Thảo Cầm viên làm tiệc đầy tháng chào mừng 3 chú hổ trắng con

Chương trình được tổ chức nhằm ăn mừng về sự phát triển khỏe mạnh của 3 chú hổ con Bengal được sinh hạ tại Vườn thú TCVSG.

Đây được đánh giá là một trong những thành công ngoài mong đợi trong việc nuôi dưỡng và bảo tồn các loại thú quý hiếm tại vườn thú lớn nhất Việt Nam.

Cách đây 5 năm, Thảo Cầm viên Sài Gòn (TCVSG) rất vui mừng chào đón 2 chú hổ Bengal trắng nhập về từ vườn thú Elmvale của Canada.

Chú hổ con được cán bộ, công nhân Xí nghiệp Động vật TCVSG nuôi dưỡng là chú hổ bị mẹ tách ra khỏi bầy do không đủ sữa để nuôi.

Năm 2010, cặp hổ trắng bố mẹ được đưa về với nơi ở mới tại Thảo Cầm viên Sài Gòn. Đây là loài thú quý hiếm, đứng đầu trong danh sách những loài cần được bảo vệ cấp bách. Hơn nữa khí hậu nhiệt đới ẩm như tại Việt Nam được đánh giá không phù hợp với cặp hổ Bengal này. Do vậy, việc có thể giúp hổ sinh sống khoẻ mạnh và phát triển bình thường đã được xem là khó khăn huống hồ gì là nuôi để chúng có thể sinh sản bình thường.

Ban lãnh đạo TCVSG cắt bánh mừng đầy tháng cho hổ con.

Thế nhưng, với kinh nghiệm trong việc nuôi dưỡng các loại thú quý hiếm cùng sự chăm sóc, chăm lo nhiệt tình bằng cả tình thương của tập thể lãnh đạo cũng như các anh chị em công nhân Xí nghiệp Động vật TCVSG đã được đền đáp. Một kỳ tích hiếm thấy trong môi trường nuôi nhốt đã đến với vườn thú lớn nhất Việt Nam. Hai chú hổ bố mẹ Lem (hổ bố), Luốc (hổ mẹ) ngày nào còn bỡ ngỡ đặt chân đến với TP.HCM thì nay đã phát triển khoẻ mạnh và sinh hạ thành công 3 chú hổ sơ sinh một cách an toàn. Nói vui theo kiểu dân dã là Hổ mẹ và hổ con đã mẹ tròn con vuông.

Dưới sự chăm lo hết mình, chú hổ con này đã phát triển khỏe mạnh và còn nặng hơn so với 2 người anh em còn lại.

Trong 3 bé hổ con được sinh ra tại vườn thú, có một bé hổ có sức khoẻ kém hơn so với 2 anh em còn lại. Các anh em trong tổ thú dữ tại Xí nghiệp Động vật TCVSG đã phải tách ra nuôi bộ.

Đây là cách nuôi đặc biệt, dành cho các con non có sức khoẻ yếu, phải được chăm sóc đặc biệt, và bú hoàn toàn bằng sữa bình. Để có thể đạt thành công với cách nuôi này, những người chăm sóc hổ con phải là những người nuôi thú lâu năm, có kinh nghiệm và đặc biệt hơn nữa là tình thương vô bờ dành cho thú nhỏ. Đấy không khác gì tình cảm thiêng liêng mà các anh chị em dành cho con ruột của mình.

Bác sĩ thú y luôn được túc trực ngay cạnh hổ con để có thể chăm lo tốt nhất cho chú.

Tiến sĩ Phan Việt Lâm, Giám đốc TCVSG chia sẻ: "Đây là đầu tiên mà loài hổ Bengal sinh sản thành công tại vườn thú TCVSG, một kết quả ngoài mong đợi của chúng tôi trong quá trình nuôi dưỡng chúng. Cũng qua buổi lễ ngày hôm nay, những cán bộ công nhân viên TCVSG cũng muốn nhắn nhủ với du khách một thông điệp - hãy yêu quý và bảo tồn các loại động vật hoang dã, quý hiếm trên thế giới".

Ngoài ra, ông Lâm còn cho biết thêm do đây là lứa con so của hổ mẹ Luốc nên lượng sữa để nuôi hổ con là không đủ. Chú hổ bé đã bị mẹ tách riêng ra và chỉ chăm lo cho 2 con còn lại. Các bác sĩ, công nhân của vườn thú đã phải rất khó khăn trong 1 tháng đầu tiên mới có thể chăm sóc và nuôi dưỡng chú sống khỏe mạnh. Hiện nay, chú hổ được tách ra nuôi bộ đã bú từ vài chục cc một bữa thì giờ đã tăng lên thành 150cc. Một ngày bú từ 5 đến 7 lần.

Du khách háo hức xem hình ảnh của 2 chú hổ còn lại đang được nuôi dưỡng trong chuồng thông qua màn hình camera.

Hiện nay, chú hổ được tách ra nuôi bộ đã đạt cân nặng 4,1kg, phát triển khoẻ mạnh, 2 chú hổ còn lại được mẹ nuôi dưỡng cũng đạt cân nặng tiêu chuẩn là 3,1kg và 3,8kg. Những chú hổ này sẽ được vườn thú nuôi dưỡng và tách bầy khỏi mẹ trong khoảng 6 tháng tới.

Hổ con hiếu động và khá thân thiện với mọi người

Trước đó,Thảo cầm viên Sài Gòn cũng đã nhân giống thành công cùng lúc 5 hổ Đông Dương (có lông màu vàng, vằn đen). Hiện số hổ này đã được đưa về nuôi dưỡng tại công viên Sài Gòn Safari (huyện Củ Chi).

Loài hổ Bengal trong tự nhiên có ở Bangladesh, Ấn Độ, Bhutan, Trung Quốc và Nepal. Ngày nay, số lượng loài hổ trắng đã bị giảm đi rất nhanh. Theo Quỹ bảo vệ động vật hoang dã (WWF), số lượng của chúng đã tụt từ 100.000 con trong những năm 1900 xuống còn 3.200 con vào năm 2013.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm