Phía sau những bản án - Kỳ cuối: Niềm vui bé nhỏ

Ên là ai?

Ông Hồ Trung Hiếu (trưởng văn phòng luật sư Hồ Trung Hiếu tại TP.HCM) trước khi trở thành luật sư đã có một thời gian rất dài làm thẩm phán (Tòa án nhân dân TP.HCM và tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM). Ông còn nhớ rất nhiều những sự cố “hài hước” đã xảy ra trong khi xét xử. Đó là chuyện khác biệt về vùng miền và phương ngữ nên giữa các thẩm phán và bị cáo có sự hiểu lầm.

Phía sau những bản án - Kỳ cuối: Niềm vui bé nhỏ ảnh 1

Luật sư Hồ Trung Hiếu kể câu chuyện vui khi còn làm thẩm phán - Ảnh: Hoàng Điệp

Ông Hiếu kể có một thẩm phán người Bắc xử án trong Nam. Hồ sơ vụ án ghi rõ bị cáo đó phạm tội một mình. Vậy nhưng khi ra tòa, vị thẩm phán chủ tọa (người Bắc) hỏi: “Hôm đó bị cáo đi cùng ai?”. “Bị cáo đi mình ên ạ!”.

Vị thẩm phán giật mình quát: “Lời khai của bị cáo trong hồ sơ thể hiện bị cáo đi trộm đồ một mình. Bị cáo khai cho rõ, hôm đó bị cáo đi chung với ai?”. “Dạ, mình ên ạ!”.

“Ên là ai?” - vị thẩm phán cao giọng hỏi bị cáo.

“Lúc ấy tôi không thể nào ngăn kịp việc thẩm phán ấy hỏi, vậy nên chỉ kịp viết mẩu giấy chìa sang cho vị thẩm phán kia “mình ên = một mình” để chữa cháy. Cho đến bây giờ khi chúng tôi đều đã rời công việc thẩm phán nhưng mỗi khi có dịp gặp nhau kể lại chuyện ấy đều cười rất vui” - ông Hồ Trung Hiếu kể.

Lần khác, cũng một vị thẩm phán từ ngoài Bắc mới chuyển công tác vào Nam đi xử một vụ án lưu động tại miền Tây. Hồ sơ vụ án cho biết bị cáo này đi câu sau đó hiếp dâm, giết người.

Khi ra tòa, vị thẩm phán người Bắc hỏi: “Hôm ấy bị cáo làm gì?”. Bị cáo trả lời: “Đi nhắp!”. Vị thẩm phán nhắc lại: “Bị cáo khai cho chính xác!”. Lúc ấy ông Hiếu phải chữa cháy bằng cách ngắt lời vị thẩm phán chủ tọa mà hỏi bị cáo: “Đi nhắp là đi câu đúng không?”. Bị cáo trả lời: “Dạ phải!”.

“Giốt như me tháng 10”

Khi làm thẩm phán tại Tòa án nhân dân tối cao, ông Hồ Trung Hiếu đã nhiều lần đưa ra kiến nghị, hoặc tuyên trắng án cho những bị cáo mà trước đó đã bị tòa sơ thẩm tuyên án tử hình như trường hợp Nguyễn Minh Hùng (Tây Ninh, bị tuyên án tử hình vì buôn ma túy) hay Nguyễn Thị Út (bị tuyên án tử hình vì tội giết người và hủy hoại tài sản).

Theo ông Hiếu, khi đấu tranh để đưa ra bản án như thế, ông đã đọc hồ sơ và thấy những điều bất thường trong hồ sơ như vi phạm tố tụng hoặc các lời khai thiếu logic với nhau mà vì lý do nào đó bản án sơ thẩm đã bỏ qua.

Tuy nhiên, không chỉ minh oan cho người vô tội, trong vai trò thẩm phán ông Hiếu cũng đã tuyên mức án tử hình cho một bị cáo được cấp sơ thẩm tuyên án chung thân bởi ông đã phát hiện sự bất thường.

Bị cáo Hà Văn Ơn (Kiên Giang) phạm tội giết người và cướp của, bị hại là một em bé còn rất nhỏ. Nhưng bị cáo khai với cơ quan điều tra rằng do bị cáo trèo lên cây me hái me và ném xuống dưới nhờ em bé đó lượm giùm. Khi xuống thì em bé không trả me nên cãi vã, bị cáo tức giận giết em bé luôn cho bõ tức. Giết em bé xong, bị cáo lấy đồ trang sức trên người em rồi lấy cành cây khô chọc nát đôi mắt bé. “Đó là một vụ án giết người cướp của hết sức man rợ” - ông Hiếu kể.

Ông Hiếu nói khi xem hồ sơ, ông thấy vụ án xảy ra vào tháng 9, lúc này cây me chưa có trái chín mà mới chỉ đang có hoa thôi.

“Dân gian có câu “giốt như me tháng 10” là bởi me tháng 10 vẫn còn xanh và rất đặc ruột. Bởi vậy bị cáo khai đi hái me chín là nói dối. Tại tòa tôi đã chỉ ra điều này và bị cáo phải cúi đầu nhận tội mục đích giết em bé là để cướp đôi bông tai mà em đang mang trên người chứ không có lý do cãi vã như lời khai của bị cáo trước đó”.

“Sát nhất miêu, cứu vạn thử”

Một thẩm phán chuyên xét xử án hình sự, không muốn nêu tên đã thở dài mà rằng: “Có lẽ tôi là người tuyên án tử hình nhiều nhất Việt Nam”, bởi nơi ông làm việc là nơi có nhiều án hình sự nhất nước, và ở tòa ông làm việc, ông là người xử án tử hình nhiều nhất, với thời gian dài nhất.

Ông nói không thống kê xem mình đã tuyên mức án tử hình cho bao nhiêu bị cáo, nhưng tất cả các bản án tử hình mà ông đã tuyên chưa có bản án nào oan sai, bởi vậy khi đã lựa chọn công việc phải đối mặt với nhiều khó khăn này, ông luôn dặn mình phải thận trọng.

“Vụ nào chưa chắc chắn là tôi trả hồ sơ để điều tra thêm. Tôi có thể trăn trở sau mỗi bản án về số phận đằng sau các bị cáo hay bị hại, hay xót thương cho bối cảnh mà bị cáo đã phạm tội nhưng chưa bao giờ tôi phải suy nghĩ về việc tuyên bị cáo ấy tử hình là có oan hay không” - vị thẩm phán này nói.

Thực hiện một công việc mang lại nhiều căng thẳng và thật sự không dễ gì tìm thấy được niềm vui từ những bộ hồ sơ dày, những tình tiết thể hiện những hành vi vô nhân tính của bị cáo, những bản ảnh hiện trường hay những con số thể hiện sự gian dối, tham lam của bị cáo.

Bởi vậy ông nói: “Đó là một nghề, nếu mình không làm sẽ có người khác phải làm. Bởi vậy dù đây là công việc có đặc thù niềm vui thì ít, sự mệt mỏi thì nhiều, tôi thấy khi mình hoàn thành công việc lấy đó làm niềm vui thôi”.

Vị thẩm phán này cũng kể rằng đã có nhiều người hỏi ông có bao giờ cảm thấy có lỗi với những người mà ông đã thay mặt pháp luật tuyên bản án tử hình chưa? Bản thân ông thì cho rằng nếu không phải ông tuyên thì cũng là người khác tuyên.

Những khi rảnh rỗi hoặc căng thẳng đầu óc ông cũng có đến chùa để nói chuyện với một vị sư. Khi hỏi về công việc của mình cũng như những day dứt mà ông đang suy nghĩ, vị sư kia nói với ông “sát nhất miêu, cứu vạn thử” (giết một con mèo thì cứu được cả vạn con chuột).

“Điều vị sư ấy nói cũng an ủi tôi, nhưng thật ra không ai biết nếu con mèo ấy sống thì nó có tiếp tục giết chuột nữa hay không”. Ông đặt ra câu hỏi đó và luôn nhắc mình thận trọng trong công việc, ngay từ việc đọc hồ sơ cho đến khi tuyên một mức án tại tòa.

Trong giới thẩm phán chuyên xét xử hình sự không ít người vẫn chia sẻ về việc vào dịp cuối năm các thẩm phán vẫn mua heo quay và đồ lễ lớn để lên chùa cúng.

“Đó là cách để các thẩm phán cảm thấy được thanh thản sau mỗi năm làm việc. Và dù không mê tín, nhưng vào những ngày rằm, mồng một đầu tháng âm lịch hay tháng giêng sau tết, không thẩm phán nào tuyên án tử hình cả”. Vị thẩm phán này nói.

Còn ông Phạm Công Hùng, thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, cho biết ông có một niềm vui là đọc những lá thư cảm ơn của đương sự.

“Tôi có một góc nhỏ để thư cảm ơn của họ, trong đó có những lá thư rất xúc động, nhưng có lẽ đến khi nào nghỉ hưu tôi mới công bố những lá thư đó bởi liên quan đến những vụ án mà tôi đã xử” - ông Hùng nói.

Theo HOÀNG ĐIỆP (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm