Tết ở xóm Sở Thùng

Ở xóm Sở Thùng (nơi ngụ cư của những người làm nghề thu gom rác dân lập) đêm 30 vẫn chưa phải là tết vì ai cũng lo đi gom rác đến quá giao thừa. Một vài trẻ nhỏ vì nhà neo đơn thì theo chân các tình nguyện viên về quê ăn tết.

Trẻ: Về nhà tình nguyện viên ăn tết

Chiều 20 tháng Chạp, sân chùa Giác Quang, đường Phan Văn Trị rộn rã tiếng cười nói líu lo của một nhóm học trò trong buổi bế mạc cuối năm tại lớp học tình thương xóm Sở Thùng. Lớp học do các bạn tình nguyện viên từ các trường đại học đảm nhận từ đầu năm 2013 đến nay. Những đứa trẻ đầu bù tóc rối vì mải mê lượm rác vội tập trung về sân chùa chơi với các giáo viên tình nguyện. Khi nghe hỏi về ý nghĩa của ngày tết, bọn trẻ nhao nhao đòi trả lời rằng tết được lì xì, về thăm ông bà, được ăn ngon…

Cha vào tù, mẹ bỏ đi lấy chồng khác, PL sống với bà ngoại từ nhỏ đến lớn. Khi được hỏi điều ước của mình khi năm mới sắp đến, mắt L. nhìn xa xăm: “Nhà con chỉ có hai bà cháu. Năm nào lúc giao thừa cũng chỉ có hai bà cháu bên nhau thôi. Con chỉ ước mình sẽ được sống bên ba mẹ, tết đến sẽ được ba mẹ chở đi chơi”.

Các tình nguyện viên đến vui chơi với trẻ em lớp học tình thương của xóm Sở Thùng. Ảnh: HOÀNG LAN

Đang hăng hái chơi với các bạn, nghe L. nói vậy mặt Nghĩa buồn xo. Trước đây em cũng được ăn tết đầm ấm bên cha mẹ, ông bà. Nhưng kể từ ngày cha bỏ đi, mẹ và ông ngoại lần lượt vào tù, chỉ còn em và bà ngoại ở với nhau. Hằng ngày hai bà cháu vất vả lượm ve chai nhưng mâm cơm lúc nào cũng chỉ có rau dưa.

Biết được hoàn cảnh của Nghĩa, một bạn tình nguyện viên quyết định đưa hai chị em Nghĩa về nuôi. Sau khi tốt nghiệp, bạn tình nguyện viên này phải đi làm xa nên đành chia tay chị em Nghĩa. Sau đó một bạn tình nguyện viên tên Oanh tiếp tục nhận chăm sóc cho các em. Mẹ của Nghĩa vừa ra tù, chỉ có khả năng nuôi nổi chị Nghĩa nên gửi Nghĩa lại với cô giáo Oanh. Tết này Nghĩa sẽ theo về quê cô giáo Oanh ở Nha Trang chơi.

Nghĩa hớn hở khoe: “Con có đồ tết rồi nè. Cô Oanh mua cho con hai cái áo thun, hai áo khoác luôn để về Nha Trang ăn tết với cô. Con ước học giỏi, sau này làm kiến trúc sư xây nhà cho ông bà ngoại, mẹ và chị Hai ở”.

Người lớn: Giao thừa vẫn đi gom rác

Từ lớp học tình thương, chúng tôi theo chân hai đứa con của chị Nguyễn Thị Hương về nơi cư ngụ. Đó là dãy nhà thuê chật chội, ẩm thấp. Chị  Hương kể hai vợ chồng mới đưa hai con vào Sài Gòn hơn sáu tháng nay, nhận thu gom rác thuê cho chủ, thu nhập của hai vợ chồng mỗi người chỉ được 2,5 triệu đồng /tháng nên cho con học lớp tình thương ở chùa Giác Quang. “Những ngày cuối năm người ta lo dọn nhà cửa, bỏ rác nhiều nên ngày nào mình cũng về nhà trễ. Dân gom rác ở xóm Sở Thùng này đêm giao thừa cũng đi làm, dọn dẹp sạch đường phố, về đến nhà đã là quá giao thừa…”.

27 năm xa quê cũng là chừng đó năm nghề thu gom rác vận vào đời ông Nguyễn Văn Khanh, quê Đồng Nai. “Nghề này có đặc thù là ngày nào người ta cũng đổ rác nên mình phải dọn, nếu không nhờ được ai làm thì phải làm suốt cả năm chứ không bỏ được. Giao thừa vẫn còn gom rác, mùng 3 là đi làm lại rồi nên về quê chơi thì tết chật vật lắm” - ông tâm sự.

Ngày 30 tết, khi nhà nhà đang êm ấm bên gia đình, ông vẫn còn cần mẫn làm việc bên bô rác. Nếu năm nào gặp may mắn, ông sẽ về kịp trước lúc giao thừa để đặt lên bàn thờ trái dừa cúng năm mới. Nghĩ đến đường phố sạch đẹp mùng 1, mùng 2 tết có sự đóng góp thầm lặng của mình, ông thiếp đi khoan khoái...

Xóm Gò Mả sẽ đón một giao thừa khác

Hơn một năm trước, 36 hộ dân ở xóm Gò Mả (phường 15, quận 8) vẫn còn sống chung với những ngôi mộ tồn tại ngay trong nhà, trước nhà, ngoài lối đi… Nhưng hôm nay địa danh xóm Gò Mả đã dần bị lãng quên bởi toàn bộ số mộ đã được chính quyền địa phương di dời vào đầu năm 2014. Xóm Gò Mả bây giờ giống một khu dân cư hiện đại, có sân chơi cho trẻ con, có công viên cho mọi người đi dạo, có điện, nước đầy đủ...

Nhớ đến những cái tết trước đây, ông Trần Tư Hiệp kể đêm 30 tết năm nào cũng là thời gian mọi người hẹn nhau ở các ngôi mộ trước nhà để cùng đón giao thừa. “Nói là đón giao thừa nhưng chúng tôi chỉ đi xung quanh các ngôi mộ để thắp hương rồi bảo ban nhau canh chừng mấy đứa nhỏ, làm gì thì làm đừng leo trèo, chạy nhảy lên mấy ngôi mộ mà có lỗi”. Ông cho biết nhất định năm nay cả xóm sẽ ăn một cái tết khác nhất từ trước tới nay, phải thật vui, thật đầm ấm để kỷ niệm xóm của mình không còn gọi là xóm Gò Mả nữa.

Từ ngày đến lớp học tình thương, hai đứa không còn ủ rũ vì lạ môi trường nữa, vợ chồng tôi cũng yên tâm đi làm. Cha mẹ nào chẳng muốn con cái học đàng hoàng nhưng cũng vì miếng cơm manh áo cả. Vợ chồng đang để dành tiền bán ve chai để tết này có món thịt kho hột vịt đủ đầy trong mấy ngày tết cho con.

Chị NGUYỄN THỊ HƯƠNG,
cư dân xóm Sở Thùng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm