Tìm chồng cho người điên

Chị là chị Út Loan - nhân vật trong bài viết “Cụ bà 90 bắt cá nuôi người con điên” đăng trên Pháp Luật TP.HCM ngày 1-2-2015. Chị Út từng lấy chồng và có hai năm hạnh phúc bên người chồng điên. Nhưng rồi anh Chiến - chồng chị đã bỏ chị mà đi gần một năm nay. Chịu hết xiết cơn thất tình của chị Út, mới đây bà Sáu Dẫu “quánh dây thép” lên Sài Gòn nhờ cậy người dưng đi tìm chồng cho con gái.

Ôm quần áo chồng kêu khóc suốt đêm

Tưởng theo thời gian chị Út sẽ nguôi ngoai mà quên anh Chiến, nào ngờ chị càng nhớ chồng thành bệnh. Anh Chiến dường như chiếm trọn mọi suy nghĩ và cảm xúc của chị suốt ngày đêm. Ban ngày chị toàn trề nhún, kiếm chuyện nói xấu anh Chiến, còn ban đêm thì chị kêu khóc và gọi anh Chiến cho đến khi mệt quá thiếp đi. Chị cột bốn bộ quần áo cũ với cái khăn rằn anh để lại làm thành một cục mà ôm ngủ. Chị nói sẽ trả 10 tháng “lương”, tức tiền Nhà nước trợ cấp người bị tâm thần, cho ai đem được anh Chiến về. Bà Sáu đau lòng chứng kiến cơn vật vã, thất tình triền miên của chị Út. Dỗ ngon dỗ ngọt không được, bà tức quá cầm cây đánh con gái rồi bà cùng khóc theo con. Bởi xót con, mất ngủ lâu ngày mà bà Sáu ốm quắt queo, nói chuyện lào thào. Câu hò theo bà gần trọn đời người nay bỗng héo úa trên môi bà.

Cùng bốn bộ đồ và cái khăn rằn, anh Chiến còn để lại con chim bìm bịp do ai đó tặng anh. Ngày anh đi nó chưa thay lông, nay nó đã lớn bộn và biết kêu. Chị Út nâng niu mấy bộ đồ của chồng nhưng chị lại không ưa con bìm bịp. Với chị, nó phạm tội không biết kêu tiếng kêu vui vẻ. Đã vậy mắt nó lúc nào cũng đỏ hoe. Có ai phụ tình nó đâu mà nó cũng khóc theo chị?

Tiếng sét ái tình và đám cưới lạ lùng

Trong thế giới hỗn độn mịt mùng của chị Út dường như không có chỗ cho tình yêu. Ai thèm yêu chị, gái ế khùng, nghèo rớt, mặt mũi lại chẳng phải dễ coi. Là người ta nghĩ vậy. Đùng một cái, nhà bà Sáu làm đám cưới, chị Út điên ngoài 40 tuổi lấy chồng, người lớn con nít xúm coi rần rần. Nhìn thấy chú rể cao ráo, trắng trẻo, mũi cao, mắt sáng, quần tây áo sơmi trắng đóng thùng, đi đứng khoan thai, họ chết giấc lần thứ hai. Sính lễ của nhà trai là bốn mâm quả, 1 triệu đồng và đôi bông tòng teng tặng chị Út. Bà Sáu làm thịt năm con vịt, thêm vài món thành năm bàn tiệc đãi nhà trai và chòm xóm. Mấy chục năm qua, đây là sự kiện linh đình nhất trong nhà bà. Cô dâu mặc bộ đồ bà ba mới tinh luýnh quýnh đứng bên chú rể. Bà Sáu mẹ chị Út và bà Sáu mẹ anh Chiến nhìn hai đứa con điên của họ mà cười móm mém.

Bà Sáu, chị Út và con bìm bịp ngày đêm ngóng đợi anh Chiến trở về. Ảnh: H.THU

Nhiều người bu coi đám cưới không biết rằng trước đó, vợ chồng chị Bé Ba ở Long An - hai người làm mai mối anh Chiến và chị Út đã đưa anh Chiến về nhà bà Sáu Dẫu coi mắt chị Út. Chị Út thì đương nhiên “chết” vì anh Chiến từ cái nhìn đầu tiên. Lạ là anh Chiến cũng bị “sét ái tình” đánh cái rầm ngay khi thấy chị Út. Là bởi anh Chiến từng có một đời vợ. Người vợ này, theo mọi người kể lại, đó là một “bà la sát” giỏi quát mắng anh Chiến. Cho nên anh chỉ cần một người vợ hiền mà chị Út thì rõ ràng ngó qua đã biết chị hiền như đất. Ai đó nói chị Út lấy chồng theo cách “hay không bằng hên” cũng đúng.

Chị Út lấy được chồng bà Sáu Dẫu mừng như bắt được vàng. Bà thương anh Chiến còn hơn con ruột. Ngồi chờ khám bệnh ở xã, bà mua chai nước ngọt, uống xong hỏi giá 6.000 đồng bà kêu trời kêu đất, thề không bao giờ dám uống chai thứ hai nhưng anh Chiến xin 20.000 đồng mua cà phê hoặc đi chơi thì bà đưa liền. Phần anh Chiến cũng rất biết đường ăn ở. Việc trong nhà một tay anh làm, từ chăm coi bầy gà, bầy vịt, đi chợ, nấu cơm đến mót lúa, bắt ốc cho bầy vịt ăn. Có lần bà Sáu bị bệnh một trận thập tử nhất sinh cũng một tay anh lo thuốc thang, cơm cháo cho mẹ vợ.

Anh Chiến đặc biệt cưng chiều chị Út. Chị ở nhà buồn, đòi đi chơi là anh liền chở chị bằng xe đạp vòng vèo khắp làng trên xóm dưới. Trò yêu thích của chị là bắt anh cõng đi lòng vòng quanh nhà. Có anh Chiến, chị Út như tỉnh hẳn ra. Chị đi may quần áo mới, lại còn biết mua nước xả vải về ngâm đồ cho thơm quần áo. Đợt đó chị Út phát bệnh, đập phá đồ đạc, úp luôn cả thùng rác lên đầu anh Chiến, anh cũng không một lời rầy rà chị. Anh đốt nhang liên tục cầu xin cho vợ mau hết bệnh và đã ăn chay đúng một tháng để tạ ơn trời Phật chứng nghiệm lời cầu xin của anh.

Niềm kiêu hãnh của người điên Sài Gòn

Nhìn anh Chiến khó biết anh bị điên. Đôi khi anh phát ngôn “khôn động trời” khiến mọi người giật mình nghi ngờ anh giả điên. Mỗi tháng anh nhận trợ cấp 360.000 đồng mà anh quen gọi là “lương”, nhiều hơn so với mức “lương” 270.000 đồng của chị Út do anh thuộc cấp TP. Bác sĩ ghi trong sổ khám bệnh của anh: “Chậm phát triển, tâm thần nhẹ”. Hồi xưa anh học bốn năm lớp 1, nhìn mòn mặt chữ cái mà anh vẫn không nhận biết được bất kỳ con chữ nào cho đến tận bây giờ. Mẹ dặn ra chợ mua chai nước mắm, lát sau anh đem về chai… dầu ăn. Với anh, con số lớn nhất trên đời là 100 nên nếu anh cầm tờ tiền lớn hơn 100.000 đồng trong tay thì tờ tiền đó sẽ thành vô nghĩa. Nhưng so với chị Út ngờ nghệch, nồi cơm nấu không xong thì anh Chiến vẫn tỉnh hơn nhiều. Nếu anh Chiến cũng điên hẳn như chị Út thì thế giới của họ đã bình đẳng. Mầm mống chia ly cũng bắt đầu từ chỗ họ... điên không đều.

Với chị Út bây giờ, hạnh phúc ngọt ngào và tận cùng đau khổ chỉ có một gương mặt, là gương mặt anh Chiến.Ảnh: H.THU

Anh Chiến giỏi việc nhà, anh cũng thích rong chơi và làm chuyện xã hội. Anh hay sang nhà hàng xóm ngồi uống trà hóng chuyện, có khi nhậu lai rai hoặc đánh bài ăn tiền lẻ. Nhà ai có đám ma, đám cưới anh tích cực phụ họ chạy bàn. Trong tình thương mến của xóm làng, có vài người ngứa miệng so sánh anh và chị Út. Họ nói chồng đẹp - vợ xấu, trai TP lấy gái nhà quê, người “lương” cao ưng người “lương” thấp. Họ đâu nghĩ anh thừa nhận thức và ngấm ngầm giữ đó làm ba niềm kiêu hãnh cho riêng mình. Những lời so đo cứ như thuốc độc ngấm dần vào tâm trí anh. Ban đầu họ nói, anh đổ quạu bênh vợ. Lâu dần anh nghe mà làm thinh. Cho đến một ngày anh đang ngồi đánh bài ăn tiền với hàng xóm, bà Sáu tiếc tiền giùm anh đã đến gọi anh về, anh nổi khùng, trả treo rằng anh đánh bằng tiền của anh chớ đâu phải tiền của bà. Bà Sáu giận quá, mắng: “Mày nói hỗn kiểu đó thì đừng về nhà tao”. Bà không nghĩ câu mắng của bà làm tổn thương nghiêm trọng đến ba niềm kiêu hãnh của anh. Cộng dồn theo đó là nỗi uất ức mỗi lần anh Đẹt nhậu xỉn hay sang nhà gây chuyện với anh. Bà Sáu quay lưng, anh nói với chòm xóm với ý: Đuổi thì đi, anh ở đó có được gì, chị Út có hơn ai, anh có thua kém ai mà anh phải chịu nhục.

Thương mới không về

Nhà của người TP có “nhan sắc” và “lương” cao nằm sâu trong con hẻm đường Tạ Quang Bửu, quận 8. Gặp được anh Chiến trong lần thứ tư tìm kiếm anh, chúng tôi mới phát hiện thêm ngoài đôi chân rong chơi khắp chốn, anh còn là người điên có nguyên tắc. Anh cũng xài ĐTDĐ nhưng nguyên tắc của anh là luôn để điện thoại ở nhà mỗi khi đi ra khỏi nhà. Khen anh đẹp trai, anh cười tươi rói: “Ai cũng nói vậy”.

Trước đó, ông bà mai và bà Sáu Sài Gòn đã được nhờ cậy khuyên nhủ anh Chiến nên trở về Gò Công với chị Út để bệnh tình của chị thuyên giảm. Được tặng mấy tấm ảnh chụp chị Út tiều tụy vì nhớ chồng, ánh mắt người đàn ông gợn lên nỗi xót xa. Anh đồng ý trở về. Nhưng anh thường nói đi rồi nói lại. Cái này cũng thuộc về nguyên tắc của anh: Khi chưa suy nghĩ kỹ thì chưa làm. Ngay hôm sau anh nhờ mẹ nhắn: Phải có người nhà chị Út lên đón thì anh mới về. Nghe lời nhắn, anh Đẹt mừng rơn, hối hả chuẩn bị con gà và thùng mực sống đem lên Sài Gòn đón em rể. Hôm sau nữa, anh nói chỉ về thăm chị Út chứ không ở lại. Gặp anh sau đó thì anh lại đổi ý: Dứt khoát không về. Tính anh trước nhớ sau quên nhưng ai làm anh giận thì anh nhớ rất lâu. Tổn thương từ lời xua đuổi và những lần bị anh Đẹt gây gổ vô cớ đến giờ anh chưa quên được. Hỏi anh còn thương chị Út không, anh thừa nhận: Thương! Trách anh phũ phàng, đến về thăm chị mà anh cũng không muốn thì anh nói đại khái: Anh suy nghĩ kỹ rồi, đừng ai năn nỉ anh nữa cho mất công, vì còn thương chị Út nên anh mới không về, bởi anh về rồi đi chỉ khiến chị càng đau khổ thêm.

Có những đoạn đời, những số phận rất giống nhau. Khi bà Sáu Gò Công mọp người bắt cá trên sông Vàm Cỏ thì bà Sáu Sài Gòn cũng oằn vai vác từng bao phân bón nặng hơn nửa tạ trên bến đò cặp kênh Tàu Hủ. Hai người mẹ già lam lũ cùng đinh, hai đứa con điên yêu nhau, cuối cùng lại không thể thông cảm, không vá víu được đời nhau. Quãng đường Gò Công - quận 8 chỉ có hơn 50 cây số bây giờ trở nên muôn trùng xa cách bởi lòng người. Bà Sáu Gò Công biết làm gì, người đàn bà điên bên sông Vàm Cỏ biết làm gì ngoài nỗi tuyệt vọng sau thời gian mòn mỏi đợi anh Chiến?

Thì đành vậy, như lẽ thường, con bìm bịp có bao giờ kêu vui.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm