Tết sum vầy của các cụ già neo đơn ở Thị Nghè

Những ngày cận Tết, không khí ở Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè (quận Bình Thạnh, TP.HCM) trở nên háo hức hơn.

Tết cùng con cháu qua Zalo

Trong cái chộn rộn của nhiều người đến thăm, các cụ bỗng nhớ Tết xưa. Ngồi ở trước cửa phòng, cụ Trần Minh Truyền (85 tuổi) nhắc nhớ: “Hồi đó, nhà tôi lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười nói. Mấy đứa cháu cứ líu lo suốt ngày, bày đủ trò để chơi. Lúc nào cũng tràn ngập niềm vui”.

Sau này, con cháu trong nhà cụ sinh sống ở nhiều nơi khác nhau, ai cũng có lý do riêng nên không thể thường xuyên về ăn Tết cùng cụ được. Tính đến nay cụ Truyền đã đón cái Tết thứ ba ở trung tâm cùng những người bạn già của mình. Mấy hôm nay cứ rảnh rỗi, cụ lại lấy cái điện thoại ra, hỏi mọi người cách gọi điện thoại làm sao để thấy rõ mặt người, để nhìn, để biết con cháu mình đang làm gì.

“Có vậy mới đỡ nhớ. Không phải tụi nó không về ăn Tết với mình mà do điều kiện không có. Mấy năm nay cứ gần tới Tết là mấy đứa cháu gọi điện thoại hỏi thăm. Nghe chúng nó bảo có thể thấy mặt được qua mạng Zalo gì đấy nên cũng tìm tòi coi sao” - cụ Truyền nói.

Ngồi cạnh đó, cụ Trần Văn Minh (80 tuổi) trầm ngâm: “Nhớ con nhớ cháu lắm. Sức khỏe tốt thì tết mình vẫn gắng về nhà chứ giờ mình già yếu quá rồi... Mỗi năm mỗi khác, mình cũng khác đi rồi, đón Tết theo cách nào mình cảm thấy ấm cúng là được”.

Các em nhỏ ở đội nghệ thuật Nhà thiếu nhi TP.HCM đến thăm, chúc Tết các cụ vào sáng 14-1 vừa qua.  Ảnh: THANH TRANG

Họ không cô độc

Vì nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhiều cụ không đón Tết cùng gia đình mà phải ở trung tâm. May là Tết ở nơi này không cô độc.

Cụ Lưu Thị Cúc (80 tuổi) kể cụ và chồng cùng chung sống với nhau cho đến khi người chồng qua đời vẫn chưa có một mụn con nào. Cụ vào trung tâm ở, đây là cái Tết thứ tám cụ một mình nhưng không hề cảm thấy buồn mà ngược lại rất ấm áp.

“Tám năm ăn Tết ở đây, tôi vẫn thấy vui chứ không cô độc tí nào cả. Mọi người ai cũng quan tâm lẫn nhau, hiểu và chia sẻ với nhau mọi chuyện. Có nhiều người không quen biết gì cũng vào hỏi thăm, ngồi chơi cả ngày chia sẻ đủ thứ chuyện. Có bận mấy đứa nhỏ nghe đâu ở nhà thiếu nhi xuống ca hát đủ trò, nhìn dễ thương lắm” - cụ Cúc nói.

Cụ Cúc kể rằng ngày Tết của các cụ cũng như những ngày bình thường, cùng nhau bày bàn trà, vài cái ly nhỏ, có miếng bánh, miếng mứt rồi nói với nhau dăm ba câu chuyện. Có năm các cụ còn rủ nhau nhảy theo tiếng nhạc nền đón xuân của trung tâm.

Còn cô Lê Thị Tổng (65 tuổi) thì tâm tình năm nay là năm thứ hai cô đón Tết ở trung tâm cùng mọi người. Không phải là cảm giác đơn độc mà ngược lại, cô cảm nhận rõ tấm chân tình mà cán bộ, nhân viên và những người đồng cảnh neo đơn ở đây dành cho mình. Cô Tổng kể ở trung tâm có người bạn đã chơi với cô lâu ngày nhưng không hề biết tên nhau, người bạn đó vẫn hay tặng cô một quả quýt, chia cho cô miếng bánh. “Chắc chắn giao thừa các cụ già chúng tôi lại tìm thăm nhau nhắc chuyện Tết xưa thôi, rồi thêm các đoàn lãnh đạo thành phố đến thăm và chúc Tết thêm ấm lòng” - cô Tổng cười hiền.

Ở một góc sân khác của trung tâm, có hai người bạn già cùng lụi cụi bới đất để trồng cây mật gấu là cụ Trích Linh (80 tuổi) và cụ Ngọc Anh (76 tuổi). Tết này cụ Trích Linh sẽ về nhà ăn Tết với con cháu, còn cụ Ngọc Anh thì ở lại trung tâm. Ngồi trồng cây cùng nhau, cụ Trích Linh thủ thỉ như an ủi cụ Ngọc Anh: “Tết này chị về nhà với con cháu, em ở lại đừng có buồn nhiều nghe, rồi chị cũng lên lại với em, chỉ vài ngày thôi mà…”.

Ai cũng có nỗi lòng riêng khi Tết đến, đặc biệt với những người ở tuổi gần đất xa trời. Vì nhiều hoàn cảnh không thể sống cùng con cháu, họ tự tìm niềm vui Tết cho mình, dù ở bất kể nơi đâu.

Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè (153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 17, quận Bình Thạnh) có chức năng chủ yếu chăm sóc, phụng dưỡng người già thuộc diện chính sách neo đơn, không nơi nương tựa, không người nuôi dưỡng. Việc tiếp nhận các đối tượng thuộc diện chính sách vào sống những năm tháng cuối đời ở trung tâm là thể hiện rất rõ tính ưu việt trong công tác đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước.

Ngoài đối tượng thuộc diện chính sách kể trên, thời gian gần đây trung tâm thí điểm nhận chăm sóc, nuôi dưỡng những người già thuộc diện có thu phí. Đây là những người cao tuổi (nam từ 60 tuổi, nữ từ 55 tuổi trở lên) tuy có gia đình, người thân nhưng vì hoàn cảnh, điều kiện, áp lực công việc mà con, cháu không có thời gian chăm sóc chu đáo nên có nguyện vọng gửi vào trung tâm với mức đóng phí 2,5 triệu đồng/người/tháng.

_________________________________

TP.HCM: Số tiền chăm lo Tết tăng 15%

Tổng số tiền chăm lo Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 của TP.HCM cho người dân tăng khoảng 15% (tương ứng 100 tỉ đồng) so với quà Tết 2016. Mức quà Tết cao nhất của TP là 3 triệu đồng/suất.

Riêng diện chính sách có công được tặng quà theo ba mức: 3 triệu đồng (mức 1, tăng 400.000 đồng); 1,6 triệu đồng (mức 2, tăng 200.000 đồng) và 1,2 triệu đồng (mức 3, tăng 140.000 đồng). Tổng số tiền chăm lo Tết cho người có công hơn 332 tỉ đồng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm