NHỮNG GIA TỘC QUYỀN LỰC CỦA ĐÔNG NAM Á - BÀI 3

Sóng gió hậu duệ gia đình Lý Quang Diệu

Cố lãnh đạo Singapore Lý Quang Diệu, người có công đưa đất nước này “lên thế giới thứ nhất”, luôn đề cao các giá trị gia đình.

Những người con tài ba

 “Gia đình đệ nhất” Thủ tướng Lý Quang Diệu có ba người con: Ông Lý Hiển Long (sinh năm 1952), bà Lý Vỹ Linh (sinh năm 1955) và ông Lý Hiển Dương (sinh năm 1957). Người con cả Lý Hiển Long có thể được gọi là niềm tự hào lớn nhất của ông Lý Quang Diệu và bà Kha Ngọc Chi. Trong một cuộc phỏng vấn được xuất bản vào năm 2011, ông Lý Quang Diệu còn hóm hỉnh nói rằng người con trai cả “chính là sự kết hợp tốt nhất những ADN” của vợ chồng ông, theo tờ The Australian.

Ông Lý Hiển Long tốt nghiệp ĐH Cambridge, là nhà toán học giỏi nhất khóa, sau đó trở về Singapore đảm đương nhiều chức vụ cấp bộ trong các ngành tài chính và thương mại. Đến năm 2004, ông quyết định bước tiếp con đường chính trị của cha mình và được bầu làm thủ tướng Singapore. Người con trai út Lý Hiển Dương cũng thành công không kém anh chị của mình. Ông hiện đang giữ chức chủ tịch Cục Hàng không dân dụng từ năm 2009 và từng lãnh đạo Tập đoàn viễn thông SingTel (1995-2007). 

Bà Lý Vỹ Linh thì chọn một con đường “đột biến” hơn nhiều so với hai anh em mình, không phải chính khách lẫy lừng hay doanh nhân thành đạt. Bất chấp những cái nhìn soi mói, dè bỉu về vẻ ngoài và phong cách ăn mặc nam tính của mình, bà Lý Vỹ Linh vẫn đạt được những thành công đáng ngưỡng mộ. Bà tốt nghiệp thủ khoa ngành y tại Singapore và sau đó trở thành giám đốc Viện Khoa học thần kinh quốc gia. Đến nay cô con gái rượu của cố thủ tướng Singapore vẫn sống độc thân tại căn nhà ấu thơ số 38 Oxley, theo Straits Times.

Ông Lý Quang Diệu thời trẻ, cùng vợ và ba người con trong một kỳ nghỉ ở vùng núi Malaysia. Ảnh: STRAITS TIMES

Hé lộ thế hệ thứ ba

Phải đến sau khi cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu qua đời vào tháng 3-2015, bức màn bí mật về thế hệ thứ ba trong gia tộc nổi tiếng nhất Singapore mới dần được hé lộ. Thu hút sự quan tâm nhiều nhất của dư luận Singapore chính là Lý Hồng Nghị, con trai thứ hai của gia đình Thủ tướng Lý Hiển Long và Lý Thằng Vũ, con trai đầu của ông Lý Hiển Dương. Trong tang lễ của ông Lý Quang Diệu vào năm 2015, những bài điếu văn của hai “ngôi sao” thế hệ thứ ba nhà họ Lý đã trở thành hiện tượng trên Internet. Bài phát biểu của Hồng Nghị về kỷ vật của ông nội tặng thời điểm đó có 118.623 lượt xem và bài điếu về tầm ảnh hưởng của người ông đối với bản thân của Thằng Vũ là 80.320 lượt. Các chia sẻ của Thủ tướng Lý Hiển Long và ông Lý Hiển Dương cùng thời điểm lần lượt thu hút 34.906 và 22.310 lượt.

Lý Hồng Nghị là con của ông Lý Hiển Long với người vợ sau là bà Hà Tinh. Hồng Nghị hiện làm việc tại Cơ quan phát triển Infocomm của Singapore. Theo thông tin trên trang mạng LinkedIn, Hồng Nghị bắt đầu làm việc tại đây cách đây ba năm. Anh từng được học bổng của Ủy ban Công chức Singapore và theo học kinh tế tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ). Trong thời gian sống tại Mỹ, Lý Hồng Nghị từng có hai năm làm việc tại Tập đoàn Google với chức danh giám đốc phát triển sản phẩm.

Cũng 28 tuổi như Lý Hồng Nghị, Lý Thằng Vũ hiện là nghiên cứu sinh về kinh tế tại ĐH Stanford (Mỹ). Tờ Straits Times cho hay Lý Thằng Vũ đạt nhiều thành tích cao trong học tập và từng tốt nghiệp với thứ hạng cao tại ĐH Oxford (Anh). Con trai đầu lòng của Lý Hiển Dương còn được biết đến với tài ăn nói lưu loát khi từng đoạt giải người hùng biện xuất sắc nhất tại cuộc thi Vô địch tranh luận của các trường ĐH thế giới tại Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2010 sau khi đánh bại 800 đối thủ từ nhiều trường ĐH hàng đầu thế giới, theo trang tin Asia One. Nhiều người Singapore cũng thừa nhận con trai cả của ông Lý Hiển Dương có tố chất làm chính khách, có thể đảm nhận tốt trọng trách lãnh đạo đảo quốc này.

Lý Hồng Nghị (trái) và Lý Thằng Vũ đọc điếu văn tại lễ tang ông Lý Quang Diệu. Ảnh: MOTHERSHIP.SG

Sóng gió căn nhà tuổi thơ

Dù có không ít những thành viên tài năng, “gia đình đệ nhất” của Singapore cũng không phải là hoàn hảo. Kể từ sau sự ra đi của ông Lý Quang Diệu, những lục đục giữa ba người con của ông đã trở nên ngày một căng thẳng. Hai người em Lý Hiển Dương và Lý Vỹ Linh tố anh cả của gia đình đang muốn sử dụng hình ảnh người cha để củng cố vị thế chính trị, cùng với đó là các cáo buộc gia đình trị. Đầu tháng 6 vừa qua, những căng thẳng tiếp theo của “gia đình đệ nhất” tiếp tục dậy sóng xoay quanh căn nhà của gia đình, tại số 36 Oxley. Cả em gái Lý Vỹ Linh và em trai Lý Hiển Dương đều cáo buộc anh mình lạm dụng quyền lực ngăn họ thực hiện di chúc của cha. Di chúc của ông Lý Quang Diệu do ông Lý Hiển Dương công bố ngày 15-6 cho thấy vị cố thủ tướng này muốn phá bỏ ngôi nhà cũ ở gần khu phố mua sắm sầm uất Orchard của Singapore. Về phần mình, Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng các em mình đã làm lớn chuyện gia đình bằng các cáo buộc vô căn cứ. Bà Lý Vỹ Linh và ông Lý Hiển Dương nói họ mất niềm tin vào anh mình, không còn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Thủ tướng Lý Hiển Long, lo sợ ông sẽ dùng quyền lực nhà nước chống lại họ khi họ có bất đồng với ông. Ông Lý Hiển Dương cho biết ông và vợ sẽ rời khỏi Singapore vì cảm thấy bị theo dõi và đe dọa.

Ông Lý Hiển Dương chưa rời nước thì con trai ông đã lên tiếng gây thêm chia rẽ gia đình. Chàng trai Lý Thằng Vũ ngày 23-7 đã quyết định bỏ sang Mỹ, nói vì lo sợ sẽ bị bắt với lý do coi thường tòa án: “Tại Singapore, một người có thể bị bắt giữ và thẩm vấn mà không cần luật sư. Các bạn tôi đã cảnh báo rằng họ lo cho sự an toàn của tôi nếu tôi còn ở lại Singapore”. Hai ngày trước đó, văn phòng Bộ trưởng Tư pháp Singapore gửi anh Vũ một bức thư yêu cầu anh xin lỗi và gỡ bỏ một nội dung anh đưa lên trang Facebook rằng “chính phủ Singapore rất thích kiện tụng và có một hệ thống tòa án dễ nhào nặn”. Cố vấn quốc gia cấp cao Francis Ng nói nội dung này là “một sự tấn công vô căn cứ và quá đáng” vào hệ thống chính trị Singapore. Ngày 4-8, Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp đưa vụ việc anh Vũ coi thường tòa án lên Tòa Tối cao Singapore.

Việc cậu con trai cưng của ông Lý Hiển Long có quyết định kế nghiệp cha mình hay không giờ đây cũng bất định. Mặc dù Thủ tướng Lý Hiển Long từng nói rằng con cái ông không quan tâm tới chính trị, song sau khi ông Lý Quang Diệu qua đời, đã có một số ý kiến kêu gọi thế hệ thứ ba của gia đình tiếp bước cha ông. Họ đặt kỳ vọng vào Lý Hồng Nghị vì cho rằng anh có đủ phẩm chất để trở thành lãnh đạo Singapore trong tương lai. Cũng như ông Lý Hiển Long, Hồng Nghị từng là quân nhân, được đào tạo tại những trường ĐH danh giá trên thế giới.

“Truyền thống” nội tướng kỳ tài

Vợ của ông Lý Quang Diệu, bà Kha Ngọc Chi, còn được mô tả là một người vợ, người mẹ rất tận tụy trong gia đình, là chỗ dựa vững chắc cho ông Lý Quang Diệu trong những thời điểm thách thức nhất và biết cách chăm sóc, dạy dỗ con cái một cách khoa học và chu đáo. Bà Lý Vỹ Linh từng kể chính mẹ là người giữ gìn kỷ cương trong gia đình, đôi khi bằng cả roi vọt. Ba anh em bà Lý Vỹ Linh không được rủ rê bạn bè đến dự tiệc sinh nhật và cũng chỉ được nhận quà là sách chứ không phải đồ chơi hay truyện tranh.

Con trai cả nhà họ Lý, ông Lý Hiển Long, cũng từng dùng những lời khen “có cánh” cho người vợ tài giỏi của mình, bà Hà Tinh. “Không phải cô ấy cưới tôi rồi trở thành giám đốc điều hành Tập đoàn Temasek Holdings. Đúng hơn là tôi cưới cô ấy vì nhận thấy cô ấy tài năng đến mức chắc chắn sẽ trở thành một CEO” - Thủ tướng Singapore trả lời phỏng vấn trên chương trình Chicago Tonight, kênh truyền hình WTTW Channel 11 vào năm 2015.

_______________________

Kỳ cuối: Những vị vua canh giữ hòa bình Thái Lan

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm