Nữ giảng viên trẻ mê nghiên cứu biển Đông

Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 7 về biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” có một điểm mới là thiết lập mạng lưới nghiên cứu giữa các học giả trẻ đang nghiên cứu về vấn đề biển Đông tại các trường ĐH và trung tâm nghiên cứu trên thế giới. Điều này nhằm chuẩn bị thế hệ kế cận tiếp nối và phát triển những ý tưởng hợp tác ở biển Đông.

Bên lề hội thảo, một trong số ba nhà nghiên cứu trẻ người Việt Nam là ThS Nguyễn Ngọc Lan (29 tuổi, giảng viên khoa Luật quốc tế, Học viện Ngoại giao - đang là nghiên cứu sinh, chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ luật quốc tế tại ĐH Cambridge, Anh) đã chia sẻ với báo Pháp Luật TP.HCMvề những góc nhìn lịch sử pháp lý của nhà nghiên cứu trẻ với vấn đề biển Đông.

Niềm đam mê nghiên cứu biển Đông

Nguyễn Ngọc Lan sinh năm 1986 tại TP Huế, có mẹ là giảng viên khoa Sử, ĐH Khoa học Huế. Vốn từ bé mơ ước trở thành nhà ngoại giao, do đó Lan quyết định thi vào khoa Luật quốc tế của Học viện Ngoại giao.

Sau khi tốt nghiệp ĐH, chị được giữ lại làm giảng viên của khoa. Chị đã cùng các giảng viên khác trong trường tham gia viết đề tài, công trình nghiên cứu về biển Đông. Từ đó chị gắn với niềm đam mê nghiên cứu về Luật Biển, biển Đông cho đến bây giờ. Năm 2014, chị xin được học bổng và được Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao hỗ trợ sang Anh làm nghiên cứu sinh luật quốc tế tại ĐH Cambridge. Năm 2013, chị Lan cũng đã được ban tổ chức mời tham gia hội thảo quốc tế về biển Đông lần thứ 5 tại Hà Nội.

Chị Lan chia sẻ: “Lúc đầu tôi nghiên cứu về biển Đông vì đây là nhiệm vụ được giao nhưng sau đó càng nghiên cứu thấy rất hứng thú. Khi bảo vệ thạc sĩ tại Anh, đề tài tôi chọn là Khả năng áp dụng cơ chế của Công ước Luật Biển vào tranh chấp biển Đông. Rất may mắn cho tôi, giáo sư hướng dẫn tôi cũng là một giáo sư đầu ngành về luật quốc tế. Hiện giáo sư là thẩm phán của Tòa án Quốc tế về Luật Biển”.

Ngọc Lan cho hay hiện cô đang chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ, đề tài giải quyết các tranh chấp theo Công ước Luật Biển.

Các nhà nghiên cứu trẻ đang thảo luận tại Hội thảo quốc tế về biển Đông lần thứ 7, diễn ra tại TP Vũng Tàu, ngày 23-11. Trong ảnh: Nhà nghiên cứu trẻ Ngọc Lan (bìa phải). Ảnh: K.LY

Các nhà nghiên cứu trẻ ủng hộ Việt Nam

Chị Lan cho biết nhóm nghiên cứu trẻ được ban tổ chức kết nối trước khi hội thảo diễn ra. Nhóm gồm 10 thành viên đến từ bảy quốc gia, trong đó có Việt Nam, Úc, Brunei, Trung Quốc...

“Tinh thần của nhóm là luôn luôn thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia. Nhóm hy vọng tinh thần ấy sẽ được truyền tải tới các nhà hoạch định chính sách. Vì các tranh chấp trên biển Đông có thể vẫn kéo dài và các bên khó có thể nhượng bộ được. Các tranh chấp này rất căng thẳng và làm cho xung đột có thể leo thangˮ.

Theo chị Lan, nhóm tập trung đưa ra các giải pháp để các nước cùng hợp tác, giảm thiểu nguy cơ các tranh chấp biến thành xung đột.

Nhóm các nhà nghiên cứu trẻ có một thành viên đến từ Trung Quốc. Chia sẻ về các nội dung trao đổi trong nhóm, Ngọc Lan cho hay: “Qua email trao đổi, tôi thấy bạn có cách nhìn rất cởi mở. Nhưng cách nhìn và quan điểm của bạn ấy vẫn mang đậm tính Trung Quốc. Điều này là bình thường. Bởi mỗi nhà nghiên cứu trẻ cũng vẫn sẽ ảnh hưởng của quốc gia mình. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi, khi đã là nhà nghiên cứu, nhất là nghiên cứu về Luật Biển, cần cố gắng có cái nhìn khách quan nhất. Quan điểm của người trẻ có cái nhìn cởi mở hơn các thế hệ đi trước. Trong quá trình tham gia các hội thảo, gặp gỡ các bạn nghiên cứu trẻ về biển Đông tôi thấy các bạn quốc tế đều quyết tâm tìm hiểu, giúp Việt Nam tìm ra cách giải quyết tốt nhất về vấn đề biển Đông”.

“Tôi nghĩ với tôi cũng như nhiều bạn trẻ, anh chị nghiên cứu khác đều mong muốn có những công trình nghiên cứu có giá trị về biển Đông, Luật Biển để đề xuất, kiến nghị gửi tới các nhà lãnh đạo đất nước trong quá trình đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước” - chị Lan chia sẻ.

Đường chín đoạn của Trung Quốc là sai hoàn toàn

Theo chị Lan, nhóm nghiên cứu trẻ thống nhất trong chính trị có các nước phải thừa nhận là có tranh chấp thì mới đi tới giải quyết được. “Trung Quốc luôn khẳng định là không có tranh chấp ở Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam - NV), do vậy họ không chịu ngồi vào bàn đàm phán” - chị Lan nói.

Theo Ngọc Lan, về mặt quân sự thì các nước cần cố gắng phi quân sự hóa ở biển Đông. Về mặt pháp lý thì trong quá trình giải quyết, các quốc gia cần đặt Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 - UNCLOS lên hàng đầu.

“Mọi hành động của các quốc gia phải phù hợp với UNCLOS chứ không thể nói như đường chín đoạn như Trung Quốc tuyên bố. Tuyên bố như vậy là sai hoàn toàn. Không chỉ cá nhân tôi, học giả Việt Nam mà các học giả quốc tế trong các bài viết, nghiên cứu và ngay tại hội thảo lần này đã khẳng định Trung Quốc không có một cơ sở pháp lý nào để đòi chủ quyền với hết vùng biển Đông như thế” - Ngọc Lan bày tỏ quan điểm.

Quốc tế không đồng tình về cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc ở biển Đông

Chiều 24-11, hội thảo quốc tế lần 7 về biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao, Quỹ Nghiên cứu biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức đã bế mạc.

Qua bảy phiên làm việc, 32 tham luận và trên 100 ý kiến thảo luận, các đại biểu cho rằng tình hình thế giới có tác động tới tranh chấp trên biển Đông theo hai hướng. Một mặt, các quốc gia đều có lợi ích với một biển Đông hòa bình, ổn định và mong muốn đảm bảo quyền tự do, an toàn hàng hải, hàng không qua biển Đông. Theo đó các quốc gia đều mong muốn thúc đẩy hợp tác biển, trong đó hợp tác kinh tế biển đóng vai trò chủ đạo. Mặt khác, biển Đông là khu vực còn nhiều cạnh tranh, bất đồng, mất lòng tin, thiếu thống nhất giữa các nước về giải thích các khái niệm pháp lý và tồn tại những ranh giới chiến lược chưa rõ ràng, dễ dẫn đến hiểu lầm và xung đột.

Trên khía cạnh chính trị, chiến lược, các học giả nhất trí rằng để đảm bảo an ninh và ổn định ở biển Đông, các bên cần thực thi chính sách tự kiềm chế, giữ nguyên trạng, không thực hiện các hành động đơn phương trên biển Đông như quân sự hóa các điểm chiếm đóng hoặc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông. Tuy nhiên, một số đại biểu bày tỏ quan ngại về hoạt động cải tạo đảo trái phép với quy mô lớn, xây dựng đường băng và khả năng lắp đặt các trang thiết bị quân sự của Trung Quốc tại các công trình nhân tạo ở biển Đông. Các diễn biến mới này có thể dẫn đến chạy đua vũ trang tại biển Đông và đe dọa đến hòa bình, an ninh của khu vực.

Trên khía cạnh pháp lý, các học giả tiếp tục nhấn mạnh vai trò của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) là cơ sở để xác định các quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia tại các vùng biển ở biển Đông.

Tại hội thảo một số học giả Trung Quốc lập luận về quyền lịch sử mà Trung Quốc có thể vận dụng để giải thích đường chín đoạn ở biển Đông từ góc độ tập quán quốc tế. Tuy nhiên, lập luận này không nhận được sự đồng tình của nhiều học giả vì lịch sử đường chín đoạn được các học giả Trung Quốc xây dựng trên cơ sở số lượng hạn chế các tài liệu chính trị, không tham khảo các nguồn tài liệu khoa học đa dạng khác nhau của các nước. Đồng thời, một số học giả đã đặt câu hỏi với học giả Trung Quốc về một số vấn đề như giá trị pháp lý của đường chín đoạn, phạm vi rộng của quyền lịch sử, thực tiễn sử dụng biển trong lịch sử còn hạn chế, cũng như sự thiếu vắng tuyên bố giải thích chính thức của Trung Quốc. Bên cạnh đó, một số đại biểu chia sẻ về các nỗ lực giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trong đó có phán quyết của tòa trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc và tác động của vụ kiện với triển vọng giải quyết và quản lý tranh chấp tại biển Đông…

Phát biểu bế mạc, đại sứ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao, cho rằng năm 2016 là một năm rất quan trọng của khu vực vì có nhiều tác nhân như tình hình chính trị nội bộ các nước lớn và các nước có liên quan... Tình hình biển Đông có thể chịu tác động trái chiều từ nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến phức tạp, khó lường ở các khu vực khác trên thế giới…

Đại sứ cũng chia sẻ việc nghiên cứu sâu và kiến nghị các biện pháp cấp bách để các bên tôn trọng DOC, áp dụng UNCLOS như thế nào để duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác phát triển vì hòa bình, ổn định của biển Đông càng phải được đẩy mạnh hơn nữa.

KHÁNH LY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm