Thầy rắn Nguyễn Tiến Hòa:“Hành Y là để cứu người chứ không để lấy tiếng” (Kỳ I)

Không bảng hiệu, không ngại khó

Đến chợ Bù Nho hỏi nhà lương y Hòa, từ anh xe ôm đến các chị tiểu thương đều biết. Họ gọi ông bằng “thầy lang Hòa” rất trìu mến. Họ tận tình chỉ đường từ chợ đi khoảng năm cây số là đến nhà lang Hòa.

 Bó thuốc cho bà cụ bị trượt té gãy ngón tay - Ảnh T.KHANH

Khác với những vị lương y cùng nghề, lang Hòa không treo bẳng hiệu nhưng ngôi nhà ông ở dốc Suối Cạn, xã Long Hà, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước hằng ngày vẫn có bệnh nhân đến khám chữa bệnh.

Hôm tôi đi xe ôm đến nhà ông, trời đang nắng nóng chợt có cơn mưa rào. Bệnh nhân ngồi chật kín gian phòng vừa chờ đợi thầy, vừa tranh thủ xem thời sự. Họ ở lại gian nhà sau, nơi để lang Hòa chữa bệnh. Một chiếc xe ô tô chở cụ ông 93 tuổi ở tận Dầu Tiếng, Bình Dương bị té gãy chân đang nằm trên xe. Lang Hòa tất bật, bảo chúng tôi chờ để ông xem phim chụp XQ. Ông nói với người nhà: "Không thể để cụ ở lại vì cụ đã lớn tuổi. Chữa trị cho người lớn tuổi rất khó khăn. Các cháu phải chịu khó gần gũi chăm sóc để cụ đỡ tuổi thân. Đây mới chính là chữa tâm bệnh". Hai anh thanh niên là cháu cụ gật đầu cảm ơn lang Hòa. Ông lên xe theo họ về nhà ông cụ để bó thuốc.

Lang Hòa (bên phải) đang nắn tay người đàn ông ở chợ Bù Nho bị té bong gân- Ảnh T.KHANH

Sau khoảng hơn hai giờ đồng hồ, người nhà chở lang Hòa về. Ông lại tất bật kê đơn để hai con phụ ông bốc thuốc cho bệnh nhân. Thấy lang Hòa đã rãnh tay, tôi vui vẻ hỏi chuyện ông,vì sao không thấy trưng bảng hiệu, như chúng tôi ở tận Sài Gòn làm sao biết mà tìm đến thầy.

Ông cười, “Hữu xạ tự nhiên hương”, anh à. Tôi hành nghề Y là để cứu người chứ không để lấy tiếng. Như các anh biết đó, tiếng lành đồn xa. Nay bệnh nhân của tôi đã lên đến hàng ngàn người ở khắp các tỉnh thành trong nước. Tôi nghĩ chắc do tôi mát tay.

Bắt mạch xem bệnh cho bệnh nhân nữ tại phòng mạch nhà lang Hòa - Ảnh T.KHANH

Tôi mỉm cười, đúng thầy lang quê cổ, chẳng biết kinh doanh tiếp thị gì cả. Sao thầy không dời nhà ra mặt lộ, trương bảng, để người bệnh dễ tìm?

Thầy lang Hòa cười, lắc nhẹ đầu:

- Tôi thích yên tĩnh. Trương bảng cũng tốt, nhưng sợ hơi phiền. Tăng tiền bệnh nhân để đóng thuế thì tôi không muốn. Nhiều người quen ở thị xã, ở thành phố, sẵn sàng cho mượn nhà để làm chỗ chữa bệnh, trên phố đông người và xe cộ, tai nạn xảy ra nhiều. Tôi cảm ơn, nghĩ ở đâu đã có thầy ở đó rồi. Mình đâu muốn người ta bị nạn nhiều để mà chữa. Mà bị gẫy tay, gẫy chân thì cũng chưa thể chết được, nếu họ chữa không hết thì đến tôi vẫn còn kịp. Chứ bị rắn cắn thì phải chữa càng nhanh càng tốt, mà rắn thì có nhiều ở thôn quê, trong rừng cây. Vì thế tôi ở đây là đúng rồi. Chắc tôi cũng phải ráng sắm cái điện thoại di động để đi đâu thì ở nhà gọi cho nhanh…

Tôi mỉm cười, phục cho cái tâm và suy nghĩ  của thầy lang Hòa.

Tôi nói: Thôi thì cứ cho là tôi quảng cáo không công cho thầy - dù thầy không muốn. Quảng cáo người tốt việc tốt sao lại không nên? Thiếu gì người dở mà đánh bóng rầm trời, lừa bịp thiên hạ. Vậy thì tôi phải a - lô để có người chẳng may bị nạn biết mà tìm đúng thầy đúng thuốc, để họ được cứu sống thì nên quá đi chứ.

Xem bệnh nhân như người nhà

Sau gần ba giờ đồng hồ từ Dầu Tiếng bó thuốc cho cụ ông 93 tuổi, họ đưa thầy Hòa về lại nhà. Trông dáng ông người mảnh khảnh, nhỏ con, lưng hơi gù nhưng hễ bệnh nhân đã tìm đến hoặc đến tìm ông, ông đều theo họ về tận nhà chữa trị, băng bó vết thương…

 Lang Hòa đang kê đơn thuốc cho bệnh nhân - Ảnh T.KHANH

Những bệnh nhân đến chữa trị phần lớn là người già và trẻ em. Họ ở lại để tiện việc lang Hoà khám chữa bệnh. Những câu chuyện chính mắt thấy tai nghe từ bệnh nhân. Bệnh nghề nghiệp, tôi tranh thủ phỏng vấn nhanh, ghi vội:

Bệnh nhân Nông Văn Chấn (32 tuổi) ở Đăk-ơ, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước:

- Thầy Hòa thăm bệnh làm thuốc ngày mấy lần?

Nông Văn Chấn trả lời:

- Thường là hai lần: sáng và chiều. Những bệnh nhân nặng và mới thì thầy đến thăm luôn, chốc chốc lại hỏi trong người thấy thế nào?

  Tôi nhìn ngực anh Chấn quấn đầy băng, hỏi:

- Anh bị rắn cắn vào ngực à?

Chấn lắc đầu:

- Không. Em ngã xe gẫy hai xương sườn. Nếu vào bệnh viện bó bột phải mất ít nhất 6 tháng, ngứa ngáy bực bội khó chịu lắm! Vào đây thầy Hòa nắn xương bó thuốc chỉ một tháng là cho về.

 - Có tốn nhiều không?

 - Chẳng bao nhiêu. Nhà em nghèo, lại xa, cách đây 80 cây số. Gia đình em neo người, đang mùa rẫy, em nằm đây một mình, phải nhờ gia đình thầy nấu cơm cho ăn.

Vừa lúc đó thì vợ thầy Hòa và con gái tên Vui vào, người bê cơm người bê nước. Tôi hỏi đùa chị Hòa:

- Mỗi bữa ăn bao nhiêu tiền đấy chị?

Chị Hòa cười:

- Sáu ngàn một ngày cho hai bữa cơm.

Tôi giật mình:

- Sao rẻ thế?

 - Cơm rau thôi mà. Gia đình tôi ăn uống đâu có sang gì.

 Tôi mỉm cười, nhìn cơm rau mà có thịt cá, có cả chuối tráng miệng (chuối trồng trong vườn). Nhìn nồi cơm đầy chắc chắn no.

Tôi nói:

- Vậy tôi đăng ký cơm một tháng.

Mọi người trong phòng cười. Dường như đây không phải là phòng bệnh.

Lang Hòa tại phòng mạch, sau lưng ông là hai người con đang học nghề bốc thuốc nối nghiệp cha - Ảnh T.KHANH 

Trong những ca ngặt nghèo, ông lo chữa chạy cho họ. Không đặt nặng vấn đề tiền bạc. Câu chuyện của cụ bà Võ Thị Dê (sinh năm 1942) ở thôn Sơn Hà 1, xã Bình Phước, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước. Chữa trị xong thầy lấy tổng cộng 1 triệu (cả tiền ăn uống gần 1 tháng) con gái lớn của bà Dê biếu thầy thêm 500 ngàn. Sau có người kể gia đình bà Võ Thị Dê nghèo khổ lắm, chồng là công nhân cao su, nhiễm chất độc da cam bị liệt không làm ăn gì được đã gần năm nay - con nhỏ nhất đã gần 30 tuổi - Ba chị em phải dùng chung một xe lăn tay do Sở y tế tỉnh Bình Phước tặng. Gia đình bà Dê hiện chỉ trông vào mẫu điều. Bà Dê già rồi vẫn phải đi làm thuê. Vợ chồng con gái lớn cũng là công nhân cao su, may giá cao su đang được giá, lương công nhân tăng nên mới có tiền lo thuốc thang cho mẹ. Hay tin ấy, gặp lúc tôi lên chơi, thầy Hòa nhờ tôi chở đến xã Sơn Hà (cách đó 20 cây số) hỏi thăm tìm đến tận nhà bà Dê để tặng lại số tiền 1.500.000đồng. Biết tôi viết văn viết báo, thầy Hòa còn nhờ tôi xin báo Công An giúp đỡ. Báo Công An TP.Hồ Chí Minh đã trích quỹ cứu trợ người nghèo giúp gia đình bà Võ Thị Dê 1 triệu đồng. Lại đích thân thầy Hòa cầm tiền mang đến.

Tận tâm với người bệnh như vậy mà trong nhà thầy Hòa treo hai câu thơ của Hải Thượng Lãn Ông nói lên điều mong ước của người thầy thuốc:

Trường nguyện thế gian nhân bất bệnh
Ngâm thi chước tửu dĩ y nhàn
.

(Hằng ước ở đời người không bệnh
Ngâm thơ uống rượu thầy thuốc nhàn).

Có những ca chữa chạy nằm tại nhà thầy lang Hòa hơn sáu tháng nhưng chỉ tốn hơn ba triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Thoa (46 tuổi) đang nuôi con là Hà Văn Diên (3 tuổi) nhà ở Bù Gia Mập - cách dây 70 cây số, cho tôi biết:


- Thầy Hòa ngoài tài chữa rắn cắn, còn có nghề thuốc gia truyền chữa trật gãy xương. Năm 2001, tôi bị gãy cườm tay, chữa nhiều nơi không khỏi, cổ tay cứ sưng tấy, lủng lẳng đau nhức không chịu nổi. Sau nghe tiếng thầy Hòa, tôi tìm đến đây. Thầy nắn lại đốt xương, bó thuốc, chỉ trong 15 ngày là khỏi - Hai năm sau tôi bị u nang cổ, người ta gọi là bệnh tràng nhạc, tôi lại đến nhờ thầy Hòa. Thầy buộc lá thuốc, cho tôi uống thuốc, 10 ngày là tuyệt bệnh. Từ đó chỗ tôi có ai bệnh là tôi chỉ đến thầy. Cứ đến thầy là khỏi.

(Còn tiếp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm