Tại sao IS ‘hả hê’ nạn nhập cư châu Âu?

Một thành viên của tổ chức Hồi giáo Nhà nước (IS) tuyên bố khoảng 4.000 chiến binh của tổ chức này đã thâm nhập thành công vào châu Âu theo dòng người tị nạn. Một đối tượng buôn người khác cũng xác nhận đang giúp đỡ các chiến binh thánh chiến vượt biên trong nhiều tháng qua: “Tôi đang gửi nhiều chiến binh, những người muốn đi và thăm lại gia đình họ. Một số khác được gửi trực tiếp đến châu Âu để chuẩn bị”.

Khủng bố đội lốt người tị nạn?

Kể từ trước khi tiến hành không kích những vùng lãnh thổ mà IS chiếm đóng, các quốc gia phương Tây đã e ngại tổ chức khủng bố này có thể tìm đường chuyển những tay súng thiện chiến của mình vào lãnh thổ châu Âu. Trong một bài điều tra của cây bút John Stanton, trang tin BuzzFeed (Mỹ), hồi tháng 1-2015, một “đặc phái viên” của tổ chức IS trú ẩn ở Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ tổ chức này đã bắt đầu bí mật đưa các phần tử thánh chiến vào châu Âu. Người đàn ông được phỏng vấn còn khẳng định việc chuyển người “đã thành công”.

Tay “đặc phái viên” của IS cho biết tổ chức này từ lâu đã nung nấu ý định lợi dụng cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất từ sau Thế chiến thứ hai này để thâm nhập vào châu Âu. Theo đó, những phần tử IS sẽ đội lốt người tị nạn và cùng làn sóng người hỗn loạn này xâm nhập vào châu Âu. Theo IB Times, ngoài những chiến binh Nhà nước Hồi giáo đến từ Syria, cũng có nhiều phần tử khủng bố khác đến từ Trung Đông đang nấp theo dòng người tị nạn trà trộn vào châu Âu.

Theo mô tả của thành viên IS, cũng như lời xác nhận của hai thành viên băng nhóm buôn người khác, các phần tử thánh chiến được chia thành các nhóm nhỏ, rồi được đưa qua biên giới Syria vào các TP cảng Thổ Nhĩ Kỳ như Izzmir và Mersin. Bài điều tra của BuzzFeed cho biết những chiến binh IS được cài vào các chuyến tàu buôn người này không chỉ gồm chiến binh gốc Syria và khu vực Trung Đông. Những chiến binh IS vốn là người châu Âu và cả người Mỹ cũng tham gia chiến dịch xâm nhập vào các quốc gia phương Tây.

Những nhóm buôn người sẽ đưa các chiến binh nghỉ ngơi trong khách sạn, sắp xếp trà trộn vào danh sách hàng trăm người tị nạn trên các chuyến tàu. Khi điều kiện thời tiết thuận lợi, những chuyến tàu này sẽ vượt Địa Trung Hải cập bờ biển các quốc gia như Ý và Hy Lạp. Những phần tử khủng bố sẽ cùng dòng người nhập cư hỗn loạn tìm cách xin tị nạn tại những quốc gia có cơ chế không quá khắt khe như Đức và Thụy Điển…

Theo hãng tin AP, bà Michele Coninsx, Chủ tịch Eurojust - cơ quan hợp tác pháp lý Liên minh châu Âu, tháng 7-2015 xác nhận được báo tin về những tàu buôn người vượt biển Địa Trung Hải cũng đồng thời chở những chiến binh IS. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ Richard Burr và Lindsey Graham, thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, cũng xác nhận có biết thông tin về các chiến binh IS trà trộn vào dòng người tị nạn.

Một thành viên băng nhóm buôn người qua Địa Trung Hải cho biết từng được IS liên hệ đưa 10 phần tử thánh chiến trà trộn lên tàu của mình. Tuy nhiên, khi được đề nghị đưa thêm khủng bố sang châu Âu, người này đã từ chối tiếp tục hợp tác vì lo sợ bị liên lụy.

Một tàu chở 353 người tị nạn được máy bay của không quân Cộng hòa Síp phát hiện ngoài khơi nước này. Ảnh minh họa: AP

Nguồn lợi có về túi IS?

Những ngày gần đây, truyền thông tập trung vào thảm kịch của hàng vạn người đang sống trong vòng vây “khát máu” của quân khủng bố tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Có hàng ngàn người tìm cách chạy trốn khỏi châu Phi. Nhiều cuộc di cư bắt nguồn từ nỗi khiếp sợ quân khủng bố Boko Haram hay các cuộc đấu tranh sắc tộc giữa Hutu và Tutsi, hay chiến tranh tôn giáo giữa những người theo thuyết duy linh, Hồi giáo và Cơ Đốc giáo. Chiến tranh và bất ổn đang tạo ra một thị trường khổng lồ cho những kẻ buôn người.

Theo tờ The Telegraph (Anh), những kẻ buôn người tính phí chuyển người tị nạn vượt Địa Trung Hải đến châu Âu là hơn 2.000 bảng Anh (hơn 69 triệu đồng). Một chuyến tàu chở người tị nạn trung bình sẽ chở đến 700 người. Đã có hàng triệu người phải chấp nhận bỏ tiền ra để được di cư tới nơi ở mới. Số tiền thu được từ “dịch vụ” vận chuyển người di cư là một khoản kếch xù. Theo tờ The Telegraph, IS là kẻ hưởng lợi chính từ thảm kịch này. Các thủ lĩnh của tổ chức khủng bố này có thể có những chính sách khắt khe đến mức điên rồ nhưng họ cũng là những “bộ óc kinh doanh” rất tinh ranh.

Bà Michele Coninsx cho biết IS đã sử dụng số tiền thu được từ việc buôn người để gây quỹ cho hoạt động khủng bố. Theo bà, đây là tình trạng đáng báo động bởi rõ ràng ai ai cũng nhận ra rằng những vụ buôn lậu như thế này là “phương thức kiếm tiền của quân khủng bố”. Trong khi đó, một quan chức ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng chính việc thiếu các kênh hợp pháp tiếp nhận người tị nạn tại châu Âu đang làm tăng nhu cầu vận chuyển người bất hợp pháp. Các nhóm buôn lậu trong thời gian qua đã vận chuyển hàng ngàn người rời khỏi Libya và Thổ Nhĩ Kỳ trên những con thuyền chật chội và tạm bợ, thu về hàng chục ngàn đôla khi thực hiện trót lọt một thương vụ.

Cuộc khủng hoảng người tị nạn mở ra nhiều thách thức về an ninh cho châu Âu. Ảnh minh họa: THE NEW YORK TIMES

Hiện có khả năng đã có gần 4.000 chiến binh Nhà nước Hồi giáo thâm nhập vào châu Âu.

Quả bom nổ chậm

Nguy cơ các chiến binh IS có thể trà trộn vào làn sóng người tị nạn đã khiến nhiều nhà chính trị châu Âu nâng cao cảnh giác khi chào đón người Syria. Nigel Farage, người đứng đầu đảng cánh hữu của đảng Độc lập Anh, cho biết có một “nỗi lo ngại rõ ràng” rằng quân khủng bố đang tìm cách trà trộn vào dòng người tị nạn để thâm nhập châu Âu. Đồng thời, ông cảnh báo “đừng để lòng trắc ẩn của chúng ta gây nguy hiểm cho sự an toàn của bản thân”.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia phương Tây đang nỗ lực tìm cách ngăn chặn các công dân châu Âu chiến đấu dưới lá cờ thánh chiến quay về nước thông qua đường hàng không từ Thổ Nhĩ Kỳ. Sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố tại Pháp từ đầu năm 2015 đến nay, các chính sách kiểm soát người nhập cư hợp pháp càng được thắt chặt.

Chính vì vậy phương thức trà trộn vào dòng người tị nạn có thể mở ra một con đường mới hiệu quả hơn để IS thâm nhập vào châu Âu. Theo BuzzFeed, nếu những phần tử thánh chiến này cập bến thành công đến châu Âu, họ có thể “quay về nhà” dễ dàng hơn thông qua đường bộ, vốn không bị kiểm soát hộ chiếu gắt gao như lực lượng hải quan tại các sân bay và bến cảng.

Bên cạnh đó, sự nghi kỵ ngày một gia tăng đối với cộng đồng người Hồi giáo tại châu Âu cũng đặt ra những rủi ro đáng lo ngại về an ninh. Tại Đức, những vụ tấn công vào các trại người tị nạn ở Munich hay các cuộc tuần hành chống người Hồi giáo ở Dresden đang thách thức khả năng quản lý của chính quyền bà Merkel. Còn tại Pháp, sau hàng loạt vụ khủng bố từ đầu năm 2015 đến nay, tư tưởng kỳ thị người Hồi giáo thậm chí còn đáng báo động hơn.

Theo trang The Local (Pháp), hơn 56% công dân Pháp được khảo sát tin rằng có các phần tử khủng bố trà trộn trong hàng ngàn người tị nạn tại châu Âu. Jerôme Fourquet, một chuyên gia phân tích về chính trị và cũng là thành viên tham gia tiến hành cuộc khảo sát, nhận định: “Những người tị nạn này đến từ những quốc gia Hồi giáo đang trong tình trạng chiến tranh. Yếu tố này tác động xấu đến định kiến của xã hội về người tị nạn”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm