Su-57 đến Syria: Nga đang ‘thử lửa’ át chủ bài

Theo tờ Kommersant, đã có đến bốn chiếc máy bay tàng hình Su-57 được Nga điều động đến chiến trường Syria, đóng tại căn cứ không quân Khmeimim ở vùng Latikia. Những thông tin về mẫu máy bay chiến đấu “thế hệ thứ năm” của Nga xuất hiện tại Syria đã xuất hiện liên tiếp trên truyền thông Nga và quốc tế, song đến nay chính phủ Nga vẫn giữ im lặng và không có bình luận chính thức nào.

Vì sao đưa Su-57 tới Syria?

Dẫn các nguồn tin không chính thức trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga, tờ Kommersant cho biết bốn chiến đấu cơ tối tân sẽ không tham gia vào các nhiệm vụ mang tính chiến đấu, không giao chiến với đối phương và cũng không nhằm củng cố thêm sức mạnh không quân Nga tại chiến trường Syria. Thay vào đó, những chiếc Su-57 sẽ kiểm tra hệ thống radar và chức năng điện tử trên chiến trường.

Thông tin trên khá tương đồng với những nhận định của ông Vasily Kashin, nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu châu Âu và quốc tế (CCEIS) ở Moscow. Theo đó, dường như Nga đang muốn thử nghiệm Su-57 trong điều kiện chiến tranh thực tế và thông qua đó đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện thiết kế của Su-57. Cách thức này cho phép Nga thu thập tối đa kinh nghiệm tác chiến và dữ liệu hoạt động của Su-57. Theo ông Kashin, việc thử nghiệm Su-57 tại Syria sẽ giúp ngành công nghiệp quốc phòng Nga điều chỉnh hiệu quả tiến độ sản xuất hàng loạt trong tương lai. Sau tám năm kể từ chuyến bay thử đầu tiên, Su-57 đã cơ bản được phát triển hoàn thiện, giờ là lúc “thử lửa” thực sự. Có thể Su-57 sẽ không phải phóng quả tên lửa không đối không nào bởi chắc chắn sẽ luôn có lực lượng hộ tống hùng hậu bay cùng. Trước đó, báo chí Nga cũng từng thông tin rằng phải đến năm 2025 Nga mới bắt đầu cho sản xuất hàng loạt Su-57.

Nguồn tin của tờ The Kommersant cũng tiết lộ quyết định triển khai Su-57 sang Syria đã được đưa ra từ tháng 7-2017, trong thời gian diễn ra triển lãm hàng không MAKS ở Zhukovsky vùng ngoại ô Moscow. Một mục tiêu khác khi Nga triển khai khí tài tối tân đến Syria là nhằm quảng bá năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng nước này, thông qua các hoạt động quân sự của Nga ở chiến trường Syria, tờ Kommersant cho biết. Phó Chủ tịch Hội đồng quan hệ đối ngoại Nga, ông Yevgeny Buzhinsky, đánh giá rằng việc đưa Su-57 đến Syria sẽ mang ý nghĩa như một màn ra mắt ngắn cho thị trường quốc phòng thế giới. Trả lời tờ Kommersant, ông Ruslan Pukhov, lãnh đạo Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Nga, việc áp dụng Su-57 thành công trên chiến trường Syria có thể tạo động lực lớn cho toàn bộ dự án máy bay thế hệ thứ năm của Nga. Hồi tháng 8-2017, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov cũng từng thông báo Nga đã thử nghiệm hơn 600 vũ khí, khí tài trên chiến trường Syria. Một con số vô cùng ấn tượng đối với các đối tác tiềm năng của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Tập đoàn Sukhoi công bố hình ảnh chiến đấu cơ thế hệ thứ năm Su-57 trong một lần bay thử nghiệm. Giờ đây Su-57 đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm thứ nhất, dự kiến biên chế chính thức vào năm 2019. Ảnh: SPUTNIK

Ảnh chụp của vệ tinh Eros B cho thấy các chiến đấu cơ Su-57 của Nga đã được điều động tới sân bay quân sự Khmeimim của Nga ở Syria. Ảnh: IS

Thách thức chiến đấu cơ Mỹ?

Su-57, từng được biết đến với tên gọi PAK-FA T-50, được trang bị những hệ thống điện tử dành cho máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Nga. Máy bay này còn được trang bị hệ thống APAR (radar mảng pha quét điện tử chủ động đa năng) có khả năng hoạt động trên không. Công nghệ này cho phép Su-57 có thể tiêu diệt hiệu quả mọi mục tiêu không-thủy-bộ, trang tin Sputnik cho biết. Mẫu máy bay này còn được trang bị hệ thống giữ thăng bằng trục ngang và trục dọc, cho phép máy bay tối ưu hóa khả năng xoay chuyển trên không. Máy bay được thiết kế để trang bị tên lửa nhiên liệu mạnh, đủ sức khai hỏa từ bên ngoài tầm quan sát của các chiến đấu cơ và hệ thống phòng không thông thường. Các loại tên lửa khác như không đối đất, không đối không, bom định hướng đều có thể được vũ trang trên Su-57, theo kênh truyền hình Press TV.

Dự án Sukhoi T-50 đã được Nga đeo đuổi từ năm 2001, song đến nay vẫn chưa chấm dứt giai đoạn phát triển và thử nghiệm. Theo tờ Kommersant, chuyến bay thử đầu tiên của T-50 được thực hiện vào năm 2010. Đến tháng 8-2017, Bộ Quốc phòng Nga chính thức đổi tên gọi của dự án máy bay thế hệ thứ năm thành Su-57. Liên tiếp trong giai đoạn cuối năm 2017, Su-57 được thử nghiệm ráo riết và trang bị thêm mẫu động cơ thế hệ mới. Tập đoàn quốc phòng Sukhoi cũng xác nhận mẫu chiến đấu cơ đa nhiệm này đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm thứ nhất, bước sang giai đoạn 2 với tiến độ hoàn tất dự kiến vào năm 2019. Tờ Kommersant tiết lộ Bộ Quốc phòng Nga đã ký với Tập đoàn Sukhoi hợp đồng mua trọn một đội hình 12 chiếc Su-57. Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov từng thông báo có đến 10 mẫu Su-57 đang được tiến hành thử nghiệm và ít nhất hai chiếc được lên kế hoạch cho quân đội sử dụng trong năm 2018.

Ông Dmitry Drozdenko, chuyên gia về quốc phòng Nga, nhấn mạnh Su-57 là một bước đột phá lớn khi đưa Nga tiến gần đến vị thế quốc gia thứ hai trên thế giới sản xuất hàng loạt máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. “F-22 là đối thủ duy nhất có thể đương đầu với Su-57 nhưng máy bay Nga có thiết kế mới hơn và công nghệ vượt trội hơn” - ông cho biết. Còn theo trang Sputnik, dòng chiến đấu cơ này sẽ được trang bị một “hệ thần kinh” điện tử để ưu việt hóa an toàn bay. Trong khi đó, ông Doug Barrie, chuyên viên phân tích không quân của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), từng đánh giá dòng máy bay tàng hình mới của Nga có sức mạnh lớn hơn mẫu F-22 của Mỹ nhưng vẫn chưa bắt kịp các công nghệ được đầu tư cho dòng F-35 mà Lockheed Martin đang phát triển. Trả lời tờ Air Force Times năm 2016, ông cho rằng dù Su-57 có độ linh hoạt tối tân của chiến đấu cơ thế hệ tương lai nhưng chưa chắc tiên tiến được như các nền tảng công nghệ của Mỹ.

Sự hiện diện của không quân Nga tại Syria gây ra nhiều quan ngại đối với lực lượng quân sự Mỹ ở khu vực, không chỉ về rủi ro va chạm mà còn về bí mật quân sự. Đầu năm 2018, trả lời họp báo ở Washington, Phó Tham mưu trưởng không quân Mỹ Veralinn Jamieson, chuyên trách về hoạt động tình báo, trinh sát và do thám, đã cảnh báo không quân Nga đang theo dõi sát sao cách thức Mỹ sử dụng các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư và thứ năm trên vùng trời Syria. “Bầu trời của Syria không khác gì một rương châu báu cho người Nga, giúp họ nhìn thấy rõ cách thức chúng ta hoạt động. Các đối thủ đang quan sát chúng ta và họ đang học được rất nhiều từ chúng ta” - bà Jamieson nhấn mạnh. Với hệ thống radar và các công nghệ trinh sát tiên tiến, không loại trừ khả năng Su-57 sẽ là một sự tăng cường “tai mắt” cho tình báo không quân Nga để quan sát các công nghệ và chiến thuật của không quân Mỹ.

Người phát ngôn của Lầu Năm Góc Eric Pahon ngày 23-2 nhấn mạnh: “Chúng tôi không nghĩ rằng việc bổ sung những máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm đến Syria sẽ đe dọa các hoạt động của liên quân chống khủng bố ở đây”. Ông cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan tại vùng chiến sự Syria giữ cam kết tiêu diệt khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), giảm xung đột và nỗ lực giải quyết các tranh chấp tại Syria, bảo vệ tính mạng của dân thường vô tội.

Trong khi đó theo tờ Jerusalem Post dẫn các nguồn tin quân sự cho biết mặc dù Mỹ khẳng định Su-57 không thể gây ra mối đe dọa nào cho lực lượng của họ nhưng vẫn chưa tìm ra tại sao mẫu máy bay này lại có thể vượt qua được mạng lưới radar tối tân để bất ngờ xuất hiện ở Syria.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm