Những chuyện bổ sung về kho báu Hòn Cau (kỳ 1)

Thế nhưng, mấy ai biết đằng sau hàng chục ngàn cổ vật quý giá ấy còn có “câu chuyện buồn” của một lão ngư ông - người được cho đã phát hiện ra kho báu này.

Kỳ 1: CỔ VẬT BÍ ẨN CỦA MỘT THƯƠNG BUÔN HẢI SẢN

Trong một lần thu gom hải sản được ngư dân cho mấy món đồ “sành sứ”, không ngờ đó là những cổ vật được vớt lên từ con tàu bị đắm cách đây hơn 300 năm. Bằng sự nhạy bén của một thương lái, ông Ch. biết mình đã chạm tay vào kho báu...

SĂN LÙNG CỔ VẬT

Đầu năm 1989, giới buôn đồ cổ khu vực Đồng Khởi, Lê Công Kiều rỉ tai về một đường dây vận chuyển cổ vật từ ngoài tỉnh về TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ. Số đồ cổ này được cho là thu gom từ xác một con tàu cổ bị đắm trên biển Đông. Hàng hóa trên tàu được đồn đoán toàn bằng gốm sứ thượng hạng của Trung Hoa, nhưng tọa độ con tàu chìm ở đâu thuộc vùng biển nào vẫn là một bí ẩn.

Trong lúc giới chơi cổ vật còn hoài nghi tính xác thực của tin đồn thì bất ngờ thị trường đồ cổ ở TP.Hồ Chí Minh “dậy sóng”. Hàng loạt món đồ cổ có niên đại thế kỷ XVII của Trung Hoa như chén, dĩa, bình, chóe... đủ loại, bằng gốm sứ với hai màu xanh lam và trắng, nhiều loại còn bị hàu bám xuất hiện trên thị trường. Giới chơi cổ vật cho rằng đây là những món đồ cổ cực kỳ quý giá, được sản xuất từ thời Khang Hy, triều nhà Thanh, Trung Quốc. Khỏi phải nói, giới chơi cổ vật lúc bấy giờ bị hấp lực của nó thu hút đến mức nào. Người tranh nhau vung tiền ra thu gom, người dùng vàng đổi cổ vật, kẻ thì âm thầm điều tra nguồn gốc của chúng.

Sau thời gian, giới chơi cổ vật cũng lần ra được chút manh mối. Họ thấy cứ năm bảy ngày có một người đàn ông mang nhiều món đồ cổ ra đường Đồng Khởi, Lê Công Kiều chào bán. Họ thật sự “sốc” khi biết chủ nhân những món đồ cổ quý giá kia là một người có nhiều năm đi buôn khô mực từ Vũng Tàu về TP.Hồ Chí Minh. Ông ta có tên là Ch. Từ đây, đường dây vận chuyển cổ vật về TP.Hồ Chí Minh dần hé lộ. Lúc bấy giờ nhiều tay buôn đồ cổ có “số má” trên phố Lê Công Kiều đã cử “trinh sát” xuống các cảng cá ở Vũng Tàu để dò xét, nhưng họ hoàn toàn thất vọng. Vì ngay cả các chủ vựa cá lớn ở Bến Đá, Long Điền, Long Hải... cũng tỏ ra ngạc nhiên khi nghe nhắc đến “kho báu” này.

Bởi họ đâu biết rằng những món cổ vật kia khi vừa vớt về đến đất liền đều bị ông Ch. thâu tóm.

Những chuyện bổ sung về kho báu Hòn Cau (kỳ 1) ảnh 1

BUÔN KHÔ MỰC TRÚNG ĐỒ CỔ

Ông Ch. - một người buôn khô mực từ Long Hải về TP.Hồ Chí Minh những năm 1980. Trong một lần thu gom mực, ông Ch. được ông Năm Son (Lê Văn Son, nay 77 tuổi, ngụ thị trấn Long Hải) - một ngư dân câu mực trên vùng biển Vũng Tàu - tặng mấy món đồ “sành sứ” nói là mang về xài cho vui.

Theo lời ông Năm Son, khi ông Ch. nhận mấy món đồ “sành sứ” cũng tỏ ra thờ ơ vì cho rằng chúng chẳng có giá trị gì. Nhưng vì mối thâm tình, nể trọng là bạn hàng lâu năm với nhau nên ông Ch. miễn cưỡng mang chúng về Sài Gòn. Họ đâu biết rằng, mấy món đồ “sành sứ” kia khi về đến Sài Gòn thì được một tay chơi cổ vật phát hiện và mua với giá rất cao, có món lên đến vài cây vàng. Là một thương lái có cỡ, ông Ch. nhận ra mình đã chạm được một tay vào kho báu và giấu nhẹm nguồn gốc của chúng.

Sau khi bán mấy món đồ “sành sứ” cho giới chơi cổ vật, ông Ch. tức tốc quay lại Long Hải. Ông Ch. nói với ngư dân rằng, người nhà của mình trên thành phố rất thích xài những món đồ “sành sứ” mà lần trước mang về, vì trông chúng lạ mắt. Lần này, ông Ch. không có ý xin mà ngỏ lời mua lại. Bằng mối thâm tình của một bạn hàng lâu năm, ông Ch. không mấy khó khăn khi thuyết phục họ gom mấy món đồ “sành sứ” ra cho ông lựa chọn và tự định giá. Lúc bấy giờ một chiếc dĩa, bộ bình trà, hoặc cặp chóe... được trả giá tương đương 5 - 7kg khô mực. Có những chuyến ngư dân vớt về nhiều thì không còn tính món nữa mà tính bằng giỏ cần xé, nhưng cả hai đều hài lòng. Tội cho các ngư dân quanh năm chỉ biết lênh đênh trên biển, họ đâu thể ngờ rằng đã bị người bạn hàng lâu năm qua mặt.

Trái lại, lúc bấy giờ ngư dân thấy việc bán mấy món đồ “sành sứ” đem lại một số tiền lớn hơn nhiều so với một chuyến ra khơi. Từ đó họ âm thầm cho ghe câu ngày đêm hướng ra biển, thay vì câu mực họ tập trung lặn vớt mấy món đồ “sành sứ”.

Trong lúc ngư dân ra biển, ở đất liền ông Ch. thu mua lại những món đồ “sành sứ” mà nhóm ông Son tặng những người hàng xóm. Ông Ch. thu gom chừng nửa năm thì giới chơi cổ vật ở TP.Hồ Chí Minh phát hiện ra nguồn gốc của chúng. Nhiều tay chơi cổ vật lúc bấy giờ tức điên, bởi họ không thể ngờ một thương lái hải sản mà cũng qua mặt được họ.

Kể từ đây mở ra một cuộc “săn lùng” cổ vật lớn chưa từng có ở làng biển Long Hải, Vũng Tàu. Mỗi ngày có ít nhất vài ba tay chơi đồ cổ xuất hiện ở Long Hải, tìm mua những món đồ “sành sứ” mà ngư dân đang sử dụng. Các tay săn cổ vật nói đây chỉ là những loại đồ kiểu rẻ tiền của Trung Quốc. Trông thấy đẹp, thích xài mới bỏ tiền ra mua đến vài chục ngàn đồng/món, chứ chẳng có giá trị gì. Nghe bùi tai, có bao nhiêu đồ “sành sứ” vớt được, các ngư dân đành gom ra bán hết. Điều đáng nói, cho đến lúc này trong nhóm bạn câu của ông Son không ai biết đó là cổ vật, mà chỉ xem chúng là những món đồ “sành sứ” thông thường.

Trong khi đó thông tin về nguồn gốc những món đồ “sành sứ” dần đến tai nhiều nhóm ngư dân khác. Họ lần dò theo nhóm ông Son và phát hiện những món đồ “sành sứ” mà nhóm ông Son lặn vớt nằm ở tọa độ X, trên vùng biển Hòn Cau. Cũng chính từ đây, các nhóm ngư dân bắt đầu tìm hiểu những món đồ từ Hòn Cau đem về có giá trị như thế nào? Họ té ngửa khi biết rằng những món đồ vớt lên gần một năm qua toàn là cổ vật quý giá. Nhiều món như dĩa, chóe, bình trà... có giá trị lên đến vài cây vàng chứ không phải tương đương vài ba ký khô mực. Từ đây, ngư dân Long Hải, Long Điền, Long Đất... lao vào cuộc tìm kiếm.

Hòn Cau, vùng biển từng được coi là “sóng yên biển lặng” đến lúc này đã “nổi sóng”. Giới ngư dân không còn quan tâm đến việc đánh bắt hải sản nữa, thay vào đó là quyết tâm lặn vớt đồ cổ. Việc khai thác và buôn bán đồ cổ rầm rộ được ít lâu thì chính quyền địa phương phát hiện, khoanh vùng và cấm ngư dân khai thác.

Cũng theo ông Son, ông Ch. sau thời gian thu gom hết mấy món đồ “sành sứ” của ngư dân vớt về, ông ta phát hiện cha vợ ông Son còn mấy chiếc bình trà, bình bông và một số chén, dĩa, nên “gạ” mua hết, tất nhiên với giá rẻ. Song, cho đến lúc Nhà nước tiến hành khai quật thì không ai thấy ông Ch. xuất hiện ở Long Hải nữa. Người ta đồn rằng ông “trúng” đồ cổ nên bỏ nghề buôn mực.

Về tin đồn này ông Son cho biết, vài năm sau khi kho báu Hòn Cau được trục vớt, trong một lần vợ ông lên Sài Gòn mới phát hiện người bạn hàng năm xưa giờ trở thành ông chủ tiệm vàng khá lớn ở quận 1. Sau lần viếng thăm bất đắc dĩ này, vợ ông được ông Ch. tặng năm phân vàng để làm quà lộ phí!

(Còn tiếp)

Theo  KAO PHƯƠNG - DUY LUÂN  (CATP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm