Thế hệ “sói biển” mới ở Lý Sơn

Những ngày cuối tháng 5, dù bị tàu Trung Quốc truy đuổi, chặn phá nhưng ngư dân Quảng Ngãi vẫn hừng hực khí thế “Đi khơi xa và trực chỉ Hoàng Sa”.

Là một ngư dân lão làng trong nghề biển, ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải (Lý Sơn), tâm sự: “Thời chúng tôi, tuy tàu nhỏ nhưng cũng vươn ra tới Hoàng Sa, xuôi về Trường Sa. Biết bao nhiêu con tàu, bao thế hệ ngư dân Lý Sơn đã đối mặt với muôn vàn thử thách ở Hoàng Sa. Nhưng ngư dân ở Lý Sơn vẫn chưa bao giờ chùn bước, vẫn mãi miết chinh phục, làm ăn trên biển của Tổ quốc” - ông Chinh nói. Khi thế hệ “sói biển” như ông Chinh hay ngư dân Mai Phụng Lưu không còn đủ sức vươn khơi xa thì những ngư dân trẻ Lý Sơn như Bùi Văn Phải, Nguyễn Lộc, Bùi Ngọc Thanh, Võ Minh Vương… lại tiếp bước. Cùng với đội tàu công suất lớn, những ngư dân này đã có mặt trên khắp các vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa.

Quyết không chùn bước

Trở về sau chuyến đi biển nhiều “bão tố”, ngư dân Nguyễn Lộc, thuyền trưởng của tàu QNg-96416, vừa bị Trung Quốc truy đuổi, cướp phá ngày 7-5, gấp rút đưa tàu vào cảng Sa Kỳ sửa chữa. Trên khoang thuyền, giữa cái nắng cháy rát, những ngư dân trẻ trần mình cuộn từng bó dây thừng, xếp lại ngư cụ trên tàu.

 
Anh Phải sưu tập những vỏ ốc lấy từ vùng biển Hoàng Sa. Những con ốc đủ màu sắc như mang hình thù những hòn đảo nổi, chìm của đất nước.

Tuy năm nay chừng hơn 33 tuổi nhưng anh Lộc đã theo cha mình bám biển Hoàng Sa gần 20 năm trời. Anh Lộc thuộc lòng biển Hoàng Sa đến từng đường đi nước bước; những kinh nghiệm xử lý trên biển cũng được anh học lại từ người cha biển cả của mình. Vì thế, trong cả chục năm qua, bao nhiêu sóng gió, gian nguy ở chốn biển cả chưa bao giờ khuất phục được chàng ngư dân dũng mãnh của đất Lý Sơn.

Nhớ lại phút giây sinh tử trong chuyến đánh bắt đó, ngư dân Nguyễn Đó kể các thuyền viên trên tàu lúc ấy đã sẵn sàng nhảy xuống biển, chỉ riêng anh Lộc vẫn giữ bánh lái, hướng con tàu ủi lên bãi cạn gần đó. Nhờ sự mưu trí, dũng cảm của vị thuyền trưởng trẻ mà cả tàu đã thoát nạn trong gang tấc. Khi được hỏi về điều này, anh Lộc cười giản dị bảo: “Hoàng Sa là sân nhà, mình biết rõ chỗ nào nông, cạn để lái tàu. Những khi bị sự cố như thế, chỉ cần ủi lên đó là tàu Trung Quốc không dám bén mảng đến gần vì sợ mắc cạn” .

Anh Lộc tâm sự nhiều người khuyên anh nên vào đất liền để lập nghiệp. “Nhưng chỉ cần xa biển một vài ngày đã thấy nhớ, ngứa ngáy tay chân” - anh Lộc nói. Kể về kế hoạch đi biển sắp tới, anh Lộc khẳng khái: “Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép cùng đội tàu chiến, hải giám, ngư chính… xuống tấn công, đe dọa ngư dân ta nhưng chúng tôi không sợ. Chỉ cần ngày nào còn biển, còn tàu thì chúng tôi vẫn ra khơi”. Nói rồi anh Lộc quay sang vận chuyển lương thực, dầu, đá… lên tàu, chuẩn bị chuyến hải trình mới.

 
Lão ngư Nguyễn Quốc Chinh kể lại những lần đụng độ tàu Trung Quốc trên biển.

Những cột mốc chủ quyền trên biển

Cũng như thế, tuy phải đối mặt với bao hiểm nguy trên Hoàng Sa nhưng thuyền trưởng trẻ Võ Minh Vương (ngụ An Vĩnh, Lý Sơn), tàu QNg-96787TS chưa bao giờ nguôi chí vươn khơi. 20 năm gắn bó với nghề biển, anh Vương thuộc nằm lòng những hòn đảo, bãi cạn, bãi san hô ở vùng biển đầy giông gió này. Nó thấm sâu vào từng giọt mồ hôi mặn chát của những ngày bám biển.

Khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng, chắt bóp dành dụm từ tiền công đi biển cho các bạn thuyền khác, anh Vương vay mượn thêm để tự đóng tàu mới. “Mỗi lần ra khơi, thấy những con tàu mang cờ Tổ quốc bay phấp phới trên biển, mình càng thêm phấn chấn, tự tin. Dù khó khăn, nguy hiểm đến mấy thì ngư dân ta vẫn đoàn kết, kiên trì bám biển. Bỏ tàu, bỏ biển là có tội với cha ông và các bậc tiền nhân đi trước” - anh Vương chia sẻ.

Cùng nằm trong danh sách những “sói biển” mới của Lý Sơn, thuyền trưởng tàu QNg-96679 Bùi Ngọc Thanh cùng 13 thuyền viên đang hối hả sửa sang lại tàu để ra biển. Con tàu mới đóng của anh chưa kịp hoàn vốn đã bị Trung Quốc phá hỏng, nhiều lần Thanh cũng muốn buông xuôi nhưng tình yêu với biển và biết rằng chính mình là những “cột mốc chủ quyền trên biển, anh lại xuống thuyền để “say” trong cái nắng, cái gió của Hoàng Sa. “Bao đời nay cha ông ta đã đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa để khẳng định chủ quyền thiêng liêng. Giờ bỏ biển thì lấy gì để sống, nuôi vợ con. Dù có bán nhà thì mình cũng đóng tàu, theo bạn thuyền ra biển” - anh Thanh mạnh mẽ nói.

Thế hệ “sói biển” mới ở Lý Sơn (từ trái qua: Nguyễn Lộc, Nguyễn Văn Lý và Nguyễn Đó). Ảnh trong bài: TẤN TÀI

Kiên trung bám biển

Tìm về căn nhà nhỏ nằm cạnh UBND xã An Vĩnh (Lý Sơn), chúng tôi gặp lại thuyền trưởng Bùi Văn Phải, người đã ôm trọn lá cờ Tổ quốc khi bị Trung Quốc bắn cháy tàu. Cũng như nhiều ngư dân khác, Phải đang tất bật chuẩn bị hành trang cho kịp chuyến biển sớm. 24 tuổi, chàng thành niên có gương mặt rắn rỏi, nước da đen sạm vì nắng biển đã là một thuyền trưởng có “số má” trên các vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa. Sinh ra trong một gia đình có ba đời làm nghề biển, Phải được thừa hưởng từ người cha tính can trường, chịu đựng sóng gió. 

Mở chiếc tủ kính chứa đủ loại vỏ ốc, Phải cho biết đây là tủ ốc mà các thế hệ của gia đình anh đã lưu lại sau những chuyến đi Hoàng Sa về. Đối với Phải đây không chỉ là tủ ốc sưu tầm đơn thuần mà nó còn chất chứa trong ấy bao niềm tự hào của cha ông mình, những dấu ấn chưa bao giờ phai mờ về các thế hệ đã vươn khơi ra Hoàng Sa để làm ăn sinh sống. Mỗi lần kiếm được con ốc nào thật đẹp, Phải đều nâng niu, trau chuốt rồi cất giữ rất cẩn thận. Phải chia sẻ: “Mỗi con ốc trưng ở đây được lấy từ các đảo nổi, đảo chìm, bãi cạn… trên vùng biển Hoàng Sa đó”.

Cầm con ốc u - biểu tượng chống giặc ngoại xâm (giặc Tàu Ô) của người dân Lý Sơn, Phải cho biết từ ngày Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan xâm phạm vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, ngư dân tiến ra ngư trường truyền thống càng gặp nhiều khó khăn. “Nhiều tàu của Trung Quốc đã tấn công tàu cá của ngư dân ta. Chúng đe dọa, uy hiếp để ngư dân mình sợ hãi, không dám ra khơi, phải bỏ nghề biển, bỏ ngư trường. Nhưng ngư dân mình đâu có ngán, vẫn kiên trung bám biển. Bao thế hệ nay vẫn thế rồi…” - chàng ngư dân Phải khẳng khái.

TẤN TÀI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm