Sóc Bom Bo: Ngày ấy - bây giờ

Bên bếp lửa bập bùng, bên tiếng chày giã gạo, bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của cố nhạc sĩ Xuân Hồng đã từng làm xao xuyến lòng bao người.


Ông Nguyễn Quang Toản, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước cho biết, sóc Bom Bo được hình thành từ những năm chống Mỹ, nơi đây tập trung phần lớn đồng bào Stiêng. Trong kháng chiến chống Mỹ, Bình Phước là căn cứ địa cách mạng, Tà Thiết là căn cứ của Quân ủy Miền – Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam, Lộc Ninh là thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Những chiến thắng góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng đất nước có chiến thắng Đồng Xoài năm 1965, được toàn quân, toàn dân trong cả nước biết đến địa danh sóc Bom Bo - một hậu phương vững chắc của cách mạng, người dân Stiêng nơi đây sẵn sàng ăn củ rừng để nhường gạo cho cách mạng, ăn tro để nhường muối cho bộ đội.

Tập quán của sóc là giã gạo ăn hằng ngày và là công việc của phụ nữ. Trong thời điểm đó cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ta đang bước vào thời kỳ cam go, quyết liệt, tập trung các nguồn lực cho chiến dịch Đồng Xoài - Đường 14, bộ đội đang thiếu thốn, khó khăn về mọi mặt. Với tinh thần yêu nước, một lòng theo Đảng, theo cách mạng, đồng bào Stiêng sóc Bom Bo đã đưa ra khẩu hiệu “Toàn sóc Bom Bo giã gạo nuôi quân”, không phân biệt trẻ, già, trai, gái đồng lòng đồng sức tập trung giã gạo phục vụ bộ đội, phục vụ kháng chiến.

Đồng bào dân tộc S'tiêng quây quần uống rượu cần bên ánh lửa bập bùng.
Đồng bào dân tộc S'tiêng quây quần uống rượu cần bên ánh lửa bập bùng.

Trong không gian lãng mạn mang màu sắc huyền thoại của ánh đuốc lồ ô bập bùng và tiếng chày cụp cum, âm hưởng của tiếng chày giã gạo cùng những rung động, khơi nguồn cảm xúc cho tiết tấu, nhạc điệu, nhạc sĩ Xuân Hồng đã sáng tác ca khúc khắc sâu trong tâm trí của tất cả người con đất Việt “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”. Từ đó đến nay, địa danh sóc Bom Bo là dấu son chói sáng đi vào lịch sử cách mạng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, ghi dấu ấn trong lòng người dân cả nước.

Oai hùng trong chiến tranh giải phóng dân tộc, còn nay chiến tranh đã lùi xa, quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn giúp bộ mặt nông thôn Bom Bo thay da đổi thịt, tỉ lệ hộ nghèo đói nay còn rất ít. Đời sống đồng bào bây giờ khá ổn định với điều, cao su, cà phê và chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt không còn phá rừng, diệt thú hoang dã. Nổi bật nhất ở Bom Bo bây giờ được nhắc đến là trẻ em được cắp sách đến trường đúng độ tuổi. Đáng chú ý các chiến sĩ du kích trước đây như Điểu Lên giờ đã gần 80 tuổi và đã thành các già làng nơi đây.

Và mặc dù hoàn cảnh kinh tế-xã hội đã thay đổi nhiều nhưng người dân Bom Bo vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống riêng của đồng bào mình. Đến với sóc Bom Bo hôm nay du khách sẽ có dịp hồi tưởng lại những năm tháng đầy sôi động mà đồng bào Stiêng nơi đây đã hướng về cách mạng – âm thanh rộn ràng của tiếng chày giã gạo, tiếng cồng chiêng vang lên trong ánh lửa hồng, được tự tay nướng thịt “heo đồng bào” (giống heo của người đồng bào Stiêng, nuôi thả rông, không chuồng trại) hay những chú cá còn quẫy đuôi trên than hồng rực lửa hoặc nữa là ủ chín các ống cơm lam được người Stiêng nấu bằng ống lồ ô rồi quây quần bên nhau cùng thưởng thức rượu cần dưới ánh trăng sáng lung linh giữa mênh mông rừng xanh mới thật là thú vị. Và nghe già làng kể chuyện, xem các sơn nữ giã gạo, biểu diễn vũ điệu của người Stiêng… chắc sẽ đem lại những giây phút khó quên cho chuyến đi về miền sơn cước của các bạn. Có lẽ khi du khách đứng trên mảnh đất này sẽ cảm nhận lối sống hôm qua và chiến tranh đã từng đi qua đây.

Ông Nguyễn Quang Toản cho biết thêm, UBND tỉnh Bình Phước đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu bảo tồn văn hóa dân tộc Stiêng sóc Bom Bo với tổng diện tích trên 113ha. Địa điểm xây dựng tại thôn Bom Bo với tổng kinh phí 289,2 tỷ đồng và được chia thành các dự án thành phần gồm: Hệ thống hạ tầng đường giao thông, hồ chứa nước và hệ thống cấp nước; Bảo tồn văn hóa truyền thống sok Bom Bo thuộc Khu bảo tồn văn hoá dân tộc Stiêng; Hạ tầng khu bảo tồn văn hóa dân tộc Stiêng sok Bom Bo thuộc khu bảo tồn văn hoá dân tộc Stiêng; Hệ thống điện; Khu tái định cư; Bồi thường giải phóng mặt bằng; Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng...

Khu bảo tồn văn hóa dân tộc Stiêng sóc Bom Bo hoàn thành (dự kiến cuối năm 2014) sẽ góp phần tạo thêm một trung tâm cảnh quan xanh cho khu vực, tạo nên trung tâm sinh hoạt văn hoá cho cộng đồng dân cư, các dân tộc anh em trong tỉnh. Nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân và xã hội. Góp phần vào sự phát triển dịch vụ, du lịch, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của toàn tỉnh Bình Phước. Và nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, giới thiệu tín ngưỡng, tập tục, đời sống văn hóa, nghề truyền thống của người Stiêng trên toàn tỉnh nói chung, người Stiêng sóc Bom Bo nói riêng.

“Sau khi Khu bảo tồn văn hóa dân tộc Stiêng sóc Bom Bo với các mục tiêu trên được triển khai xây dựng với các dự án thành phần cơ bản hoàn thiện bước đầu, Sở sẽ tiến hành các bước lập hồ sơ trình các cấp xem xét xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Việc khôi phục, xây dựng và xếp hạng sóc Bom Bo trở thành điểm di tích lịch sử văn hoá Quốc gia là một việc làm có ý nghĩa không chỉ đối với bà con dân tộc Stiêng mà còn là niềm tự hào của nhân dân tỉnh Bình Phước. Vì vậy, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang khẩn trương tiến hành triển khai các dự án thành phần trong “Khu bảo tồn  văn hóa dân tộc Stiêng Bom Bo” để sớm đi vào hoạt động và phục vụ trong thời gian tới” – ông Toản nói.

Theo Đức Trí (CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm