Lặng thầm nghề gây mê hồi sức - Bài 3

Nỗi buồn nghề nghiệp

“Ở Việt Nam hay phương Tây, phẫu thuật viên (PTV) và gây mê-hồi sức là ngang nhau nhưng PTV có sự ưu ái là “phong bì” của bệnh nhân. Nếu anh đến nhà bác sĩ gây mê thì sẽ thấy bình thường, còn đến nhà một bác sĩ trưởng khoa “cầm dao” thì sẽ khác. Song với chúng tôi, sau một ngày làm việc không có tai biến gì hết là hạnh phúc” - TS-BS Phan Thị Hồ Hải tâm sự.

Thành công không được nhắc, tai biến thì bị đổ thừa

TS-BS Hải nói nhiều người bực mình lắm vì bao nhiêu cái nặng nhọc, khó khăn thì PTV gọi đến gây mê-hồi sức, khi thành công thì gây mê-hồi sức không được nhắc đến. Nhưng đó là điều bực mình chứ không làm bà cay đắng.
Nhớ lại những năm hành nghề, bà kể: Có một bệnh nhân mổ tim phải đặt máy tạo nhịp tim nhân tạo, giá của cái máy là 4-5 cây vàng thời trước. Với bệnh nhân mà tim có vấn đề như vậy thì công tác gây mê-hồi sức rất khó khăn nên PTV mời bà đến. Khi bà làm xong và bệnh nhân xuất viện, “phú quý sinh lễ nghĩa”, công ty bán máy mời êkíp PTV đi ăn và không nhớ đến bà. “Tôi không phải ham ăn uống nhưng cảm thấy buồn” - TS-BS Hải kể.

Cũng như việc cắt khối u, PTV cắt lẹm động mạch chủ và được bác sĩ gây mê-hồi sức hỗ trợ thành công. Tuy nhiên, đến ngày giao ban, vị PTV kia không hề nói đến bác sĩ gây mê và PTV phụ giúp. Khi ông nói xong, TS-BS Hải đứng lên phát biểu: Tôi mừng cho bệnh nhân và PTV. Cái u quá to, một PTV không còn đủ tay nên con dao có lẹm vào mạch máu. Chúng tôi có mời PTV mạch máu vào hỗ trợ và bệnh nhân hôm nay tỉnh táo, khỏe mạnh. Cả hội trường vỗ tay hoan hô bà đã nói lên sự thật.

“Có những sự việc thấy trước mắt mà tức lắm nhưng không nói được. Hiện nay nhiều PTV mổ bướu cổ rất đơn giản nhưng ngày trước nhiều ca mổ không có kết quả, dù có can ngăn PTV nhưng họ vẫn cứ làm dù biết có tai biến. Nhưng sau đó là đổ cho gây mê-hồi sức chứ không nhận. PTV đổ thừa gây mê giẫm phải dây ôxy gây mất não. Do vậy có nhiều người chuyển qua làm hồi sức ở hậu phẫu vì nghề gây mê trong phòng mổ nguy hiểm” - TS-BS Hải nói.

 
Họ hạnh phúc khi một ca mổ thành công. Nhưng trong những thành công, tên của họ ít được bệnh nhân biết đến. Ảnh: TÙNG SƠN

PTV phải có mặt trước khi gây mê

BS Phan Thị Minh Tâm, Trưởng khoa Gây mê-Hồi sức, BV Nhi đồng 2, nhớ lại cách đây 3-4 năm, có một trường hợp đẩy vào phòng mổ sát trùng, gây mê, trải săn (vải che bệnh nhân), xong kiểm tra lại mới biết là nhầm bệnh nhân, rất may là chưa mổ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhầm là do bệnh nhân cùng tên, tuổi; cha mẹ bị rớt bảng tên con và nhặt nhầm. Do vậy nếu PTV không theo dõi gây mê mà chỉ vào đeo găng tay mổ thì vấn đề mổ nhầm là có thể xảy ra, đặc biệt là ở những ca đoạn chi thì rất nguy hiểm. “Nhầm bệnh, tiêm thuốc nhầm thì khoa nào, bệnh viện nào cũng có nhưng chúng tôi sai thì chúng tôi nhận trách nhiệm và khắc phục để không bị nhầm lẫn tiếp theo. Do vậy chúng tôi rút ra kinh nghiệm là làm gây mê không nên nôn nóng” - TS-BS Tâm nói.

Các bác sĩ cho biết dù mình có giỏi, có lường trước, dự phòng trước nhưng tai biến trong gây mê vẫn xảy ra. Thí dụ như cái u lớn chiếm từ 1/2 đến 1/4 trọng lượng em bé ở cùng cụt. Khi PTV vừa rạch da ra, khối u sà xuống, không đỡ kịp nên vỡ ra và chảy máu. Bệnh nhân chết trước mắt mà đành chịu.

Theo TS-BS Tâm, một PTV hàng đầu, họ luôn luôn vào xem gây mê từ đầu vì không phải ai gây mê cũng tốt. Có những trường hợp bác sĩ gây mê dung giãn cơ làm liệt cơ bệnh nhân. PTV còn phải dặn dò gây mê kỹ thuật tư thế nào cho tốt. Sau khi mổ, PTV cần nán lại theo dõi, xem gây mê có làm tuột ống dẫn lưu không. Vì có những ống dẫn lưu không thể đặt lại được, phải mở bụng lại.

Với PTV PGS-TS-BS Trần Đông A (nguyên Phó Giám đốc BV Nhi đồng 2) và TS-BS Trương Quang Định (Phó Giám đốc BV Nhi đồng 2) thì hai ông luôn vào từ rất sớm và khâu mũi chỉ cuối cùng và đẩy bệnh nhân ra ngoài.

Trong những lần được vào phòng mổ tại một số bệnh viện, PV chứng kiến bác sĩ gây mê đã gây mê bệnh nhân rồi mà PTV vẫn chưa đến. Có nhiều nguyên nhân được đưa ra như kẹt xe và đang… chạy sô.

Bất lực nhìn bệnh nhân tử vong

“Có trường hợp bệnh nhân bị tắc ruột non do u ruột già xâm lấn, nhiễm trùng nhưng không tìm rõ nguyên nhân. Chúng tôi hội chẩn và đề nghị mổ cứu bệnh nhân. PTV mổ ra thấy một ổ mủ kinh hoàng nên quyết định đóng ổ bụng. Các bác sĩ gây mê thuyết phục PTV rằng huyết động của bệnh nhân ổn, nếu không mổ mà đóng lại thì bệnh nhân sẽ chết. PTV đồng ý và từ từ bứng được phần mủ, cắt được khối u… và sau đó bệnh nhân được cứu” - ThS-BS Đào Thị Mỹ Vân, Trưởng khoa Gây mê-Hồi sức, kể.

Thế nhưng bên cạnh những ca cứu sống ngoạn mục, họ cũng là những người cuối cùng đưa xác bệnh nhân ra khỏi phòng. BS Vân cho biết có một bệnh nhân bị hoại tử nguyên ruột, mở bụng ra thấy ruột hư hết, động mạch nuôi ruột tắc hết và huyết động không ổn định, cả êkíp hội chẩn và quyết định đóng bụng bệnh nhân lại vì cắt hết ruột bệnh nhân cũng không sống được.

DUY TÍNH

Các bác sĩ gây mê BV 115 nhớ lại: Cách đây 2-3 năm, một bệnh nhân nữ vào với chúng tôi do xe tải cán ngang bụng, tạng lòi ra ngoài, chấn thương cột sống. Bệnh nhân không nằm ngửa được mà phải nằm sấp. Qua hội chẩn, anh em thấy không thể làm gì được nữa nên đành nhìn bệnh nhân chết dù trước đó vài giờ bệnh nhân còn tỉnh táo, nói chuyện bình thường. Một bệnh nhân khác chuyển viện đến do bị suyễn nặng, nhịp tim chậm. Bác sĩ gây mê-hồi sức đã dồn hết sức, hết tâm huyết để cứu nhưng bệnh nhân phù nề phế quản và diễn tiến nặng nên đã không qua khỏi.

Từ khoa Gây mê-Hồi sức cho ra biết bao nhiêu thông số để các anh (PTV) đi làm tiến sĩ. Ở nước ngoài và trong quân đội, khi họ nghiên cứu một vấn đề gì, điều đầu tiên là họ cảm ơn bệnh nhân đã cho họ làm, cảm ơn các đồng nghiệp hữu quan giúp đỡ cùng làm. Nhưng ở bệnh viện dân sự thì không làm như thế. Đã thế còn không bao giờ thèm nói đến gây mê-hồi sức.

TS-BS PHAN THỊ HỒ HẢI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm