Thăm nhà Thủ tướng đầu tiên của Đức

Chúng tôi đến thăm nhà Thủ tướng đầu tiên của Tây Đức Konrad Adenauer vào một sáng mùa hè. Đó là một căn nhà nằm lưng chừng ở sườn núi, cạnh con đường mang tên ông ở TP Bad Honnef, rìa phía Nam của bang Nordrhein-Westfalen và cũng cách Bonn - thủ đô của Tây Đức Bonn không xa. Cảm nhận từ cá nhân tôi, căn nhà khiêm tốn so với những gì ông đã đóng góp cho nước Đức và châu Âu.

Từ nạn nhân của Adolf Hitler

Cạnh nhà ông Konrad Adenauer là một khu bảo tàng ghi dấu tất cả tiểu sử, cuộc đời, cống hiến của ông. Các nhân viên ở đây thân thiện và lịch sự, họ nói về ông Adenauer say mê suốt hơn một giờ đồng hồ, đưa chúng tôi qua từng khu vực trưng bày khác nhau: Thân thế, gia đình, sự nghiệp chính trị, di sản... của Adenauer.

Sinh năm 1876 tại TP Köln (hay còn được gọi là Cologne), ông Adenauer nối nghiệp cha mình trở thành luật sư sau khi tốt nghiệp các trường ĐH Freiburg, München và Bonn. Từng kinh qua vị trí thị trưởng TP Köln năm 1917, sau đó là chủ tịch Hội đồng Quốc gia Phổ năm 1920, ông Adenauer trở thành một trong những chính trị gia có sức ảnh hưởng lớn nhất ở Đức lúc bấy giờ.

Giai đoạn thử thách cuộc đời chính trị của ông Adenauer có lẽ bắt đầu vào lúc Đảng Quốc xã (Nazi) do Adolf Hitler lãnh đạo trở nên hùng mạnh và nắm quyền. Các chính trị gia đối lập với tư tưởng cấp tiến như Andenauer trở thành mục tiêu của các lực lượng công khai cũng như bí mật của Đảng Quốc xã. Năm 1934, Adenauer bị mất chức và cầm tù một thời gian. 10 năm sau sự kiện này, lực lượng Gestapo đã bắt giam Adenauer với cáo buộc đã âm mưu đánh bom tấn công Hitler. Gestapo (tên gọi tắt của cụm từ tiếng Đức Geheime Staatspolizei) được biết đến như là lực lượng cảnh sát bí mật hay đội mật vụ của tổ chức vũ trang Schutzstaffel do Đức Quốc xã lập ra.

Thế chiến thứ II kết thúc năm 1945, Mỹ giải phóng Köln và tín nhiệm Adenauer quay trở lại vị trí lãnh đạo thành phố này nhưng chính quyền quân sự Anh nhanh chóng phế bỏ vị trí của ông. Lịch sử nước Đức và châu Âu bắt đầu ghi nhận sự ra đời của một đảng phái mới có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn - Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (gọi tắt là CDU) - do ông Adenauer sáng lập. Đây là đảng phái đã thắng cử và nắm quyền lực lớn ở chính phủ và Quốc hội Đức nhiều nhiệm kỳ nhất suốt từ năm 1949, khi ông Adenauer được bầu làm thủ tướng đầu tiên và là thủ tướng cao tuổi nhất (73 tuổi) của Cộng hòa Liên bang Đức.

Một góc trưng bày tại bảo tàng về Thủ tướng Konrad Adenauer. Ảnh: DT

Căn nhà nhỏ ở lưng chừng núi của Thủ tướng Adenauer. Ảnh: DT

Đến thủ tướng Tây Đức và trụ cột châu Âu

Giai đoạn sau Thế chiến thứ II chứng kiến nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung bị chia cắt thành hai khối. Nước Đức bị chia cắt cùng với các tổn thất to lớn của Thế chiến thứ II đã đặt ra cho Adenauer một lúc nhiều bài toán về đối nội lẫn đối ngoại.

Tầm nhìn của Thủ tướng Adenauer là đưa Tây Đức thành một đất nước được thừa nhận chủ quyền và hội nhập mạnh mẽ vào Tây Âu. Ba năm sau khi Adenauer lãnh đạo, khối cường quốc chiến thắng trong Thế chiến thứ II đã rút quân khỏi Tây Đức và hai năm sau đó, mục tiêu được quốc tế thừa nhận là quốc gia độc lập của Adenauer thành hiện thực. Chính quyền Adenauer chủ trương thiết lập quan hệ thân thiết với Mỹ trong khi chủ động hòa giải và tăng cường quan hệ với Pháp, nổi bật nhất phải nhắc đến Hiệp định Hữu nghị Pháp-Đức (Hiệp định Elysée) năm 1963.

Khác với khối phía Đông, Adenauer dẫn dắt Tây Đức theo mô hình kinh tế thị trường, kết nối và hội nhập mạnh các ngành công nghiệp sản xuất (điển hình công nghiệp ô tô) với các nước phương Tây. Kinh tế Tây Đức nhanh chóng vươn lên, biến nước này trở thành một trung tâm công nghiệp mạnh của khu vực, cũng là đầu tàu trong nhiều phong trào xây dựng và củng cố hình ảnh châu Âu.

Trong nhiệm kỳ 1949-1963 của mình, Thủ tướng Adenauer lần lượt đưa Đức tham gia vào các tổ chức, thể chế kinh tế, chính trị lớn của châu Âu mà nhiều trong số đó là tiền đề hình thành nên Liên minh châu Âu (EU) - một thể chế “siêu quốc gia” như ngày nay. Điển hình như Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Âu, Cộng đồng Than Thép châu Âu (ECSC), Cộng đồng Phòng vệ châu Âu (EDC), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EC).

Liên quan đến Israel - quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong Thế chiến thứ II vì chính sách diệt chủng của Đảng Quốc xã, Thủ tướng Adenauer đã ký Hiệp định Luxemburg nhằm mục đích cải thiện quan hệ Tây Đức và Israel, đặc biệt có nội dung bồi thường cho những tội ác mà Đức Quốc xã đã gây ra với người Do Thái. Với khối Liên Xô, Thủ tướng Adenauer duy trì quan hệ ngoại giao mở nhưng vẫn không thừa nhận tính chính danh của Cộng hòa Dân chủ Đức (hay còn gọi là Đông Đức).

Và ngôi nhà “phố núi” bình dị, mộc mạc

Người Đức nói đến ông Adenauer với nhiều mỹ từ khác nhau. “Thủ tướng của nền dân chủ trẻ”; “Thủ tướng của nền kinh tế thị trường”; “Thủ tướng Đức mang lại sự hợp nhất châu Âu”; “Thủ tướng của sự hội nhập với phương Tây”. Đó là những mô tả mang tính khái quát về ông Adenauer sau khi ông cống hiến gần như cả cuộc đời trên chính trường Đức và châu Âu, chứng kiến và cùng nước Đức trải qua những biến động lớn nhất trong lịch sử thế kỷ 20.

Tại Bảo tàng Adenauer cạnh nhà riêng của Thủ tướng, nhiều hình ảnh còn lưu giữ về ông: Từ ngoài vườn đến trên bàn đàm phán quốc tế; trước mặt bình dân Đức đến gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia, các chính trị gia có ảnh hưởng mạnh mẽ đến trật tự thế giới và cục diện chính trị châu Âu; ở phòng làm việc hay trên chiếc xe Mercedes đại diện cho ngành công nghiệp hùng mạnh của Đức... Tất cả đều có điểm chung: Rất nhân văn, rất cấp tiến và cũng vô cùng bình dị, như cách mà ông sống tại nhà.

So với những mỹ từ mà người ta nói về ông, cũng như di sản to lớn ông để lại cho Đức và châu Âu, ngôi nhà của Thủ tướng Adenauer bình dị và mộc mạc, phía sau là lưng núi và phía trước hút hết tầm mắt là một thành phố nhỏ bao quanh bởi những rừng cây xanh bạt ngàn. Nội thất trong các phòng không có gì đặc biệt, cũng chẳng mấy thứ được xem là quý giá - ngoại trừ tính lịch sử của chúng: Gắn liền với đời sống và hình ảnh của một người Đức vĩ đại là Thủ tướng Adenauer và cũng từng chứng kiến một số cuộc viếng thăm của các nguyên thủ quốc gia khác. Nơi đáng chú ý nhất của khu nhà có lẽ là tủ sách ở phòng khách và một gian nhà nhỏ xinh gần đó cũng chứa rất nhiều sách mà ông Adenauer từng lưu giữ.

Thành công của Thủ tướng Adenauer không chỉ ở chính trường Đức. Thế hệ con, cháu của ông Adenauer theo sơ đồ phả hệ được treo trong nhà cho đến nay đã trên dưới 40 người, nhiều trong số đó đều rất thành đạt và có tiếng tăm. Ở chính trường Đức và thế giới, chúng tôi thấy một Thủ tướng Adenauer phát ngôn rành mạch, rõ ràng, khúc chiết và đanh thép; ở căn nhà nhỏ tại khu phố núi, chúng tôi thấy một ông già mộc mạc, bình dị, thích đọc sách và chăm vườn như hàng triệu người dân Đức.

Viện mang tên ông Adenauer có văn phòng ở Hà Nội

Konrad Adenauer được chọn làm tên của Viện Konrad-Adenauer (KAS), một viện chính trị gần gũi với Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU). Viện KAS phấn đấu cho mục tiêu “mọi người đều có quyền tự quyết định cho cuộc sống trong tự do và nhân phẩm”. Viện KAS góp phần định hướng về giá trị cho trách nhiệm ngày càng lớn hơn của nước Đức đối với thế giới. Mở một văn phòng đại diện tại Hà Nội, Viện KAS phối hợp với nhiều cơ quan nhà nước của Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động nhắm tới nhiều mục tiêu, trong đó có việc thúc đẩy Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Đức về hợp tác trên lĩnh vực luật pháp và tư pháp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm