Ra khỏi UNCLOS: Thế giới sẽ quay lưng với Trung Quốc

Vụ Philippines kiện Trung Quốc (TQ) ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) phán quyết cuối cùng sắp được đưa ra. Trong một động thái mới nhất, theo hãng tin Kyodo, TQ lớn tiếng tuyên bố thẳng thừng với một số nhà ngoại giao của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) rằng Bắc Kinh không loại trừ khả năng rút khỏi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 nếu phán quyết của PCA “trái với nền tảng vị thế” của Bắc Kinh. Tuy nhiên, có thể đó cũng chỉ là màn kịch.

Không thể chia để trị PCA

Trong việc giải quyết tranh chấp biển Đông phải kể đến sự hiện diện của ASEAN và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Nhưng cho đến nay tất cả đều phát huy hiệu quả ở mức hạn chế, nếu không muốn nói là khó tạo ra những bước tiến lớn, trong khi quá trình định hình Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) vẫn quá ì ạch. Không dưới một lần tuyên bố chung của ASEAN về biển Đông không thành, thậm chí mới đây ASEAN đã đưa ra tuyên bố chung rồi nhanh chóng tháo bỏ mà tác nhân phía sau không ai khác chính là TQ. Trái với điều này, hành động leo thang căng thẳng của Bắc Kinh gia tăng nhanh chóng, tạo ra sự bất đối xứng giữa nhu cầu giải quyết mâu thuẫn và thực trạng gia tăng mâu thuẫn.

Giải quyết tranh chấp biển Đông bằng cách nếu chỉ thông qua vai trò của ASEAN là một chọn lựa mang tính lý tưởng nhưng lại thiếu tính thực tế, ít nhất là trong ngắn hạn, khi bên cùng ngồi vào bàn không ai khác ngoài một TQ lắm tiền nhiều của và tìm nhiều cách để phá vỡ mối liên kết của khối này. Những gì diễn ra cho thấy TQ đã không ngừng vận động hành lang, tìm cách mua chuộc, thậm chí là đe dọa để hòng chia rẽ nội khối - hình thức chia để trị vốn không lạ lẫm gì.

ASEAN có thể và nên là một diễn đàn tìm kiếm phương án giải quyết tranh chấp trong trung và dài hạn. Nhưng khi TQ không có thiện chí nào ngoài những tuyên bố “đàm phán song phương” với bản chất bất đối xứng, bất bình đẳng thì tìm đến một cơ quan trung lập và có thẩm quyền như tòa trọng tài (để bổ trợ cho ASEAN) là một giải pháp khả dĩ. Khả dĩ bởi thực tế đã có những vụ xét xử tranh chấp tương tự được hoàn tất và khả dĩ bởi thực tế tòa hoàn toàn có đủ nền tảng pháp lý mang tính quốc tế để khẳng định thẩm quyền.

Dự kiến ngày 7-7 tới đây, Tòa Trọng tài Thường trực sẽ ra phán quyết vụ Philippines kiện TQ và việc TQ nếu có rút khỏi UNCLOS cũng không tránh được các hệ quả pháp lý của phán quyết này. Ảnh: Internet

Thế giới quay lưng với TQ, nhìn về phía tòa

PCA hoàn toàn trung lập. Thẩm quyền, quy trình và nguyên tắc làm việc đều được quy định một cách cụ thể trong UNCLOS. Điều này không chỉ tạo ra giá trị pháp lý mà rộng hơn còn tạo ra hiệu ứng pháp lý, tức sự đồng thuận của đông đảo cộng đồng quốc tế. TQ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực một hay vài quốc gia để “mua phiếu” nhưng nếu mua chuộc hay bắt buộc phần đông thế giới phủ nhận vai trò và phán quyết của PCA là điều khó có khả năng.

Những công bố mới đây của TQ về số quốc gia ủng hộ nước này trong vụ kiện của Philippines lên đến vài chục nước và vùng lãnh thổ khiến nhiều người giật mình trước khi phát hiện ra TQ làm giả số liệu (thực tế chưa đến 10 nước ủng hộ TQ). Bắc Kinh cố tình “ăn không nói có” (ép uổng cả Nga) hoặc cố ý diễn giải lắt léo tuyên bố của các nước theo hướng chống đối PCA hòng khiến dư luận quốc tế hiểu rằng Bắc Kinh đang chiếm thế thượng phong. Việc xây dựng mặt trận “niềm tin ảo” có độ phủ rộng nhanh chóng bị vạch trần, lộ ra những gói tiền không phải nhỏ mà TQ dùng để mua bài trên các báo và tạp chí, thậm chí “bẻ cong” không ít ngòi bút quốc tế theo quan điểm của họ. Đó không chỉ hạ thấp uy tín của Bắc Kinh mà còn tạo hiệu ứng tích cực cho phán quyết của PCA.

Mặt khác, việc TQ đặt bút phê chuẩn UNCLOS đồng nghĩa với việc nước này chấp thuận thẩm quyền của tòa, ngay cả khi nước này vắng mặt. Tòa cũng thận trọng xem xét những điều khoản mà TQ bảo lưu, thậm chí quan điểm pháp lý của Bắc Kinh trước khi phán quyết thẩm quyền vào năm ngoái. Như vậy, dù TQ vắng mặt và kêu gào bên ngoài tòa án thì Philippines vẫn an tâm về giá trị pháp lý của phán quyết. Phán quyết được dự báo có lợi cho Philippines, mở đường cho sự tự tin, quyết đoán hơn của Philippines lẫn bên thứ ba như các nước Indonesia, Malaysia, Việt Nam..., hay thậm chí là Mỹ trên diễn đàn ngoại giao lẫn hoạt động thực địa như phát triển ngư nghiệp, tuần tra tự do hàng hải.

TQ rút khỏi UNCLOS cũng vô ích

Đường chín đoạn gồm các thực thể TQ chiếm hữu trái phép, bồi lấp, xây dựng hạ tầng và đơn phương gọi đó là đảo thích hợp cho con người sinh sống hoặc duy trì nền kinh tế độc lập. Thật không may cho TQ, tòa chỉ xem xét bản chất của các thực thể này trước khi TQ thay đổi hiện trạng. Cái mà TQ gọi là “chủ quyền lịch sử” với các vùng biển ở Trường Sa hay Hoàng Sa, về mặt pháp lý sau phán quyết của tòa, là hoàn toàn vô giá trị. Vậy nếu TQ rút khỏi UNCLOS thì sao?

Mọi chuyện e rằng cũng không tốt hơn cho Bắc Kinh. Theo Điều 317 của UNCLOS, TQ có thể rút khỏi UNCLOS bằng cách thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do và đệ trình lên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Trước khi TQ “dọa rút khỏi UNCLOS” vào giữa tháng này, đã có ý kiến cho rằng đó là một phương án thoái lui tích cực cho phía TQ, thậm chí giúp nước này không còn “đêm dài lắm mộng” với các vụ kiện tương tự từ các nước khác. Tuy nhiên, thực tế đây không phải là một quyết định khôn ngoan và hiệu quả.

Tara Davenport (nghiên cứu sinh ĐH Luật Yale) trên trang Thediplomat viện dẫn Điều 317 của UNCLOS giải thích việc từ bỏ UNCLOS sẽ không ảnh hưởng đến các quyền, nghĩa vụ hay các địa vị pháp lý của TQ bắt nguồn từ việc áp dụng công ước, trước khi công ước không còn hiệu lực đối với quốc gia đó. Nghĩa là TQ vẫn phải chịu ràng buộc bởi phán quyết tới đây của PCA trong vụ kiện của Philippines.

Evan Rees, biên tập viên Stratfor, nhận định việc rút khỏi UNCLOS chỉ có hiệu lực sau một năm kể từ ngày TQ chính thức tuyên bố, một thời gian đủ dài để các nước khác có thể tiến hành một vụ kiện tương tự chống lại Bắc Kinh. Nếu TQ muốn né tránh các vụ kiện khác, việc rút khỏi UNCLOS không phải là cách hay.

Ngoài ra, nếu rút khỏi UNCLOS, theo GS-TS James Kraska, chuyên gia chính sách và luật biển tại Trung tâm Nghiên cứu luật quốc tế Stockton - ĐH Hải chiến Mỹ, TQ không còn khả năng sử dụng UNCLOS cho một số mục đích nhất định. Ví dụ như khai thác đáy biển (được quy định trong phần XI của UNCLOS) và tài nguyên thềm lục địa (được quy định trong phần VI của UNCLOS) vốn đã làm hao tốn không ít vốn đầu tư, công nghệ của TQ suốt nhiều thập niên qua, hứa hẹn mang về nguồn lợi khổng lồ cho Bắc Kinh. Đó là chưa tính đến hậu quả TQ sẽ không còn được dùng UNCLOS để tiến hành yêu sách thềm lục địa đối với Nhật Bản trên biển Hoa Đông - đã được TQ đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa từ năm 2012. Rất có khả năng TQ “phóng lao lại kéo lao về” và tuyên bố rút khỏi UNCLOS cũng chỉ là màn kịch vốn đã bị hạ màn từ trước khi TQ lớn tiếng đe dọa các nhà ngoại giao ASEAN.

Chuyên gia luật TQ cũng chào thua

Mới đây tờ South China Morning Post đưa tin khoảng ba tháng trước TQ đã tổ chức hội thảo với sự hiện diện của nhiều chuyên gia luật quốc tế về khả năng TQ chống lại phán quyết của PCA. Tuy nhiên, “hội thảo nội bộ” này nhận được cảnh báo từ các nhà phân tích “hình ảnh và uy tín của TQ đang bị đổ vỡ trầm trọng”. Chính các học giả TQ cũng thừa nhận rằng TQ chưa thể thuyết phục cộng đồng quốc tế và nếu muốn thắng trên mặt trận pháp lý là chuyện không thể, nhất là khi TQ thẳng thừng từ chối vai trò của PCA. GS Pang Zhongying (ĐH Nhân dân TQ) và nhiều chuyên gia hoài nghi việc TQ chi tiền để lôi kéo dư luận chống PCA, gây áp lực lên Philippines vốn là nước nhỏ hơn nhiều sẽ mang lại tiêu cực hơn là tích cực cho TQ. GS Ling Bing (ĐH Sydney) cho biết việc TQ cứ lặp đi lặp lại giọng điệu chói tai gai mắt chỉ khiến thế giới càng tin vào sự thất bại đau đớn của Bắc Kinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm