Người Hàn ở Sài thành - Kỳ 2:

Ông Woo bán thịt nướng

Đó chính là quán Sky Barbecue ở ngã tư Phạm Văn Nghị - Cao Triều Phát của ông Woo Sang Ho, 48 tuổi, đến từ thủ đô Seoul (Hàn Quốc).

Ông Woo bán thịt nướng ảnh 1

Ông Woo Sang Ho đang thái thịt - Ảnh: Quang Định

Đạt - cô sinh viên đang làm thêm tại Sky Barbecue - chỉ tay về một người đàn ông có nước da đen nhẻm, người chắc nịch ngồi ở khu vực tính tiền và nói đó là ông chủ của cô.

80% là khách Việt

Ông Woo nở nụ cười hiền hậu chào chúng tôi và đồng ý tiếp chuyện. Tuy nhiên cuộc trò chuyện liên tục bị đứt quãng vì cách vài phút ông phải đứng dậy hướng dẫn nhân viên hay tự mình xếp bàn ghế đón khách, chào khách hàng, ghi hóa đơn tính tiền.

Lý do đến lập nghiệp tại Việt Nam, cụ thể là TP.HCM của ông Woo khá đơn giản. Ông cho biết do công việc kinh doanh nhà hàng thịt nướng ở Hàn Quốc ngày càng gặp nhiều khó khăn, nên ông dự định sang một nước Đông Nam Á để lập nghiệp như Philippines, Thái Lan hay Việt Nam.

Ông tìm đến người em trai vốn đã qua Việt Nam kinh doanh đông y từ trước để tham khảo ý kiến và được người em khuyên sang Việt Nam sống thử xem thế nào.

Khi đến Việt Nam ông nhận thấy môi trường rất thuận lợi cho kinh doanh, một phần vì có cộng đồng người Hàn khá đông đảo, không gặp trở ngại trong ngôn ngữ và một phần quan trọng nữa là ông nghe thông tin người Việt cũng rất thích ăn thịt nướng.

Chính vì thế, ông đã thuyết phục vợ cùng sang Việt Nam kinh doanh. Kể từ đó đến nay, vợ chồng ông chưa bao giờ thấy hối hận với quyết định tìm đến Việt Nam.

Quán Sky Barbecue thường rất đông vào ngày cuối tuần. Ông Woo tươi cười cho biết quán được nhiều khách ủng hộ vì bạn trẻ Việt Nam đến quán ông ăn và thấy ngon nên giới thiệu trên mạng cho bạn bè và người quen. Ông ước tính 80% lượng khách đến quán là người Việt.

Theo ông Woo, quán của ông là quán thịt nướng duy nhất ở khu Sky Garden tính tiền đồ ăn dùng kèm trong các bữa ăn của người Hàn Quốc như kim chi, canh kim chi, canh đậu tương và rau, nhưng bù lại giá thịt heo rất rẻ so với những quán ăn và nhà hàng thịt nướng khác.

Ông Woo cũng cho biết thịt heo ở Việt Nam dễ bị mất hương vị nên chủ yếu ông dùng thịt heo nhập từ Mỹ. Ông Woo nói các món ăn tại quán mà người Việt ưa thích là: thịt nướng samgyeopsal, canh kim chi chigae, cơm cuộn kimbap và bánh gạo cay tteokbukki. Ngoài ra, ông còn bán các loại rượu truyền thống Hàn Quốc kèm theo các món ăn.

Học tiếng Việt

Do ông không biết nhiều tiếng Việt nên việc hiểu lầm với khách là vấn đề không thể tránh khỏi. Sự cố gần đây ông nhớ nhất là có một lần trời mưa, khách hàng Việt đi vào bàn phía trong khu vực có mái che để ngồi mà không biết rằng khu vực bàn đó được khách Hàn Quốc đặt trước.

Ông Woo bán thịt nướng ảnh 2

Ông Woo tại quán thịt nướng của mình - Ảnh: Q.Tr.

Khi khách Hàn Quốc đến và tỏ vẻ khó chịu vì bị mất bàn đặt, ông Woo liền đến để giải quyết tìm chỗ ngồi cho họ. Lúc ông mời khách Việt chuyển sang bàn khác, khách Việt tưởng ông thiên vị người Hàn nên rất tức giận. Tuy nhiên, do bất đồng ngôn ngữ nên trong trường hợp đó ông đã không biết phải giải thích như thế nào.

Cuối cùng, ông nhờ một người Việt biết tiếng Hàn sống gần đó đến phiên dịch giúp giải thích cho khách hàng đôi bên thì hiểu lầm mới được giải tỏa.

Là chủ quán, ông hiểu rõ rằng chính mình phải có trách nhiệm xóa bỏ hiểu lầm với khách thì mới giữ chân khách được. Vì thế, đối với những sự cố hiểu lầm tương tự như trên, thay vì để khách hàng tức giận bỏ đi, ông luôn tìm cách giải quyết cho ổn thỏa như nhờ người Việt biết tiếng Hàn hay em trai của mình sinh sống gần đó đến phiên dịch giúp.

Bản thân ông rất muốn học tiếng Việt để giúp ích cho công việc kinh doanh cũng như sinh sống ở Việt Nam. Tuy nhiên, do công việc kinh doanh bận rộn, ông có rất ít thời gian học tiếng Việt. Vì thế, ông nghĩ ra một cách học tiếng Việt độc đáo, kết hợp vừa học vừa kinh doanh.

Đó là ông đầu tư cho một nhân viên mà ông tin tưởng nhất ở quán đi học tiếng Hàn, sau đó ông sẽ trao đổi với nhân viên này bằng tiếng Hàn và tiếng Việt để học tiếng Việt từ từ.

Nở - cô sinh viên quê Tiền Giang, may mắn được ông tài trợ chi phí học tiếng Hàn - cho biết cô mới hoàn thành xong khóa tiếng Hàn đầu tiên và đang chờ học khóa thứ hai. Cô nhận xét ông Woo dù nghiêm khắc trong công việc nhưng rất quan tâm và lo lắng cho nhân viên.

Ông Woo có một người con trai đang đi nghĩa vụ quân sự ở Hàn Quốc. Ông dự định sau khi con ông hoàn thành nghĩa vụ sẽ gọi con sang Việt Nam sinh sống. Điều đáng mừng là con trai ông cũng đồng ý với dự định đó của ông.

Yêu trẻ mồ côi Việt Nam

Ông Woo cho biết người Hàn Quốc thường có tinh thần tương trợ lẫn nhau. Do vậy, khi lần đầu tiên tiếp xúc với các trẻ em mồ côi chùa Long Hoa (Q.7), ông cảm thấy rất thương cảm. Ông không nhớ rõ lần đầu tiên gặp các em là năm nào, nhưng ông tâm sự rằng kể từ lần ấy tình thương đó lớn dần theo năm tháng.

“Cuộc mưu sinh tại Hàn Quốc rất khó khăn, nhưng ở Việt Nam quán tôi kinh doanh rất tốt nên tôi muốn trích một phần lãi của mình để làm từ thiện, giúp ích trẻ em Việt Nam. Tôi có miếng ăn thì các em cũng phải có” - ông bày tỏ.

Lúc làm việc cùng nhân viên, ông thường hỏi nhân viên về những cô nhi viện xung quanh khu vực đang ở, và nhờ họ giới thiệu địa điểm để trực tiếp đến giúp đỡ. Một tháng khoảng hai, ba lần ông thường mang thịt heo, bánh mì, gạo, bột giặt và bánh kẹo đến cho trẻ em tại các cô nhi viện. Trong số đó, địa chỉ ông thường đến nhiều nhất là chùa Long Hoa, Q.7.

Anh Hồ Nhật Quang, trợ lý văn phòng chùa Long Hoa, nhận ra được ông Woo là người thường đến quyên góp cho trẻ em mồ côi được nuôi ở chùa, thực phẩm ông thường quyên nhiều nhất là thịt heo. Nhưng lần nào cũng vậy, ông đều từ chối ký tên vào sổ quyên góp và lặng lẽ ra về.

Ông Woo còn chia sẻ ý định nấu ăn cho bọn trẻ, nhưng vì thức ăn phục vụ ở quán và thức ăn cho trẻ em Việt Nam khá khác biệt nên ông chưa thực hiện được ý định này. Trong thời gian sắp tới, ông hi vọng mình có thể giúp đỡ nhiều hơn cho các cô nhi viện và có thể vận động thêm các phụ nữ Hàn sống cùng khu vực của mình đến nấu ăn cho các em.

“Tôi muốn chia sẻ một chút gì đó đối với người nghèo ở Việt Nam và tôi mong muốn sẽ tiếp tục sống tại đây đến cuối đời” - ông Woo Sang Ho tâm sự.

Theo QUỲNH TRUNG (Tuổi Trẻ)

__________

Kỳ tới: “Đặc sản Việt Nam” của Jeon

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm