Sứ giả hòa bình sắc bén của ông Kim Jong-un

Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) ngày 8-3 dẫn nguồn tin ngoại giao Hàn Quốc giấu tên cho biết lãnh đạo Kim Jong-un được cho là sẽ cử cô em gái Kim Yo-jong sang Mỹ trong nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Washington và Bình Nhưỡng. Đây có thể là một trong những thông tin “đặc biệt đột phá” và “bất thường” mà đặc phái viên Hàn Quốc Chung Eui-yong sẽ chuyển cho Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R. McMaster ở Washington trong tuần này.

Sẽ có thông điệp đột phá?

“Nhà lãnh đạo Kim Jong-un có một thông điệp đặc biệt, không được công khai gửi trực tiếp cho chính phủ của Tổng thống Trump thông qua giới chức Hàn Quốc. Đây là điều cực kỳ bất thường. Tôi không biết liệu Mỹ có tiết lộ thông điệp này với công chúng hay không” - tờ SCMP dẫn lời một nguồn tin giấu tên tại Hàn Quốc cho biết.

Ông Chung Eui-yong, lãnh đạo Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc, là người dẫn đầu phái đoàn cấp cao Hàn Quốc đến Triều Tiên hôm 5-3 vừa qua để thực hiện sứ mệnh ngoại giao đưa Washington và Bình Nhưỡng nhích lại gần hơn tới bàn đàm phán về vấn đề hạt nhân và tên lửa. Do đó, ông Chung sẽ là người chuyển tải “những điều kiện đưa ra từ phía Triều Tiên để bắt đầu đối thoại song phương với phía Mỹ”, theo nguồn tin của SCMP. “Ông Kim Jong-un đã cử em gái tới Hàn Quốc, có lẽ ông ấy cũng có ý định cử cô tới Washington, D.C. Cô ấy là “vũ khí” mạnh mẽ nhất của Triều Tiên bây giờ” - nguồn tin này nhận định.

Trước đó, hãng tin Yonhap có thông báo rằng hai đặc phái viên Hàn Quốc là Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia Chung Eui-yong và Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Suh Hoon sẽ khởi hành sang Mỹ vào ngày 8-3 (giờ địa phương) để cung cấp thông tin kết quả chuyến thăm Triều Tiên hồi đầu tuần. Họ sẽ lưu lại Mỹ ba ngày và gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R. McMaster, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo. Tuy nhiên, chưa rõ liệu cả hai đặc phái viên Hàn Quốc có gặp mặt Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến đi này hay không.

Bà Kim Jo-yong (trái) đang trở thành sứ giả mang thông điệp đối thoại hòa bình của Bình Nhưỡng. Ảnh: AFP

“Sứ giả” của Bình Nhưỡng

Bà Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đã trở thành gương mặt được các nhà quan sát tình hình bán đảo Triều Tiên chú ý nhiều nhất khi cùng phái đoàn cấp cao của Bình Nhưỡng sang dự lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang, Hàn Quốc hôm 9-2 vừa qua. Với gương mặt luôn mỉm cười, Kim Yo-jong thể hiện như một người dễ gần và gây được nhiều thiện cảm với người Hàn Quốc. Báo chí nước này thậm chí gọi bà là Ivanka Trump của Triều Tiên.

Bà Kim được đánh giá là đã thắng thế trước phái viên của ông Trump tại Thế vận hội Mùa đông là Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong việc xây dựng hình ảnh ngoại giao, theo The New York Times. Trong khi ông Pence đến Hàn Quốc với một thông điệp cũ rằng Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường “các biện pháp trừng phạt tối đa” cho đến khi Triều Tiên xóa bỏ kho vũ khí hạt nhân, bà Kim mang đến thông điệp về hòa giải. Bà thu hút sự chú ý tại bất cứ nơi nào bà xuất hiện: Tại lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông, trận đấu của đội tuyển khúc côn cầu hợp nhất Hàn-Triều và tại màn biểu diễn ở Seoul của đoàn nghệ sĩ Triều Tiên. Các nhà bình luận còn phân tích kiểu tóc, trang phục, cách trang điểm và cả chữ viết tay của bà.

Bà Kim Jo-yong là thành viên đầu tiên trong gia đình nhà lãnh đạo Kim Jong-un có chuyến công du chính thức sang Hàn Quốc sau cuộc chiến tranh bán đảo Triều Tiên. Sự hiện diện của em gái ông Kim Jong-un ở Pyeongchang đã đặt nền tảng cho chuyến thăm Bình Nhưỡng của phái đoàn chính phủ Hàn Quốc sau khi thế vận hội kết thúc. Các nhà phân tích chính trị quốc tế đã ví von sứ mệnh ngoại giao của bà Kim Yo-jong là một “cuộc tấn công quyến rũ”, hàm ý chính quyền Bình Nhưỡng muốn sử dụng sự thân thiện và cởi mở của bà Kim nhằm bày tỏ thiện chí ngoại giao của mình là chân thành. Sứ mệnh ngoại giao của bà đã gặt hái được thành công lớn. Trong chuyến thăm Hàn Quốc lần đó, người phụ nữ 31 tuổi này đã giúp anh trai chuyển đến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lời mời sang thăm Bình Nhưỡng.

Ông Kim Jong-un (phải) cũng có màn ra mắt ngoại giao cấp cao đầy ấn tượng. Ảnh: KCNA

Kết quả là giờ đây, sau chuyến viếng thăm cấp cao của phái đoàn Seoul đến Bình Nhưỡng, hai bên đã thống nhất xúc tiến các nỗ lực ngoại giao tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh tại khu vực biên giới. Ông Chung Eui-yong và các đối tác tại Bình Nhưỡng đã thống nhất được một lộ trình sáu điểm để tiếp tục đối thoại. Ông Kim Jong-un cũng tuyên bố sẵn sàng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên một khi các đe dọa quân sự nhằm vào đất nước của ông được chấm dứt, an toàn của chính quyền Bình Nhưỡng được đảm bảo. Vòng đàm phán thứ ba giữa Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ được tổ chức tại khu vực an ninh chung thuộc khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên. Lộ trình đối thoại cũng bao gồm khả năng Bình Nhưỡng đàm phán trực tiếp với Washington. Chính phủ Triều Tiên cũng cam kết nước này sẽ không nối lại chiến lược khiêu khích quân sự, cụ thể như thử hạt nhân hay phóng tên lửa trong lúc đang diễn ra đối thoại.

Màn ra mắt ngoại giao ấn tượng

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa qua cũng có màn ra mắt ngoại giao quốc tế đầy ấn tượng, tờ The New York Times nhận xét. Cách thức ông Kim tiếp đón trọng thị đoàn đặc phái viên của Hàn Quốc đặc biệt gây bất ngờ vì ông chưa từng chính thức xuất ngoại công du. Hơn nữa, ông mới chỉ tiếp các quan chức từ các nước thân thuộc như Trung Quốc, Cuba, Syria và… vận động viên bóng rổ người Mỹ Dennis Rodman.

Tờ The New York Times cho rằng việc các quan chức Hàn Quốc lần đầu tiên được ông Kim Jong-un và phu nhân Ri Sol-ju mời vào trụ sở đảng Lao động Triều Tiên là một cú sốc lớn. Sau khi kết thúc bữa tiệc đêm trò chuyện và ăn uống vui vẻ, ông Kim Jong-un đã tiễn các vị khách ra đến tận cửa với nụ cười rạng rỡ. Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kim Sung-han đánh giá màn ra mắt ngoại giao của ông Kim Jong-un là một trường hợp đặc biệt. Còn cựu Thống đốc bang New Mexico (Mỹ) Bill Richardson cho rằng đúng là các nhà quan sát đã đánh giá quá thấp ông Kim Jong-un suốt thời gian qua. “Ông ấy dường như đang “lột xác” thành một nhà tư tưởng chiến lược, hoạch định chính sách thay vì chỉ biết đe dọa ném bom. Ông ấy đang kiến tạo chương trình nghị sự cho mọi biện pháp hướng đến tháo gỡ căng thẳng trên bán đảo. Đó là thực tế đã diễn ra” - ông Bill Richardson nói.

Tổng thống Trump đến nay đã chính thức tuyên bố tin tưởng Triều Tiên chân thành trong việc sẵn sàng đối thoại giải trừ hạt nhân với Mỹ, khác hẳn với những hoài nghi và đe dọa quân sự trong suốt hơn một năm qua. Còn về phía Hàn Quốc, ngay cả bản thân Tổng thống Moon Jae-in cũng bất ngờ đến mức… chột dạ, thận trọng trước khởi đầu ngoài sức tưởng tượng này.

Lạc quan về cơ hội đàm phán

Chuyên gia John Park làm việc tại Trường Quản lý nhà nước Kennedy thuộc ĐH Harvard (Mỹ) đã làm sáng tỏ hơn về các thông điệp mà ông Chung chuyển tới Washington. “Có vài điều được thảo luận bí mật giữa ông Chung Eui-yong và ông Kim Jong-un khi ở Bình Nhưỡng mà chỉ để cho Mỹ nghe. Điều đó đã tạo ra nhiều đồn đoán về những gì có thể xảy ra. Đó là điều chúng ta đang chờ đợi, liệu nó có là cơ sở đủ để phía Mỹ tiến tới đàm phán” - ông Park nói tại một sự kiện ở New York.

Còn chuyên gia Stephen Noerper, Giám đốc Hiệp hội Triều Tiên, lại nhận xét thông điệp mà Triều Tiên chuyển tới Mỹ thông qua “người đưa tin” Chung Eui-yong và Suh Hoon có thể gồm cả điều kiện Bình Nhưỡng sẽ đóng băng hoặc tạm ngưng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, đổi lại Mỹ-Hàn Quốc sẽ phải ngưng hoặc giảm bớt các cuộc tập trận quân sự chung. “Việc Mỹ và Hàn Quốc quyết định dừng tập trận chung trong thời gian diễn ra thế vận hội là một tín hiệu tốt, ít nhất là cho thấy mức độ linh hoạt chính sách” - ông Noerper nói.

Tổng thống Trump và Lầu Năm Góc hồi tháng 1 đồng ý hoãn tập trận chung với Hàn Quốc trong thời gian diễn ra Thế vận hội Pyeongchang nhằm hạ nhiệt căng thẳng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm