SAR 412 - cứu tinh của ngư dân ở Hoàng Sa

Nhiều năm nay, ngư dân miền Trung vẫn luôn xem tàu SAR 412 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 - Danang MRCC như người hùng trên vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa vì đã có hàng ngàn chuyến băng sóng, vượt bão cứu hộ, cứu nạn. Con tàu mang hai màu sơn trắng - cam đã mang lại sự sống, niềm hy vọng cho những ngư dân quanh năm bám biển.

Thuyền viên tàu SAR 412 cứu nạn giữa biển Hoàng Sa.

Vị cứu tinh của người đi biển

Những ngày giữa tháng 7, khi những cơn bão và áp thấp nhiệt đới đang xoay vần ở biển Đông thì kíp tàu SAR 412 phải trực chiến 24/24 giờ. Con tàu cứu nạn cứ dập dềnh, lắc lư sau mỗi đợt sóng. Suốt mười mấy năm qua, con tàu đã trở thành vị cứu tinh của những người đi biển không may gặp nạn. Giữa giông bão, sóng lớn, chỉ cần thấy bóng dáng của tàu SAR xuất hiện thì họ càng thêm vững chí.

Hai lần được tàu SAR cứu nạn, ông Nguyễn Văn Lên, thuyền trưởng tàu QNg 94041, chia sẻ: “Năm 2012, tàu chúng tôi đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa thì gặp sự cố, phải thả trôi. Không may gặp đợt áp thấp nhiệt đới, con tàu không điều khiển được, có nguy cơ bị sóng nhấn chìm. Tính mạng của tôi cùng 11 thuyền viên khác chỉ còn đếm từng giờ”. Giữa lúc mọi người bất lực nhìn cái chết cận kề thì tàu SAR 412 kịp thời có mặt. Vật lộn với sóng biển thêm hai giờ nữa, các thuyền viên mới xuống được xuồng cao su để lên tàu cứu nạn. Lần khác, tàu ông Lên bị ngập nước ở vùng bãi cạn Hoàng Sa. Sau hơn một ngày ngâm mình trong nước biển, tưởng phải bỏ mạng giữa biển khơi thì tàu ông được Danang MRCC điều tàu ra hỗ trợ. “Thời tiết lúc ấy rất xấu. Các tàu cá khác đều vội vã về bờ nên hy vọng được cứu nạn càng mong manh”. Bất chấp sóng to, gió lớn, tàu SAR 412 vẫn ra khơi ứng cứu.

Giới thiệu về “chiến hữu” bao năm kề vai, sát cánh, thuyền trưởng Phan Xuân Sơn cho biết mặc dù tàu được thiết kế hiện đại nhưng tầm hoạt động chỉ khoảng 250 hải lý, không đủ sức vươn đến các vùng biển xa thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Qua nhiều chuyến biển, ông cùng các thủy thủ đã sáng kiến cải tạo khoang chứa nhiên liệu, vươn tầm hoạt động lên đến 300 hải lý, bao trùm cả hai quần đảo. “Từ khi nhận tàu (năm 2005) đến nay, SAR 412 đã trải qua hàng trăm chuyến hải trình vượt sóng, vượt gió đi hỗ trợ và cứu nạn trên biển. Sức chịu đựng của tàu chỉ cỡ sóng cấp 6 - cấp 7 nhưng nhiều lần con tàu phải gồng mình chống đỡ sóng cấp 8-9 để cứu người”. Gắn bó với nghề cứu nạn, anh em luôn xem tàu là nhà. Vài ba hôm không ra biển lại thấy nhớ. Ông Sơn tâm sự công việc ở đây là vậy, nhất là đến mùa mưa bão, thủy thủ tàu luôn trong tư thế sẵn sàng xuất kích. Chỉ 15-20 phút sau khi nhận lệnh, tàu phải trực chỉ ra khơi.

Thuyền trưởng Phan Xuân Sơn kể lại cuộc chạm trán với tàu chiến Trung Quốc trên đường đi cứu nạn.

Đấu trí với tàu Trung Quốc

Trở về ký ức, vị thuyền trưởng già không nhớ rõ đã bao nhiêu lần phải đối mặt với tàu Trung Quốc trên đường đi cứu nạn. Mỗi lần chạm trán là một lần các thủy thủ phải căng mình “đấu trí, đấu gan” với những con tàu to lớn gấp nhiều lần, được trang bị súng ống, pháo hạm cỡ lớn. Nhớ lại chuyến hải trình chiều 31-5 vừa qua, vị thuyền trưởng kể: Đang lúc mọi người nghỉ ngơi thì nhận được điện báo có một ngư dân đi trên tàu QNa 90927 TS bị bệnh nặng, cần hỗ trợ khẩn cấp. Tàu này đang đánh bắt cách bờ hơn 400 hải lý ở rìa phía đông nam quần đảo Hoàng Sa.

Hơn 10 giờ đồng hồ sau khi rời cầu cảng Đà Nẵng, khi tàu ngang qua đảo Tri Tôn (quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam) thì bất ngờ xuất hiện một tàu Trung Quốc chồm tới, kẹp phía mạn trái. Trên sóng VHF, tàu Trung Quốc yêu cầu tàu cứu nạn Việt Nam phải đổi hướng, di chuyển ra xa khu vực đảo. “Chuyện tàu Trung Quốc gây hấn, đe dọa tàu cứu nạn Việt Nam diễn ra như cơm bữa. Có lần tàu họ còn dùng đèn pha công suất lớn để tấn công, ngăn cản. Cách hành xử hung hăng này là vi phạm các quy định về an toàn, an ninh hàng hải quốc tế. Trên thế giới, không có quốc gia nào lại cản trở, tấn công tàu cứu nạn cả” - ông Sơn bức xúc. Dù bị tàu Trung Quốc ghè sát nhưng thuyền trưởng Sơn vẫn kiên trì giữ nguyên tốc độ, hướng di chuyển của tàu, đồng thời trả lời qua VHF: “Đây là tàu cứu nạn Việt Nam. Chúng tôi đang làm nhiệm vụ, chúng tôi không đổi hướng, các anh không được phép cản trở chúng tôi”.

“Trên đường trở về, tàu hải quân Trung Quốc mang số hiệu 841 lại tiếp tục lao ra cản trở tàu chúng tôi. Họ rất hung hãn, bất ngờ cho tàu tăng tốc từ 4-5 hải lý/giờ lên 19-20 hải lý/giờ, lao thẳng vào tàu SAR như muốn đâm chìm. Họ không phát bất kỳ tín hiệu gì mà cứ lao tới rất gần” - ông Sơn nhớ lại. Ông kể tiếp lúc đó trên tàu Trung Quốc toàn lính có vũ trang, súng ống đầy đủ. Phía trước tàu có ụ pháo lớn, chạy gầm ghè bên cạnh đe dọa tàu cứu nạn Việt Nam. Khi hai tàu gần va nhau thì tàu hải quân Trung Quốc bất ngờ ngoặt lái, chạy song song, áp sát SAR 412. Lúc này, toàn tàu báo động, chỉ huy tàu trực chiến trên cabin, sẵn sàng điều động tàu đối phó với sự hung hãn của tàu Trung Quốc. “Anh em trên tàu vẫn bình tĩnh, mỗi người một nhiệm vụ. Trường hợp chúng tông vào thì mình cũng đã có phương án tránh né nhằm giảm thiệt hại. Tôi cho tàu tăng tốc lên 22 hải lý/giờ để vượt qua tàu chiến Trung Quốc” - ông Sơn nói. Sau mỗi lần chạm trán như thế, những người lính tàu SAR càng có thêm kinh nghiệm, trưởng thành để đối phó với những hiểm nguy trên đường cứu nạn.

Tàu chiến Trung Quốc luôn đe dọa, cản trở tàu cứu nạn. Ảnh: TT

Sát cánh cùng ngư dân

Hơn 14 năm gắn bó với những chuyến hải trình vượt sóng cứu người ở Hoàng Sa rồi xuống tận Trường Sa, thuyền phó 1 tàu SAR 412 Trần Quang Thanh hiểu rõ những “ngón nghề” của tàu chiến Trung Quốc. “Họ dùng tàu hải quân, hải cảnh, trang bị súng ống để đe dọa, trấn áp tư tưởng ngư dân và những người cứu nạn để không một tàu nào của Việt Nam dám ra vùng biển Hoàng Sa hoạt động nữa. Nhưng suốt bao nhiêu năm qua, chúng tôi vẫn đi. Ngư dân vẫn ra bám biển, giữ ngư trường” - anh Thanh tự hào.

Thời gian gần đây, các tàu Trung Quốc thường dồn tàu cứu nạn, tàu cá ngư dân ta vào những vùng biển cạn để mắc kẹt ở đó. Ngư dân buộc phải bỏ lại tàu và tài sản giữa biển khơi. Nhiều lần như vậy, ngư dân sẽ sợ không dám ra đánh bắt xa. “Nhưng dù có bị cản trở, đe dọa thì chúng tôi vẫn phải chọn con đường ngắn nhất để đi. Sinh mạng của ngư dân gặp nạn chỉ còn tính từng giờ. Song đây là vùng biển chủ quyền của Việt Nam nên không có gì phải sợ hãi” - anh Thanh khẳng định.


Cờ Tổ quốc giữa Hoàng Sa

Thuyền trưởng Phan Xuân Sơn, thuyền phó Trần Quang Thanh vẫn nhớ mãi lần cứu nạn tàu cá BĐ 95569 TS bị mắc cạn ở đảo chìm Chim Yến (thuộc quần đảo Hoàng Sa) ngày 11-2. Trước khi phải bỏ lại con tàu bị mắc cạn, thuyền trưởng tàu BĐ 95569 TS Trần Văn Quốc (quê Bình Định) vẫn kịp treo lá cờ Tổ quốc còn mới tinh lên mũi tàu để nó mãi tung bay giữa bốn bề Hoàng Sa.

Tôi “mắc nợ” tàu SAR 412

Sau khi được tàu SAR 412 đưa vào bờ cấp cứu kịp thời, ngư dân Phạm Thanh Ngọc (tàu QNa 90927 TS) bị nạn trên vùng biển Hoàng Sa hồi đầu tháng 6 vừa qua đã dần bình phục và xuất viện. “Tôi bị bệnh về tim mạch nên chỉ cần chậm trễ thêm tí nữa là không thể sống sót trở về. Giữa mênh mông biển lớn, chỉ có tàu SAR mới đủ khả năng đưa tôi về đất liền cấp cứu sớm nhất. Tôi mắc nợ và biết ơn thuyền trưởng Sơn và các thủy thủ tàu SAR 412 nhiều lắm” - ngư dân Ngọc giãi bày.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm