Trong bài phát biểu của mình tại Nhà Trắng ngày 5-1 vừa qua, ông Obama cũng nhắc đến dự luật năm 2013 về tăng cường kiểm tra lý lịch an ninh trong toàn bộ hoạt động mua bán súng, cả tại cửa hàng lẫn kinh doanh trên mạng và kinh doanh bán lẻ tại các hội chợ. Chiến dịch vận động cho dự luật này đã nhận được sự hỗ trợ tài chính gần như “không đáy” từ túi tiền của tỉ phú kiêm thị trưởng TP New York - ông Michael Bloomberg. Thế nhưng dù được 90% nghị sĩ phe Dân chủ ủng hộ, dự luật đó vẫn thất bại cay đắng khi có đến 90% thành viên Quốc hội Mỹ thuộc phe Cộng hòa phủ quyết. NRA đã vận động thành công các nhà lập pháp phủ quyết dự luật, với lập luận rằng nó sẽ vi phạm đến quyền tự do mang vũ khí của người dân Mỹ - được quy định trong Tu chính án thứ hai của Hiến pháp nước này.

Thất bại của dự luật năm 2013 cũng trùng khớp với việc Hiệp hội Súng Quốc gia (NRA), tổ chức đại diện cho quyền sử dụng súng của người Mỹ và các tập đoàn buôn bán súng tại Mỹ, cho tăng mức tiền đầu tư vào vận động hành lang đạt cột mốc kỷ lục kể từ khi thành lập. Theo trang Open Secrets, mức tiền được NRA rót vào quỹ hoạt động tranh cử của các nghị sĩ, đổ vào các chiến dịch truyền thông và vận động người dân đạt tổng số đến 3,4 triệu USD. Mức đầu tư vận động hành lang của NRA tiếp tục giữ vị trí cao ngất ngưỡng trong năm 2014 và 2015 với tổng số tiền lần lượt là 3,3 triệu USD và 2,6 triệu USD. “Chiến thắng” vào năm 2013 lại càng làm dày thêm bảng thành tích của nhóm vận động hành lang này trên chính trường Mỹ.

Từ tờ The Guardian đến The New York Times, mọi tờ báo lớn đều phải công nhận NRA đang là nhóm vận động hành lang quyền lực và đáng sợ bậc nhất tại Mỹ hiện nay. Wayne LaPierre, Phó Chủ tịch điều hành của NRA, suốt 24 năm qua luôn nhận được sự hậu thuẫn của vô số doanh nghiệp mua bán súng tại Mỹ. Tờ The Guardian bình luận LaPierre được chống lưng bởi hàng loạt giám đốc điều hành các tập đoàn lớn với túi ngân sách hàng chục triệu USD để rót vào các chiến dịch vận động chính trị, đủ sức chi phối đến cả Quốc hội và các cuộc tranh cử tổng thống. Trả lời tờ The New York Times, một nghị sĩ Mỹ đã về hưu khẳng định rằng NRA là nhóm vận động hành lang duy nhất mà ông sẽ “không bao giờ muốn ngáng đường nếu như vẫn còn thời gian tại nhiệm”.

Phó Chủ tịch điều hành NRA - ông Wayne LaPierre, được xem là “thiên thần hộ vệ” cho quyền sở hữu súng tại Mỹ. Ảnh: GETTY

Khu vực triển lãm súng tại Hội nghị lần thứ 144 của NRA tại Nashville tháng 4-2015. Ảnh: BLOOMBERG

Chặng đường cam go phía trước

Theo hãng tin CNN, ngay sau bài phát biểu của Tổng thống Obama ngày 5-1, NRA đã bắt đầu khởi động chiến dịch “đấu tranh” bảo vệ quyền của những người sở hữu súng. Ông Chris Cox, Giám đốc điều hành của Viện Hành động Lập pháp thuộc NRA, cho biết: “Các điều luật vừa được đưa ra là một hành động lạm quyền của chính quyền ông Obama, công khai âm mưu vi phạm Tu chính án thứ hai của Mỹ. NRA sẽ tiếp tục đấu tranh để bảo vệ quyền căn bản của mỗi cá nhân được phép giữ và mang vũ khí như Hiến pháp quy định. Chúng tôi sẽ không để cho những người sở hữu súng hợp pháp trở thành “vật tế thần” cho các chính sách thất bại của ông Obama”.

Dù không công bố chi tiết kế hoạch hành động của mình, giới quan sát tại Mỹ cho rằng các chiến dịch của NRA sẽ tiếp tục nhấn mạnh đến viễn cảnh các đạo luật về quản lý súng trong tương lai sẽ ngày một nghiêm ngặt hơn để làm tăng nỗi sợ “mất súng” của người dân Mỹ. Với phương châm “Nếu chính phủ có thể cấm một người, họ có thể cấm tất cả mọi người” - NRA sẵn sàng mở hầu bao khổng lồ của mình ra để mở chiến dịch tấn công vào các quyết định của vị tổng thống Mỹ.

Các khảo sát của Pew Research Center cho thấy rằng đại đa số người dân Mỹ ủng hộ biện pháp mà ông Obama đang theo đuổi là cho áp dụng toàn quốc việc kiểm tra lý lịch an ninh của người mua súng dưới mọi hình thức mua bán. Tuy nhiên, cũng chính những khảo sát này cho thấy đại đa số người sử dụng súng tại Mỹ cũng không mong muốn việc sở hữu súng trong tương lai trở nên nghiêm ngặt hơn. Tất cả những gì mà NRA cần làm là mở một chiến dịch truyền thông vẽ ra viễn cảnh đó cho người dân Mỹ.

Trong khi đó, sự ủng hộ tại Mỹ dành cho NRA đến nay vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Trung tâm khảo sát Pew Research Center cho biết ngoài đa số thành viên đảng Cộng hòa đang nắm giữ Quốc hội Mỹ, 41% chính trị gia độc lập về chính trị khác cũng tự đánh giá mình ủng hộ mạnh mẽ cho NRA. Còn 43% người xem được khảo sát bởi kênh NBC cũng có cách nhìn tích cực về những gì mà NRA đang thực hiện.

Thách thức từ sự hoài nghi

Thế nhưng nhiều khảo sát cho thấy mối hoài nghi trong xã hội đang lớn dần lên đối với chính sách về súng của chính quyền ông Obama. Tờ Wall Street Journal cho biết cách đây ba thập niên, khi người dân Mỹ được khảo sát về thái độ của họ đối với NRA, hết 27% khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với giới vận động hành lang về quyền sử dụng súng. Cuối năm 2015 vừa qua, khi chính quyền của Tổng thống Obama bắt đầu tái vận động việc siết chặt các quy định về kiểm tra lý lịch người mua súng, con số ủng hộ này đã tăng vọt lên đến 38%. Theo khảo sát hồi tháng 12-2015 của kênh truyền hình NBC, người dân cho thấy họ sợ bị chính quyền tước mất quyền sử dụng súng hơn là thực trạng súng ống hiện nay đang “đầy rẫy” ngoài xã hội. Tuy nhiên, cũng trong một chiến dịch khảo sát của Gallup, có đến 86% người tham gia khẳng định rằng họ ủng hộ biện pháp kiểm tra lý lịch an ninh trước khi được mua súng. Đúng như Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khẳng định trong bài phát biểu ngày 5-1 của mình, vấn đề kiểm soát súng “đã trở thành một trong những cuộc tranh luận bị phân cực và chia rẽ đảng phái nhiều nhất” của nước Mỹ.

Chính sự nghi ngại tồn tại trong xã hội Mỹ lúc này là khó khăn lớn nhất mà ông Obama phải vượt qua nếu muốn vận động Quốc hội thông qua các chính sách kiểm soát súng của mình. Một bộ phận lớn những người tham gia cuộc khảo sát của Gallup có cái nhìn không mấy lạc quan về hiệu quả của các điều luật ông Obama vừa đưa ra cho rằng việc kiểm tra lý lịch an ninh trước khi mua súng sẽ khó có khả năng giảm thiểu các vụ xả súng giết người hàng loạt. Nhiều người thậm chí còn cho rằng biện pháp đảm bảo an toàn tốt nhất cho cá nhân là mang súng bên người. Suy nghĩ này không khác mấy với những chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ mà NRA phát động suốt thời gian qua: “Thứ duy nhất chặn đứng một kẻ xấu có súng là một người tốt có súng”.

Ông trùm vận động bán súng

Hai nhân vật quyền lực nhất của NRA phải kể đến là Wayne LaPierre, Phó Chủ tịch điều hành của NRA và Chris Cox, Giám đốc điều hành của Viện Hành động Lập pháp thuộc NRA. Nếu như Cox là nhân vật có phần kín tiếng nhưng lại nắm giữ mối quan hệ rộng khắp trong Quốc hội và chính phủ Mỹ thì LaPierre lại chính là “gương mặt” của NRA.

Nắm giữ chiếc ghế lãnh đạo của hiệp hội này suốt 24 năm qua với mức thu nhập hằng năm lên đến gần cả triệu USD, LaPierre đã được biến thành “ngôi sao nhạc rock” của cộng đồng sử dụng súng tại Mỹ. Hãng chuyên trách quan hệ công chúng Ackerman McQueen đã biến ông thành “thiên thần hộ vệ” của Tu chính án thứ hai của nước Mỹ, bảo vệ quyền được sử dụng hợp pháp của người dân Mỹ.

Theo bình luận của tờ The Guardian, hãng Ackerman McQueen đã cùng với Wayne LaPierre đứng sau hàng loạt chiến dịch thắng lợi của NRA trong suốt 24 năm ông này giữ ghế trong ban lãnh đạo của Hiệp hội Súng Quốc gia. Feldman, tác giả của cuốn Lời tự thú của một người vận động súng, cho biết giờ đây không ai có thể thách thức được vị trí của LaPierre: “Ông ấy sẽ giữ chiếc ghế đó đến khi nào ông ấy quyết định ra đi”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm