DÂN CHƠI XẾ ĐỘC SÀI GÒN - BÀI CUỐI

Những ‘nghệ nhân’ phục chế xe cổ

Nhiều cuộc thi xe cổ đã diễn ra, đằng sau những chiếc xe đẹp đẽ đó còn có công sức của nhiều người thợ. Bằng sự cần mẫn, khéo tay của nhiều năm kinh nghiệm họ đã góp phần dựng lại những chiếc xe từng vang bóng một thời. Họ thực sự là những “nghệ nhân” làm xe.

Có rất nhiều người thợ- nghệ nhân như vậy tại Sài Gòn và bài viết chỉ giới thiệu hai gương mặt trong số đó...

Biến phế liệu thành hàng xịn

Nhiều người biết đến anh Nguyễn Đạt như là một tay lái xe Jeep thứ dữ, dù sắp 60 tuổi nhưng anh cùng chiếc xe Willy từ thời Đệ nhị thế chiến còn hơn cả tuổi anh vẫn đoạt nhiều giải thưởng tại các cuộc đua xe ô tô địa hình mấy năm gần đây. Anh cũng được biết đến với bộ ảnh giá trị chụp những người lính của cả hai phía trên đường phố Sài Gòn ngày 30-4-1975. Thế nhưng ít ai biết anh còn là người phục chế những chiếc Jeep theo cách khó có thể tưởng tượng ra.

Jeep A2, còn gọi là Jeep lùn, là dòng xe chiến tranh được sử dụng phổ biến ở miền Nam trước năm 1975. Sau vài chục năm hoạt động trong điều kiện chiến tranh, địa hình xấu nên xe hư hỏng nhiều, sau này quân đội thanh lý cũng ít ai đi vì dòng xe này uống xăng như uống… nước lã. Người ta nói vui là làm chủ cây xăng mới nên đi xe Jeep. Phong trào chơi Jeep chỉ bắt đầu vào năm 1990 khi Công ty Hùng Đại Dương nhập về một lô xe Jeep còn khá mới, gọi là “Jeep Vùng Vịnh” (cũng là Jeep A2 nhưng sản xuất sau 1975 và có một số cải tiến so với trước do quân đội Mỹ thanh lý để chuyển sang loại xe Humvee mới). Thích thú với vẻ đẹp “ngầu” mang phong cách bụi bặm của Jeep, người ta bắt đầu quay lại với những chiếc xe Jeep cũ kỹ bỏ phế lâu nay. Việc phục chế không đơn giản, một khi các xưởng quân giới đã chê không sửa nữa, phải thanh lý tức là xe đã nát lắm rồi, cả chục chiếc tráo đổi phụ tùng mới được một chiếc ngon. Chủ yếu các lò xe mua xe thanh lý để lấy bộ giấy tờ mà làm lại. Phụ tùng Jeep được nhập về nhiều để thay thế nhưng chỉ có máy móc, còn khung sườn, thân xe đều do thợ đồng Việt Nam đóng mới hoặc gia cố. Lúc này anh Đạt mới nảy ra ý định tận dụng phục chế những giàn đồng Jeep còn rất tốt bị đem làm phế liệu. Thường xe cũ (cũ chứ vẫn còn ngon lành lắm) ở nước ngoài người ta tháo máy xe và bốn bánh ra rồi đưa vào máy ép dẹp lép lại để tiện vận chuyển đến lò tái chế phế liệu. Anh Đạt nhận thấy do ép từ trên xuống nên chỉ có vỏ xe bị biến dạng, còn phần quan trọng nhất là toàn bộ giàn gầm xe vẫn còn nguyên vẹn, có thể tận dụng được nên anh Đạt cùng với bạn thân là anh Sáu Triệu (chủ garage Rạng Đông, chuyên Jeep) cùng bắt tay vào làm.

Để đưa mớ sắt vụn trở lại hình dáng cũ, anh Đạt gắn xích rồi dùng xe nâng kéo lên, dùng đội để đẩy lại các chỗ méo móp. Sau đó thợ đồng sẽ ép, gò, vỗ và gia cố lại như nguyên bản. Vỏ thép bị ép phục chế lại như vậy liệu có đảm bảo an toàn? “Vẫn bình thường vì là loại xe phục vụ chiến tranh nên Jeep được làm theo tiêu chuẩn rất cao, giàn đồng bằng thép loại tốt cực kỳ chắc chắn. Trong khi những chiếc Jeep được phục chế trong nước thì giàn đồng chỉ cần dùng thép dở hơn cũng đã “dư sức qua cầu” rồi” - anh Đạt giải thích.

Sau đó xe được lắp các phụ tùng nhập về mới toanh ngon lành. Thành phẩm bán trong nước cũng có mà xuất bán trở ra nước ngoài cũng có, giá bán ngay tại cảng là 10.000 USD/chiếc (thời giá cách đây 15 năm tương đương 20 lượng vàng 9999). Có câu chuyện mà chúng tôi chứng kiến cách đây bảy năm, khi đó diễn đàn hội Jeep có thành viên đăng ảnh một chiếc Jeep A2 ở Nhật quá đẹp nên mọi người vào hết lời khen ngợi, anh Đạt (lúc đó là hội trưởng Hội Jeep Sài Gòn) mới nói đấy là chiếc xe do chính anh làm bán cho họ. Ai cũng bán tín bán nghi. Anh Đạt mới nói mọi người nhìn trên cây cản xe có sơn một dãy sáu chữ số trên đó, không phải mã số quân đội đâu, mà đó chính là… sáu số cuối số ĐTDĐ của anh. Anh sơn số đó cũng như một cách ký tên lên sản phẩm của mình. Lúc ấy mọi người mới vỡ lẽ. Cũng như khi anh Nguyễn Đạt chia sẻ những bức ảnh lúc phục chế xe Jeep, có thành viên nói rằng nếu không có những tấm ảnh làm bằng chứng đó họ sẽ cho rằng anh “chém gió”, chứ không ai tin rằng người Việt Nam có thể có sáng kiến và tay nghề giỏi tới mức biến mớ thép phế liệu trở lại thành xe xịn như vậy được.

Anh Nguyễn Đạt (áo trắng) đang dùng xe nâng để kéo khung sườn chiếc Jeep bị ép dẹp. Ảnh nhân vật cung cấp

Anh Hoàng Vespa bên những chiếc xe mới phục chế. Ảnh: PTG

35 năm chuyên trị Vespa

Là một cậu bé quê miền Trung nhà nghèo phải bỏ học nửa chừng, vào Sài Gòn làm nghề phụ đẩy xe ba gác chở vật liệu xây dựng, cậu bé Trần Ngọc Hòa vẫn nuôi trong lòng giấc mơ được thay đổi số phận. Trong một lần đẩy xe tới kế bên một tiệm sửa xe Vespa ở Bình Thạnh, cậu đứng nhìn say mê người ta sửa xe cả lúc lâu. Ông chủ đang sửa xe kêu thợ đưa đồ nghề nhưng thợ đang bận làm, thế là cậu nhanh tay chạy lấy đưa ông chủ. Vài lần như vậy, ông chủ mới biết người đưa đồ là thằng nhóc đẩy xe ba gác. Nhìn cậu từ đầu tới chân, ông nói: “Nếu đẩy xe cực quá thì vô đây làm phụ”. Ban đầu chỉ cậu bé quét dọn, trông con, bưng bê đồ, dần dần ông chủ thấy lanh lẹ, sáng dạ nên thương cho ở lại nhà và bắt đầu dạy nghề sửa xe cho.

Ông chủ tốt bụng nhưng lại nóng tính máu điên, đụng chút không vừa ý là ông chửi bới, đánh đòn rất dữ nhưng cậu vẫn cắn răng chịu đựng vì quyết tâm phải học được nghề. Học ba năm, làm cho chủ tiếp ba năm để trả ơn xong cậu xin nghỉ để ra riêng. Sau khi cậu bé Hòa nghỉ một thời gian thì ông chủ cũng đóng cửa tiệm đi tu để thay tâm đổi tánh.

Đặt thợ làm bảng hiệu Hòa Vespa nhưng thợ lại làm thành Hoàng Vespa, anh cũng nhận. Cái tên này gắn luôn với anh 30 năm sau. Mới ra nghề, còn trẻ nên không dễ được khách tin tưởng giao xe, Hoàng chọn cách lấy giá rẻ, làm xe thật uy tín, đúng hẹn, xe đi lâu hư hơn. Xe Vespa không xài IC mà dùng vít lửa, việc chỉnh vít lửa ảnh hưởng rất nhiều đến việc vận hành xe. Thợ thiếu kinh nghiệm hoặc ẩu thường chỉnh ở một mức chung nào đó nhưng anh Hoàng luôn nghiên cứu kỹ khách hàng, tâm lý, cách đi xe của họ để chỉnh hợp lý. Người trẻ đi khác, ông già đi khác, mỗi người có tốc độ di chuyển, kéo ga khác nhau, chỉnh hợp lý vít lửa không tiết kiệm xăng nhớt đáng kể nhưng nó giúp người chạy xe thoải mái hơn, ít bị trục trặc, pan xe dọc đường. Thậm chí anh Hoàng nói đang đi trên đường nghe tiếng nổ xe Vespa sau lưng anh cũng nhận ra xe do chính mình làm. Tiếng lành đồn xa, nhiều người mang xe đến làm, rồi ở các tỉnh, thậm chí Hà Nội người ta cũng gửi xe vào.

“Bây giờ làm xe khỏe re, phụ tùng nhập cái gì cũng có, chỉ thay vào thôi, chớ hồi đó cực lắm, cái gì cũng thiếu thốn. Xe hư không có phụ tùng thay phải độ, từ bấm cái vít lửa đến làm lại cái mâm. Có mỗi cái cốt vít lửa có khi cũng không tìm được hàng, tôi phải đi kiếm mấy con ốc về lấy giũa bỏ răng đi, vừa giũa vừa canh chỉnh cho tới khi cho vào khớp thì người ướt sũng cả mồ hôi” - anh Hoàng nhớ lại.

Người chơi Vespa chia làm hai nhóm, nhóm thích xe nguyên bản và nhóm thích độ để xe mình trở thành riêng biệt không lẫn lộn với xe khác. Ngoài những yêu cầu cải tiến chút ít để tạo phong cách riêng vẫn có những đơn đặt hàng muốn chiếc xe trở thành “hổng giống ai”, tỉ như xe Vespa mà biến thành hình hài trông na ná như xe tay ga đời mới. Hơn 30 năm trong nghề, anh Hoàng chưa từng gặp phải yêu cầu nào mà khó quá làm không nổi, anh chỉ nói với khách là trăm hay không bằng tay quen, xe làm khác lạ mất thời gian nhiều hơn nguyên bản, chịu giá rồi cỡ nào cũng làm được hết. Đây cũng là điểm khác với dân chơi xe nước ngoài, họ hay độ xe mới, còn xe cổ thường thích nguyên bản. Mỗi năm tiệm nhận nhập phụ tùng về gia công giàn đồng làm khoảng 20 xe xuất cho khách nước ngoài, năm thì khách Pháp, năm nay khách Hàn Quốc, họ đặt nhiều mà anh Hoàng không dám nhận vì sợ làm không kịp, bị phạt. Anh muốn dành nhiều thời gian để làm cho khách trong nước. Khách nước ngoài trả giá cao nhưng khách trong nước mới là khách hàng ruột vì gắn bó lâu dài và làm nên tên tuổi cho anh.

* * *

Nhiều tay chơi xe cổ nước ngoài rất ngạc nhiên khi biết các lò phục chế xe cổ ở Việt Nam có thể gò đóng lại giàn đồng nguyên chiếc xe, từ hai bánh đến bốn bánh đủ hiệu chỉ bằng cây búa với cái đe thay cho giàn máy dập với khuôn mẫu mắc tiền. Đồ handmade (thủ công) bao giờ cũng mắc vậy mà giá thợ ở Việt Nam tính rất mềm, thành thử sau này các đơn đặt hàng ở nước ngoài về Việt Nam tăng dần lên. Chỉ theo công thức nhập các linh kiện về, kết hợp với gò hàn trong nước phục chế nguyên bản rồi xuất bán lại, nhiều lò xe cổ vẫn kiếm sống tốt thời gian qua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm