Ở phía nào mẹ cũng đớn đau

Đại tá Ngô Thanh Hải và ông Đỗ Minh Long gặp lại sau hơn 40 năm kể từ lần đối đầu trận Thượng Đức. Ảnh: T.H

    Cuộc chiến ngưng, tiếng súng đã lặng 40 năm rồi, nhưng để quên nó, quên những mất mát, đau thương, hận thù… với những người lính không phải là điều dễ dàng. Đại tá Ngô Thanh Hải - nguyên trinh sát bảo vệ an ninh Quảng Đà (trước 1975), nguyên cán bộCông an TP.Đà Nẵng - kể, ở tuổi 66 ông không dám xem phim đánh nhau, bởi thấy phim là có cảm giác như mình là nhân vật trong cuộc. 40 năm, thời gian đủ để mọi người có thể không nói về chuyện bắn giết trong chiến tranh, nhưng ngay những việc làm tốt, những hành xử nhân đạo mà họ từng trải qua, giờ cũng không dám thổ lộ. Và đại tá Hải cũng vậy, ông giấu chặt trong lòng những nghĩ suy phải đạo, những hành động cứu người “trái” quy định...

    Người mẹ “vô danh”

    Đại tá Hải từ giã mẹ già, “nhảy núi” theo cách mạng, sớm thành một điệp viên dày dạn, thông suốt các mặt trận trên chiến trường Quảng Đà. Tuy vậy, ông cũng từng bị chết hụt trong một trận phục kích. Ông kể, sau đợt công tác phục vụ chiến dịch Đông Xuân 1970, cánh trinh sát Quảng Đà được lệnh rời vùng đóng quân của địch, về lại căn cứ Hòn Tàu trong đêm. Đoàn cán bộ hôm ấy có 30 người, có cả điệp viên, binh vận lẫn cán bộ phụ nữ… Và họ đã bị biệt kích Mỹ đóng trên đồi Nống Đế phát hiện, tấn công. Mười hai đồng đội của ông hy sinh, số còn lại gần như đều bị thương.

    Riêng ông Hải, khi tỉnh dậy mới biết mình dính đạn ở cả 2 chân, nằm bất tỉnh trong hang Đèo Đá Mái, khu Xuyên Trường, Duy Sơn. Trong hang còn có Hội trưởng Phụ nữ huyện Đại Lộc - chị Mạc Thị Thu Huyền. Chị Huyền bị gãy xương bả vai trái, mất nhiều máu, ngất xỉu… Thời điểm đó, lính Mỹ ở đồn trên càn xuống, lính Nam Hàn án ngữ đồn dưới, truy quét lên, nên khi tỉnh dậy, cả hai người nghĩ chờ chết hoặc sẽ bị bắt. Ngày hôm sau, khi mặt trời đã quá rặng cây, ông Hải chợt hốt hoảng khi thấy một bóng người xuất hiện ngay cửa hang. Rồi ông thở phào khi biết đấy chỉ là một người phụ nữ đang khom người nhặt củi, cây thánh giá đung đưa, tín hiệu yên bình. Ông cầu cứu: “Chào mẹ. Con là quân giải phóng đánh nhau với quân Mỹ đã bị thương…”. Người đàn bà cũng giật mình hoảng sợ, hai tay nắm chặt cây thánh giá. Nhưng rồi bà vào hang, đặt hai tay trên đầu ông Hải, giọng nức nở: “Trời ơi chiến tranh. Con trai tôi cũng chừng tuổi cậu, nó bị bắt đi lính Việt Nam Cộng hòa, đang ở chiến trường Quảng Trị, không biết sống chết thế nào”.

    Người mẹ này lặng lẽ lấy nắm cơm trưa của mình, nhường cho 2 người Việt cộng. Rồi liên tiếp cả tuần sau đấy, ngày nào người mẹ ở Duy Sơn ấy cũng âm thầm gói cơm nắm, giấu thuốc Pénicilin, thuốc bổ để tiếp cứu cho hai người. Khi thấy sức khỏe đã ổn, ông Hải quyết định vượt vòng vây của địch về hậu cứ, tìm người giải cứu cho chị Huyền. Ông đã may mắn thoát được, nhưng chị Huyền thì bị Mỹ bắt ngay ngày hôm sau…

    Hai tiếng “mẹ ơi” ...

    Luôn quần nhau với địch, chiến trường khu V lại ác liệt, nên dẫu vẫn biết ơn, luôn nghĩ đến người mẹ đã cứu mình ở Duy Sơn, nhưng ông Hải không có cơ hội quay lại vùng địch để hỏi tên mẹ. Điều sơ sót khi ở giữa làn ranh sống chết đã làm ông ân hận mãi. Tháng 6 năm 1974, ông Hải quay về Đại Lãnh, Đại Lộc để chuẩn bị chiến dịch mới. Và ba tháng sau, ông đã tham gia trận chiến cuối cùng, quân cách mạng đã giải phóng được quận Thượng Đức. Cuộc giáp mặt khốc liệt giữa bộ đội chính quy, Sư đoàn 304, 324 phối hợp dân quân du kích với chi khu quân sự - quận lỵ Thượng Đức kéo dài đến 10 ngày. Đó là trận đánh lịch sử, có vai trò quan trọng trong việc làm bàn đạp giải phóng Hội An, Đà Nẵng, nhưng thương vong rất nặng nề cho cả 2 bên lẫn dân sự. Chỉ riêng lực lượng bộ đội chính quy - trên 920 người hy sinh, phía quân đội Việt Nam Cộng hòa (VNCH) - trên 1.600 người tử trận…

    Đại tá Ngô Thanh Hải kể lại, chiến sự đẫm máu, xác chết khắp nơi, nhiều người dân thiệt mạng, đồng đội ngã ngay trước mắt mình… Tất cả đã làm trái tim người lính như chai cứng lại, chất ngất những hận thù. Những ngày gần cuối trận chiến, ông bất ngờ chạm mặt 20 lính VNCH bại trận, nhiều người đang bị thương nặng, gom tụ lại trong một túp lều tranh, sát mương nước. Khi ông đến, tư thế người thắng trận, súng K54 cập kè oai vệ bên hông, toán lính VNCH hốt hoảng, cúi rạp người xuống lạy: “Xin ông tha mạng, chúng tôi chỉ bị bắt lính…” Nói vậy, nhưng có lẽ họ không tin lời van xin của mình sẽ được chấp nhận, nên ai nấy đều lấy tấm ảnh của mẹ, vợ, người yêu… trong túi áo mình ra như để nói lời vĩnh biệt: “Mẹ ơi!”, “Em ơi!”...

    Đại tá Ngô Thanh Hải thắp hương cho 920 đồng đội hy sinh tại trận Thượng Đức ở chiến trường xưa.
    Đại tá Ngô Thanh Hải thắp hương cho 920 đồng đội hy sinh tại trận Thượng Đức ở chiến trường xưa.

    Ông Hải kể, “những tiếng kêu thống thiết ấy làm tôi thấy cơn uất giận trong lòng chợt chùng xuống. Tôi đi qua chiến tranh, đi qua bom đạn, đối mặt sống chết bao nhiêu tháng năm, chứng kiến đồng đội mình ngã xuống tức tưởi, nên lòng chất chứa thù hận. Nhưng thật bất ngờ hai tiếng “mẹ ơi” đã làm tôi thay đổi. Tôi không chỉ nghĩ về những người mẹ của họ, mẹ của mình, mà tôi còn nhớ đến bà mẹ vô danh ở Duy Sơn đã cứu tôi. Trong số những quân nhân đang bị bắt lúc này liệu có con bà?”.

    Biết trận địa sẽ còn ác liệt, bom quét của Mỹ từ Đà Nẵng sẽ sớm “thu dọn” chiến trường, nên ông Hải đã lệnh cho dân quân du kích đưa nhóm tù binh xuống tận gò Mõm Lợn, tại ngã ba sông Kôn và Vu Gia. Đêm ấy, ông mất ngủ bởi ám ảnh những người lính bị thương đang quằn quại kia. Và rồi ông đề nghị trưởng du kích địa phương Nguyễn Khánh Kỳ Sơn dẫn đường, đi phá cửa nhà thuốc tây của bà Sáu Thành (lúc đó đã đóng cửa, sơ tán) để lấy băng gạc, thuốc men chữa trị cho nhóm tàn quân trước khi đưa họ lên trại A Vương. “Từ ngày bước chân vào quân ngũ, chúng tôi được giáo huấn là không được đụng đến, dẫu cây kim sợi chỉ của nhân dân. Vậy mà trong lúc loạn ly, tôi đã quyết định phá nhà thuốc, lấy y cụ, thuốc men để trị thương, cứu... quân địch. Chính tôi lúc ấy cũng nghi hoặc lập trường, quan điểm chính trị của mình. Nhưng rồi giữa trận mạc biết bàn bạc với ai. Hơn nữa mạng sống nhiều con người trước bờ vực nguy khốn nên tôi đã có quyết định trái quy định lúc bấy giờ”.

    Trong hơn 20 người lính VNCH ởTiểu đoàn 79, biệt động quân miền Tây được tha mạng, chữa trị vết thương lần đó hiện có ông Đỗ Minh Long vẫn còn sống tại Đại Lộc (Quảng Nam). Hơn 37 năm sau cuộc chiến, ông Long mới vô tình biết người y tá năm xưa đã theo lệnh ông Ngô Thanh Hải, chữa trị cho mình đang làm kế toán tại Cty cấp nước TP.Đà Nẵng. Ông đã tìm về thăm chị và thăm người đã tha mạng cho mình năm xưa.

    Sau khi nghe ông đại tá già Ngô Thanh Hải kể câu chuyện “sâu kín” của mình, tôi nhờ ông đưa lên Đại Lộc tìm gặp ông Đỗ Minh Long. Ông Long giờ cũng ngoài 60, là chủ cơ sở xay xát lúa, làm dịch vụ vận tải. Tuy không khá giả, nhưng cuộc sống đủ đầy. Hai trong số 5 đứa con trai của ông Long đã đi bộ đội. Cuộc sống ở Thượng Đức bây giờ trù phú, bình yên. Chỉ những vết sẹo bỏng do đạn B40 gây ra trên thân thể ông Long và ký ức buồn trong lòng ông Hải vẫn còn hằn in. Chúng tôi cùng nhau ra gò Mõm Lợn, đồi Ba Bến - nơi họ đã giáp mặt, tha mạng cho nhau năm xưa. Bây giờ, cả khu đất ấy nằm lọt thỏm trong khuôn viên chùa Hà Tân. Cạnh đấy, bia tưởng niệm ghi danh 920 liệt sĩ Sư đoàn 304 đã được nhà chùa dựng lên trang nghiêm, luôn nghi ngút khói hương.

    Riêng người mẹ Duy Sơn, đến bây giờ ông Hải vẫn chưa tìm được. Từ sau ngày giải phóng, nhiều lần ông cùng vợ là Lâm Thanh Phong - nguyên nữ điều dưỡng chiến trường Quảng Đà và các con trở lại chiến trường xưa, nhờ tìm giúp người mẹ năm nào nhưng đều biệt tin. Ông Hải có 3 người con gái, ngoài cô đầu lòng Ngô Thị Trâm Anh làm giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, hai cô em Ngô Thanh Tâm và Ngô Thị Vân Anh đều theo nghiệp mẹ, làm bác sĩ. Năm nào gia đình ông cũng lặng lẽ làm những chuyến từ thiện ở các vùng quê Quảng Nam, như để tri ân người mẹ đã cứu mình năm xưa.

    Theo THANH HẢI (Lao Động)

    Đừng bỏ lỡ

    Video đang xem nhiều

    Đọc thêm