Sửa xong tàu lại vươn khơi!

Vừa trở về sau gần một tháng đánh bắt và đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên vùng biển Hoàng Sa, thuyền trưởng tàu ĐNa 90235 Trương Văn Hay (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) gấp rút sửa chữa tàu, chuẩn bị lương thực, dầu, đá… lên đường trở lại bám ngư trường truyền thống.

Nối nghiệp cha ông ra khơi

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê miền biển Thanh Khê (Đà Nẵng), năm 10 tuổi ông Hay đã xuống thuyền theo cha và ông nội ra biển. Máu đi biển cứ ngấm dần trong huyết quản. Năm 15 tuổi, ông trở thành thuyền viên chính thức trên con tàu do cha ông làm thuyền trưởng. “Hồi đó, quanh ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa rộng lớn chỉ có ngư dân ta ra chiếm lĩnh. Các tàu cá của Trung Quốc (TQ) nhỏ, không có kinh nghiệm đi biển nên không vươn tới ngư trường này”.

Trong một cơn bão dữ năm 1987, tàu của gia đình ông bị sóng đánh vỡ ở gần khu vực quần đảo Hoàng Sa. Ông nội ông cùng chín thuyền viên khác mãi nằm lại dưới lòng đại dương. Ông theo tàu cha nên chỉ bị thương nhẹ. Một tháng sau, cha ông mang theo ba người con trai tiếp tục ra biển để tìm kiếm thi thể ông nội. Suốt hai tuần quần thảo ở khu vực gần đảo Tri Tôn (Hoàng Sa), cha con ông đành quay tàu trở về. Cha ông chán nản muốn bỏ nghiệp biển. Chiều chiều, cha ông lại ra ngồi thẫn thờ bên cửa biển. Anh em ông chỉ biết nhìn nhau khóc.

 
Vị thuyền trưởng lão làng không ngờ những người mình từng cứu vớt lại tấn công, đâm hỏng tàu mình.

Tưởng như sự dữ dội của biển cả sẽ khiến gia đình ông nhụt chí, không dám ra khơi. Nhưng chỉ hai tháng sau, cha ông lại chuẩn bị ngư lưới cụ cùng các con lên tàu ra biển. “Dân đi biển chỉ cần nằm bờ một vài ngày đã thấy ngứa ngáy, khó chịu. Ra biển có gió, có nắng khiến con người ta cũng vơi đi phần nào nỗi đau thương. Cha tôi cũng vậy…” - ông Hay xúc động.

Năm 2001, ông Hay vay mượn tiền để đóng cho mình một chiếc tàu riêng. Gần nửa năm chạy vạy khắp nơi để lo các khoản kinh phí mua lưới cụ, tìm bạn thuyền, chiếc tàu cá công suất gần 800 CV mới coóng được hạ thủy. Đây là chiếc tàu thuộc diện lớn nhất nhì miền Trung thời điểm ấy. Có thuyền lớn, ông lại tiến ra các ngư trường xa hơn để đánh bắt. Tàu của ông Quần thảo khắp các vùng biển quanh Hoàng Sa, rồi tiến xuống Trường Sa. Hai năm sau, ông lại đóng thêm chiếc tàu thứ hai với công suất trên 500 CV. Người em Trương Văn Minh cũng sắm tàu cá ĐNa 90304 để cùng anh tiến ra biển nối nghiệp cha ông.

Những hành động nghĩa hiệp

“Ngày trước, tàu chúng tôi đánh bắt xung quanh quần đảo Hoàng Sa. Gặp ngư dân TQ trên biển, chúng tôi vẫn xem nhau như bạn bè. Họ thiếu nước, đá… mình còn cung cấp, bán rẻ cho họ làm nghề” - ông Hay tâm sự. Nhiều đêm tàu cá hai nước vẫn neo đậu với nhau, cùng trò chuyện, uống rượu thâu đêm. Ngư dân còn lên tàu đổi đĩa VCD cho nhau để xem. “Có lần tàu cá của ngư dân TQ bị hỏng máy, tôi cùng với một thợ máy mang dụng cụ qua sửa chữa, hỗ trợ. Máy nổ ngon lành, họ đưa hải sản ra trả công nhưng mình từ chối, chỉ uống chén rượu rồi về” - ông Hay nói.

 
Con tàu bị đâm gãy phần đuôi. Ảnh: TT

Năm 2003, một tàu cá của ngư dân TQ bị sóng lớn đánh lật úp trong đêm. Nhận được tín hiệu cấp cứu, ông Hay vội cho tàu đến cứu. Vị thuyền trưởng tàu ĐNa 90235 trực tiếp xuống thuyền thúng để cứu vớt người bị nạn. Gần một đêm vật lộn với sóng dữ, ông và các bạn thuyền khác đã cứu được ba ngư dân TQ bị lật tàu. Các ngư dân trên tàu ĐNa 90235 đã nhường cơm, chăn mền cho các thuyền viên TQ. Sáng hôm sau, khi biển dần yên, ông Hay tiếp tục cho tàu đi tìm kiếm, vớt đồ đạc, tài sản bị trôi dạt cho họ. “Chúng tôi phải di chuyển gần 20 hải lý, lên phía bắc quần đảo Hoàng Sa mới gặp được tàu của ngư dân TQ để “bàn giao” những người bị nạn. Chuyện ngư dân cứu giúp nhau trong lúc hoạn nạn trên biển là chuyện thường”.

Nhớ lại lúc con tàu ĐNa 90152 bị tàu vỏ sắt TQ đâm chìm tại vùng biển Hoàng Sa ngày 26-5, ông Hay không khỏi chạnh lòng. Là một trong những người đầu tiên đưa tàu cá vượt vòng vây của các tàu TQ để cứu các ngư dân bị nạn, ông bức xúc: “Tôi không nghĩ các ngư dân TQ lại trả ơn chúng tôi theo kiểu đó. Làm nghề đi biển, thấy bạn thuyền bị nạn thì mình phải khẩn trương đến cứu, bất kể người Việt hay người Hoa. Ở đây, họ không cứu mà còn cố tình ngăn cản chúng tôi đến cứu. Hành động đó thật vô nhân đạo”.

Ngồi nhìn con tàu của mình bị đâm lỗ chỗ, ông Hay không nén được xúc động. Con tàu bao năm gắn bó, không gục ngã trước sóng gió nhưng lại bị thương trước những cú đâm hung hãn của những “người bạn” mình từng cứu vớt. Hơn 20 ngày đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, tàu của ông đã hai lần bị tàu vỏ sắt TQ đâm trúng, hàng chục lần bị tấn công, quấy phá. “Các tàu của TQ rất hung hãn và ngang ngược, luôn rình rập để đâm chìm tàu ngư dân ta. Nhưng chúng tôi không sợ. Sửa xong tàu, tôi và các bạn thuyền sẽ lại tiếp tục ra khơi. Biển cả là nồi cơm, chén gạo của mình, bỏ sao được” - ông nói.

Muốn có một đội tàu hùng mạnh

“Ngày trước khai thác đánh bắt hải sản ở các vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa là chuyện dễ dàng. Nhưng giờ cứ hễ thấy tàu cá Việt Nam ra là các tàu hải giám, hải cảnh TQ ngăn cản, tấn công. Ngư dân ta phải trang bị lại tàu thuyền, tổ chức đánh bắt theo tổ, đội để bảo vệ lẫn nhau mới mong vượt qua giai đoạn khó khăn này” - ông Hay tâm sự. Hiện gia đình ông có bốn người làm nghề biển với năm chiếc tàu công suất lớn, chuyên đánh bắt xa bờ, riêng ông sở hữu hai chiếc lớn. Ông Hay cho biết thêm nếu có sự hỗ trợ của Nhà nước, ông sẽ vay mượn thêm để đóng tàu sắt vươn khơi.

“Dù đóng thêm tàu sắt thì tôi vẫn giữ nguyên đội tàu gỗ. Tôi dự định sẽ xây dựng một đội tàu hùng mạnh gồm một tàu sắt cỡ lớn và hai, ba tàu gỗ kèm theo dạng mô hình “tàu mẹ - tàu con”. Khi vươn ra các ngư trường lớn, mô hình trên sẽ đảm bảo hậu cần cũng như các dịch vụ bảo quản thủy sản khác” - ông phân tích.

Trước nhiều ý kiến cho rằng tàu vỏ sắt sẽ tiêu tốn nhiên liệu lớn, ông Hay cho biết các loại tàu gỗ hiện nay chỉ phù hợp với lối khai thác nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế không lớn. Về lâu dài, tàu vỏ sắt sẽ mang lại cho ngư dân Việt nhiều lợi ích hơn, vừa đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển.

TẤN TÀI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm