Nỗi niềm xe buýt - Bài cuối: Làm dâu trăm họ

Khách đi xe buýt nhiều thành phần và không phải ai cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh, tuân thủ nội quy trên xe buýt. Tài xế, tiếp viên làm việc miệt mài cả ngày đã rất mệt, lại dễ nổi cáu với những cảnh trái tai gai mắt do hành khách mang lại. “Nếu chấp nhận với nghề này, tôi mong anh em tài xế phải nhẫn nhịn mới hạn chế được tai nạn” - ông Lưu Bút Thông, một trong hai tài xế hiếm hoi đang “ôm” vô lăng xe buýt hai tầng ở TP.HCM, chia sẻ.

Từ chuyện 2.000 đồng…

Trong không gian nhỏ bé của xe buýt, sự ngột ngạt càng gia tăng khi có gần 100 con người đứng, ngồi lố nhố đầy chiếc xe buýt. Bảng nội quy về cấm hút thuốc, giữ gìn vệ sinh… trên xe buýt chi tiết, rõ ràng nhưng nhiều người vẫn lờ đi. Một người đàn ông trung niên áo quần xốc xếch ung dung phì phà khói thuốc, bất chấp sự khó chịu của những người xung quanh. Khi được tiếp viên nhắc nhở lại cau có rồi lớn tiếng: “Hút một chút mà làm dữ vậy?”.

Còn việc ăn quà vặt rồi vứt xuống sàn xe là chuyện thường ngày trên xe buýt. Thậm chí có người còn khạc nhổ bừa bãi trên xe mà nếu tiếp viên, tài xế nhắc thì y như rằng sẽ nhận được ngay những lời lẽ thiếu tế nhị. Tài xế Nguyễn Trọng Tấn (thuộc HTX Xe buýt Quyết Thắng) nhăn nhó: “Hành khách là thượng đế mà. Có người nhìn vào biết ngay bị nghiện ma túy nhưng từ chối chở họ là bị khiếu kiện, làm giải trình và có thể bị phạt nên đành phục vụ dù khi họ lên xe là gây khó chịu, phiền phức cho người khác. Khi khách xuống hết, xe vào bến là chúng tôi phải lao vào lau chùi, quét dọn rác, túi nylon ói do khách quăng bừa trên xe”.

 
Cả đời ôm vô lăng, tài xế xe buýt Lưu Bút Thông
(phải) bày tỏ nỗi lòng của mình với nghề. Ảnh: MP

Yêu cầu nhẫn nhịn, phục vụ hành khách luôn được các đơn vị xe buýt nhắc nhở như một tiêu chí quan trọng hàng đầu mà các tiếp viên, lái xe cần tuân thủ. Một lần tham gia buổi chấn chỉnh tiếp viên, lái xe, tôi lấy làm tiếc về một trường hợp tiếp viên đầu hai thứ tóc bị buộc nghe giảng đạo về “nhân tình thế thái” trong cung cách phục vụ hành khách đi xe buýt mà ông đã quá thuần thục. Người tiếp viên này vốn được đồng nghiệp, hành khách đánh giá điềm tĩnh, trung thực (nhặt điện thoại trả lại cho khách), thường xuyên giúp đỡ hành khách nên nhiều năm được Liên hiệp HTX Vận tải Xe buýt TP.HCM ghi nhận, tuyên dương. Vậy mà ông đã có lần thiếu kiềm chế trước thái độ ngông nghênh của một cô sinh viên đáng tuổi con, tuổi cháu.

… Trên chuyến xe hôm ấy, khi ông đến thu tiền vé thì một nữ sinh viên móc túi, đưa 2.000 đồng với vẻ mặt nghênh nghênh, ngó đi chỗ khác. Như cảm thấy bị xúc phạm, người tiếp viên già buột miệng: “Cô tưởng 2.000 đồng của cô lớn lắm hả? Chỉ bằng một lần tôi đi… vệ sinh mà thôi”. Thế là cô sinh viên kia khiếu nại. Nếu phủ nhận, chưa hẳn ông bị gì nhưng với lòng tự trọng của mình, ông đã viết biên bản tường trình, nhận lỗi để rồi bị lên lớp giảng giải phải quấy. Sau đó, ông bị phạt, bị đánh dấu giảm thưởng trong các dịp lễ, tết. Nhưng đau hơn, những cố gắng của ông trong nhiều năm liền đã trở về số 0. “Nghề này nó vậy chú à. Một việc tưởng chừng nhỏ nhưng không khéo xử lý thì có thể sẽ phải rút kinh nghiệm hoài thôi” - ông chua chát nói.

… Đến việc bị ép vi phạm

Một tài xế do để xảy ra va quẹt vừa được yêu cầu tập huấn, viết cam kết không tái phạm, nhìn nhận: Thực tế vẫn còn tồn tại nhiều trường hợp xe buýt ép xe máy. Nhưng không lấn, không đi vào làn xe máy thì có lẽ phải… giải thể xe buýt. Tài xế Nguyễn Trọng Tấn lý giải thêm: Lái xe không bị áp lực về lượng khách đi trên xe nên chuyện đua tài, giành khách giờ này ít xảy ra. Tương tự, nếu đường bị kẹt xe chỉ cần một cuộc điện thoại báo thì tài xế cũng không bị phạt vạ. “Nhưng tôi cam đoan 100% tài xế xe buýt hiện nay buộc phải vi phạm luật giao thông, vi phạm quy định của đơn vị” - ông Tấn nói.

 
Nhiều tài xế xe buýt mong muốn được tạo điều kiện để phục vụ việc đi lại của người dân tốt hơn. Ảnh: MP

Thời gian quy định cho hành trình suốt tuyến số 8, từ Bến xe quận 8 đến Bến xe buýt làng ĐH TP.HCM là một giờ 20 phút. Theo ông Tấn, việc chạy lố, đến gần hai giờ mới đi hết tuyến là bình thường nhưng với điều kiện là phải thường xuyên… chen vào làn đường của xe máy. “Tôi đã chạy thử rồi. Không phải lúc cao điểm nhưng nếu cứ làn đường ô tô mà nhích thì hơn ba giờ cũng chưa tới nơi. Với thời gian này chắc chắn hành khách sẽ từ bỏ xe buýt” - ông Tấn kể.

Vi phạm khá phổ biến nữa là xe buýt bị ép dừng… chưng hửng trước nhiều nhà chờ bị lấn chiếm. Đơn cử tại nhà chờ trước nhà hàng tiệc cưới Đông Phương ̣(đường Hoàng Văn Thụ, Tân Bình) thường xuyên bị taxi xếp hàng bịt kín, không dừng thì bị chủ xe buýt phạt nhưng dừng thì phải chiếm lòng đường, có thể bị CSGT lập biên bản, giam bằng lái.

Vượt qua áp lực của dư luận

Nhiều tài xế mà tôi tiếp xúc đã cận kề tuổi về hưu nhưng dường như lung lay trước áp lực của dư luận. Trước yêu cầu của công việc, hằng ngày từ 3 giờ 30 sáng, nhiều tài xế đã phải thức giấc để chuẩn bị cho chuyến xe đầu tiên và có người quá 22 giờ mới về đến nhà. Thậm chí có người nhiều lần rơi vào trường hợp đi sớm về muộn và cả tuần không gặp được con.

Thế nhưng điều ấy không làm họ khổ tâm bằng những lời lẽ, thái độ mà xã hội gán cho. Lái xe Lưu Bút Thông cầm vô lăng xe khách từ năm 1974 và liên tục từ 1983 đến nay lái xe buýt. Chưa đầy một năm nữa về hưu, ông chua xót: “Con tôi đưa bạn về nhà chơi, tôi không dám nói mình là lái xe buýt”. Tương tự, gần 10 năm cầm vô lăng xe buýt, tài xế Nguyễn Minh Hải, chạy tuyến số 8, kể rằng sau những vụ tai nạn gây ầm ĩ dư luận vừa qua càng làm nhiều người không thiện cảm với xe buýt. Đến độ con ông chỉ là học sinh lớp 7 đã hỏi: “Ba ơi, xe buýt chạy ra sao mà mọi người gọi là hung thần vậy?”, trong khi ông là một tài xế lái xe an toàn trong nhiều năm.

Tài xế Thông cho rằng lái xe là một nghề nên những ai đã chọn thì đều mong công việc ổn định để lo cho gia đình. “Chúng tôi xác định nghề của mình là phục vụ nên khi lái xe cần điềm tĩnh và kiên nhẫn. Chúng tôi thường chia sẻ với nhau về những kinh nghiệm, nhắc nhau cần cẩn thận, tránh các va chạm trên đường vì hằng ngày phải đối diện với những tình huống mà đôi khi thiếu kiềm chế là có thể gây họa. Áp lực là vậy nên cũng mong muốn có sự chia sẻ của xã hội, mong rằng người đi xe máy cũng đi lại trật tự hơn và xã hội tạo điều kiện để chúng tôi được tiếp tục phục vụ người dân” - ông Thông tâm tư.

MINH PHONG

 

Tự hào là tài xế xe buýt

Đường sá chật hẹp, xe buýt như bơi trong dòng thác xe máy hầu hết không kỷ luật thì có cẩn thận cũng khó tránh được tai nạn. Nhưng với tôi, trước vô lăng là sự an toàn của người đi đường và sau lưng mỗi chúng tôi là cả gia đình. Tôi cũng tin là không một lái xe nào mong muốn mình dây vào tai nạn. Cho nên tôi cảm thấy đau trước việc xe buýt bị quy kết là “hung thần” từ vi phạm của một số lái xe, tiếp viên.

Cuối tháng này tôi tròn 55 tuổi, sẽ hết tuổi chạy xe buýt. Tôi tự hào về nghề của mình, vì nếu không có xe buýt thì giao thông ở TP.HCM sẽ hỗn loạn ngay. Tôi xin cảm ơn xe buýt bởi suốt cuộc đời tôi đã gắn bó với nó và nhờ xe buýt mà con tôi được ăn học đàng hoàng.

Tài xế xe buýt PHẠM NGỌC MAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm