Thế giới hậu Crimea: Có hay không một trật tự mới?

Luật pháp quốc tế, hiến chương Liên Hiệp Quốc và các tổ chức thế giới ra đời với nhiệm vụ tạo ra những làn ranh của nhiều lợi ích, tìm kiếm đồng thuận và đưa những dị biệt thành sự đồng thuận chung của cả cộng đồng. Nay chính những người đã từng tham gia thiết lập hay ít nhất ủng hộ nó lại đổi chiều bằng những hành động vi phạm và tạo cho mình một lý do để trở thành một cá thể khác biệt so với phần còn lại.

Phổ quát và dị biệt

Khi sự kiện Crimea đang nóng, một bài phát biểu của chủ tịch Khối Nghị sĩ đảng Cánh tả Đức Gregor Gysi tại phiên họp toàn thể của Nghị viện Liên bang Đức được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Bài phát biểu này được xem là một thuyết trình xuất sắc về công pháp quốc tế vì đã đề cập nhiều lần đến vấn đề then chốt là mối quan hệ giữa tính quy luật mang tính phổ quát và sự tiền lệ. Hay nói cách khác là những nỗ lực gần như trái chiều nhau của cộng đồng (quốc gia cũng như quốc tế) xây dựng một thế giới giữa hai hình dung về bản chất.

Nói nôm na con người hành động theo thói quen, mỗi thói quen đều thể hiện ý muốn và sự biệt lập. Cả hai yếu tố này đều phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh chủ quan, yếu tố môi trường cũng như là những điều kiện cho phép hay không cho phép họ. Trong những hoàn cảnh bình thường thì thói quen chiếm ngự hành vi, chúng ta ăn vì chúng ta cảm thấy đói và đến giờ ăn; chúng ta ngủ vì đến giờ ngủ; chúng ta đi chơi vì cuối tuần hay là vì thói quen thư giãn sau khi xong việc. Vì thói quen mang tính biệt lập nên nó không thể là nguyên tắc để điều khiển những hành vi, đặc biệt là khi những hành vi đó mang tính cộng đồng.

 
Cờ Nga được treo tại cơ sở quân sự ở Crimea.

Quy phạm, chuẩn mực và cao hơn nữa là luật nhắm đến việc xây dựng một khung pháp lý (và bán pháp lý) để giới hạn và định hướng những thói quen. Những giới hạn và định hướng này chỉ được chấp nhận và thực hiện một cách rộng rãi nếu:

- Được mọi người đồng thuận và thể hiện đồng thuận qua văn bản và ký kết;

- Không tạo dị biệt trong bất kỳ trường hợp dù là đối với kẻ mạnh, kẻ yếu, người sang, người hèn, con trai hay con gái;

- Nếu sự dị biệt xuất hiện thì nó không được phép tạo thành tiền lệ vì nó phải được chế tài và trừng phạt bởi những cơ quan có thẩm quyền về quyền lực và pháp lý.

Như vậy tính tiền lệ nguy hiểm vì nó cho thấy những cơ quan được ủy nhiệm thực hiện công lý không còn khả năng thực hiện chức trách của mình. Thứ hai, dị biệt hoặc không dị biệt đều là câu trả lời của sức mạnh, sự giàu có hay là lợi thế bất kỳ của một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân trong một khoảng thời gian. Thứ ba, đồng thuận giữ cộng đồng đang tan rã, đơn giản vì sự xuất hiện dị biệt.

Dựa trên quan điểm này, ông Gregor Gysi cho rằng: “Ly khai Crimea là một sự vi phạm công pháp quốc tế, cũng như việc ly khai Kosovo đã là một sự vi phạm công pháp quốc tế”. Trong hình dung đó, thế giới “hậu Crimea” đang trở thành một thế giới của tiền lệ, tiền lệ này tạo ra dị biệt vì nó cho phép sự vượt trội về sức mạnh, lợi thế về địa lý cũng như việc đề cao yếu tố sắc tộc trở thành những động lực chủ động để những cường quốc có thể can thiệp thậm chí sáp nhập lãnh thổ của quốc gia khác. Sự tiền lệ này đang tạo lợi thế cho Putin không những tại Crimea mà còn ở những vùng thân Nga như vùng Đông Nam Ukraine hay Moldova, nằm tiếp giáp với Ukraine ở phía Tây và Rumani ở phía Đông.

Đừng tạo nên tiền lệ

Không cần thêm nhiều bằng chứng để nhận xét rằng luật pháp quốc tế và hệ quả của nó trong điều khiển hành vi đang ở ngã ba đường. Mỹ, Nga, EU, NATO và có thể còn nhiều cường quốc đang sử dụng nó theo những “thói quen mang tính riêng biệt”. Tuy vậy, việc theo đuổi và cho phép những tiền lệ thống trị tình hình chính trị quốc tế chắc chắn không phải là một thành tố để xây dựng một trật tự thế giới mới. Lý do căn bản nhất là nó tìm kiếm sự dị biệt hơn là sự đồng thuận; khi người ta tìm sự dị biệt như là một nguyên tắc hành xử thì nguyên tắc đó luôn thay đổi và dựa nhiều vào chính trị, quyền lực thực tiễn. Nếu Mỹ và EU quan ngại sự tiền lệ và chính sách của Putin một phần thì các cường quốc khác như Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi chắc chắn sẽ quan ngại hơn nhiều lần. Như là một đồng minh bán chính thức, Trung Quốc cần thể hiện Nga trong nhiều hồ sơ, đặc biệt là những hồ sơ được chính phủ Moscow ưu tiên như Ukraine hay tranh chấp tại bán đảo Crimea.

Mặt khác, như là một chính thể lập quốc từ các vùng tách biệt lại không có chính thể liên bang, hơn ai hết chính phủ Bắc Kinh rất lo sợ sự dị biệt. Trung Quốc không phản đối nhưng cũng không ủng hộ Nga trong vấn đề Crimea thông qua những hành động mang tính nước đôi: Lên tiếng ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine nhưng lại vắng mặt trong buổi biểu quyết chống Nga của Liên Hiệp Quốc.

Lý giải cho hành động này bằng một tuyên bố gần đây của cố vấn thân cận của Tổng thống Putin, ông trùm dầu khí Nga Igor Sechin, nguyên Phó Thủ tướng, Chủ tịch Công ty quốc doanh dầu khí Rosneft, rằng Trung Quốc sẽ được Nga bán vũ khí và dầu khí với giá ưu đãi nếu nước này bị Mỹ và các nước phương Tây cấm vận. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng nhận ra mình sẽ gặp phải một số vấn đề nan giải cho những hợp đồng mua dầu với Nga.

Mặc dù Trung Quốc “khát dầu” trong khi Nga lại đang bị các nước khác từ chối làm ăn thì hiển nhiên Trung Quốc sẽ có lợi hơn trong việc định giá dầu. Nhưng để vận chuyển dầu từ Nga về Trung Quốc thì một đường ống dẫn dầu phải được xây dựng với không dưới 50 tỉ USD trong thời gian khoảng 10 năm.

Bên cạnh đó, sự việc ở Ukraine đã làm cho Trung Quốc lo ngại nếu Hong Kong và Đài Loan lựa chọn phương cách bỏ phiếu để trưng cầu dân ý nhằm thay đổi biên giới và thực hiện quyền tự quyết của dân tộc, bởi đây là hai nơi mà Trung Quốc khó có thể kiểm soát, không như Tân Cương và Tây Tạng. Mặt khác, an ninh biên giới của Trung Quốc với Trung Á cũng sẽ bị ảnh hưởng nhiều sau sự việc ở Crimea khi lãnh thổ phía bắc Kazakhstan là vùng hoàn toàn do người Nga chi phối.

Trung Quốc cũng cho rằng việc Mỹ can thiệp vào hành động của Nga ở Crimea rất có thể sẽ làm suy yếu việc Mỹ hiện diện ở châu Á, đồng thời giảm uy tín trên toàn cầu. Tuy nhiên, đây lại là một sự sai lầm vì chính việc lần này đã buộc Mỹ phải tăng cường hiện diện ở châu Á để tránh những hành động tương tự như thế xảy ra lần nữa. Đồng thời, các nước châu Á cũng sẽ tăng cường củng cố mối quan hệ của mình với Mỹ nhằm yêu cầu Washington cam kết sẽ đảm bảo cho nền an ninh của họ. Đây là hai điều thực sự nằm ngoài suy đoán của Trung Quốc.

VŨ QUỲNH

 

Xét cho cùng nếu cho rằng việc Nga đang làm là việc mà Mỹ và phương Tây đã làm như những gì đã xảy ra ở Kosovo hay ở Iraq thì điều Putin đang nghĩ chỉ mang tính diễn dịch lại từ những việc đã xảy ra trong quá khứ. Điểm quan trọng nhất đem lại sự chính đáng cho các lời nói và hành vi. Diễn dịch này rõ ràng không phải là sự lặp lại của ngôn từ mà là sự xoay vòng của bản chất lịch sử. Hệ quả của sự xoay vòng này chính là việc tạo ra tiền lệ và hơn bao giờ hết tiền lệ tạo ra sức mạnh vì nó đem lại cho kẻ có lực và có thời cơ khả năng thực hiện hành vi nào đó vượt qua những quy định và những đồng thuận đã được thống nhất từ trước đó. Trong thời điểm nước Nga phất cờ của “sự dị biệt” thì đó chẳng qua là một điểm nối kéo dài của những hành động từng diễn ra trong quá khứ và cố gắng tạo ra những tiền lệ được dẫn dắt bằng nguyên tắc của cán cân sức mạnh.

Điều này có thể hiểu được dưới lăng kính địa chính trị của khu vực không gian hậu Xô Viết và tham vọng nước Nga đang quay trở lại như một cường quốc khu vực. Nhưng nó chắc chắn chỉ là một dị biệt mà các quốc gia khác cần cẩn thận trong việc lựa chọn các cách tiếp cận về chính sách cũng như quan điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm