Ông Trump 'thắng nhờ tin vịt', Facebook điên đầu

Theo Zuckerberg, các tin tức giả mạo này chỉ “chiếm một lượng nội dung rất nhỏ” trên mạng xã hội.

Một nhân viên tại Facebook lại chia sẻ với Buzzfeed rằng: “Điều điên rồ chính là việc Zuckerberg phủ nhận chuyện này. Ông ấy và những người trong công ty đều hiểu chuyện gì đang diễn ra khi chứng kiến tin tức giả mạo xuất hiện liên tục trên mạng xã hội trong mùa tranh cử”.

Facebook có đáng trách?

Trang mạng xã hội, cung cấp thông tin cho gần hai tỉ người dùng mỗi tháng, hiện đang đứng trước vô số các chỉ trích tại Mỹ kể từ sau kỳ bầu cử tổng thống vừa qua. Nhiều người cho rằng trang mạng này đã góp phần lan tỏa những thông tin sai lệch và đánh lừa người dùng mạng xã hội, khiến những thông tin này xuất hiện nhiều đến mức “cư dân mạng” không thể phân biệt nổi tin giả và tin thật.

Theo tờ The Washington Post, thuật toán hiện nay của Facebook được xây dựng để xác định từng người dùng muốn xem những gì, dựa trên những giao tiếp, tương tác và đăng tải của họ trên trang mạng xã hội. Do đó người dùng Facebook thường chỉ được xem những gì tương thích với xu hướng đọc và niềm tin của họ, dù cho thông tin hiển thị trong News Feed (bản tin mới) trên Facebook là đúng hay sai.

Quan điểm này cũng được ông chủ Facebook Mark Zuckerberg đưa ra trong hội nghị Techonomy 2016 diễn ra vào ngày 10-11 tại California. “Cử tri đưa ra quyết định dựa trên kinh nghiệm sống của họ” - ông Zuckerberg nhận định. Hiện các nghiên cứu của Facebook chỉ ra rằng người dùng mạng xã hội nhìn chung không nhấp đọc hay tiếp cận các nội dung trái ngược với quan điểm của họ, theo tạp chí Forbes. “Trong tất cả nội dung trên Facebook, hơn 99% những gì người dùng nhìn thấy đều đảm bảo tính chân thật. Chỉ một phần rất nhỏ là tin giả và tin đồn thất thiệt. Gần như không có khả năng nào để các tin giả này thay đổi kết quả của cuộc bầu cử” - CEO của Facebook cho biết.

Lance Ulanoff, biên tập viên chủ chốt của trang báo mạng Mashable, cũng nhận định: Nếu có trách vì sao các thông tin sai lệch và bản tin thiếu trung thực lan tỏa đầy trên mạng xã hội thì chính người dùng phần nào cũng phải chịu trách nhiệm. “Chính những hoạt động của người dùng đã biến những thông tin sai lệch này trở thành dòng thông tin chính. Chính niềm tin mù quáng của họ vào sự nhảm nhí và đầy kích động của những câu chuyện sai lệch đã tạo nên uy tín cho chúng. Chính người dùng đã hóa phép cho những câu chuyện không tưởng thành những điều hoàn toàn khả thi” - ông Ulanoff cho biết.

Những thông tin sai lệch, tin vịt, tin đồn thất thiệt luôn tồn tại trong biển thông tin của xã hội từ trước đến nay. Nhưng với những thuật toán “vô tri” của mình, Facebook đã đóng vai trò là công cụ khuếch tán thông tin ngây thơ đến mức tai hại. Việc Facebook có khắc phục được lỗ hổng kiểm duyệt của mình hay không sẽ quyết định tương lai của trang mạng xã hội khổng lồ này.

Ông chủ Mark Zuckerberg cho rằng việc tin tức giả mạo lan truyền trên Facebook ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử Mỹ là “ý nghĩ điên rồ”. Ảnh: THE WASHINGTON POST

Tương lai trong mạng xã hội

Mặc dù khẳng định rằng những tin giả chỉ chiếm một phần nhỏ trên Facebook và không có khả năng tác động đến cuộc bầu cử, gã khổng lồ mạng xã hội vẫn tuyên bố sẽ tìm cách khắc chế việc lan truyền những nội dung sai lệch và không phù hợp. “Chúng tôi không muốn tin giả xuất hiện trên Facebook. Mục đích của chúng tôi là cung cấp cho mọi người những nội dung có ý nghĩa nhất đối với họ và đó phải là những thông tin chân thật. Chúng tôi đã thiết lập cơ chế cho phép cộng đồng mạng báo cáo về các thông tin sai lệch. Chúng tôi vẫn có thể làm nhiều hơn nữa để khắc phục tình trạng này” - Zuckerberg viết trên trang Facebook cá nhân của mình.

Tuy nhiên, trả lời tờ The Guardian, nhiều chuyên gia cho rằng đây chỉ là những phát biểu mang tính lịch sự của nhà sáng lập Facebook. Chuyên gia về mạng xã hội Clay Shirky nhận định: “Không có chuyện Facebook bắt đầu ngăn cản người dùng chia sẻ những gì họ muốn chia sẻ. Ý tưởng cốt lõi của trang mạng này chính là chia sẻ. Bản chất hoạt động kinh doanh của Facebook là để cho người dùng chia sẻ bất kỳ thứ gì họ quan tâm”.

Theo tạp chí Forbes, tính năng News Feed chính là con gà đẻ trứng vàng của Facebook. Sẽ rất khó để trang mạng xã hội này chấp nhận hãm đà phát triển của tính năng này bằng các biện pháp sàng lọc nghiêm khắc. Có hơn hai triệu nhà quảng cáo mua dịch vụ của Facebook mỗi tháng, trong đó đương nhiên có cả các tờ báo và trang tin. Doanh thu quảng cáo của Facebook trong quý III-2016 thu về gần 7 tỉ USD, tăng thêm đến 4,5 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2015.

Theo thông tin của Buzzfeed, Mark Zuckerberg luôn hiểu rõ về khả năng lan tỏa của tin giả trên Facebook. Một kỹ sư lâu năm trong Facebook tiết lộ với Buzzfeed: “Đáng lẽ chúng tôi có thể làm nhiều hơn nữa, sử dụng các công cụ đã được thiết lập sẵn trên Facebook để ngăn chặn các nội dung nguy hại”. Tuy nhiên, theo nhân viên này, ban lãnh đạo Facebook sợ phản ứng ngược từ người dùng, đặc biệt là từ những nhóm bảo thủ khiến cho doanh thu của họ bị suy giảm.

Có lẽ cũng chính vì thế mà nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Facebook đã tuyên bố hết sức dè dặt về cách thức kiểm duyệt tin giả của trang mạng: “Chúng tôi sẽ tiến hành công việc này một cách hết sức cẩn thận. Xác định đâu là sự thật là một công việc hết sức phức tạp. Bên cạnh những thông tin sai lệch sự thật hoàn toàn, một lượng lớn thông tin chính thống vẫn thể hiện đúng sự việc thời sự nhưng một số chi tiết bị sai lệch hoặc bị bỏ sót. Trong khi đó có một lượng rất lớn thông tin, ý kiến bị số đông bất đồng và báo cáo sai lệch mặc dù chúng là thông tin chính xác”.

“Tôi tự tin rằng sẽ có cách để cộng đồng mạng cho chúng tôi biết được nội dung nào có ý nghĩa nhất đối với họ. Nhưng chúng tôi cũng cần hết sức cẩn trọng nếu muốn tự biến hình thành những trọng tài phân xử đâu mới là sự thật” - Mark Zuckerberg cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm