Pháo đất, môn quyền đặc biệt của nông dân Tiên Lãng

Những tiếng đập đất liên hồi bằng những bàn tay khỏe mạnh như những nốt nhạc thanh xen lẫn những tiếng nổ vang khiến người xung quanh giật mình; những tiếng cười sảng khoái; những khuôn mặt hồi hộp khi pháo đất chuẩn bị nổ; những khuôn mặt thất vọng khi pháo hỏng; những hình dáng đứng tấn cho pháo rơi,… là tất cả những gì làm nên sự hấp dẫn của lễ hội pháo đất ở đình Cựu Đôi, thị trấn Tiên Lãng, Hải Phòng.

Những bàn tay khỏe mạnh đang vỗ đất

Lễ hội để tìm ra những người khỏe mạnh, ưu tú nhất trong huyện Tiên Lãng. Nam giới một số xã trong huyện như xã Kiến Thiết, xã Cấp Tiến, Toàn Thắng,… được rèn pháo đất từ nhỏ như chơi một môn thể thao đặc biệt. Những đứa trẻ theo bố đi chơi pháo đất ở đình làng để tập sức mạnh của bàn tay, sự khéo léo, óc tính toán. Đập pháo đất được coi như một môn quyền đặc biệt của người Tiên Lãng.

Khi đã nâng pháo lên, không được phép đặt xuống. Mỗi pháo đất nặng khoảng 20kg

Pháo được nặn từ đất sét dẻo đặc biệt. Mỗi thanh niên sẽ phải đi tìm khoảng 15 - 20kg đất sét, về cắt những miếng đất nhỏ để tìm tạp chất và loại bỏ hết tạp chất trong đó. Sau đó, đất được nhào nhuyễn với nhau thành một tấm. Nam giới sẽ đặt khối đất đó vào nơi phẳng, không có bụi và các vật nhọn. Họ sẽ dùng lực của bàn tay đập khối đất đó cho phẳng, giống như người ta tra sống dao vào thịt bò cho mềm và mịn.

Chuẩn bị cho pháo nổ

Tấm đất khoảng 15 – 20kg đó được trải vừa phải, nặn vành. Người ta gọi đó là pháo đất. Pháo đất có 2 phần: Phần vành và phần lưng. Khi người chơi bê khối pháo đất lên là không được phép hạ xuống để làm động tác nặn hoặc đập đất. Người ta chỉ thả pháo khi đã sẵn sàng cho nổ.

Nổ pháo là một kỹ thuật rất khó. Toàn bộ vành pháo phải đứt rời khỏi lưng pháo và được cõng lên lưng pháo; pháo phải nổ to, đanh. Nếu không đủ các yếu tố trên, pháo “xịt”; nếu đủ các yếu tố trên, pháo “hiến”.

Pháo nổ to, lưng cõng vành được gọi là “hiến”

Thông thường, các dòng họ trong làng, trong xã, trong huyện thi đấu với nhau trong vòng 10 hiệp. Bên nào nhiều pháo “hiến” hơn trong 1 hiệp thì thắng trong một hiệp. Nếu hai bên hòa nhau trong 10 hiệp thì sẽ phải thi đấu thêm hiệp nữa. Bên nào thắng hiệp phụ sẽ giành chiến thắng.

Những người chơi đang trong một hiệp đấu gay cấn

Anh Lê Toàn Thắng, Phó chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng nói về lễ hội pháo đất: “Rất nhiều vận động viên quốc gia môn vật xuất phát từ những làng pháo đất nổi tiếng của Tiên Lãng. Đây là trò chơi dân gian thể hiện được sức mạnh trí – lực của người dân nơi đây”.

Mỗi năm, lễ hội diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 âm lịch thì kết thúc. Người dân lại quay trở về với đồng ruộng và chơi pháo đất mỗi buổi chiều ở đình làng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm