Tết độc lập về bên Vũng Chùa

Từng bước chân người ở khắp nơi trong nước nối nhau về Vũng Chùa. Hoa tươi phủ khắp lối mộ. Khói hương nghi ngút lòng thành…

Giữa không khí quốc lễ, chúng tôi về Quảng Bình, nơi đó đồng bào khắp mọi miền đất nước hành hương viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa-Đảo Yến (Quảng Đông, Quảng Trạch) và đến với căn nhà lưu niệm giản dị bên bờ sông Kiến Giang ở An Xá (Lộc Thủy, Lệ Thủy). Ai nấy đều tự hào rằng đất nước đã sản sinh ra một vị tướng kiệt xuất, một người con ưu tú có công đặc biệt để nước nhà được độc lập vào ngày 2-9-1945.

Tự hào được về quê Đại tướng

Mùa thu Vũng Chùa thật yên bình. Từng đoàn người xếp hàng dài trong trật tự viếng mộ Đại tướng. Trong đoàn người đó, có một người con ở gió ngàn Việt Bắc - anh Tòng A Lóng cùng một số bạn bè ở miền đất này về dâng hương. “Tôi thay mặt cha tôi về thăm Đại tướng. Vì tuổi già, không di chuyển được nên cụ ủy quyền cho tôi dâng lên mộ chí Đại tướng nén hương. Cha tôi ngày xưa thường kể về tình cảm Đại tướng với người lính cấp dưới, khoan dung, độ lượng. Trong lúc này cả nước mừng Quốc khánh, giá như Đại tướng  ở lại, chắc ngày vui sẽ trọn vẹn. Chúng tôi dâng hương báo với Đại tướng rằng ai cũng nhớ Người như người cha, người ông của đồng bào bà con miền núi Việt Bắc”.

Ông Nguyễn Văn Song (85 tuổi, Nghi Lộc, Nghệ An) xúc động: “Có dịp hành hương thăm mộ Đại tướng, tôi thấy tự hào về những gì Đại tướng đã cống hiến hết mình cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam. Tôi tự hào khi về quê Đại tướng để viếng mộ Người”.

Trong dòng người nối dài ấy, nhiều gương mặt trẻ đã tỏ lòng tri ân sâu sắc trước anh linh Đại tướng. Bạn Nguyễn Hòa Nam (26 tuổi) từ TP.HCM nói: “Em muốn viếng mộ Đại tướng trong ngày lễ độc lập để nhớ về công lao của Người. Ra đây em mới biết Vũng Chùa của Quảng Bình là một vùng đất tuyệt vời. Em tự hào khi đến đây. Đại tướng chọn chốn an nghỉ nhìn ra biển Đông lộng gió, nơi đó là biển đảo của quê hương Việt Nam. Đại tướng như muốn nhắn gửi với thế hệ trẻ về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mà chúng em sẽ không thể nào quên”.

Dòng người viếng mộ Đại tướng trong mùa thu độc lập. Ảnh: MINH QUÊ

Thế hệ trẻ nghiêng mình trước linh mộ Đại tướng. Ảnh: MINH QUÊ

Nhớ mãi công lao Đại tướng

Chúng tôi gặp lại nữ anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế (Cảnh Hóa, Quảng Trạch) từng chiến đấu trên đường 12A, bà kể: “Một lần Đại tướng dặn tui: “Đảm việc nước rồi phải đảm việc nhà nữa. Cố gắng lên, sản xuất cho giỏi, chiến đấu cho giỏi”. Rồi 40 năm sau, khi bà ra thăm Đại tướng tại nhà riêng vào năm 2005. “Thấy tôi, Đại tướng hỏi trước rằng: “Kim Huế à, khỏe không, bữa ni răng rồi?”. Tui hỏi lại: “Thưa Đại tướng, phu nhân mô rồi ạ?”, rứa là Đại tướng nói đặc giọng Quảng Bình: “Chị mi mới đi mổ ruột thừa về đó”. Xong lời thì chị Đặng Bích Hà bước ra bên cửa, ôm lấy tui: “Kim Huế, răng già dặn, gầy gò rứa, khổ lắm hả em?”. Rứa là tui khóc, chị Hà khóc, Đại tướng rưng rưng”.

Mắt ngấn lệ, cựu chiến binh Nguyễn Đình Hòa, 89 tuổi đời, 65 tuổi Đảng, ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), nói giọng run run: “Vợ chồng tui đi xe khách từ trong ấy ra đây viếng mộ Đại tướng. Tôi ở xa quá, tuổi cao sức yếu, sợ khó có lần thứ hai đến viếng được mộ Người. Thắp nén nhang thơm cho Người, vợ chồng tui đã thỏa tâm nguyện với công lao trời biển của Đại tướng”.

Ở quê nhà An Xá, ông Võ Đại Hàm, người trông coi căn nhà lưu niệm Đại tướng, cho biết: “Có hàng ngàn lượt đồng bào, cựu chiến binh, cán bộ khắp nước về thăm nhà Đại tướng và dâng hương lên bàn thờ tổ tiên”.

Cụ Nguyễn Văn Huấn (82 tuổi, Nam Đàn, Nghệ An) nói: “Tui thuộc Đại đoàn quân tiên phong 304, từng chiến đấu ở Điện Biên Phủ, là người lính của Đại tướng, từng được gặp Người, vào thắp hương viếng mộ Đại tướng, rồi lên thăm nhà của Đại tướng, cả cuộc đời Đại tướng giản dị, thương quân như con. Công lao của Đại tướng to lớn, vô song, cả nước đều kính trọng, thế giới nể phục. Tuổi tui cao rồi nhưng vô đây, tui tự hào khi quê hương mình có một vị tướng đức độ, lỗi lạc. Trong lúc này và mãi mãi, công lao Đại tướng không chỉ thế hệ chúng tôi ghi nhớ mà con cháu chúng tôi, con cháu của đồng bào cả nước đều ghi lòng tạc dạ”.

Người về nặng nghĩa giúp dân

Đã gần tròn một năm Đại tướng chọn vùng quê dưới chân núi Hoành Sơn an giấc thiên thu. Đèo Ngang của mấy trăm năm trước khi Bà Huyện Thanh Quan qua đây thấy “Lom khom dưới núi tiều vài chú” thì nay nhà cửa không còn lác đác như xưa nữa. Gần tròn năm không phải là nhiều nhưng người trong vùng đã cảm nhận được tấm lòng của vị tướng từng yêu thương khi về thăm quê qua ngả Hoành Sơn này từ mấy chục năm trước.

Những năm 80-90 của thế kỷ trước, Đại tướng về thăm quê trên chiếc xe Lada cũ kỹ, chỉ một chiếc quạt có trong xe, trời mùa nắng nóng như lửa đốt. Lên đỉnh Hoành Sơn, đứng giữa trời đất lộng gió, cảm nhận cuộc sống của người dân trong vùng, ai cũng làm tiều phu hái củi để gồng gánh đi bán. Vị tướng rơi lệ với cuộc sống khó khăn của vùng đất Đèo Ngang hẻo lánh. Rồi ông nói với bà con rằng: “Khi mất, giúp gì được cho quê hương tôi sẽ cố hết sức”. Đó là lời kể của ban lãnh đạo Quảng Bình thời kỳ đó, họ nhớ như in. Và quả thật, lời hứa của vị tướng huyền thoại nay đã hiển linh.

Người dân ở Kỳ Nam (Hà Tĩnh) và Quảng Đông (Quảng Bình) đã thấm được sự giúp đỡ của vị tướng già. Nhìn đoàn người nườm nượp nối nhau về Vũng Chùa, ai cũng ấm lòng. Đoàn nào về cũng mua hương hoa. Mỗi bó hoa cúc vàng, cúc trắng được bán giá 30.000 đồng, đẹp hơn thì 50.000 đồng. Nhiều người trong vùng, trước đây nghèo, không biết buôn bán, nay mở quầy hoa nhỏ hưởng lộc từ ân nghĩa vị tướng già mà vững tâm cho con theo cái chữ. Bé Nguyễn Chiều My, mới học lớp 1 nhưng vào ngày nghỉ cuối tuần đã vui vẻ phụ mẹ bán hoa bên đường dẫn vào Vũng Chùa. Vừa bẽn lẽn vừa thẹn thùng bên mâm hoa cúc vàng, chúng tôi hỏi về gia đình, cháu trả lời dạ thưa rất lễ phép. Trước đây nhà cháu nghèo, chạy ăn từng bữa. Mẹ làm ruộng khoán, cha đánh cá ở biển trước làng. Từ ngày Đại tướng về đây yên nghỉ, cả nhà bán hoa cho người viếng mộ, mỗi ngày cũng lãi từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng, có ngày cao điểm bán được nhiều hơn.

Chị Nguyễn Thị Lan, nhà ở thôn Minh Sơn dưới chân Đèo Ngang, nói: “Từ ngày Bác Giáp về, em không đi hái củi nữa mà đi bán hoa cho bà con đi viếng mộ Bác ở Vũng Chùa. Thiệt đúng là Bác giúp dân nghèo ở đây. Ngày xưa đi hái củi trên núi, cả ngày lấm lem mà lo ngày mai sống như răng, chừ bán hoa cho bà con viếng mộ Bác Giáp, không còn lo thiếu thốn như trước”.

Từ quốc lộ 1A vào Vũng Chùa, các quầy hoa tươi kéo dài vài cây số, vàng ruộm dưới trời Hoành Sơn. Người dân không chen lấn, cũng chẳng chèo kéo, họ đứng vẫy tay, nhẹ nhàng mời chào người mua. Chị Hương đứng nép bên vệ đường nói: “Ở đây người dân ai cũng biết mời chào tế nhị, vì bà con đi viếng mộ Bác Giáp là lòng thành nên không có cảnh khó coi mô chú ạ. Giá cả thống nhất với nhau, không tăng kiểu phiền phức, vì Bác Giáp về đây là giúp bà con mà. Bà con phải biết lễ nghĩa chứ”. Anh Nguyễn Quang Hà, từ Hà Nội cùng gia đình vào viếng mộ tướng Giáp, thổ lộ: “Bà con chất phác, hoa bán rẻ, cái ăn cái uống cũng nhẹ nhàng, đồ biển tươi ngon mà tính giá rẻ, không chặt chém như nhiều nơi. Con người chân chất đến cảm động”.

Tết độc lập, về với Vũng Chùa, ấm lòng khi vạn lòng về bên Đại tướng giữa mùa thu.

MINH QUÊ

Từ ngày Đại tướng về đây, Vũng Chùa được cả nước và thế giới biết đến. Tỉnh và huyện luôn tâm niệm phải làm tốt tất cả việc mà Đại tướng từng căn dặn để giúp nhân dân và khách hành hương về với vùng đất linh thiêng này.

Ông ĐẬU MINH NGỌC, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm