CÔNG NHÂN TRONG VÒNG XOÁY TÍN DỤNG ĐEN - BÀI 3

Oằn lưng vẫn không hết nợ!

Tiền trả đều, nợ không giảm

Đầu năm 2015, vợ tôi mới ở quê vào chưa xin được việc lại bất ngờ bị đau ruột thừa mà trong nhà không có tiền. Tôi phải cầm thẻ ATM của công ty cấp cho một người chuyên cho công nhân vay tiền nóng tại chợ Thạnh Phú để vay 10 triệu đồng mổ ruột thừa cho vợ.

Dù hằng tháng bị chủ nợ trừ tiền trả góp đều đặn nhưng đến thời điểm này tôi vẫn chưa thanh toán hết nợ và lấy lại được thẻ ATM.

Công nhân NGUYỄN VĂN VÂN, làm việc ở KCN Thạnh Phú,
xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu

Mượn tiền cha mẹ ở quê để trả nợ

Lương công nhân quá thấp nên tôi với bạn gái bán thêm thực phẩm chức năng online. Do không có vốn nên người yêu của tôi đã vay tiền của một người làm chung công ty với yêu cầu chỉ cần đưa thẻ ATM của công ty cấp. Đến tháng có lương họ sẽ tự rút.

Bạn tôi vay 10 triệu đồng. Đến nay đã năm tháng trôi qua và do buôn bán ế ẩm nên chúng tôi vẫn chưa thể chuộc lại thẻ. Chủ nợ thông báo bạn tôi mới trả được tiền lãi còn số tiền 10 triệu đồng dường như vẫn chưa suy giảm. Chúng tôi đang tính toán sắp tới phải mượn tiền cha mẹ ở quê để trả nợ.

Công nhân NGUYỄN VINH ANH, làm việc tại KCN Biên Hòa 1

Tan cửa nát nhà vì vay lãi nặng

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu tiền cho con học hành nên tôi đã thế chấp nhà cho một người chuyên cho vay nặng lãi để lấy tiền làm ăn. Do lãi suất quá cao nên chỉ trong một thời gian ngắn lãi mẹ đẻ lãi con khiến tôi không trả được nợ nên bị chủ nợ siết nhà. Sau khi bị siết nhà, tôi phải xin em của mình ở căn xó bếp rộng chừng 10 m2 để làm nơi trú ngụ cho ba mẹ con. Còn chồng tôi thì cũng vì chán nản đã bỏ nhà đi tới nay không có tin tức gì.

Tôi bị mất nhà một cách trắng trợn, gia đình vì thế cũng tan nát, mất hết tất cả cũng chỉ vì vay nặng lãi. Tôi mong qua trường hợp của tôi, các công nhân hãy tránh xa tín dụng đen dù có cần tiền đến đâu kẻo tiền mất tật mang.

Công nhân NGUYỄN THỊ TUYẾT MAI (phường Long Bình Tân, Biên Hòa), làm việc cho một công ty tư nhân gần KCN Biên Hòa 2

Lương chỉ đủ đóng lãi

Chị Vũ Thị Sinh làm việc ở KCN Biên Hòa 2, do cần tiền để cho con gái đi xuất khẩu lao động nên thế chấp giấy đỏ cho một trùm cho công nhân vay nặng lãi làm tại khu công nghiệp Long Bình. Lương công nhân của chị chỉ đủ trả lãi được mấy tháng đầu. Sau đó không có tiền đóng lãi thì bị chủ nợ gọi điện thoại liên tục chửi bới thậm tệ. Sợ quá, chị phải về quê vay tiền của người thân vào trả mới yên thân. Chị Sinh nói chủ nợ đối xử với chị như vậy còn nhẹ vì chị có giấy đỏ thế chấp. Còn những công nhân không có tài sản để thế chấp, khi không có tiền đóng lãi thì chủ nợ sai giang hồ đến tận phòng trọ đe dọa và khủng bố tinh thần.

Chị Sinh kể có một người bạn của chị cắm thẻ ATM để vay tiền chữa bệnh cho chồng. Hiện giờ tiền lương hằng tháng của người này chỉ đủ đóng tiền lãi cho chủ nợ. Do vậy sau giờ làm ở công ty, người này phải ra vòng xoay cổng 11 chạy xe ôm kiếm tiền sống qua ngày.

Công nhân VŨ THỊ SINH, làm việc ở KCN Biên Hòa 2

Giá có quỹ cho công nhân vay ưu đãi

Mặc dù bị ban giám đốc công ty cấm song việc cho công nhân cho vay nặng lãi vẫn lén lút diễn ra ngay trong công ty bởi lương thấp, tháng nào tiêu hết tháng đó nên nhiều công nhân khi bất ngờ gặp chuyện cần một số tiền lớn như ốm đau, bệnh tật, đóng học phí cho con… đành phải vay tiền nóng. Tuy nhiên, do lãi suất quá cao nên sau đó nhiều người rơi vào cảnh túng quẫn. Giá như công đoàn công ty hoặc một tổ chức xã hội nào đó có quỹ để cho công nhân vay ưu đãi giải quyết những sự cố bất ngờ trong cuộc sống thì tốt quá.

Công nhân NGUYỄN THỊ MINH, làm việc tại KCN Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu

Có thể có việc đưa lãi suất thấp “dụ” khách hàng

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, vợ chồng công nhân P. (Khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM) được nhân viên của Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam T. tín dụng tư vấn cho vay lãi suất 1,6%-1,9%. Nhưng thực tế khi ký hợp đồng mức lãi suất lại là 3,75%/tháng. Vợ chồng chị P. không tiếp tục vay thì bị “phạt” 4 triệu đồng, gồm tiền lãi trong khoảng 10 ngày và chi phí bảo hiểm tiền vay.

Ngày 11-8, bà Nguyễn Hoàng Phương, chuyên viên quan hệ công chúng cao cấp của Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam T., nói: “Sở dĩ có việc này vì thời điểm nhân viên tư vấn (cho chị P.) thì công ty có chương trình khuyến mãi, áp dụng lãi suất 1,6%-1,9%/tháng. Tuy nhiên, khi chị P. ký hợp đồng vay thì hết thời gian khuyến mãi và trở lại lãi suất 3,75%/tháng. Chị P. đã vay tín chấp để mua xe máy. Mức lãi suất mà công ty áp dụng (3,75%/tháng) là mức thấp nhất khi công ty cho vay tín chấp”.

Nói về mức lãi suất ghi trên namecard, tờ rơi quảng cáo (chỉ 0,9%-1,3%/tháng), bà Phương cho rằng đó là chuyện của các nhân viên, công ty không kiểm soát được. Ngoài ra có thể có việc nhân viên đưa ra mức lãi suất thấp để thuyết phục khách hàng nhưng công ty không có bằng chứng nên không xử lý được.

Cũng theo bà Phương, hợp đồng này đã được bà P. ký tên, xác nhận thì coi như đã đồng ý với các điều khoản trong hợp đồng. Trong hợp đồng vay có đề cập đến việc mua bảo hiểm cho số tiền vay, việc mua bảo hiểm là tự nguyện. Trường hợp này, bà P. đồng ý mua bảo hiểm nên công ty đã mua giúp và thu tiền bảo hiểm. PV tiếp tục thắc mắc rằng chị P. đã không được tư vấn về việc mua bảo hiểm cho khoản vay thì bà Phương đề nghị PV gửi câu hỏi và sẽ trả lời bằng văn bản.

___________________________________

Kỳ sau: Chân dung các “trùm” tín dụng đen

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm