Sau 41 năm, Cần Giờ về TP.HCM vẫn còn xa

Đường Rừng Sác bây giờ được xây dựng từ năm 1982, hoàn thành vào ngày 30-4-1985. Khi đó nó như một “luồng sáng” chiếu rọi lên dải đất đen màu, sình lầy và đầy những cây cỏ trơ gốc, trốc cành - dấu tích của cuộc chiến tranh 20 năm mới đi qua chưa đầy chục năm.

Năm 1990, tôi về Cần Giờ trên đường liên xã, sau gọi là đường Nhà Bè - Duyên Hải và nay là đường Rừng Sác. Khi đó con đường chiến lược dài 36,5 km này được đắp bằng đất bùn sình lấy từ hai bên lên thành nền hạ, trên mặt trải sỏi đỏ, rộng 4-5 m. Ấn tượng nhất trong tôi lúc đó là con đường dài chạy uốn lượn giữa rừng tràm, đước, bần, mắm... đang hồi sinh.

Đến đồn biên phòng ở Long Hòa, các chiến sĩ đọc cho nghe câu: “Chưa đi, chưa biết Cần Giờ. Đi rồi, rờ tóc... ơ… hờ... biết ngay”. Chúng tôi lấy tay rờ lên tóc, lên mặt thì thấy đỏ quạch màu đỏ của bụi đường.

Đất nghèo giữ lá phổi xanh

Về Cần Giờ trên đường Rừng Sác tháng 4 này không còn thấy bụi đỏ bay mù mịt như xưa mà thay vào đó là những vệt bụi đường trắng màu đá dăm bay cuộn lên theo sau những lần xe qua.

Từ những năm đầu 2000 và sau đó, TP.HCM cho mở rộng đường này ra 30 m với ba làn xe mỗi chiều và dải phân cách ở giữa. Con đường rộng, đẹp, uốn lượn giữa những vạt rừng tràm, đước, bần, mắm… xanh mướt và đã cao vút. Tuy vậy, mặt đường thì vẫn lởm chởm sỏi, đá dăm do chưa hoàn thiện nền hạ và lớp mặt.

Kế đến, giai đoạn 2004-2010, TP.HCM đầu tư hơn 230 tỉ đồng xây dựng bảy chiếc cầu mới thay thế số cầu cũ, gồm cầu Rạch Lá, An Nghĩa, cầu Nông Trường Quận 5, Rạch Đôn, Lôi Giang, Long Giang Xây và Hà Thanh. Các cầu này rộng trung bình trên 9,5 m, thay thế các cầu rộng chừng 6-8 m được xây từ hồi mở đường năm 1982-1985. Bảy cầu mới trên tuyến đã xây xong nhưng ở đầu tuyến, cây cầu Bình Khánh nhằm rút ngắn thời gian, lộ trình từ Cần Giờ về trung tâm TP.HCM vẫn chưa thấy đâu. Đây được coi là chiếc cầu chiến lược. Có người còn nói Cần Giờ sẽ mãi cách trở TP.HCM và nghèo nếu không có cầu Bình Khánh!

Năm 2014, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành được xây dựng. Tuyến cao tốc này đi qua Cần Giờ tại khu vực mũi Bình Khánh bằng cầu Bình Khánh rồi sông Soài Rạp, sông Lòng Tàu... Nhưng đường cao tốc này không hạ xuống, kết nối với đường Rừng Sác bằng nguồn vốn vay nước ngoài trong khi ngân sách TP.HCM chưa bố trí được vốn để làm.

Năm 2015-2016, TP.HCM nhận được đề nghị từ một số doanh nghiệp rằng họ sẽ chi tiền thảm nhựa suốt 36,5 km đường Rừng Sác và làm vòng xoay nút giao, mở đường nối cao tốc và đường Rừng Sác. Đổi lại, TP.HCM cắt một phần đất rừng để họ làm resort, sân golf, bãi tắm nhân tạo…

Nếu quyết, Cần Giờ sẽ hết cách trở và có nhiều cơ hội phát triển, giàu lên. Tuy nhiên, TP.HCM không đồng ý. Kể lại với tôi về câu chuyện trên, một người từng đi trồng rừng khắp Cần Giờ, rồi làm đường Rừng Sác nói: “Đất Cần Giờ dẫu nghèo nhưng quyết giữ lá phổi xanh cho TP.HCM. Vòng xoay, nút hạ nay chưa làm thì sau làm”.

Trải đá đường Rừng Sác (lúc đó là đường Duyên Hải - Nhà Bè) những năm 1990. Ảnh: LĐ

Mở rộng đường Rừng Sác lên sáu làn xe vào những năm 2000. Ảnh: LĐ

Những học sinh Trường Tiểu học Bình Thạnh háo hức trước chiếc xe thư viện di động và khao khát rút ngắn đường về TP.HCM. Ảnh: LĐ

Chuyến xe buýt trợ giá kéo gần ước mong

Một ngày gần cuối tháng 4-2016, tôi đến Trường Tiểu học Bình Thạnh và tình cờ gặp lúc chiếc xe thư viện di động đến phục vụ. Thấy xe đến, hàng chục em học sinh háo hức vây quanh những chiếc kệ sách từ thùng xe hạ xuống và lấy những cuốn sách đọc ngấu nghiến. Nhiều em khác thì chăm chú nhìn chiếc tivi 32 inch gắn trên thành xe.

Một lát sau, cô giáo hỏi vọng: “Hôm nay các em đọc sách có hay không?”. Tiếng các bé đồng thanh: “Hay, hay lắm cô!”. Cô giáo: “Thế các em có thấy cái gì hay, lạ nữa không nào?”. Tiếng nhiều trò: “Cái tivi. Nó to lắm cô, coi đã luôn!”. “Thế các em có biết cái xe sách đó ở đâu đến không?”. Có tiếng vang lên: “Từ TP xuống đó cô!” và có tiếng khác hỏi lại: “TP ở đâu cô?”. Tiếng đứa khác chen vào trả lời cho bạn: “Ở bên kia phà Bình Khánh đó!”.

Ngôi trường tiểu học này cách bến phà Bình Khánh chưa tới 3 km nhưng với nhiều đứa trẻ ở Cần Giờ thì bến phà và TP rất lạ lẫm. Phải chăng với Cần Giờ, TP vẫn còn xa?

Ngày 24-4, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đến xã Tam Thôn Hiệp dự khai trương mở lại tuyến xe buýt Ngã ba Bà Xán đi An Thới Đông và tuyến Tân Điền - An Nghĩa. Ông Tư Méo, nhà ở gần trụ sở xã Tam Thôn Hiệp, kể ông Bí thư TP xuống ngó kỹ bản đồ xe buýt rồi lên xe, vẫy tay qua cửa sổ như gọi mời dân cùng đi xe buýt.

Ông Cao Hồng Ngọt, người dân xã Tam Thôn Hiệp, bảo người dân vui lắm vì đi xe buýt dài 18-25 km chỉ tốn 5.000 và 6.000 đồng. “Đó là ước mong lớn mà người dân huyện nghèo Cần Giờ này mong đợi lâu nay” - ông Ngọt nói.

Ông Tư Méo kể nguyên hai tuyến xe buýt ấy đã chạy từ năm 2011 nhưng không trợ giá. Dân thì nghèo, đi xe giá thì mắc (12.000-15.000 đồng/lượt) nên được một thời gian họ e ngại đi xe buýt và trở lại đi bằng xe máy hoặc ghe xuồng như trước. Còn nhà xe vắng khách, hoạt động không hiệu quả đành trả tuyến, bán xe làm chuyện khác.

Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, kể đến năm 2016 ở huyện mới chỉ có khoảng 100 km đường trục và đường nhánh. Ba tuyến xe buýt mới chỉ chạy trên hai tuyến trục chính. Còn từ xã này đến xã kia hoặc đến thị trấn về trung tâm huyện và ngược lại thì chưa có xe buýt đi thẳng. “Nay thêm hai tuyến xe buýt có trợ giá là dân và huyện vui, phấn khởi lắm” - ông Dũng nói.

Những ngày này, nhiều người dân huyện Cần Giờ vẫn chưa thôi bàn tán về hai tuyến xe buýt có trợ giá mới mở. Trong các cuộc vui, những người đàn ông nâng ly mừng con em mình từ nay lên trường cấp III ở mũi Bình Khánh không còn phải đội nắng mưa, gió bập bùng. Họ còn trông chờ sau này có cầu hạ từ cao tốc xuống đường Rừng Sác sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho con em họ vào thẳng trung tâm TP.HCM học cho bằng anh bằng em.

Đường đẹp mang tên anh hùng Rừng Sác

Qua khỏi phà Bình Khánh, đi trên đường Rừng Sác chừng hơn 2 km rẽ phải có con đường nhỏ dẫn vào ấp Bình Thạnh của xã Bình Khánh. Ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Cần Giờ, nói đường này trước trải đất đỏ, lại hẹp nên khó đi. Năm rồi, huyện mở rộng mặt đường lên gần gấp đôi, trải đá nhựa và xây mới cầu Khánh Vân trên đường.

Bây giờ đường này là một trong những đường nông thôn đẹp ở Cần Giờ, được gắn tấm bảng tên đường Hà Quang Vóc mới toanh. Hà Quang Vóc là một trong những anh hùng đặc công Rừng Sác, từng tham gia phá kho xăng Nhà Bè nổi tiếng hồi cuối năm 1973.

Ông Huy nói Cần Giờ có bảng danh sách dài những anh hùng đặc công và tên người dân anh hùng trước 1975. Theo chương trình phát triển đường nông thôn đang thực hiện ở Cần Giờ, những con đường nào đẹp, đúng chuẩn thì huyện sẽ lấy tên các anh hùng này đặt tên đường để tri ân, nhắc lớp sau nhớ về lịch sử vùng đất Cần Giờ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm