Tiền tấn, quà khủng chất đầy nhà quan tham dịp Tết (phần 2)

Muốn “nhã” thì phải đồ cổ, thư họa

Ngoài tiền mặt, phiếu mua hàng, không ít người đem biếu quan tham các tác phẩm nghệ thuật, tranh, thư pháp, đồ cổ… Và cũng chính bởi hình thức biếu xén này, mà trong các cuộc triển lãm hay bán đấu giá tang vật vụ án tham nhũng, ngày càng thấy xuất hiện nhiều ngọc quý, đồ cổ, tác phẩm nghệ thuật…

Trong tang vật vụ án Văn Cường có 9 món đồ cổ, 69 bức thư, họa. Bức họa cổ “Thanh sơn lục thủy” khi trưng bày gây nổi sóng dư luận, chính là món quà do Triệu Lợi Minh, Tổng đội phó quản lý giao thông Cục Công an Trùng Khánh biếu Văn Cường. Trước toà Minh thú nhận, đây là quà hối lộ Tết y biếu Cường.

Phùng Lưu Thành, Phó thị trưởng Bình Đỉnh Sơn, bị tù chung thân vì tội tham ô, nhận hối lộ, lạm xài tiền công. Thành nổi tiếng “thích” tác phẩm thư họa. Cuối năm 2002, Thành về Thâm Quyến, rất thích bức tranh ‘Tùng hạ cao sĩ” của danh họa Trương Đại Thiên, nhưng giá bán đắt quá nên Thành đành quay về tay không.

Trong một bữa ăn, Thành tâm sự về nỗi luyến tiếc bức tranh. Tâm sự của Thành khiến Hoàng Nguyên Lâm, Tổng giám đốc Công ty Tụ Phong chú ý. Mấy ngày sau, Lâm đã bỏ ra 800.000 Nhân dân tệ mua bức tranh mang biếu Thành.

Khi Vương Thiên Nghĩa, Cục trưởng Công an Lộc Thành, Ôn Châu bị ngã ngựa, cơ quan pháp luật đã tìm được tại nhà riêng của Nghĩa 195 bức tranh, thư họa, 27 món đồ sứ cổ của Trung Quốc và tác phẩm nghệ thuật phương Tây, 1.351 món đồ bằng vàng, ngọc... Đáng chú ý, trong số này có cả đồ quý hiếm như bức “Xuân Sơn đồ” của Tề Bạch Thạch và bình hoa sứ đời Thanh.

quan tham, quan chức, tham nhũng, Trung Quốc, biếu tết, quà biếu, quà tết, phong bì, đồ cổ

Nghê Phát Khoa, nguyên Phó tỉnh trưởng An Huy

Cơ quan điều tra đã thống kê số tiền nhận hối lộ của Nghê Phát Khoa, nguyên Phó tỉnh trưởng An Huy, và thấy rằng 80% tổng giá trị tiền, đồ nhận hối lộ là đá ngọc, trong đó món lớn nhất là miếng Điền Ngọc giá 3,5 triệu Nhân dân tệ. Nguyên Bộ trưởng Đường Sắt Lưu Chí Quân cũng nhận gần 200 món quà biếu là tranh, thư pháp và đá ngọc, tổng giá trị hơn 13 triệu Nhân dân tệ.

Cơ bản mà nói, đằng sau những món quà này là hành vi giao dịch quyền-tiền, một vốn nhiều lời. Điển hình là vụ một ông chủ ở Hải Ninh, Chiết Giang đem biếu Phó thị trưởng Mã Kế Quốc một bức tranh cổ trị giá 170.000 Nhân dân tệ, đổi lại ông ta được cấp quyền sử dụng mảnh đất miễn thuế trị giá 1,75 triệu Nhân dân tệ.

Bàn về hiện tượng đồ cổ, thư họa trở thành vật phẩm hối lộ, Giáo sư Lý Mãn Xuân nói: “Tôi cho rằng, có 3 nguyên nhân: Thứ nhất, do đồ cổ, thư họa giá trị lớn; Thứ hai, vừa giữ được giá trị lại có tiềm năng tăng giá; Ba là, dùng chúng hối lộ ít nguy hiểm, nếu bị phát hiện thì chúng cũng khó tính thành tiền hối lộ”.

Hàng hiệu, món quà khó chê

Có tờ báo đã thử thống kê, phân tích 100 thứ tang vật hối lộ trong các vụ án được xử trong 3 năm tại một tòa án. Kết quả cho thấy, số xa xỉ phẩm chiếm lượng hàng đầu trong danh sách.

Nữ quan tham Giang Nhuận Lê, người từng qua nhiều chức vụ từ Cục trưởng Quy hoạch đất đai đến Phó tổng thư ký chính quyền thành phố Phủ Thuận, Liêu Ninh năm 2009 bị nhận án chung thân vì tội nhận hối lộ, lạm dụng chức quyền. Trong ngôi nhà 190m2 của Lê, cơ quan điều tra thu được 48 chiếc đồng hồ Rolex, Omega, 253 túi LV, 1.246 quần áo hàng hiệu, hơn 600 món trang sức vàng, ngọc quý…

quan tham, quan chức, tham nhũng, Trung Quốc, biếu tết, quà biếu, quà tết, phong bì, đồ cổ
Giang Nhuận Lê

Trong phát biểu sám hối trước tòa, Giang Nhuận Lê nói: “Hai phần ba số đồ vật này là quà biếu dịp Tết. Sau khi tôi giữ chức Cục trưởng Quy hoạch đất đai, số người đến biếu quà dịp Tết tăng vọt… Lúc đầu tôi run lắm, nhưng khi bắt đầu mang, mặc, dần dần đâm ra nghiện hàng hiệu đến mức không dứt ra được”.

Trông mặt bắt hình dong, trông tiền đoán bạn thù

Quý Kiến Nghiệp, Phó bí thư Thành ủy, Thị trưởng Nam Kinh, hôm 7/4/2015 bị nhận án 15 năm tù vì nhận hối lộ 11,32 triệu Nhân dân tệ. Ông ta cố bào chữa: “vấn đề của tôi là chơi hết mình, cả nể những bạn bè kết giao hơn 20 năm trước từ khi làm Phó bí thư huyện Ngô”.

Điểm lại những “người bạn 20 năm” của Nghiệp, người ta thấy có: Từ Đông Minh, Giám đốc Công ty Thương mại Cẩm Liên, hối lộ 7,8 triệu Nhân dân tệ; Chu Thiên Hiểu chủ Tập đoàn Ngô Trung, hối lộ 2,4 triệu Nhân dân tệ; Chu Hưng Lương ở Công ty Kim Đường Lang, hối lộ 300.000 Nhân dân tệ; Trương Học Nhân, Bí thư Khu khai phát Tô Châu, hối lộ 500.000 Nhân dân tệ… Được Quý Kiến Nghiệp giúp đỡ, những người bạn này liên tiếp nhận được các hạng mục béo bở.

Trước tòa, Mẫu Bảo Lương, Bí thư huyện Tiêu, An Huy (bị nhận án chung thân vì nhận hối lộ) khai nhận đã nhận tiền của gần 300 người, một nửa số đó là cấp dưới. Theo ông ta, ai đến biếu tiền, quà mới là “người của mình”. Lương nói: “Có lúc thấy có cán bộ ngày tết không đến biếu, trong lòng tôi nghĩ hay người này có vấn đề gì với mình? Hay mình đắc tội gì với họ chăng? Chỉ đến khi sau tết, người này gửi phong bao lì xì, tôi mới yên tâm”.

Lý Bảo Cường, Cục phó Thuế vụ huyện Khánh Vân, tỉnh Sơn Đông, ngày 4/10/2013 bị tòa án phạt tù 2 năm về tội nhận hối lộ và lơ là trách nhiệm. Nói lời cuối trước tòa, Cường giãi bày: “Tôi dần dà quen với việc được mọi người biếu xén, đều vui vẻ nhận. Về sau tôi không còn nhớ cụ thể ai đã biếu mình thứ gì, nhưng rất nhớ ai không đến biếu”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm