Siêu ủy ban Trung Quốc giám sát 200 triệu người

Ngày hôm nay (20-3), Quốc hội (QH) của Trung Quốc (TQ) sẽ tổ chức bỏ phiếu thông qua dự thảo Luật Giám sát quốc gia. Dự luật này đã được Ủy ban Thường vụ QH TQ đệ trình từ tháng 11-2017 tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của “siêu cơ quan” chống tham nhũng mới thành lập: Ủy ban Giám sát quốc gia (NSC).

Quy về một mối

Phát biểu trước Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật trung ương (CCDI) ngày 12-1, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã khẳng định mục tiêp hàng đầu của đảng Cộng sản TQ (CPC) là giành được “chiến thắng toàn diện trong cuộc chiến chống tham nhũng”. Đối với ông Tập Cận Bình và CPC, việc thành lập một “siêu cơ quan” như NSC chính là giải pháp mà giới lãnh đạo TQ tìm kiếm. Lãnh đạo đầu tiên trong lịch sử “siêu cơ quan” này cũng đã được QH TQ bầu ra vào ngày 18-3 là ông Dương Hiểu Độ, Phó Chủ nhiệm CCDI và nguyên là bộ trưởng Bộ Giám sát.

Phát biểu bên lề kỳ họp QH vào đầu tháng 3-2018, ông Dương từng trấn an truyền thông trong và ngoài nước rằng NSC sẽ không phải là một cơ quan siêu quyền lực. Thế nhưng những thông tin về ủy ban cao cấp này lại cho thấy một điều ngược lại. Theo như kế hoạch được đặt ra, NSC sẽ tích hợp với CCDI, sử dụng luôn con người và cơ sở của ủy ban trực thuộc CPC. Đồng thời các cơ quan chuyên trách công tác chống tham nhũng của VKS, tòa án và nhiều cơ quan trực thuộc các bộ, ban, ngành các cấp sẽ được giải thể và quy về một mối là NSC. Ngay cả Bộ Giám sát, được thành lập từ năm 1954, cũng được giải thể và sáp nhập vào NSC. Đề án cải tổ này nhằm chấm dứt tình trạng các cơ quan chống tham nhũng giẫm chân lẫn nhau, đồng thời giải bài toán “lưỡng nan về pháp lý” mà chiến dịch chống tham nhũng gặp phải kể từ khi được ông Tập phát động vào năm 2012.

Với sự thành lập của NSC, quy mô cuộc chiến chống tham nhũng được mở rộng chưa từng có. Đối tượng chịu điều tra tham nhũng không dừng lại ở các đảng viên CPC mà còn toàn bộ các cá nhân làm việc trong lĩnh vực công, từ công ty quốc doanh đến cả giáo viên và y, bác sĩ. Theo đó, số lượng người trong phạm vi giám sát của NSC có thể lên đến hơn 200 triệu người, theo ước đoán của Nikkei Asian Review.

Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình bước sang giai đoạn mới với việc thành lập NSC. Ảnh: GETTY

Các đại biểu QH TQ chờ bỏ phiếu về đề xuất chỉnh sửa hiến pháp nước này. Ảnh: BLOOMBERG

Cơ quan giám sát tối cao

QH TQ trong kỳ họp lần này cũng đã chấp thuận đề án chỉnh sửa hiến pháp, theo đó bổ sung nội dung mô tả NSC là một cơ quan nhà nước. Tờ Nikkei Asian Review cho rằng tác giả của ý tưởng này có thể là ông Vương Kỳ Sơn, cựu Chủ nhiệm CCDI và là kiến trúc sư trưởng của chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”. Với điều chỉnh đó, vị thế của NSC trong hệ thống chính trị TQ trở thành một điều đặc biệt đáng chú ý. Cơ quan này đặt dưới sự giám sát trực tiếp của QH TQ chứ không phải Quốc vụ viện. NSC như vậy về lý thuyết được đặt ngang hàng với Quốc vụ viện (nội các TQ), VKSND Tối cao và TAND Tối cao.

Nhưng theo bình luận của tờ South China Morning Post (SCMP), NSC thực tế sẽ có vị thế gần như đứng trên VKS và tòa án do tính chất độc lập trong hoạt động điều tra của mình. Ông Dương Hiểu Độ từng khẳng định các quyết định tạm giữ nghi phạm tham nhũng để điều tra có thể sẽ có sự tham vấn xin ý kiến cơ quan tố tụng là VKS. Tuy nhiên, với mô hình tạm giữ điều tra mới của NSC là “lưu trí” (thay thế mô hình bắt giữ bí mật “song quy” của CCDI nhiều thập niên qua), cơ quan giám sát cấp cao này có quyền bắt tạm giữ nghi phạm trong vòng từ ba đến sáu tháng, không cần sự chấp thuận của cơ quan tư pháp và từ chối quyền tiếp cận luật sư của nghi phạm.

Điều 125 trong Hiến pháp TQ vừa được sửa đổi đã nhấn mạnh rằng NSC là “cơ quan giám sát tối cao” của cả nước. Còn theo Điều 126 cũng của hiến pháp sửa đổi, các ủy ban giám sát địa phương sẽ chịu sự quản lý của duy nhất NSC và các ủy ban giám sát cấp cao hơn. Trước cách mô tả này, tờ The New York Times nhận định rằng NSC đã trở thành một “nhánh quyền lực thứ tư” trong hệ thống chính trị TQ, bên cạnh ba nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp.

Ra đời hàng loạt “siêu cơ quan”

NSC không phải là “siêu cơ quan” duy nhất ra đời trong đợt đại cải tổ chính phủ lần này của ông Tập Cận Bình. Trình bày trước QH TQ hôm 13-3, Ủy viên Quốc vụ viện Vương Dũng đã trình bày kế hoạch thành lập hàng loạt bộ và cơ quan quốc gia mới với quyền hành lớn hơn trong nhiều lĩnh vực, theo Tân Hoa xã. Cụ thể, theo tổng hợp và phân loại của chuyên trang bình luận quốc tế The Diplomat, có tổng cộng bảy bộ mới và bốn cơ quan ngang bộ được thành lập. Nếu đề án cải tổ được QH TQ thông qua vào hôm nay (20-3), đây sẽ là đợt cải tổ chính phủ quy mô lớn lần thứ tám của nước này kể từ những cải cách vào năm 1982, dưới thời nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.

Tờ The New York Times nhìn nhận đợt đại cải tổ lần này nhắm đến giải quyết ba thách thức lớn nhất đối với vị thế lãnh đạo đất nước của CPC gồm: Tham nhũng, ô nhiễm môi trường và các rủi ro trong quản lý tài chính. Có đến hai cơ quan cấp bộ được đề xuất thành lập để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường của TQ là Bộ Tài nguyên thiên nhiên và Bộ Môi trường sinh thái. Tờ The New York Times nhận xét: Không chỉ tập hợp và kết nối những nhiệm vụ từng bị phân tán ở nhiều cơ quan, các bộ mới còn được trao cho quyền lực để hoàn thành tôn chỉ có tầm quan trọng chính trị hàng đầu.

Còn trong lĩnh vực tài chính, hai cơ quan lớn là Ủy ban Quản lý ngân hàng và Ủy ban Quản lý bảo hiểm sẽ được sáp nhập thành một “siêu cơ quan” là Ủy ban Quản lý ngân hàng và bảo hiểm (CBIRC). Tờ The New York Times nhận định thành lập CBIRC là ông Tập Cận Bình đã tiến một nửa đoạn đường đến mục tiêu thành lập một cơ quan giám sát và quản lý đơn nhất cho thị trường tài chính quốc gia. Hiện chỉ còn một cơ quan tài chính chưa được sáp nhập vào “siêu cơ quan” nói trên là Ủy ban Quản lý chứng khoán TQ (CSRC). Một số ý kiến cho rằng việc “chừa” CRSC khỏi đề án sáp nhập có thể tạo lỗ hổng để những tổ chức tài chính đẩy các cơ quan quản lý vào tình thế giẫm chân lẫn nhau. Tuy nhiên, theo ông Larry Hu, chuyên gia kinh tế ở Công ty Chứng khoán Macquaire, việc chính phủ TQ nắm kiểm soát Tập đoàn Bảo hiểm Anbang năm 2018 cho thấy ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh là đưa mảng bảo hiểm trở lại nề nếp, chấm dứt cảnh lao vào các vụ đầu tư mạo hiểm. Mặt khác, thị trường chứng khoán TQ đã ổn định hơn trong thời gian qua do những quỹ đầu tư được sự chống lưng của chính phủ tăng cường sức ảnh hưởng, đồng thời các cổ đông tư nhân nặng ký cũng bị giám sát chặt chẽ hơn.

Học tập mô hình của Hong Kong?

Theo tờ SCMP, truyền thông nhà nước tại TQ thời gian qua đánh giá NSC sẽ là một cơ quan “thống nhất và hiệu quả” trong cuộc chiến chống tham nhũng tại nước này. Một số còn so sánh NSC với mô hình chống tham nhũng nổi tiếng của Hong Kong là Ủy ban Độc lập chống tham nhũng (ICAC), nổi tiếng duy trì một bộ máy quản lý trong sạch cho đặc khu này trong hơn bốn thập niên qua.

Tuy nhiên, cựu điều tra viên Lam Cheuk-ting của ICAC, nay là nghị sĩ đảng Dân chủ tại nghị viện Hong Kong, lại cho rằng khó có thể đặt NSC và nhiệm sở cũ của ông vào cùng một cán cân so sánh. “Thành công của ICAC trong những thập niên qua không phụ thuộc vào duy nhất cơ quan này mà còn nhờ có sự độc lập về tư pháp và nền tự do báo chí để giám sát và giữ cân bằng” - ông Lam cho biết. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm