Thượng Hải “nhuốm máu” đêm giao thừa

Hãng Reuters đưa tin ngay trước khi tiếng chuông giao thừa vang lên đêm 31-12-2014, một vụ giẫm đạp nghiêm trọng đã xảy ra tại khu bờ sông bến Thượng Hải (Trung Quốc) khiến ít nhất 36 người thiệt mạng, 47 người phải nhập viện điều trị, trong đó có 13 người đang trong tình trạng nguy kịch. Trong cuộc khảo sát cùng ngày tại bệnh viện địa phương, những người đã có mặt tại hiện trường cho biết hầu hết nạn nhân đều là phụ nữ và trẻ em, những người trẻ tuổi, trong đó có một cô gái tuổi chỉ tròn 16. Tai họa tồi tệ này diễn ra đúng thời khắc Trung Quốc đón chào năm mới 2015 với rất nhiều kỳ vọng về một “Trung Quốc mới” được chính quyền Tập Cận Bình quyết liệt cải cách trên nhiều phương diện.

Chết người hàng loạt vì… tiền giả

Đến hết ngày 1-1, các cơ quan chức năng của Thượng Hải vẫn chưa có tuyên bố chính thức về nguyên nhân xảy ra vụ án mạng kinh hoàng đêm giao thừa. Phát biểu trên kênh truyền hình trung ương, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngay lập tức lệnh cho chính quyền Thượng Hải phải điều tra “ra đầu ra đũa” sớm nhất có thể để người dân được tỏ tường. Ngay trong ngày, chính quyền Thượng Hải đã triển khai các đội điều tra nhưng chưa hứa hẹn khi nào sẽ công bố chính thức.

Trong khi đó, Wu Tao - một người dân đến từ tỉnh An Huy trả lời tờ báo Trung Quốc Eastday.com có trụ sở tại Thượng Hải kể lại rằng trước khi thời khắc giao thừa đến, các đám đông tự phát ngày càng trở nên mất trật tự và hỗn loạn. Người người từ khắp nơi đổ về quảng trường Chen Yi. Dọc bờ sông Hoàng Phố chật kín người, ai nấy náo nức chờ đón màn trình diễn pháo hoa khi đồng hồ điểm vào chốt 0 giờ.

Một số nhân chứng khác tại hiện trường kể lại “Khoảng 10 phút trước khi giao thừa diễn ra, bất chợt có người trên một tòa nhà gần đó đã rải những tờ giấy màu xanh trông giống như những tờ 100 đôla Mỹ”. Một người đàn ông giấu tên đã chuyển một trong số những người bị thương tới bệnh viện cấp cứu cho biết tòa nhà đó là một quán bar và người ta ném tiền giả xuống đường phố để mừng năm mới. Có nhiều người cho biết họ đã sớm nhận ra đó là những tờ tiền giả không có giá trị nhưng không ai nghĩ chúng có thể tạo ra một thảm họa giẫm đạp khiến nhiều người chết như thế.

Tờ New York Times dẫn lời Xiao Ji, một nhân chứng tại hiện trường, cho biết: “Mọi người bắt đầu hỗn loạn, chạy ngược chạy xuôi, khóc lớn và gào thét. Cảnh sát bất lực vì lượng người quá đông. Một số người ngất xỉu khiến mọi chuyện càng trở nên rối ren, sợ hãi”. Tiếng phụ nữ la lớn, tiếng trẻ em khóc gào, nhiều người chửi rủa, rên rỉ hoặc la hét thất thanh: “Đừng xô đẩy, có người ngã rồi”. Nhưng việc ngăn chặn thảm họa là hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của bất kỳ ai có mặt tại hiện trường. Những ai may mắn sống sót thoát khỏi hiện trường đều đồng ý rằng “khung cảnh lúc bấy giờ chẳng khác nào địa ngục trần gian” bởi ai nấy đều tìm cách “đạp lên người khác” để tìm đường thoát nạn.

Người dân đặt hoa trắng tưởng niệm những nạn nhân xấu số trong vụ giẫm đạp tại Thượng Hải đêm giao thừa 2015. Ảnh: UPA

Người thân nạn nhân đang lo lắng và hoảng sợ khi chờ đợi người trong gia đình gặp nạn. Ảnh: REUTERS

Người từ khắp nơi đổ về bến Thượng Hải. Cảnh sát bất lực kiểm soát đám đông, để xảy ra thảm họa. Ảnh: REUTERS

Cấm các hoạt động tụ tập vui chơi

Sau thảm họa diễn ra, bến Thượng Hải trở nên nhàu nát với giày dép, tư trang không xác định rơi vãi khắp hiện trường. Đoạn video do Truyền hình trung ương Trung Quốc phát ra khiến người xem rùng mình nhớ lại một tai họa giẫm đạp khác - khủng khiếp hơn - diễn ra vào lễ hội nước ở Phnom Penh, Campuchia khiến hàng ngàn người thiệt mạng và bị thương hồi năm 2010.

Tờ South China Morning Post dẫn lời chính quyền TP Thượng Hải cho biết chính quyền TP đã gấp rút ban bố lệnh khẩn cấp: “Cấm mọi hoạt động vui chơi giải trí có tụ tập đông người trong Thượng Hải”. Ngành chức năng quyết liệt vào cuộc điều tra để sớm đưa ra kết luận về vụ việc. Tuy nhiên, những nỗ lực của chính quyền TP không làm giảm đi nỗi bức xúc, đau đớn và tức giận từ phía người dân, đặc biệt là người nhà nạn nhân bởi tới thời điểm này thông tin về vụ thảm họa còn quá ít, chưa thỏa cơn khát thông tin.

Rất nhiều người thân của các nạn nhân yêu cầu vào bên trong bệnh viện. Đồng thời, họ đề nghị bệnh viện phải cung cấp cho họ danh sách những người bị thương, bao gồm cả những người tham gia vào màn nhặt tiền và những nạn nhân bị vạ lây. Tuy nhiên, không ai hồi âm những yêu cầu ấy. Nhiều giờ đồng hồ trôi qua nhưng người thân nạn nhân vẫn đợi chờ mệt mỏi và thất vọng ở hành lang bệnh viện bởi họ không nhận được bất cứ thông tin gì.

Thảm kịch giẫm đạp, hàng ngàn người chết và bị thương

Năm 2010, tại lễ hội nước của Campuchia, một thảm họa giẫm đạp đã xảy ra. Thủ tướng Campuchia Hun Sen sau đó đã mô tả đó là “giờ phút đen tối nhất trong lịch sử Campuchia kể từ thời Khmer Đỏ”. Đài truyền hình Bayon của đất nước Chùa Tháp cho biết tổng số người chết đã lên đến ít nhất là 456 và số bị thương ít nhất là 755 người. Chính phủ đã đứng ra xin lỗi toàn dân, đồng thời quyết định bồi thường cho thân nhân mỗi người thiệt mạng 1.250 USD và mỗi người bị thương nhận 250 USD.

Một Trung Quốc còn lắm “bất an”

Bi kịch năm mới 2015 một lần nữa cho thấy nội tại xã hội Trung Quốc, đúng như nhiều chuyên gia nhận định vẫn tồn tại quá nhiều vấn đề thách thức những cải cách toàn diện của chính quyền Tập Cận Bình. Giới quan sát cho rằng tâm lý phù thịnh và mô hình phát triển kinh tế lệch lạc đang đẩy Trung Quốc đến hố sâu của những rủi ro. Khó ai có thể tưởng tượng một TP lớn hàng đầu thế giới như Thượng Hải, với mức dân trí cao hơn nhiều so với nhiều TP khác của đất nước tỉ dân lại bị xới tung bởi những “tờ tiền giả 100 USD”. Càng khó có thể chấp nhận chính quyền của một TP lớn bất lực trước việc kiểm soát tình hình lộn xộn để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, các vấn đề an sinh xã hội, chênh lệch giàu nghèo, áp lực đô thị hóa, giáo dục đạo đức con người hay cải thiện chất lượng an ninh địa phương… từ câu chuyện “mạng người và tờ đô la giả” lần này sẽ còn giày vò ông Tập Cận Bình trong suốt thời gian ông tại chức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm