Tân tổng thống Mỹ và dự báo cục diện mới

“Chạy đua vào Nhà Trắng” - cuộc bầu cử được mong chờ nhất trong năm nay đang vào hồi kết. Nhận định về hai ứng viên, ông Donald Trump (đảng Cộng hòa) và bà Hillary Clinton (đảng Dân chủ), TS Matthew F. Filner, học giả Fulbright đang nghiên cứu và giảng dạy tại Nhật Bản, chia sẻ sự hấp dẫn của ông Trump nằm ở chỗ vị này “độc lập” và “quyết liệt”, còn bà Clinton thu hút cử tri bằng sự “vững chãi” và “từng trải”. Trong khi đó, GS Ngô Vĩnh Long, chuyên gia nghiên cứu chính trị-ngoại giao ĐH Maine (Mỹ), cho rằng bà Clinton sẽ gặp nhiều cản trở trước đảng Cộng hòa nếu trở thành tổng thống, trong khi nếu ông Trump chiến thắng thì cả nước Mỹ sẽ đối diện với rất nhiều khó khăn.

Trump thu hẹp khoảng cách với Clinton phút cuối

. Phóng viên: Sau ba vòng tranh luận vừa qua giữa hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump, ông có nhận xét gì về điểm mạnh, hạn chế và khả năng thắng cử của họ cho đến thời điểm hiện tại?

+ GS Ngô Vĩnh Long: Theo các cuộc thăm dò ý kiến thì bà Hillary Clinton đã hơn Donald Trump hơn 12% tổng số phiếu. Đối với phụ nữ thì bà Clinton dẫn đầu Trump, 51% so với 41%. Đối với người da trắng có học đại học thì bà dẫn đầu, 53% so với 43%. Đối với người không phải da trắng thì bà được 51%.

Nhưng ông Trump và êkíp tranh cử của mình đã dùng chiêu bài tấn công nhằm hạ uy tín của bà Clinton. Điển hình là cáo buộc bà Clinton không trung thực vấn đề email, chỉ trích việc bà thay đổi quan điểm trong một số chính sách như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Vậy nên ngày 29-10, kết quả cuộc thăm dò ý kiến của tờ Washington Post với hãng thông tấn ABC vào đầu tuần cho thấy sự khác biệt về số cử tri ủng hộ hai ứng viên chỉ lệch nhau còn 2% (47% cho Clinton và 45% cho Trump). Một ngày sau đó, con số này được rút ngắn chỉ còn 1%. Đó là sau khi giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James B. Comey thông báo bất ngờ vào ngày 28-10 rằng FBI mở lại cuộc điều tra về thư điện tử của bà Clinton. Nhiều luật sư Mỹ, cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa, cho rằng việc làm này của FBI trái lệ và trái luật đối với cuộc bầu cử.

+ TS Matthew F. Filner: Tôi thấy hai ứng viên đều đạt được một nền tảng ủng hộ vững chãi nhất định và cả hai đều trải qua khoảng thời gian khó khăn để đạt được sự tín nhiệm nhiều hơn. Tôi không nghĩ rằng cả hai ứng viên đều gặp phải sự chống đối nặng nề dù ông Trump gặp phải nhiều phản ứng có hại hơn. Cũng phải thừa nhận rằng việc bà Clinton có sự kết nối với Tổng thống Obama đã mang về lợi thế cho bà ấy. Cuối cùng, phần thể hiện của bà Clinton trong các cuộc tranh luận trực tiếp giúp bà đạt vị thế dẫn đầu.

Sự hấp dẫn của ông Trump nằm ở chỗ vị này “độc lập” và “quyết liệt”, trong khi bà Clinton thu hút cử tri bằng sự “vững chãi” và “từng trải”. Các cử tri Mỹ đang bị phân cực. Các cử tri ủng hộ ông Trump thì nhìn thấy điểm mạnh của ông ấy chính là điểm yếu của bà Clinton và ngược lại. Vậy nên tôi không nghĩ rằng sẽ có sự thay đổi trong quan điểm của họ trong tuần cuối cùng trước bầu cử. Tôi dự đoán bà Clinton sẽ chiến thắng với số phiếu đại cử tri ngoài 300 phiếu (270 phiếu là số phiếu tối thiểu để chiến thắng).

Chuyên gia Mỹ dự đoán bà Clinton (trái) sẽ chiến thắng bầu cử Mỹ với số phiếu đại cử tri ngoài 300 phiếu.  Ảnh: Theatlantic

Những hình dung ban đầu về chính sách đối nội

. Có thể hình dung chính sách đối nội của tân tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2017-2020 sẽ như thế nào sau khi chứng kiến chiến dịch tranh cử của bà Clinton và ông Trump thời gian qua? Theo ông, ai trở thành tổng thống sẽ tốt hơn cho tương lai của Mỹ?

+ GS Ngô Vĩnh Long: Tôi đã bầu phiếu cho bà Clinton. Bà ấy vừa là một ngoại trưởng rất giỏi, đồng thời cũng là người đề ra những chính sách đối nội có lợi cho những thành phần thiểu số, những người yếu thế như tầng lớp nghèo khó, phụ nữ và giới trẻ. Trong khi ông Trump cho đến nay vẫn chỉ chú trọng đến việc kích động các thành phần ít học và bất mãn người da trắng nhằm chống lại những chính sách đối nội và đối ngoại mang về lợi ích cho người Mỹ. Đó là lý do dẫn tới việc phe ông Trump dùng cách tấn công cá nhân bà Clinton. Nếu ông Trump trở thành tổng thống thì nước Mỹ sẽ càng gặp phải nhiều khó khăn.

+ TS Matthew F. Filner: Tôi thấy bà Clinton rất tỉ mỉ trong các đề xuất chính sách của mình. Tôi nghĩ bà ấy phần lớn sẽ tiếp tục các chính sách quản trị của Tổng thống Obama. Trong khi đó các chính sách của ông Trump đề ra lại rất không cấp tiến. Ông Trump chỉ vừa mới chập chững tiếp cận chính sách công, thế nên rất khó xác định chắc chắn những gì Trump sẽ theo đuổi (nếu trở thành tổng thống). Ông Trump dường như không hiểu biết gì về lập pháp, vậy nên nhiều hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử của ông ấy (ví dụ như việc xây dựng một bức tường ở biên giới Mỹ-Mexico) là bất khả thi. Tôi nghĩ bà Clinton rất phù hợp để trở thành tổng thống trong khi ông Trump thì hoàn toàn không.

Dự báo tương lai chính sách tái cân bằng

. Chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm Tổng thống Obama mà trọng tâm là chiến lược “tái cân bằng” tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ như thế nào trong nhiệm kỳ tổng thống mới?

+ GS Ngô Vĩnh Long: Tôi cho rằng tất cả chính sách liên quan đến “tái cân bằng” của ông Obama như TPP, vấn đề đồng minh, vấn đề an ninh hàng hải biển Đông và Hoa Đông và ngoại giao với ASEAN sẽ bị ảnh hưởng rất lớn vì thông báo vừa qua của giám đốc FBI. Dẫu bà Clinton có được bầu làm tổng thống sau ngày 8-11 đi nữa thì việc điều tra của FBI sẽ tiếp tục và đảng Cộng hòa sẽ dùng cớ này gây khó khăn cho bà trong việc thi hành các chính sách hiện hành trên các lĩnh vực nói trên.

Các chính trị gia trong đảng Cộng hòa, dưới thời Tổng thống Obama, đã ủng hộ ông phần nào trong các chính sách trên vì ông được số đông người Mỹ ủng hộ. Nhưng những chính trị gia đảng Cộng hòa lần này nếu lại nắm được cả Thượng viện và Hạ viện trong Quốc hội Mỹ, thì nhất định họ sẽ gây khó khăn và cản trở. Đó là chưa kể cánh tả của đảng Dân chủ cũng chống lại TPP và các hiệp định thương mại cũng như không mặn mà gì với chính sách đối ngoại của Mỹ hiện nay.

Còn nếu ông Trump làm tổng thống nhiệm kỳ tới thì sẽ gây bất ổn trên nhiều mặt. Ông Trump đã nói là sẽ xét lại mọi vấn đề để làm cho Mỹ trở thành một siêu cường trở lại. Khi nắm ghế tổng thống của một nước siêu cường như Mỹ thì khả năng là ông Trump không ngại va chạm ngay cả với các nước đồng minh, chứ đừng nói gì đến những nước mà ông Trump cho là thù địch.

+ TS Matthew F. Filner: Nếu bà Clinton trở thành tổng thống Mỹ, rất có thể bà sẽ tiếp tục duy trì những chính sách hiện nay của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chiến lược “tái cân bằng” sẽ rất ổn định. Nhưng nếu ông Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng, tôi dự đoán sẽ có những thay đổi rất lớn.

. Xin cám ơn GS Ngô Vĩnh Long và TS Matthew F. Filner.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM khi vừa trở về từ chương trình nghiên cứu “Xây dựng cơ quan nghiên cứu chính sách - ảnh hưởng và hiệu quả” do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ, ThS-NCS Chu Duy Ly (ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết phần lớn người dân đều rất quan tâm ai sẽ trở thành tổng thống thứ 45, lãnh đạo nước Mỹ trong bốn năm tới. Người Mỹ rất ý thức về sự thay đổi của người đứng đầu quốc gia. Bởi khi một lãnh đạo mới đắc cử, những chính sách trước đây sẽ thay đổi và tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến cuộc sống của họ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm